Vĩnh Cơ – Wikipedia Tiếng Việt

Vĩnh Cơ永璂
Hoàng tử nhà Thanh
Thông tin chung
Sinh(1752-06-07)7 tháng 6, 1752
Mất17 tháng 3, 1776(1776-03-17) (23 tuổi)
Phối ngẫuBát Nhĩ Tế Cát Đặc thị
Tên đầy đủ
Ái Tân Giác La·Vĩnh Cơ (愛新覺羅·永璂)
Thân phụThanh Cao Tông
Thân mẫuKế Hoàng hậu

Vĩnh Cơ (chữ Hán: 永璂; 7 tháng 6 năm 1752 - 17 tháng 3 năm 1776), Ái Tân Giác La, là Hoàng tử thứ 12 cũng là đích tử của Thanh Cao Tông Càn Long Đế.

Là 1 trong 4 vị Hoàng đích tử thời Càn Long, Vĩnh Cơ là người duy nhất sống đến khi trưởng thành. Nhưng sự kiện của mẹ ông Kế Hoàng hậu Na Lạp thị cắt tóc vào năm Càn Long thứ 30 (1765) đã khiến ông trở nên bị lu mờ đối với Càn Long Đế.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng tử Vĩnh Cơ sinh vào giờ Dần, ngày 25 tháng 4 (âm lịch) năm Càn Long thứ 17 (1752), là con trai thứ 12 của Thanh Cao Tông Càn Long Đế và là con đầu lòng của Kế Hoàng hậu Na Lạp thị, Hoàng hậu thứ hai của Càn Long Đế. Ông là anh ruột của Hoàng ngũ nữ và Hoàng thập tam tử Vĩnh Cảnh (永璟).[1][2]

Càn Long Đế mỗi ngày đều sẽ tự đến thỉnh an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, nhưng vào ngày Vĩnh Cơ sinh ra, Càn Long Đế chỉ phái Thái giám đến báo, còn mình thì tự đến cung của Hoàng hậu (Dực Khôn cung) chào đón Hoàng tử ra đời.[3] Do mẹ là Hoàng hậu, Hoàng tử Vĩnh Cơ được xem là ["Hoàng đích tử"] - danh từ dùng để gọi Hoàng tử do Hoàng hậu hạ sinh. Sau cái chết của Đoan Tuệ Hoàng thái tử Vĩnh Liễn cùng Hoàng thất tử Vĩnh Tông, Vĩnh Cơ là Đích tử duy nhất vào lúc đó của Càn Long Đế. Càn Long Đế đối với sự ra đời của Vĩnh Cơ rất vui mừng, không chỉ có viết thơ kỷ niệm, còn báo với các đại thần cùng ông "chung vui".[4]

Tên "Cơ" của Vĩnh Cơ, cũng đọc "Kỳ", là loại ngọc thường dùng để đính trên các đồ dùng bằng da của Thiên tử. Đánh giá về Vĩnh Cơ, nhà sử học và ngôn ngữ học nổi tiếng Tiền Đại Hân (錢大昕), ở năm Càn Long thứ 38, ngày 12 tháng 1 (tức ngày 2 tháng 3 dương lịch), từng yết kiến Dưỡng Tâm điện, dạy bảo Hoàng tử Vĩnh Cơ, ông ghi như sau:「Dẫn đến Dưỡng Tâm điện. Nhận chỉ ở Thượng thư phòng hành tẩu, nhậm làm sư phó của Hoàng thập nhị tử. Mỗi ngày đều đến; 引見養心殿。得旨在上書房行走,派皇十二子師傅。自是每日入直。」. Sau khi làm thầy của Hoàng tử được 2 năm, ông ghi nhận Hoàng tử 「Thiên tư thuần túy, chí tính hơn người; 天資淳粹,至性過人。」.[5][6][7]

Năm Càn Long thứ 30 (1765), tháng 2, khi trong chuyến Nam tuần định mệnh, Hoàng hậu Na Lạp thị bị đưa về Bắc Kinh, sau đó thu hồi hết sách bảo, ấn phong, đồng đẳng phế hậu mặc dù không có chỉ dụ phế truất từ Càn Long. Năm Càn Long thứ 31 (1766), ngày 14 tháng 7, Na Lạp Hoàng hậu bạo băng. Càn Long Đế khi biết tin Hoàng hậu tạ thế, thì ông đang đi săn ở Mộc Lan Vi Trường (木蘭圍場). Ông không hề sửng sốt cũng như dừng cuộc đi săn lại, mà chỉ để con trai của bà là Vĩnh Cơ trở về Bắc Kinh chịu tang cho mẹ.

Năm Càn Long thứ 35 (1770), tháng 4, Vĩnh Cơ năm 18 tuổi thành hôn, Đích Phúc tấn là Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị (博尔济吉氏).[8][9]

Năm Càn Long thứ 36 (1771), phụ trách biên soạn 《Ngự chế Mãn Mông văn giám tổng cương - 御製滿蒙文鑑總綱》, năm đó Vĩnh Cơ mới 19 tuổi. Năm thứ 40 (1775), công việc hoàn thành, chỉ dụ: "Con làm rất tốt, nhưng có một số chỗ không rõ, sửa lại rồi trình duyệt.", lại có dụ: "Con làm được thế này, cũng đã hao tâm tư rồi", Vĩnh Cơ hồi đáp: "Thần nghe được lời dạy này, cảm thấy rất may mắn".[10]

Năm Càn Long thứ 41 (1776), ngày 28 tháng 1 (âm lịch), giờ Sửu, Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ bạo bệnh quy thiên, chỉ mới 23 tuổi. Chiếu dùng quy tắc Bất nhập bát phân để lo việc tang ma. Mộ của ông ở Chu Hoa sơn (朱華山) nằm ngoài Hỉ Phong khẩu (喜峰口) của Thanh Đông lăng, tức phía rìa Tây của Đoan Tuệ Hoàng thái tử lăng (端慧皇太子園), nơi chôn cất Hoàng nhị tử Vĩnh Liễn. Như vậy, dù các hoàng tử trưởng thành đều chôn ở Mật Vân nhưng Vĩnh Cơ lại cùng các hoàng tử chết yểu chôn bên cạnh nhau.

Thầy dạy của Vĩnh Cơ là Tiền Đại Hân thậm chí còn vì không kịp về dự tang Vĩnh Cơ mà khổ sở một thời gian, ông ấy nói bản thân chẳng làm được gì cho Vĩnh Cơ, người nhà cũng không nói cho ông chuyện Vĩnh Cơ qua đời, đến kỳ chay có tiền bối Nam hạ mới nói cho ông biết sự thật này, trăm ngày đã qua, không thể dự tang được nữa, nỗi đau này khác chi Giả Nghị khóc Lương Hoài vương năm xưa, từ đây có thể thấy được Tiền Đại Hân đối với cậu học trò này vô cùng yêu mến, vô cùng tiếc hận.

Tương quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Sinh thời, Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ có quan hệ tốt với các anh khác mẹ là Vĩnh Dung cùng Vĩnh Tinh, những hoàng tử này có sinh mẫu đều khá thân thiết với mẹ ông là Kế Hoàng hậu Na Lạp thị.[cần dẫn nguồn] Từ đánh giá của nhiều người đương thời[cần dẫn nguồn], có thể thấy Vĩnh Cơ thực sự là một thiếu niên "thuần túy", biết làm thơ, thường xuyên hầu giá săn bắn, có thể thấy được cưỡi ngựa bắn cung không tồi. Học giả Dương Trân trong Thanh triều hoàng vị kế thừa chế độ (清朝皇位繼承製度) đã bất bình thay Vĩnh Cơ, nói rằng các con trai của Càn Long Đế, trừ những người chết yểu, còn lại đều vì lý do khác nhau mà từng bị Càn Long Đế trách mắng, chỉ có Vĩnh Cơ trước sau luôn không bị Càn Long mắng lấy một chữ, chứng tỏ hành vi xử sự của Vĩnh Cơ không chê vào đâu được, người nghiêm khắc như Càn Long cũng không tìm được điểm xấu. Nhưng cũng có thể giải thích rằng Càn Long Đế đã lờ đứa con trai này, trừ khi cần người mặc tang phục cho người khác mới nghĩ đến ông.

Suốt cuộc đời Vĩnh Cơ không được Càn Long Đế ban phong tước hiệu gì, do không có tước vị nên dường như cũng không được phân phủ, có lẽ vẫn luôn ở trong cung. Chỉ khi qua đời, Hoàng tử Vĩnh Cơ mới được ban làm Bối lặc (貝勒) bởi người em trai của mình là Gia Khánh Đế. Bản thân Gia Khánh Đế từng ngẫu nhiên làm thơ để tưởng nhớ anh trai. Có bài sáng tác vào năm Càn Long thứ 50 (1785), khi Gia Khánh Đế (khi đó vẫn còn là Hoàng tử) đi thăm mộ của Vĩnh Cơ.

Căn cứ 《Học nhân hủy tụy đích Vĩnh Cơ bối lặc phủ - 學人卉萃的永璂貝勒府 》 của Đổng Bảo Quang (董寶光): "Vĩnh Cơ sinh thời chưa hoạch phong hào, phỏng chừng cũng không phân phủ....... Vĩnh Cơ phủ mạt đại phủ chủ Phổ Thắng huynh đệ 3 người, tới tháng 1 năm 1921 lấy 8.000 nguyên tiền Dương đem phủ bán với hoàng tổng thể thị. Bán phủ khế ước, cũ nghiệp chủ thuộc tên là: Kim Phổ Thắng, Kim Phổ Lâm cùng Kim Phổ Đa".

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ chỉ có một Đích Phúc tấn là Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị (博爾濟吉氏), được chỉ định vào tháng 6 năm Càn Long thứ 31 (1766), do Hoàng hậu Na Lạp thị mất mà phải đến năm Càn Long thứ 35 mới cử hành lễ. Không con.[8][9]

Do không có con, cũng không có người thừa tự, Càn Long Đế chọn Miên Tư [綿偲; 1776 - 1848], con trai thứ 4 của Thành Triết Thân vương Vĩnh Tinh làm con thừa tự của Vĩnh Cơ. Miên Tư sinh ngày 29 tháng 2 (âm lịch) năm thứ 41, chỉ tầm 1 tháng sau khi Vĩnh Cơ qua đời, nhưng khi vừa tròn 2 tháng tuổi đã được đem đi làm con thừa tự cho Vĩnh Cơ. Một chi hệ Vĩnh Cơ nhập Chính Hồng kỳ, cùng kỳ tịch với Quả vương phủ (hậu duệ Dận Lễ), Thành vương phủ (hậu duệ Vĩnh Tinh) và Chung vương phủ (hậu duệ Dịch Hỗ).

Năm Gia Khánh thứ 4 (1799), tháng giêng, Miên Tư được sơ phong Nhất đẳng Trấn quốc Tướng quân, 3 tháng sau thì Vĩnh Cơ truy phong Bối lặc. Năm thứ 24 (1819), lại phong Bối tử. Thời Đạo Quang, năm thứ 18 (1838), lấy lý do cùng đọc sách với Hoàng đế tại Thượng thư phòng, tấn Bối lặc. Qua đời, con Miên Tư là Dịch Tấn tập tước Bối tử, sau lại có Dịch Thiện tập Trấn quốc công.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Kế Hoàng hậu
  • Thanh Cao Tông
  • Thanh Nhân Tông
  • Quý tộc nhà Thanh

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ngọc điệp, Ghi chép của Tinh Nguyên Cát Khánh
  2. ^ Triệu Nhĩ Tốn (1928), Quyển 221, Liệt truyện 8 - Vĩnh Cơ truyện: 贝勒永璂,高宗第十二子。乾隆四十一年,卒。嘉庆四年三月,追封贝勒。以成亲王子绵偲为后,初封镇国将军,再进封贝子。道光十八年正月,谕曰:"绵偲逮事皇祖,昔同朕在上书房读书者只绵偲一人。"进贝勒。二十八年,卒,子奕缙,袭贝子。卒,弟奕缮,袭镇国公。
  3. ^ Trung Quốc đệ nhất lịch sử đương án quán (2002), Quyển 11
  4. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1799), Quyển 413:乾隆十七年四月: ○乙卯。上还宫。○户部议准、四川总督策楞疏称、大宁、荣县、威远、等三县。新添榷课增 引。请于发川余引内照数给发。从之。 ○丙辰。上御太和殿视朝。文武升转各官谢恩。 ○皇十二子永璂生 ○庚申。(出生第五天)○大学士管江南河道总督高斌奏、下江淮、扬、徐、海、等属。四月以来。天气晴和。又得时雨霡霂。二麦秋实。愈见坚好。大概均得丰收。现米价无增。民情宁谧。得旨、欣慰览之。北省今春及入夏。雨旸时若。二麦可定丰收。又皇后已生皇子。一切顺适吉祥。卿其同此喜也。
  5. ^ Tiễn Đại Hân (thời Thanh). “Quyển 33”. Tiềm Nghiêm đường văn tập.
  6. ^ Tất Vĩnh Thường (2000). “Bản hiệu đính "Giảng Đình nhật ký" của Tiễn Đại Hân (hạ)”. Thư mục hàng quý. 34 (2): 78.
  7. ^ Tiễn Đại Hân (thời Thanh). “Tiềm Nghiên đường văn tập 17”. Dự án văn bản tiếng Trung điện tử. tr. 37. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2018.
  8. ^ a b 《户部则例》:乾隆三十五年四月,皇十二子成婚,福晋父家亲族,台吉蟒噶拖玛之妻,管旗京章济尔噶尔之妻,均未封
  9. ^ a b 《十二阿哥福晉使女補撥事》二十五日總管內務府謹奏,為請旨事查得阿哥等娶福晉向來俱由福晉母家陪送使女八名,今十二阿哥福晉原帶來蒙古女子一名業已病故,現今惟有官女子一名。
  10. ^ 乾隆四十年,《御制满蒙文鉴总纲》完成,谕旨:"汝所进书甚好,但有眉目不清数处,改正后再行呈阅。"又奉谕旨:"汝所作之书亦费心矣。"永璂回忆:"闻命之下曷胜感幸。"(《日课诗稿》第25到26页,《进御览敬志长律一首》)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Triệu Nhĩ Tốn (1998). Thanh sử cảo. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101007503.
  • Triệu Nhĩ Tốn (1928). Thanh sử cảo.
  • Ngọc điệp. “Ái Tân Giác La Tông phổ”.
  • Mã Văn Đại (1998). Ái Tân Giác La Tông phổ. Nhà xuất bản Học Uyển. ISBN 9787507713428.
  • Trung Quốc đệ nhất lịch sử đương án quán (2002). Càn Long đế Khởi cư chú. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787563336906.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1985). Thanh thực lục. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101056266.
  • Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1799). Khánh Quế; Đổng Cáo (biên tập). Cao Tông Thuần Hoàng đế Thực lục. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2021.
  • “(清)(愛新覺羅)永璂” [(Thanh)(Ái Tân Giác La)Vĩnh Cơ]. Bảo tàng Cố cung Đài Loan. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2021.

Từ khóa » Hinh Nhi Và Nhị Hoàng Tử