Vĩnh Phúc: Yên Lập Mùa Chép đỏ - Tạp Chí Thủy Sản

Những ngày đầu tháng 12 âm lịch, không khí chuẩn bị cá chép đỏ tại xã Yên Lập phục vụ Tết ông Công, ông Táo đã bắt đầu nhộn nhịp.

Không ngại ngần thời tiết giá rét, những người nông dân đang chăm chỉ thả lưới, đánh giá, phân loại cá để lên kế hoạch chăn nuôi phù hợp, chờ đến Tết ông Công, ông Táo sẽ có được những con cá ưng ý, đủ lớn và khỏe mạnh để cung cấp cho thị trường.

Anh Trần Văn Dân, một hộ nuôi cá chép đỏ ở thôn Phủ Yên 1 chia sẻ: Việc nuôi cá chép đỏ không chỉ đầu tư vốn thấp mà còn tốn ít công chăn nuôi.

Bên cạnh đó, thời gian nuôi ngắn, chỉ khoảng 4 – 6 tháng trong năm nên con cá chép đỏ có thể thâm canh với các giống cá thương phẩm khác, làm tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích ao nuôi.

Năm nay, do dịch bệnh Covid – 19 nên cá chép đỏ tuy không được mùa nhưng lại được giá.

Cá chép đỏ bán ra thị trường có nhiều loại: Loại to từ 6 – 8 con/kg, loại trung bình từ 15 – 20 con/kg, loại bé từ 25 – 30 con/kg…; giá cá bán buôn tại ao dự kiến dao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg.

Sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi trung bình thu về từ 30 – 50 triệu đồng; một số hộ nuôi thả từ 3 – 5 ao sẽ thu về từ 80 – 100 triệu đồng, cá biệt có hộ có thể thu về vài trăm triệu đồng.

Riêng đối với gia đình anh Dân, với 3 sào mặt nước, anh thả nuôi 1,2 vạn con cá chép đỏ, dự kiến đến khi thu hoạch, sau khi trừ chi phí, gia đình anh sẽ thu về 30 triệu đồng.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại đây cho biết, tuy là mô hình thời vụ nhưng cá chép đỏ được nhiều thương lái thu mua do giống cá đẹp, có sắc đỏ óng ánh nên được ví với màu phát tài, phát lộc, mang lại may mắn trong dịp cúng Táo quân. Vì thế, nuôi chép đỏ đã trở thành nghề mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Tại nhà ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, một trong số những hộ nuôi cá lâu năm ở Yên Lập có rất nhiều thương lái đến mua cá chép đỏ phục vụ ngày 23 tháng Chạp.

nuôi cá chép đỏ

Vụ nuôi cá chép đỏ năm nay, gia đình ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập sẽ cung ứng ra thị trường 1,5 tấn cá với giá bán trung bình từ 100 – 120 nghìn đồng/kg.

Hiện họ đang tích cực phân loại cá theo kích cỡ để có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Ông Hòa cho biết: “Do nhu cầu của thị trường, chúng tôi nhập giống ở làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ); cứ khoảng tháng 7 – 8 âm lịch, các hộ nuôi cá chép đỏ sẽ xuống giống để đến khoảng 15 tháng Chạp vớt lên bể chờ thương lái đến thu mua.

Trong những ngày này, cả làng như một ngư trường thu nhỏ, tất cả phương tiện đánh bắt cá sẽ được huy động để thu hoạch cá chép đỏ.

Chỉ trong vài ngày, từ 20 – 22 tháng Chạp, thương lái ở mọi nơi tập trung về đây thu mua cá chép đỏ đã đặt trước để kịp cung ứng ra thị trường.

Sau vụ cá chép đỏ, bà con lại bắt tay nuôi các loại cá khác giống như: Cá trắm, cá trôi, cá lăng,… phục vụ thị trường quanh năm.

Vụ chép đỏ năm nay, ông Hòa thả nuôi 15 vạn con giống, dự tính đến khi thu hoạch sẽ được 1,5 tấn cá. Với giá bán buôn khoảng 100 – 120 nghìn đồng/kg, gia đình ông sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng.

Làng nghề nuôi chép đỏ ở Yên Lập không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn được các thương lái ở các nơi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Chu Văn Vui, thương lái ở Sơn Tây (Hà Nội) đã về tận Yên Lập để đặt hàng cá chép đỏ cho dịp cúng ông Công, ông Táo.

Ông cho biết: “Thời điểm đầu tháng 12 âm lịch, tôi thường về tận đây thăm nắm tình hình nuôi cá chép đỏ của bà con để đặt hàng trước.

Đến khoảng 19 – 20 tháng Chạp là về lấy cá đặt trước để phân phối cho các tiểu thương ở Chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội) – nơi vốn được nhiều người dân trong nghề biết đến là chợ thủy sản lớn nhất miền Bắc, chuyên cung cấp các loại cá nước ngọt.”

Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Toàn xã có hơn 300 hộ nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các thôn: Phủ Yên 1, Phủ Yên 2, Phủ Yên 3 và Phủ Yên 4.

Địa phương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích lên tới gần 100ha. Bên cạnh nghề ương cá giống, mô hình nuôi cá chép đỏ tuy mang tính thời vụ nhưng lại mang giá trị kinh tế cao cho người dân trong vùng, với khoảng 14 hộ thường xuyên nuôi trồng.

Không chỉ xuất bán hàng chục tấn cá chép đỏ cho thị trường, mang lại thu nhập ổn định và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nghề này còn mang ý nghĩa lớn trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, làng nuôi cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo ở Yên Lập sẽ lại tấp nập người mua kẻ bán.

Một cái Tết đầm ấm, sung túc đang đến rất gần với người nuôi cá chép đỏ nơi đây.

Người nuôi trồng thủy sản ở đây cũng mang trong mình suy nghĩ, tâm niệm phải giữ nghề, không những tạo ra con cá có chất lượng để phục vụ cho ngày lễ cúng ông Công, ông Táo nói riêng mà còn phát triển nghề ương cá giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương nói chung.

Từ khóa » Cá Chép đỏ Giống