Vĩnh Biệt Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu - Báo Tuổi Trẻ
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - Ảnh: TTXVN
Hai ngày quốc tang nguyên Tổng bí thư, thượng tướng Lê Khả Phiêu 14 và 15-8 được tổ chức ở thời điểm rất đặc biệt, cả nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19. Ban tổ chức tang lễ yêu cầu tất cả các đoàn đến viếng thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, hạn chế số lượng người tham dự.
Viếng thủ trưởng
Có mặt từ sáng sớm 14-8 tại cổng Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, chúng tôi gặp một cụ già mặc quân phục bạc màu, trên hai vạt áo treo đầy các huân, huy chương, trong đó có huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Trên tay cụ cầm một tấm ảnh chụp chung với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại nhà riêng, ghi rõ: Cựu binh Cao Văn Bạt, thăm thủ trưởng Lê Khả Phiêu - nguyên chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2, tại nhà riêng nhân sinh nhật của thủ trưởng, ngày 27-12-2018.
"Mới gặp đây mà thủ trưởng đã mất rồi. Lúc nãy tôi nhìn thấy chị Bích (phu nhân cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - NV) trên sảnh nhà tang lễ, tôi gọi mà chị không nghe được. Cho tôi xin vào viếng thủ trưởng của tôi" - cụ Bạt nói.
Người của ban tổ chức lễ tang ra đưa cụ Bạt vào sảnh chờ. Người cựu binh mặc quân phục đeo hàm trung tá, vạt áo đầy huân, huy chương ấy đã hơn 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên, có đeo một thẻ đi xe buýt miễn phí cho người có công với cách mạng, ghi là ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ông cho biết mình từng chiến đấu ở các chiến trường Bình - Trị - Thiên, lính của thủ trưởng Lê Khả Phiêu, trong một trận chiến bị sức ép của đạn pháo, tuy may mắn thoát chết nhưng tai bị điếc. Mấy hôm nay đài, báo đưa tin thượng tướng Lê Khả Phiêu đã từ trần, cụ Bạt dứt quyết phải đến Nhà tang lễ quốc gia từ sáng sớm để chào tiễn biệt thủ trưởng đáng kính của mình.
"Toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN mãi mãi khắc ghi công lao của đồng chí, nguyện một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân... Vĩnh biệt đồng chí trong niềm tiếc thương vô hạn" - đại tướng Lương Cường, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, ghi trong sổ tang.
Bàn thờ ở làng Rồng và đất địa linh nhân kiệt
Lễ viếng chính thức nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Hà Nội, Thanh Hóa và TP.HCM, song tại một địa điểm ở cố đô Huế, người dân đã lập bàn thờ tưởng nhớ. Đó là làng Rồng (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) - nơi cơn lũ dữ lịch sử năm 1999 đã gây ra nhiều đau thương, mất mát. Vào thời điểm tuyệt vọng ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã về tận nơi đây, xắn quần lội nước, cứu trợ, động viên, chia sẻ với đồng bào.
"Từ cơn lũ lịch sử năm 1999, nhờ sự giúp đỡ của bác Lê Khả Phiêu mà chúng tôi mới có cơm ăn được ngày 2 bữa, 64 hộ dân thôn Hải Thành lúc xưa còn sống ở đây mới có được nhà để sinh sống và lập nghiệp trong suốt 20 năm vừa qua. Nay bác ra đi, xúc động mà không biết làm răng được, bà con lập bàn thờ nhớ bác, coi như nhớ công ơn của bác để lại" - ông Lê Văn Tải, tổ trưởng tổ dân phố An Hải, bùi ngùi chia sẻ. Ông Phiêu không chỉ đến thăm nơi đây trong thời điểm lũ dữ, mà sau đó còn nhiều lần trở lại để chứng kiến cuộc sống mới hồi sinh và phát triển.
Tại quê nhà Thanh Hóa, đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều bậc anh hùng cho đất nước, khói nhang buồn thương bao trùm thôn 2, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn từ sáng sớm. Tại khu nhà thờ của dòng họ Lê - nơi nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh ra, lớn lên, các bạn đoàn viên, thanh niên xã Đông Khê vừa dọn dẹp khuôn viên nhà thờ để đón các đoàn đến viếng, thắp hương tưởng niệm người con ưu tú của xã Đông Khê.
Phạm Thị Duyên, bí thư Đoàn xã Đông Khê, tâm sự với phóng viên Tuổi Trẻ: "Tôi vinh dự được hai lần gặp và trò chuyện với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, trong những lần bác Phiêu về thăm quê, chúc tết. Với phong thái, tính cách giản dị, gần dân, thân mật, bác luôn căn dặn cán bộ lãnh đạo, công chức của xã nói chung, đội ngũ cán bộ Đoàn nói riêng phải đoàn kết, gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bác Phiêu căn dặn đoàn viên, thanh niên ra sức học tập để có tri thức lập thân, lập nghiệp".
Người bạn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thời thơ ấu, ông Nguyễn Quang Lân (91 tuổi, trú tại xã Đông Khê) xót thương nhớ lại: "Mỗi lần về quê, anh Phiêu thường dành nhiều thời gian đến thăm anh em họ hàng, xóm giềng và bạn bè thời niên thiếu. Cuộc trò chuyện bên ấm nước chè râm ran xóm làng giữa chúng tôi với anh Phiêu thật gần gũi, thân tình. Trong khi trò chuyện, anh Phiêu thường dành thời gian căn dặn các cháu học sinh chăm chỉ học tập để có kiến thức sau này xây dựng quê hương, đất nước".
Ông Trần Văn Thu (54 tuổi, làng Rồng, thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) dọn mâm cơm cúng lên bàn thờ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Cơn đại hồng thủy năm 1999 đã cướp đi sinh mạng của 12 người thân trong gia đình ông Thu - Ảnh: L.CHUNG
Vĩnh biệt người Anh quý mến
Bắt đầu lễ viếng sáng 14-8 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng dâng vòng hoa tiễn biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều lão thành cách mạng cũng tham gia đoàn viếng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi những vòng hoa thành kính, tiếc thương nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
"Đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng đội và gia quyến đồng chí; đồng thời để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Xin nguyện noi gương đồng chí, tay nắm chặt tay, đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trên con đường cách mạng, ra sức phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Xin vĩnh biệt người đồng chí, người Anh quý mến, mong Anh mãi bằng an yên nghỉ nơi cao xanh, vĩnh hằng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động ghi trong sổ tang.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến viếng và viết những dòng xúc động trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Đồng chí là một người Cộng sản chân chính, đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm, nhà chính trị, quân sự đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước".
Viết những dòng "vô cùng thương tiếc" để "tiễn đưa một nhân cách lớn về nơi vĩnh hằng", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tưởng nhớ: "Với quan điểm rõ ràng, biện pháp quyết liệt trước biểu hiện làm suy yếu Đảng (thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ...); và với chính hành động gương mẫu của mình, đồng chí đã có công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, theo lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 70 năm tham gia cách mạng, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh kiên trung, thông tuệ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết".
Theo thông báo của ban tổ chức tang lễ, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu lúc 12h30 hôm nay 15-8 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Đồng thời tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và Hội trường 25B, tỉnh Thanh Hóa.
Lễ an táng lúc 14h cùng ngày tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
TP.HCM nguyện "đi trước và về đích trước"
Sáng 14-8, mở đầu lễ viếng tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam do ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy - làm trưởng đoàn đã vào viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động ghi sổ tang: "Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM luôn trân trọng khắc ghi sự quan tâm lãnh đạo và tình cảm sâu sắc của đồng chí đối với quá trình cách mạng của TP. Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí, chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu, sớm thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của đồng chí đối với Đảng bộ và Nhân dân TP mang tên Bác, sẽ "đi trước và về đích trước" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
TIẾN LONG
Thủ tướng Lào dự lễ tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả PhiêuTTO - Phát biểu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 14-8, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã thể hiện lòng thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của nguyên Tổng bí thư, nhấn mạnh đây là sự mất mát chung của hai nước.
Từ khóa » Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Mất Ngày Nào
-
Lê Khả Phiêu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Qua đời - BBC News Tiếng Việt
-
Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Qua đời ở Tuổi 89
-
Thông Cáo đặc Biệt: Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Từ Trần
-
Trực Tiếp Lễ An Táng Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu - YouTube
-
Tóm Tắt Tiểu Sử Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu
-
Tang Lễ Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Theo Nghi Thức Quốc Tang ...
-
Lễ Quốc Tang Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu
-
Niềm Tiếc Thương Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu ở đất Nước ...
-
Chính Trị - Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu: “Chúng Ta...
-
Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu | Vietnam+ (VietnamPlus)
-
Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Từ Trần - Dân Việt
-
Tiễn Biệt Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu Về Nơi An Nghỉ Cuối Cùng
-
Thông Tin Chính Phủ - TRONG 2 NGÀY QUỐC TANG (14-15/8)