Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài (Trích Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng)
Có thể bạn quan tâm
I. Tiểu dẫn
- Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) quê ở Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội), ông là nhà văn có thiên hướng khai thác các đề tài lịch sử và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tiểu thuyết và kịch.
- Năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Tác phẩm tiêu biểu gồm: Vũ Như Tô, Bắc Sơn (kịch); Đêm hội Long Trì, Sống mãi với Thủ đô (tiểu thuyết)…
- Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử 5 hồi viết về sự kiện xảy ra ở Thăng Long vào khoảng thời gian (1516 - 1517) dưới triều vua Lê Tương Dực. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1941 với ba hồi và đăng trên tạp chí Tri Tân, sau đó được tác giả sửa lại thành năm hồi.
II. Văn bản (SGK)
1. Các mâu thuẫn cơ bản của vở kịch "Vũ Như Tô" trong hồi V:
- Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động và giai cấp thống trị:
+ Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh đã có từ trước nhưng đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì càng căng thẳng hơn.
+ Để xây dựng cửu Trùng Đài, triều đình tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối, thợ phải làm việc cật lực mà vẫn đói khát. Người dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt; còn Vũ Như Tô bị thợ thuyền oán trách do nhiều người chết vì tai nạn hay chết vì bị chém đầu do chạy trốn.
+ Trịnh Duy Sản can ngăn Lê Tương Dực, đòi đuối bọn cung nữ, giết Vũ Như Tô nhưng không thành mà còn bị đánh đòn.
+ Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào ở hồi thứ V và lên tới đỉnh điểm ở hồi cuối, hôn quân Lê Tương Dực bị giết, Nguyễn Vũ tự sát, Kim Phượng và đám cung nữ bị những kẻ nổi loạn nhục mạ, bắt bớ. Cửu Trùng Đài bị thiêu hủy.
- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân:
+ Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài năng, có khả năng "tranh tinh xảo với hóa công" nhưng ông không có đất dụng võ trong một xã hội thối nát, trong khi nhân dân còn đói khổ lầm than.
+ Nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ như Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng một công trình nguy nga, vĩ đại. Nhưng niềm khao khát được cống hiến, được sáng tạo chân thành đã đẩy Vũ Như Tô vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân, bị những người thợ coi như kẻ thù.
2. Tích cách và tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thềm.
- Tính cách và diễn biến tâm trạng Vũ Như Tô:
+ Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, hiện thân cho niềm khát khao, say mê sáng tạo cái đẹp, ông là một thiên tài "ngàn năm chưa dễ có một", có thể "sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ".
+ Vũ Như Tô là một nghệ sĩ có nhân cách, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả, dù bị Lê Tương Dực dọa giết, Vũ Như Tô vẫn chửi mắng tên hôn quân và kiên quyết từ chối việc xây dựng Cửu Trùng Đài. Ông cũng không phải là người hám lợi (khi được ban thưởng vàng, lụa, ông đem chia hết cho thợ).
Lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô chân chính nhưng cao siêu, thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử - xã hội của đất nước, xa rời đời sống hiện thực của nhân dân lao động. Vũ Như Tô không nhận ra thực tế tàn nhẫn: Cửu Trùng Đài xây bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhân dân.
+ Khát vọng nghệ thuật, đam mê sáng tạo chính đáng xuất phát từ động cơ chân chính muốn khẳng định tài năng, muốn tô điểm cho đất nước và làm đẹp cho đời nhưng đã đặt lầm chỗ, xa rời thực tế nên phái trả giá bằng sinh mệnh của bản thân và của cả công trình nghệ thuật.
+ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch, những say mê, khát vọng trong ông mâu thuẫn với hiện thực, suy nghĩ và hành động của ông có những bước sai lầm. Ông không nghĩ việc xây Cửu Trùng Đài là tội ác. Đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm báo cho Vũ Như Tô nguy cơ sẽ bị giết nếu không trốn, nhưng ông vẫn tin việc làm của mình là "chính đại quang minh", vẫn hi vọng sẽ thuyết phục được An Hòa Hầu, một trong những kẻ cầm đầu phe nổi loạn.
Chỉ đến khi ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá, thiêu hủy thì ông mới bừng tỉnh, đau đớn, kinh hoàng "Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!". Tếng kêu ấy chính là âm hưởng chủ đạo của đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
- Tính cách và diễn biến tâm trạng Đan Thiềm:
+ "Bệnh Đan Thiềm" theo quan niệm của Vũ Như Tô là "bệnh" mê đắm tài hoa của người sáng tạo nghệ thuật. Khi Vũ Như Tô mới bị bắt, ông nhờ Đan Thiềm "mách đường chạy trốn" thì nàng đã khuyên ông ở lại, thuyết phục ông mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật đồ sộ, vĩnh cửu.
Vì đam mê tài năng mà nàng luôn khích lệ Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, sẵn sàng quên mình để bảo vệ cái tài ấy. Đan Thiềm chính là người tri âm, tri kỉ của Vũ Như Tô.
+ Nếu Vũ Như Tô đam mê sáng tạo không chú ý đến hoàn cảnh xung quanh thì Đan Thiềm lại luôn tỉnh táo, sáng suốt trong mọi trường hợp. Biết chắc ước vọng xây đài lớn không thành, tâm trí nàng chỉ còn tập trung vào việc bảo vệ an toàn tính mệnh cho Vũ Như Tô.
Đan Thiềm năm lần bảy lượt thúc giục Vũ Như Tô "đi trốn". Nàng chắp tay lạy van xin: "Tôi xin ông, ông nghe tôi trốn đi" nhưng Vũ Như Tô vẫn bướng bỉnh chống lại số phận. Đến khi quân nổi loạn kéo vào, gươm giáo sáng lòe, biết Vũ Như Tô "có trốn cũng không được nữa" thì nàng đã khóc và nói với Ngô Hạch "Tướng quân nghe tôi. Bao nhiêu tội tôi xin nhận hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài".
- Diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong đoạn trích đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm.
3. Cách giải quyết mâu thuẫn giữa nghệ thuật cao siêu và lợi ích của nhân dân.
- Mâu thuẫn giữa nhân dân khốn khổ lầm than với bọn hôn quân bạo chúa cùng phe cánh của chúng đã được giải quyết dứt khoát. Bạo chúa Lê Tương Dực bị giết; Nguyễn Vũ (đại thần của y) thì tự sát; đám cung nữ bị những kẻ nổi loạn nhục mạ, bắt bớ.
- Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu với lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân chưa được giải quyết dứt khoát vì Vũ Như Tô cho đến lúc chết vẫn không nhận ra sai lầm, vẫn đinh ninh là mình vô tội. Vũ Như Tô không về phe hôn quân nhưng lại mượn uy quyền và tiền bạc của hắn để thực hiện hoài bão của mình nên vô tình gây thêm nỗi khổ cho nhân dân.
Vũ Như Tô có tội hay có công? Vũ Như Tô đúng hay những người giết Vũ Như Tô đúng? là những câu hỏi day dứt, tác giả đã bày tỏ nỗi băn khoăn của mình qua lời đề từ "Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?", chẳng biết "Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm".
4. Nghệ thuật đặc sắc của vở kịch trong đoạn trích.
- Bi kịch là một thế của loại hình kịch (đối lập với hài kịch), đặc điểm riêng của bi kịch là những mâu thuẫn, xung đột và nhân vật.
- Nhân vật chính của bi kịch thường là những con người có những say mê, khát vọng lớn lao; đôi khi có những sai lầm trong hành động và suy nghĩ. Số phận bi thảm của nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh, khơi gợi tình cảm nhân văn của con người.
- Tất cả những đặc trưng của thể loại bi kịch đều được thế hiện đầy đủ trong Vũ Như Tô. Riêng ở đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, việc giải quyết xung đột kịch được nhấn mạnh nhất. Các mâu thuẫn được đẩy lên đến tột đỉnh thì đó cũng là lúc tính cách và bi kịch của nhân vật được thế hiện rõ nhất, nổi bật nhất.
- Đoạn trích đã thể hiện rất rõ đặc sắc nghệ thuật kịch, ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tống hợp cao; qua ngôn ngữ và hành động kịch, tâm trạng và tính cách của nhân vật được diễn tả sâu sắc, xung đột kịch được đẩy đến cao trào.
Từ khóa » đan Thiềm Vũ Như Tô
-
Cảm Nhận Về Nhân Vật Đan Thiềm Và Vũ Như Tô - Văn Mẫu Lớp 11
-
Bi Kịch Của Vũ Như Tô Và Đan Thiềm Trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài ...
-
Phân Tích Nhân Vật Đan Thiềm Trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài
-
Phân Tích Và Cảm Nhận Nhân Vật Đan Thiềm Trong đoạn Trích Vĩnh ...
-
Nhân Vật Đan Thiềm : - Tài Liệu Text - 123doc
-
Dàn ý Phân Tích Hình Tượng Đan Thiềm Trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài
-
Phân Tích Và Nhận Xét Về Nhân Vật Đan Thiềm Trong Tác Phẩm Vĩnh ...
-
Dàn ý Phân Tích Nhân Vật Đan Thiềm Trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài
-
Nhân Vật Đan Thiềm – Người đồng Bệnh Với Vũ Như Tô
-
Hiểu Về Bệnh Đan Thiềm: Cái Đẹp Không Thôi Chưa đủ
-
Phân Tích Tấn Bi Kịch Vũ Như Tô Trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài ...
-
Phân Tích đoạn Kịch Vũ Như Tô Của Nguyễn Huy Tưởng
-
TOP 7 Bài Phân Tích Nhân Vật Vũ Như Tô Siêu Hay - Văn 11