Virus Cúm A: Phân Loại, Cấu Tạo Và 101 điều Bạn Cần Phải Biết - VNVC

Virus cúm A là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp ở người, với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu cần chủ động phòng ngừa chủng virus cúm nguy hiểm này.

Theo kết quả thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong do cúm mùa. Tại Việt Nam, dịch cúm mùa thường bùng phát vào mùa thu và đạt đỉnh điểm và các tháng mùa đông. Cúm mùa cũng có thể xuất hiện vào mùa xuân và những thời điểm bất thường có thể kéo dài đến tháng 5.

Trong vòng vài tháng qua, trên địa bàn cả nước ghi nhận nhiều ca nhập viện do mắc cúm A, đa số là các trường hợp bệnh nhi có biến chứng nặng nề. Nguy hiểm nhất là các trường hợp suy hô hấp, với các triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc đờm đặc lẫn máu, dẫn đến nguy cơ viêm phổi cấp, thiếu oxy, đe dọa tính mạng người bệnh.

Virus cúm A là gì?

Virus cúm A (Influenza A virus) thuộc họ Orthomyxoviridae, sở hữu bộ gen RNA. Virus cúm A là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cúm ở chim và một số động vật có vú. Trong một số trường hợp virus được truyền từ chim, thủy sản hoang dã sang gia cầm được nuôi nhốt trong các hộ gia đình, gây dịch cúm ở người.

virus cúm a
Virus cúm A là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cúm

Cấu trúc virus cúm A

Cấu tạo bên ngoài

Virus cúm A thường có dạng hình cầu đường kính 80 – 120 nm, nhưng đôi khi có dạng sợi. Nucleocapsid đối xứng kiểu xoắn trôn ốc chứa ARN. Vỏ ngoài cùng của virus cúm là một lớp lipid có nguồn gốc từ tế bào chủ mà nó đã nhân lên. Có 2 loại glycoprotein HA và NA xuyên qua màng tạo thành cấu trúc gai nhú với khoảng 500 chồi gai khác nhau, xếp xen kẽ bề mặt virus cúm. Tỷ lệ giữa HA và NA là khoảng 4:1.

Màng protein nền M1 (M: Matrix) bao bọc Nucleocapsid, phía ngoài màng lại được bao bọc bởi lớp lipid kép có nguồn gốc từ màng bào tương của tế bào chủ. Protein M2 đâm xuyên và nhô khỏi vỏ ngoài tạo thành các kênh ion. Bề mặt vỏ ngoài có những cấu trúc sợi cấu tạo bởi glycoprotein, tạo nên kháng nguyên hemagglutinin (hay kháng nguyên H) và neuraminidase (kháng nguyên N). Cấu trúc H và N là những kháng nguyên quyết định khả năng ngưng kết hồng cầu của động vật (1).

Cấu tạo bên trong

Bên trong virus cúm A là 8 ARN bao gồm bộ gen. Mỗi đoạn ARN được nối với các protein B1, PB2, PA và NP. Ngoài ra, protein NEP cũng được tìm thấy trong hạt virus. Phức hợp ribonucleoprotein (RNP) trong virus bao gồm các phân đoạn RNA của virus, được phủ bởi NP và RNA polymerase phụ thuộc vào RNA heterotrimeric, có các tiểu đơn vị PB1, PB2 và PA.

Cấu trúc bộ gen

Hệ gen của virus cúm A là RNA sợi đơn, bao gồm 8 phân đoạn gen riêng biệt được đánh số từ 1-8, mã hóa cho 11 protein khác nhau của virus gồm: PB2, PB1, PB1-F2, PA, HA, NP, NA, M (M1 và M2), NS (NS1 và NS2).

Các phân đoạn 1, 2 và 3 là những phân đoạn mã hóa, tổng hợp các enzym trong phức hợp polymerase của virus, có độ dài ổn định và có tính bảo tồn cao. Các phân đoạn 4 và 6 mã hóa cho các protein HA và NA bề mặt capsid của virus, có tính kháng nguyên đặc trưng theo từng chủng virus cúm A. Các phân đoạn M, NP và NS mã hóa tổng hợp các protein chức năng khác nhau của virus, có độ dài tương đối ổn định giữa các chủng virus cúm A.

Vậy virus cúm A có cấu trúc hệ gen được cấu trúc từ 8 phân đoạn riêng biệt và không có gen mã hóa enzym sửa chữa RNA, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện các đột biến điểm trong các phân đoạn gen/ hệ gen qua quá trình sao chép và nhân lên của virus hoặc trao đổi các phân đoạn gen của các chủng virus cúm đồng nhiễm trên cùng một tế bào, rất có thể dẫn đến thay đổi đặc tính kháng nguyên tạo nên các chủng virus cúm A mới.

Các loại (type) virus cúm A

Virus cúm tuýp A là loại virus nguy hiểm, có đặc tính dễ thích nghi, không ngừng phát triển trong các môi trường khác nhau. Virus cúm tuýp A có thể lây lan và phát triển trên động vật như gia cầm, lợn; gây ra những trận đại dịch cúm vô cùng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5%-10% người trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm. Trong đó, khoảng 3-5 triệu trường hợp tiến triển bệnh rất nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong vì bệnh cúm (2).

Cúm A chia ra làm nhiều phân nhóm khác nhau như: cúm A H1N1, cúm A H5N1, cúm A H7N9,… Các phân nhóm này dựa trên sự kết hợp giữa hai protein trên bề mặt virus: hemagglutinin(H) và neuraminidase (N).

  • Kháng nguyên H còn được gọi là tố ngưng kết hồng cầu giúp virus bám vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, từ đó xâm nhập vào trong tế bào. Kháng nguyên H còn có thể bám vào màng hồng cầu người và một số loài động vật khiến những hồng cầu này dính nhau, tạo thành một màng ở đáy ống nghiệm. Hiện tượng này được gọi là ngưng kết hồng cầu. Kháng thể tương ứng với kháng nguyên H là kháng thể ngăn ngưng kết hồng cầu có tác dụng bảo vệ.
  • Kháng nguyên N làm loãng chất nhầy ở đường hô hấp, giúp virus dễ dàng tiếp xúc với tế bào của niêm mạc. Kháng nguyên N còn giúp virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn, hỗ trợ cho sự lắp ráp các thành phần của virus và thoát ra khỏi tế bào. Kháng thể tương ứng kháng nguyên N có tác dụng bảo vệ cơ thể.

Kháng nguyên H và N quyết định khả năng gây bệnh của virus cúm và mang tính đặc hiệu của tuýp. Hiện có 15 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N. Những cách tổ hợp khác nhau của 2 loại kháng nguyên H và N tạo nên các phân tuýp khác nhau của virus cúm A. Trong những thập kỷ qua, cứ 10-12 năm lại xuất hiện một biến chủng mới, chủ yếu là một phân tuýp của chủng virus cúm A và trong một thời gian nhất định chỉ có một thứ tuýp duy nhất chiếm ưu thế.

Nguyên nhân của sự thay đổi kháng nguyên ở virus cúm là do Genome của virus phân thành nhiều đoạn. Có hai kiểu thay đổi kháng nguyên là: Hoán vị kháng nguyên và biến thể kháng nguyên.

  • Hoán vị kháng nguyên (antigenic shift): xảy ra khi có 2 hoặc nhiều chủng virus với nhiều đoạn ARN khác biệt nhau về mặt di truyền và cùng lúc xâm nhiễm vào một tế bào. Các đoạn genome hoán vị với nhau tạo ra chủng virus mới. Biến chủng virus lây nhiễm vào vật chủ mới. Hiện tượng hoán vị kháng nguyên chỉ xuất hiện ở chủng virus cúm A và là nguyên nhân gây nên những trận đại dịch cúm trên toàn cầu.
  • Biến thể kháng nguyên (antigenic drift): là quá trình đột biến ngẫu nhiên ở gen mã hóa hemagglutinin dẫn đến thay đổi một số loại axit amin trong protein hemagglutinin. Hiện tượng biến thể kháng nguyên có thể gặp ở cả 2 chủng virus cúm A và B, là nguyên nhân gây ra những vụ dịch cúm tại địa phương.

Virus cúm A tồn tại bao lâu?

Virus cúm A, nhất là virus cúm A H1N1 tồn tại khá lâu trong môi trường bên ngoài. Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, chúng có thể sống 48h trên các bề mặt thông thường như tay nắm cửa, bề mặt bàn, ghế… trong quần áo virus có thể tồn tại từ 8-12 giờ, duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.

vi rút cúm a tồn tại bao lâu
Virus cúm A có thể tồn tại trên các bề mặt thông thường lên đến 48h

Virus cúm A có thể tồn tại rất lâu trong môi trường nước. Chúng có thể tồn tại được lên đến 4 ngày trong nước ở nhiệt độ 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC. Vì vậy, các hồ bơi công cộng, hồ bơi trong khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho virus phát triển, nhất là trong tiết trời mưa dầm, thiếu ánh sáng để diệt virus.

Khả năng lây bệnh của virus cúm A

Virus cúm A đi vào cơ thể qua đường hô hấp, xâm nhiễm các tế bào niêm mạc đường hô hấp trên, gây tổn thương niêm mạc khiến người bệnh xuất hiện các phản xạ ho và hắt hơi. Bệnh cúm A có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến nhanh chóng, sức miễn dịch cao nhưng không lâu bền. Đó là những nguyên nhân khiến bệnh cúm dễ lây lan và bùng phát thành những trận đại dịch lớn.

duong lay virus cum a
Virus cúm A đi vào cơ thể qua đường hô hấp, gây tổn thương niêm mạc khiến người bệnh xuất hiện phản xạ ho và hắt hơi

Phòng ngừa virus cúm A

Để phòng ngừa hiệu quả virus cúm A, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo:

  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi các bề mặt thường xuyên tiếp xúc bằng chất sát khuẩn thông thường;
  • Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm như sốt, ho, đau họng,… nên thông báo ngay cho các trường học, cơ quan, đoàn thể, nơi học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu xác định mắc cúm, người bệnh cần đeo khẩu trang và được cách ly;
  • Người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh;
  • Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách tối thiểu trên 1 mét trong trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh;

Đặc biệt, để phòng ngừa hiệu quả cúm A, người dân nên chủ động tiêm phòng các loại vắc xin sẵn có tại VIệt Nam như: Influvac tetra (Hà Lan), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp) vắc xin phòng cúm Tứ giá thế hệ mới, phòng được 4 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và B (Yamagata, Victoria).

Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)

Vắc xin được chỉ định để phòng 4 chủng cúm, trong đó có 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria) cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, đặc biệt trên những người có nguy cơ cao mắc bệnh và diễn tiến nặng, giúp phòng nhiều chủng cúm hiệu quả.

Phác đồ tiêm vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng được tiêm vắc xin cúm: 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.
  • Trẻ dưới 9 tuổi đã được tiêm ngừa cúm và Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.

Vắc xin Influvac tetra (Hà Lan)

Vắc xin Influvac tetra (Hà Lan) được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần
  • Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Từ 9 tuổi trở lên: lịch tiêm duy nhất 1 mũi và nhắc lại hằng năm.

Vắc xin Ivacflu-S (Việt Nam)

Vắc xin Ivacflu-S 0,5ml (Việt Nam) phòng cúm ở đối tượng người lớn từ 18 đến 60 tuổi.

  • Người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi): Tiêm 1 liều và sau đó nhắc lại hằng năm.
phong ngua virus cum a
VNVC là đơn vị có đầy đủ các loại vắc xin phòng cúm hiện đang có mặt trên thị trường

Là đơn vị có đầy đủ các loại vắc xin phòng cúm đang có mặt trên thị trường cùng nhiều loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm khác cho trẻ em và người lớn, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tự hào là địa chỉ vàng tiêm chủng đáng tin cậy, được nhiều người dân lựa chọn. Những loại vắc xin phòng bệnh tại VNVC đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được đảm bảo nhờ vào việc nhập khẩu từ các đơn vị sản xuất vắc xin uy tín trong và ngoài nước. VNVC tự hào có đội ngũ nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản, có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, hết mình phục vụ khách hàng. Hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP hiện đại, đảm bảo nhiệt độ bảo quản vắc xin từ 2-8oC (3).

Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc về vắc xin cúm và các loại vắc xin phòng bệnh khác tại VNVC, Quý khách có thể liên hệ số Hotline 028 7102 6595. Website: https://vnvc.vn hoặc đến các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc: https://vnvc.vn/he-thong-trung-tam-tiem-chung/

Virus cúm A là chủng virus nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và có khả năng bùng phát thành đại dịch. Để chủ động phòng ngừa virus cúm A, tiêm chủng hàng năm là phương pháp hiệu quả, an toàn, được các chuyên gia khuyến cáo.

Từ khóa » Hệ Gen Của Virus Là