Vinh Sử – “ông Vua Nhạc Sến” Và “ông Hoàng Nhận Vơ” - dio

Khán giả yêu nhạc vàng chắc hẳn sẽ không lạ với những bài hát bình dân trước 1975 như Nhớ Người Yêu, Thà Trắng Thà Đen, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Cô Thắm Về Làng… hoặc các bài nhạc vàng nổi tiếng như Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Bao Đêm Không Ngủ, Thao Thức Vì Anh…

Tất cả các bài hát bên trên đều được ghi tên tác giả là Vinh Sử. Tuy nhiên, một sự thật cần được nhắc lại là tất cả các bài hát này không phải của Vinh Sử sáng tác. Nói đúng hơn, nhạc sĩ Vinh Sử đã mạo nhận nhạc của những tác giả khác thành của mình, thậm chí đổi tên bài hát của người khác, điển hình là bài Em Là Tất Cả bị đổi tên thành Thao Thức Vì Anh. Mời bạn đọc tiếp để tìm hiểu nguyên nhân.

Chưa bao giờ ông tự thừa nhận, nhưng báo chí đã phong cho Vinh Sử biệt danh “ông vua nhạc sến”. Còn nhớ khoảng đầu thập niên 2000, lúc đó nhạc vàng được phổ biến rất hạn chế, đài truyền hình VTV đã làm một phóng sự về cuộc sống của nhạc sĩ Vinh Sử với tên chương trình là Vinh Sử – Ông vua nhạc sến.

Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944, tuổi khá trẻ so với các nhạc sĩ cùng thời. Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Bồng Nga Nữ, Chế Huyền Trân, Cô Phượng, Diễm Nhi, Đức Vượng, Hàn Ni, Linh Ngân, Ly Ca, Thục Chương… Ông gắn bó với dòng nhạc bình dân mang tính đại chúng. Các sáng tác của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì nó gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung ca khúc thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không “môn đăng hộ đối” giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.

Nhạc của Vinh Sử có lẽ là nhiều chất “sến” nhất trong dòng nhạc vàng. Thời thập niên 1980, 1990, nhạc của Vinh Sử phổ biến đến nỗi nhiều người đã gộp chung nhạc vàng thành nhạc sến, và gọi luôn dòng nhạc này thành tên “nhạc sến”, làm cho dòng nhạc vàng bị mang tiếng sến – oan ức cho đến tận bây giờ.

Trước năm 1975, Vinh Sử thực hiện các băng nhạc Kim Đằng và Thời Trang Nhạc Tuyển rất được yêu thích. Phong cách sáng tác của Vinh Sử được trong giới nhạc thời trước 1975 gọi là “dòng nhạc thời trang”, nghĩa là chỉ nhất thời, mang tính thời trang chứ không có nhiều giá trị lâu dài. Những sáng tác nổi tiếng nhất của Vinh Sử là Nhẫn Cỏ Cho Em, Bạc Màu Áo Trận, Năm 17 Tuổi, Gái Nhà Nghèo, Chuyến Xe Lam Chiều, Đêm Lang Thang, Đoạn Buồn Đêm Mưa, Không Giờ Rồi, Hai Bàn Tay Trắng, Nối Lại Tình Xưa, Mưa Bụi…

Sau năm 1975, Vinh Sử ở lại trong nước và tiếp tục sáng tác hạn chế. Nhạc của ông đa số là than thân trách phận, không mang yếu tố chính trị thời cuộc nên được phép hát trong nước. Thập niên 1990, ông sáng tác bài Mưa Bụi chung với nhạc sĩ Hữu Minh (tức Minh Vy, chồng ca sĩ Cẩm Ly) và trở thành hiện tượng Mưa Bụi lúc bấy giờ với các ca sĩ đình đám trong nước là Đình Văn, Tài Linh, Ngọc Hải, Thạch Thảo…

Năm 2006, Vinh Sử phát hành tập nhạc Tuyển tập Vinh Sử – Những tình khúc vàng và trở thành tâm điểm bị chỉ trích vì trong tập này có rất nhiều bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ khác.

Danh sách 1 số bài hát của các nhạc sĩ khác bị Vinh Sử mạo nhận là của ông sáng tác:

Áo đẹp nàng dâu – của Anh Bằng Chuyện tình dang dở – của Mộng Long bị sửa tên thành Thôi anh hãy về đi Đẹp lòng người yêu – của Ngọc Sơn & Tuấn Hải Đêm không ngủ – của Anh Bằng bị sửa tên thành Bao đêm không ngủ Đừng nhắc chuyện lòng – của Đài Phương Trang Em là tất cả – của Lam Phương bị sửa tên thành Thao thức vì anh Hình bóng người yêu – của Giao Tiên bị sửa tên thành Nàng yêu hoa tím Hoa mười giờ lỗi hẹn – của Hàn Châu bị sửa tên thành Tý Ngọ của tôi Lần đầu nói dối – của Giao Tiên Mất nhau rồi – của Ngân Trang (Giao Tiên) bị sửa tên thành Thà trắng thà đen Trao nhau nhẫn cưới – của Phạm Minh Cảnh Nhớ Người Yêu, Lại Nhớ Người Yêu, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm, Nàng xuân chung tình, Cô Thắm về làng, Hỏi vợ ngoại thành… (tất cả đều của nhạc sĩ Giao Tiên) Có thể thấy trong danh sách này, nhạc của nhạc sĩ Giao Tiên bị mạo nhận nhiều bài nhất. Trước năm 1975, Giao Tiên và Vinh Sử có quen biết nhau. Sau đó vì thời cuộc, hai người không còn dịp gặp lại. Năm 1997, cả hai có cơ hội trùng phùng và Giao Tiên đã đồng ý làm giấy ủy nhiệm cho nhạc sĩ Vinh Sử đứng ra thay thế ký kết các hợp đồng thu thanh, thu hình với các hãng sản xuất băng đĩa nhạc ở Saigon. Nhạc sĩ Vinh Sử đã thay Giao Tiên (đang ở Cam Ranh) nhận tiền tác quyền từ các hãng băng đĩa. Song theo lời nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ trên báo Thanh Niên vào năm 2006 thì: “Lúc đó tôi cũng không biết số tiền là bao nhiêu, thỉnh thoảng Vinh Sử đưa tôi năm, bảy chục ngàn nói là tiền thu băng đĩa”.

Theo nhạc sĩ Giao Tiên, trước đây khi sản xuất băng đĩa nhạc, nhạc sĩ Vinh Sử đã nhiều lần vi phạm bản quyền rất nhiều bài hát của ông. Đơn cử, nhạc sĩ Vinh Sử đã tự ý đổi tựa bài hát Mất nhau rồi thành Thà trắng, thà đen và tự ý ghi tên tác giả là Vinh Sử mà không có sự đồng ý của Giao Tiên. Từ năm 2000, Giao Tiên đã không quan hệ công việc với nhạc sĩ Vinh Sử nữa. Tuy nhiên năm 2006, Vinh Sử vẫn phát hành tập nhạc, đưa rất nhiều bài hát của Giao Tiên vào đó và ghi tên nhạc sĩ sáng tác là Vinh Sử. Đây là hành động vi phạm bản quyền nghiêm trọng và làm cho khán giả nhầm lẫn về tên nhạc sĩ sáng tác. Nhiều bài hát đã bị thay tên họ làm cho các khán giả quên luôn tên gốc của bài hát, điển hình nhất là Đêm Không Ngủ (bị đổi thành Bao Đêm Không Ngủ), Em Là Tất Cả (bị đổi thành Thao Thức Vì Em) và bài hát Mất Nhau Rồi (bị đổi thành Thà Trắng Thà Đen).

Đến năm 2009, nhạc sĩ Đài Phương Trang đã khiếu nại lên Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam về việc Vinh Sử mạo danh sáng tác trong 3 bài hát của Đài Phương Trang là Đừng nhắc chuyện lòng, Ước mộng đôi ta, Có bao giờ. Ngày 15/8/2009, nhạc sĩ Vinh Sử đã ký vào biên bản thừa nhận đã mạo danh người sáng tác trong các bài hát kể trên.

Thời điểm thập niên 2000, các bài hát của Lam Phương, Anh Bằng không được phổ biến trong nước để hát công khai, vì vậy có lẽ các nhạc sĩ này cũng không để tâm đến việc có một người “nhận vơ” nhạc của họ ở trong nước. Chỉ có các tác giả như Giao Tiên, Hàn Châu, Đài Phương Trang lên tiếng về các sáng tác của họ bị mạo nhận.

Sự việc mạo nhận này đến nay đã hơn 10 năm, diễn ra vào thời điểm nhạc vàng chưa bùng nổ như hiện nay, nên không được chú ý đến nhiều. Thời điểm đó các thông tin về nhạc vàng cũng hạn chế nên khán giả ít có cơ hội tìm hiểu về các tác giả và quá trình sáng tác nhạc vàng. Đến nay nhạc sĩ Vinh Sử cũng đã không lặp lại lỗi lầm năm xưa. Khán giả ngày nay cũng am tường hơn về lịch sử nhạc vàng. Tuy nhiên hậu quả của hành động mạo nhận năm xưa của Vinh Sử vẫn còn sót lại ít nhiều cho đến ngày nay. Nhiều bài hát của các nhạc sĩ khác nhưng khán giả vẫn nhầm tưởng là của Vinh Sử. Thậm chí gần đây trung tâm Thúy Nga vẫn phát hành bài hát Đêm Không Ngủ của Anh Bằng và ghi tên thành Bao Đêm Không Ngủ của Vinh Sử với tiếng hát Lam Anh. Người viết xin nhắc lại sự việc này để chúng ta nhìn nhận đúng công sức của các nhạc sĩ khi sáng tác các bài hát để lại cho đời.

Nguồn: Sưu Tầm

Từ khóa » Tiểu Sử Của Nhạc Sĩ Vinh Sử