- /
- Chỉ đạo tuyến và BV vệ tinh
Chỉ đạo tuyến và BV vệ tinh
Vĩnh biệt GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Trần Đỗ Trinh: Người Chủ tịch đầu tiên của Hội Tim mạch học Việt Nam Tweet
Trái tim của Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. Trần Đỗ Trinh, người Viện trưởng đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Tim mạch Việt Nam đã ngừng đập vào chiều ngày 8/6/2015 tại Bệnh viện Bạch Mai trong niềm tiếc thương vô hạn của biết bao đồng nghiệp, học trò, bệnh nhân và người thân trong gia đình.GS. Trần Đỗ Trinh sinh năm 1930, xuất thân trong một gia đình trí thức lâu đời ở Hà Nội. Trong thời kỳ Pháp thuộc, là một học sinh của Trường Bưởi, ông đã sớm giác ngộ Cách mạng, tham gia vào Việt minh với nhiều hoạt động tuyên truyền yêu nước, tham gia mít-tinh, rải truyền đơn, truyền bá các sách báo cách mạng, tham gia đội thanh niên cứu quốc khu Đồng Xuân. Năm 1947, người học sinh Trường Bưởi giàu lòng yêu nước ấy đã gia nhập bộ đội, công tác tại đơn vị Quân y liên khu 10, Việt Bắc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, vừa phục vụ chiến trường, ông vừa hăng say học tập nên được đơn vị chú ý cho đi đào tạo tại Trường trung học kháng chiến Chu Văn An. Một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời là năm 1950, ông được vào học tại Trường đại học Y Hà Nội, vào thời điểm đó đang sơ tán lên Việt Bắc. Trong thời gian học tập, cứ mỗi kỳ chiến dịch ông lại được điều về làm cán bộ quân y tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Trung đoàn 63, Sư đoàn 351... tham gia cứu chữa nhiều thương bệnh binh trong các chiến dịch Hồng Quảng, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên...Khi hòa bình lập lại vào năm 1954, ông được tiếp tục học tập tại Trường đại học Y Hà Nội và trong kỳ thi tốt nghiệp ra trường, ông được Hội đồng giám khảo do GS. Hồ Đắc Di làm chủ khảo xếp hạng “xuất sắc”. Với niềm đam mê và khả năng về lĩnh vực tim mạch, ông đã được Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch quyết định đưa về Bệnh viện Bạch Mai làm trợ lý cho GS. Đặng Văn Chung, cây đại thụ của ngành nội khoa Việt Nam. Cũng từ thời điểm quan trọng này, dưới sự chỉ đạo của GS. Đặng Văn Chung, ông đã cùng với các đồng nghiệp mà sau này đều trở thành những Giáo sư nổi tiếng của ngành tim mạch nước nhà như GS. Đỗ Đình Địch, GS. Phạm Khuê, GS. Phạm Gia Khải, GS. Bùi Thế Kỳ, GS. Đinh Văn Tài... đã xây dựng và hình thành dần dần từ Phòng khám chuyên khoa Tim mạch đầu tiên, Tổ nghiên cứu bệnh Tim mạch, Bệnh phòng chuyên về Tim mạch, Khoa Tim mạch đầu ngành và cuối cùng là Viện Tim mạch Việt Nam mà ông được bổ nhiệm là Viện trưởng đầu tiên của viện. Không những là người có công đầu trong việc xây dựng và thành lập Viện Tim mạch Việt Nam, ông cũng là người nhiệt huyết và tích cực vận động để cho thành lập Hội Tim mạch Hà Nội năm 1989, sau đó là thành lập Hội Tim mạch Việt Nam vào năm 1992 và liên tục làm Chủ tịch Hội từ thời điểm đó cho tới tận năm 2004. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được công nhận là thành viên của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (FACC). Nhắc tới GS. Trần Đỗ Trinh, người ta luôn phải nhắc tới một người thầy thuốc luôn đam mê về khoa học, luôn năng động và rất có tài trong công tác tổ chức. Là một người đặc biệt say mê với chuyên ngành tim mạch, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Rumani, ngay từ năm 1959, lúc những hiểu biết về điện tâm đồ còn rất sơ khai, ông đã miệt mài mày mò, nghiên cứu, ứng dụng và biên soạn nhiều bộ sách đầu tiên về “Điện tâm đồ” với chất lượng cao. Cho đến nay, sau khoảng 50 năm kể từ lần biên tập đầu tiên, những tài liệu về điện tâm đồ được ông biên soạn vẫn còn nguyên giá trị và là những hướng dẫn cơ bản, cần thiết với bất cứ sinh viên hay cán bộ y tế nào muốn bước đầu làm quen với những kiến thức cơ bản nhất về tim mạch. Ngoài những tài liệu về điện tâm đồ, ông còn biên soạn được 12 cuốn sách, biên dịch 15 cuốn chuyên đề, công bố 93 bài báo khoa học, trong đó có cả nội dung của nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ Y tế. Nhiều tài liệu biên soạn của ông như: Điện tâm đồ trong lâm sàng, Huyết động học trong lâm sàng, Sốc điện, Tạo nhịp tim, Những rối loạn nhịp tim... đã thực sự là những tài liệu cơ bản cho các sinh viên và bác sĩ y khoa trong thực hành lâm sàng. Ông cũng là người chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị như: Điều tra dịch tễ học bệnh tăng huyết áp, Điều tra bệnh thấp tim, Kết hợp y học cổ truyền dân tộc trong điều trị bệnh tim, Tê phù tim, Viêm cơ tim bạch hầu, Ảnh hưởng tim của ngộ độc Phốt - pho, Nghiệm pháp gắng sức phát hiện tăng huyết áp tiềm tàng... Đặc biệt, công trình Nghiên cứu điều trị rung nhĩ và các rối loạn nhịp bằng sốc điện được áp dụng lần đầu ở nước ta, đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. GS. Trần Đỗ Trinh cũng đã tích cực tham gia giảng dạy cho hàng nghìn sinh viên y khoa, cho các bác sĩ chuyên khoa định hướng, bác sĩ nội trú bệnh viện, cao học, nghiên cứu sinh,... Ông đã trực tiếp hướng dẫn cho 11 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học. Năm 1984, ông còn được cử đi công tác 1 năm tại Campuchia để góp phần giúp nước bạn trong việc đào tạo cán bộ về chuyên ngành tim mạch. Để góp phần hòa nhập vào nền tim mạch thế giới, GS. Trần Đỗ Trinh là người có công lớn trong việc đưa Hội Tim mạch Việt Nam gia nhập Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Heart Federation) năm 1992 và Liên đoàn Tim mạch ASEAN (AFC) năm 1998. Đối với Bệnh viện Bạch Mai, GS. Trần Đỗ Trinh đã gắn bó trong suốt hơn 40 năm qua, luôn cố gắng bền bỉ đóng góp công sức xây dựng trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của bệnh viện, kể cả những ngày bị địch đánh bom B52 ác liệt. Vừa là lãnh đạo chuyên ngành tim mạch, nhưng GS. Trần Đỗ Trinh còn kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai trong suốt nhiều năm. Với một phương pháp tổ chức khoa học, một tác phong làm việc nghiêm túc, ông đã góp phần đẩy mạnh và tổ chức thành công nhiều hội nghị khoa học của Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì đào tạo 19 khóa học bác sĩ chuyên khoa định hướng cho chuyên ngành tim mạch. Với những đóng góp không mệt mỏi về khoa học trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt cho chuyên ngành tim mạch của nước nhà, GS. Trần Đỗ Trinh đã vinh dự được nhận rất nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học, Huy chương Vì sức khỏe nhân dân, Bằng Lao động sáng tạo và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. GS. Trần Đỗ Trinh đã ra đi, nhưng tấm gương lao động nghiêm túc và những đóng góp của ông cho ngành y tế nói chung, cho chuyên ngành tim mạch nói riêng sẽ còn đọng mãi trong ký ức của biết bao đồng nghiệp, học trò và các bệnh nhân tim mạch ở khắp mọi miền đất nước. GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam Tin liên quan
- Có gì mới trong Hội nghị Tim mạch toàn quốc 2015: TIẾP CẬN MỚI TRONG CẤP CỨU TIM MẠCH (28/02/2017)
- Dân được gì từ dự án bệnh viện vệ tinh (28/02/2017)
- Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (28/02/2017)
- Bệnh động mạch ngoại biên (28/02/2017)
- Bóng phủ thuốc - Tiếp cận mới trong điều trị tái hẹp trong Stent (28/02/2017)
- Một số điểm mới trong hướng dẫn thực hành giảm cholesterol máu của Hiệp hội Tim mạch/ Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (AHA /ACC ) 2013 (28/02/2017)
TÌNH HÌNH BỆNH NHÂN ngày 14/8/2024 Tổng số bệnh nhân:
508 Số bệnh nhân vào:
133 Số bệnh nhân ra:
113 Số ca mổ:
4 Số ca can thiệp:
29 Bác sĩ trực ngày 28/11/2024 Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế Câu hỏi thường gặp Hỏi đáp
Các câu hỏi thường gặp về bệnh Tim mạch
-
Câu hỏi 1: Tôi hay bị hồi hộp đánh trống ngực, đó có phải là bị bệnh tim mạch không? Xin cho biết những biểu hiện thường gặp của bệnh tim mạch?
-
Câu hỏi 2: Các biểu hiện cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu là gì? Xin cho biết cách phát hiện và đối phó khi gặp tình huống đó?
-
Câu hỏi 3: Bệnh tim có di truyền không? Chồng mới cưới của em gái tôi bị bệnh hở van hai lá do thấp tim, vậy cháu tôi có thể bị bệnh tim không?
-
Câu hỏi 4: Động mạch vành là gì? Chức năng của nó ra sao?
-
Câu hỏi 5: Tôi 30 tuổi, nhịp tim thường xuyên 90 nhịp/phút, vậy có làm sao không?
-
Câu hỏi 6: Những nguyên nhân nào gây ra bệnh tim mạch?
-
Câu hỏi 7: Tôi năm nay 50 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá, huyết áp 150/60 mmHg. Khả năng tôi bị bệnh tim như thế nào? Làm sao ước tính được nguy cơ bị bệnh tim...
-
Câu hỏi 8: Hút thuốc lá ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào? Tôi đang hút thuốc nhưng muốn bỏ khó quá, có cách nào giúp bỏ thuốc lá không?
Video đào tạo
- Tọa đàm tim mạch học 2019: Một năm nhìn lại
- Cơn đau thắt ngực mạn tính ổn định
- Nhồi máu cơ tim có ST chênh lên và hội chứng vành cấp
- Bệnh viện vệ tinh với vấn đề cấp cứu tim mạch
- Một số kỹ thuật tiên tiến trong can thiệp tim bẩm sinh tại Việt Nam
Video