Viết - Vẽ Bậy Lên Di Tích: Làm Biến Dạng Di Tích Và Méo Mó Giá Trị Văn ...

Di tích biến dạng vì vấn nạn viết - vẽ bậy

Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa bàn tán xôn xao về ý thức của khách du lịch khi “bạ đâu vẽ đó” khiến cho nhiều di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh, điểm tham quan trở nên nhem nhuốc, biến dạng… Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn “vẽ bậy”.

Cột cờ Hà Nội chằng chịt các nét vẽ, viết của du khách tham quan. Ảnh: Tùng Nguyễn.
Cột cờ Hà Nội chằng chịt các nét vẽ, viết của du khách tham quan. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Chỉ riêng ở Hà Nội, đi đến bất kỳ chỗ nào của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Hòa Phong, Cột Cờ Hà Nội… người ta cũng dễ dàng bắt gặp đủ các thể loại nét viết - nét vẽ - nét khắc. Theo những người làm công tác bảo vệ tại đây, trong số các ký tự và hình vẽ tại các điểm di tích này, không chỉ có tiếng Việt mà còn có cả tiếng Anh. Và đối tượng vẽ lên đây không chỉ có khách du lịch trong nước mà còn cả khách du lịch nước ngoài.

Vlogger Trần Việt Phương cũng cho biết, anh đã từng cảm thấy phát điên khi di tích ngàn năm tuổi tháp Bánh Ít ở Bình Định bị khách du lịch bôi bẩn bởi vô vàn những câu chữ và nét vẽ ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài của tháp.

Điều đau lòng là dù cách đó không xa, BQL di tích đã có tấm biển rất to quy định về nội quy tham quan di tích, trong đó Điều 4 của nội quy ghi rõ: “Không chăn thả gia súc, chặt cây, lấy đất và xâm phạm đến tài sản khác của di tích” nhưng nhiều người vẫn ngó lơ, vẫn ngang nhiên xâm hại di tích.

Cho đến nay, chính quyền sở tại vẫn chưa tìm ra biện pháp nào có thể ngăn chặn được tình trạng này. Các nét vẽ, các câu chữ vô nghĩa… vẫn ngang nhiên tồn tại trong lòng di tích.

Bà Trần Lan Phương - Hà Nội cũng chia sẻ, bà đã cảm thấy rất đau lòng khi mỗi lần đến thăm di tích nhà tù Côn Đảo tại Vũng Tàu lại chứng kiến cảnh nhiều bức tường hằn in dấu vết thời gian bị nhem nhuốc, loang lổ, biến dạng… bởi những nét vẽ, nét khắc và chữ ký. Những nét vẽ này đa phần viết bằng bút sơn, một loại bút mà khi khắc hoặc viết lên rất khó xoá.

Nhà Lí luận - Phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình chia sẻ, trong quá trình đi khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nhiều di tích, di sản, danh thắng… trong cả nước, ông đã chứng kiến cảnh tượng, chuông, trống, tháp, tường, đá, thân cây, chậu cây cảnh, bàn ghế… trong khuôn viên di tích bị khách du lịch vẽ - viết - khắc bằng đủ loại công cụ khác nhau.

Những dòng chữ bằng bút xoá, những vết khắc bằng đá trên bề mặt môt di tích ở Hà Nội. Ảnh Tùng Nguyễn.
Những dòng chữ bằng bút xoá, những vết khắc bằng đá trên bề mặt môt di tích ở Hà Nội. Ảnh Tùng Nguyễn.

Ngay cả những khu di tích nổi tiếng về mặt tâm linh và văn hóa như quần thể danh thắng Yên Tử - Quảng Ninh cũng không khó để bắt gặp câu chuyện này. Hoặc nhiều di tích và danh thắng ở Thừa Thiên Huế cũng nhiều năm phải chịu chung số phận.

“Hành động vẽ, viết, khắc lên di tích là vi phạm Luật Di sản văn hoá. Vậy nhưng ở Việt Nam, đã bao nhiêu trường hợp được phát hiện và đưa ra xử lý? Đã có cơ quan quản lý nào lên tiếng gay gắt và tìm cách ngăn chặn việc này chưa? Tại sao đến thời điểm này, vấn nạn này vẫn ngang nhiên tồn tại làm nhiều di tích bị xâm phạm và biến dạng?”, ông Nguyễn Đức Bình nói.

Làm méo mó đi những giá trị văn hóa - nét đẹp

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, việc vẽ - khắc lên di tích không chỉ là hành vi xâm hại mà còn làm biến dạng di tích. Ông lấy ví dụ, trong một số di tích của người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận... có một số tượng làm bằng đá sa thạch.

Khách du lịch đến đây dùng loại bút macker để viết đè lên những nét khắc hoặc vẽ lên thân tượng sẽ khiến cho mực ngấm vào đá. Và một khi mực đã ngấm vào đá coi như bức tượng đó sẽ bị hỏng vì không thể quét sơn phủ lên, không thể mài đi hoặc làm mờ được. Đó là một hành động phá hoại di tích - di sản cực kỳ nguy hiểm.

“Là một người nghiên cứu về di tích cổ, chúng tôi không phát hiện ra nhiều dấu tích viết vẽ bậy lên di tích của người xưa. Điều đó cũng có thể hiểu, người xưa đã rất ý thức trong việc tôn trọng và giữ gìn di tích. Vấn nạn viết – vẽ - khắc bậy lên di tích mới chỉ xảy ra những năm gần đây.

Những vết khắc trên tháp Hòa Phong - Hà Nội khiến những ai yêu mến Hà Nội không khỏi đau lòng. Ảnh: Tùng Nguyễn.
Những vết khắc trên tháp Hòa Phong - Hà Nội khiến những ai yêu mến Hà Nội không khỏi đau lòng. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Điều đáng nói là hàng ngày chúng ta vẫn nhấn mạnh đến sự phát triển và tiến bộ về dân trí, tư duy, tầm nhận thức... nhưng câu chuyện viết vẽ bậy lên di tích lại xảy ra ngày càng nhiều, trong đó đa phần do người trẻ làm.

Đặc biệt, từ khi có Luật về bảo tồn di tích với nhiều chế tài, quy định và cả tuyên truyền giáo dục nữa nhưng câu chuyện này lại ngày càng diễn ra với mức độ nặng nề hơn. Đây là một điều đáng buồn. Như câu chuyện một du khách viết chữ Việt lên một di tích ở Nhật Bản gây ồn ào vừa qua là một điều cực kỳ xấu hổ.

Tôi cho rằng, cần phải đẩy mạnh các giải pháp về giáo dục và tuyên truyền một cách mạnh mẽ, thiết thực hơn. Việc này phải được đưa vào trường học để giáo dục cho thế hệ trẻ từ khi các em còn nhỏ. Một khi ý thức bảo vệ di tích đã ngấm vào máu như các cụ ngày xưa sẽ góp phần hạn chế được tình trạng đau lòng này”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.

TS Phạm Quốc Quân - Thành viên Hội đồng di sản Việt Nam bày tỏ: “Hành động viết – vẽ bậy lên di tích là rõ ràng đang góp phần làm biến dạng di tích. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng, thậm chí xem thường thành trì mà ông cha để lại. Nó làm cho hình ảnh của di tích bị xấu xí đi khiến du khách văn minh nhìn vào như một thứ man rợ. Điều này cũng làm méo mó đi những giá trị văn hóa và nét đẹp của đất nước trong mắt du khách.

Tôi cho rằng, vấn đề ở đây vẫn thuộc về giáo dục. Giáo dục về lối sống, hành vi, kỹ năng và thái độ với di tích – di sản…. Chính sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn đến điều này, làm cho những người trẻ ngày nay thiếu đi thái độ ứng xử văn minh với di sản. Di sản chính là văn hoá, lịch sử, tinh thần… của bao nhiêu thế hệ chứ không phải chỉ duy nhất một thế hệ. Đó là một điều hết sức đau lòng.

Một điều mà tôi thấy cần phải quyết liệt đó là sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng. Tiếng nói của cộng đồng, xã hội… đi kèm với những hình phạt thật nặng đối với những đối tượng có hành vi thiếu sự tôn trọng di sản mới tạo ra những tiếng chuông cảnh tỉnh.

Chúng ta đã có Luật Di sản nhưng chúng ta chưa xử phạt những hành vi này chính vì thế mới xảy ra tình trạng di tích - di sản bị xâm phạm như ngày nay. Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ khi biết rằng, đối tượng viết - vẽ bậy lên di tích đa phần là những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chủ nhân tương lai của đất nước mà ứng xử với di tích – di sản kiểu đó khác nào phá nát”.

Hà Tùng Long

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử Bị Vẽ Bậy