Viettel Trên đường Hướng Tới "sếu đầu đàn" Công Nghiệp Quốc Phòng

Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Kế thừa quan điểm đó, dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh và thể hiện quan điểm mới: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”. Để làm rõ hơn, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có buổi trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày sản phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Viettel.

Làm chủ công nghệ cao để bảo vệ đất nước

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, phát triển một số ngành KH&CN mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước. Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, QP-AN trọng yếu. Đồng chí đánh giá gì về vấn đề này, liên hệ thực tiễn tại tập đoàn?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Kế thừa quan điểm đó, dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh và thể hiện quan điểm mới: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã trao đổi, hợp tác với hơn 120 đối tác từ 35 quốc gia, giúp tiếp cận các công nghệ tiên tiến, tìm kiếm nhà cung cấp, xây dựng mạng lưới chuyên gia - đối tác, tìm nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó rút ngắn thời gian nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo và định hướng của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, kỹ sư khối nghiên cứu sản xuất (NCSX) thuộc Tập đoàn Viettel, các sản phẩm trang thiết bị khí tài công nghệ cao (CNC) do Viettel nghiên cứu sản xuất đã có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và chất lượng sản phẩm, được người sử dụng là cán bộ, chiến sĩ các quân binh chủng đánh giá cao về độ tin cậy và tính thuận tiện cho công tác vận hành, phù hợp với điều kiện tác chiến Việt Nam. Kết quả này tạo tiền đề và là niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân trong việc sử dụng các trang thiết bị khí tài do Viettel sản xuất.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Viettel làm chủ những khí tài công nghệ cao.

PV: Đồng chí cho biết, kết quả thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của Tập đoàn Viettel theo nghị quyết của Đảng?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Thứ nhất, Viettel đã tạo được niềm tin cho Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về việc người Việt Nam làm chủ nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị quân sự công nghệ cao để bảo vệ đất nước từ xa. Những khí tài “Made by Viettel” đang được trang bị trong Quân đội là minh chứng rõ ràng nhất cho cơ sở đó.

Thứ hai: Viettel đã tạo luồng gió mới trong phát triển CNQP Công nghệ cao: thay vì chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, thì có thể huy động nguồn lực từ doanh nghiệp; thay vì làm theo kế hoạch thì Viettel chủ động đề xuất nhiệm vụ, cơ chế chính sách; thay vì dựa vào đối tác chuyển giao công nghệ thì Viettel tự chủ trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm. Hướng đi này phù hợp với xu hướng của những tập đoàn công nghiệp lớn trên toàn cầu, bao gồm cả những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, hay các quốc gia châu Âu khác.

Thứ ba, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất cung cấp, đảm bảo kỹ thuật các trang bị quân sự công nghệ cao giúp nhiều quân binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng, khả năng tác chiến của Quân đội; đảm bảo tính bảo mật, chủ động trong nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm kỹ thuật, bảo hành, bảo trì; giá thành hợp lý, góp phần tiết kiệm ngân sách quốc phòng trong việc nhập khẩu các trang thiết bị quân sự.

Thứ tư, Viettel đã từng bước xây dựng được cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, sản xuất đồng bộ, hiện đại và nguồn lực mạnh cho phát triển công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và công nghiệp quốc gia.

Thứ năm, lĩnh vực CNQP công nghệ cao đã từng bước đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của Viettel, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Đội ngũ nhân lực đóng góp vào sự phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia.

Xây dựng nền tảng hạ tầng công nghiệp vững chắc

PV: Chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng của tập đoàn trong thời gian tới như thế nào thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Chiến lược trong tương lai của tập đoàn là đứng trong Bảng xếp hạng các công ty quốc phòng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó tiếp tục phát triển, cung cấp cho Bộ Quốc phòng các trang thiết bị quân sự thế hệ mới, thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn nhờ ứng dụng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 (AI, Bigdata, IoT) và mở rộng ra không gian vũ trụ.

Viettel cũng sẽ phát triển công nghệ theo hướng lưỡng dụng, làm chủ công nghệ cốt lõi, sở hữu các bằng sáng chế độc quyền. Xây dựng nền tảng hạ tầng công nghiệp vững chắc bao gồm các hệ thống phòng Lab hiện đại, cơ sở sản xuất được quy hoạch đồng bộ, chuyên nghiệp, thông minh đáp ứng sản xuất lưỡng dụng; từng bước hỗ trợ việc hình thành hệ thống công nghiệp phụ trợ trong nước.

Cùng với đó là xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia; tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất; làm chủ khép kín toàn bộ mọi hoạt động của quá trình từ nghiên cứu đến thiết kế và sản xuất với chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu của thị trường cũng như trang thiết bị quân sự cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Làm chủ toàn bộ quá trình từ nghiên cứu đến thiết kế và sản xuất.

PV: Yếu tố con người đã được tập đoàn quan tâm, chuẩn bị như thế nào trong chiến lược phát triển của mình thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Viettel luôn chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ CBNV để thực hiện các nhiệm vụ CNQP, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ cho cán bộ, kỹ sư.

Tập đoàn đã có các chính sách thu hút nhân sự giỏi, gìn giữ nhân sự “key”, từng bước hoàn thiện chính sách để gìn giữ những nhân sự đã gắn bó, cống hiến nhiều thành tích cho tập đoàn. Xây dựng được môi trường làm việc nhiều thách thức tích cực, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động vừa qua đó tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Xây dựng được môi trường làm việc nhiều thách thức tích cực.

PV: Đóng góp của tập đoàn cho phát triển kinh tế đất nước và góp phần xây dựng hiện đại hóa quân đội thời gian qua?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Tập đoàn hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh (SXKD), tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (37 nghìn tỷ đồng). Các định hướng quan trọng lãnh đạo Tập đoàn đưa ra trong năm 2020 đều được thực hiện tốt (Giữ vững thị phần thuê bao di động tại Việt Nam 54%, lớn hơn cả 3 doanh nghiệp viễn thông khác cộng lại; Viettel đã vươn lên vị trí số 01 với 42% thị phần tại Việt Nam).

Thành công trong công cuộc chuyển đổi số, thể hiện cả trong chiến lược; trong chuyển đổi số nội bộ Tập đoàn (áp dụng mô hình quản trị hiện đại, hướng khách hàng và dựa trên phân tích dữ liệu lớn; Xây dựng các đơn vị trực thuộc tập đoàn thành các công ty công nghệ - đặc biệt các công ty truyền thống như VTpost, VCC, VTlimex,...); cung cấp nhiều sản phẩm số mang tính dẫn dắt thị trường, tiêu biểu như các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực Y tế, giáo dục, giao thông thông minh, chính quyền điện tử, thanh toán số....

Hoạt động đầu tư nước ngoài hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh, tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận (Doanh thu dịch vụ tăng trưởng 19%, lợi nhuận tăng trưởng 25%, cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng bình quân của thế giới (xấp xỉ 2%). Đặc biệt, năm 2020 là năm dòng tiền chuyển về nước lớn nhất từ trước đến nay, đạt 333 triệu USD.

Hoàn thành lời hứa với Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nghiệm thu sản phẩm thuộc Đề án A1; Sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng
Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam khai trương mạng 5G.

Viettel trên đường hướng tới "sếu đầu đàn" công nghiệp quốc phòng

Nguồn: Báo Quân Đội nhân dân Việt Nam

Từ khóa » Dương Quốc Chính Viettel