Vĩnh Long Triển Khai Tổ Chức Các Hoạt động Hưởng ứng "Ngày Toàn ...

Ngày 11/7/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1368/QĐ-UBND về kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

1627568048.jpg

Với mục tiêu tập trung tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người gây ra; từ đó, giúp nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người trong quần chúng nhân dân.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh - Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh thực hiện những nội dung cụ thể như sau:                    

- Biên soạn, in, cấp phát băng rôn, tờ bướm tuyên truyền kiến thức pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người; thường xuyên cung cấp thông tin, thông báo các phương thức thủ đoạn hoạt động có dấu hiệu mua bán người để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phục vụ công tác tuyên truyền trong cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân.

- Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid - 19 để chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Bình Tân tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2022 cho phù hợp.

- Triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (thời gian từ ngày 01/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022). Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, đặc biệt là tình hình liên quan đến mua bán người trên không gian mạng, tập trung điều tra, thu thập, kịp thời bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người thông qua cho, nhận con nuôi trái phép ra nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động,... Tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân, thông tin, tài liệu trên báo chí hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng các nước, các tổ chức quốc tế chuyển giao nhằm kịp thời phát hiện, khởi tố điều tra vụ, việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người theo quy định của pháp luật; khi có vụ việc xảy ra khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân.

 - Thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (Karaoke, massage, khách sạn,… ) và các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trọng tâm là:  Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2022;  Định hướng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet đăng tải bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông…

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật phòng, chống mua bán người theo hướng đi vào chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như: phụ nữ, trẻ em, người thất nghiệp; trong các lĩnh vực như: xuất cảnh trái phép, cho nhận con nuôi, cho, hiến tạng, xuất khẩu lao động có yếu tố nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài,... Tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động; kết quả công tác phòng, chống mua bán người của lực lượng chức năng; về cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa; về đường dây nóng phòng, chống mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111). Từ đó, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và ý thức cảnh giác của Nhân dân, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia các hoạt động về phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả thiết thực.

 THUẬN ANH

Từ khóa » Dân Số Buôn Bán