Viết Tiếp Giấc Mơ Chinh Phục Vũ Trụ Của Con Người

Dấu mốc mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của con người

Chú thích ảnh
Nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian. Ảnh: history.com

Vào lúc 9 giờ 7 phút (giờ Moskva) ngày 12/4/1961, tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18.000 dặm/giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ.

Người ta không bao giờ quên được câu nói đầu tiên từ vũ trụ của Gagarin chuyển về Trái đất: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái Đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Đây cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp hành tinh.

Sau khi bay một vòng quanh Trái Đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Vonga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Sau này, trong cuốn “Đường vào vũ trụ”, Gagarin đã viết lại cảm xúc của mình khi đó: “Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: từ không gian bao la, tôi đã quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất”.

Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm hân hoan phấn khởi cho mọi người trên khắp thế giới. Thế là ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực. Pavel Popovich, một trong số 6 nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Nga, phát biểu: “Không có nhiều thành tựu có thể so sánh với những gì Gagarin đã làm được. Dường như Gagarin sinh ra là để cho những điều vĩ đại. Rất nhiều người khác cũng cố gắng làm nhiều điều trong vũ trụ song không một ai có được tiếng vang như Gagarin lúc bấy giờ”.

Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Liên bang Xô viết khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới. Kỷ nguyên con người nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ, kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Điều đáng tiếc là chỉ 7 năm sau chuyến bay đi vào lịch sử nhân loại, ngày 27/3/1968, người anh hùng Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, khi mới 34 tuổi.

Với những đóng góp lớn lao cho ngành vũ trụ Liên Xô và thế giới, Gagarin được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả của hòa bình và hữu nghị.

Một năm sau ngày Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, ngày 12/4/1962 đã được Liên Xô công bố là Ngày Vũ trụ. Đến năm 1968, ngày này đã được gọi là Ngày Hàng không và Vũ trụ thế giới. Sau đó, vào năm 2011, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chính thức công bố ngày 12/4 là Ngày Quốc tế chuyến bay có người lái vào vũ trụ và ngày này hàng năm đều được tổ chức kỷ niệm ở nhiều nơi trên thế giới.

Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian, ngày 9/4/2021 vừa qua, tàu vũ trụ Soyuz MS-18 của Nga đã thực hiện chuyến bay chở 3 phi hành gia gồm Oleg Novitsky và Pyotr Dubrov cùng phi hành gia Mark Vande Hei của NASA, cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 được đặt tên theo phi hành gia huyền thoại Gagarin và chân dung của ông đã được gắn bên ngoài tàu.

Tiếp nối giấc mơ chinh phục vũ trụ

Chú thích ảnh
Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 chở 3 phi hành gia rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ dấu mốc lịch sử khi Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, ngành hàng không và vũ trụ thế giới liên tục phát triển, mở rộng chinh phục nhiều khoảng không gian mới.

Từ đó đến nay, đã có hàng trăm công dân nam và nữ của nhiều nước trên thế giới có mặt trong vũ trụ, mà đối với nhiều trong số họ ngành vũ trụ đã trở thành một nghề nghiệp. Giờ đây, trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thường xuyên có phi hành đoàn quốc tế làm việc. Họ đại diện cho các nước và các châu lục Nga, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản… Trong các chuyến bay lên quỹ đạo, ngoài các nhà du hành còn có cả khách du lịch vũ trụ.

Riêng đối với nhiều phi hành gia, những chuyến bay vào không gian không còn là một điều gì đó siêu nhiên, họ cảm thấy sự có mặt của mình trên quỹ đạo như là một công việc bình thường. Trên Trạm vũ trụ quốc tế, họ nghiên cứu vận hành các hệ thống đảm bảo sự sống, tiến hành các thí nghiệm về thiên văn học, kỹ thuật, y-sinh... Họ cũng học được cách sống và làm việc dài ngày trên quỹ đạo gần Trái Đất, phóng các loại thiết bị và máy móc khác nhau lên các hành tinh gần và xa, chuẩn bị những chuyến bay có người lái lên sao Hỏa…

Từ khóa » Nhà Du Hành Vũ Trụ đầu Tiên Của Nhân Loại