Virus Dại - Bệnh Viện 103 - Suckhoe123

Virus dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae. Người ta đã mô tả biểu hiện bệnh dại ở chó từ lâu, nhưng mốc thời gian quan trọng nhất đối với bệnh dại là từ năm 1884 khi Louis Pasteur tiêm truyền virus từ chó sang thỏ. Qua nhiều lần cấy truyền, ông đã thu được một chủng virus dại không độc đối với người.

1. Đặc điểm sinh học

1.1. Virus dại đường phố và virus dại cố định

Pasteur gọi virus dại độc lực, gây bệnh dại là virus dại đường phố (chó bị dại chạy rông ngoài đường phố).

Virus dại cố định là virus đã được thích ứng trong phòng thí nghiệm, có thời gian nung bệnh cố định là 6 ngày khi tiêm virus vào dưới màng cứng não tuỷ thỏ. Chủng virus dại cố định đầu tiên do Pasteur tạo ra năm 1884, virus này đã giảm độc lực và không còn khả năng gây bệnh dại cho chó.

1.2. Hình thể, cấu trúc virus

Virus dại có hình quả trứng, kích thước 75 – 180 nm.

Acid nhân là ARN sợi đơn không chia đoạn và không có tính phân cực (trọng lượng phân tử – TLPT 4,6 x 106 dalton). ARN và nucleoprotein của capxit tạo thành 1 phức hợp ribonucleoprotein là nơi tạo ra độc tố của virus. Virus chứa một nucleocapsid hình đối xứng xoắn ốc, mền mại. Virut có bao ngoài.

Khi nhuộm các tế bào nhiễm virus và quan sát dưới kính hiển vi người ta có thể thấy hạt vùi đặc hiệu gọi là tiểu thể Negri – là một tiểu thể đặc trưng tương ứng với sự tích tụ của nucleocapsid mới được tạo ra trong tế bào chất. Các tiểu thể này rất tròn, có ranh giới rõ ràng, rất rễ xác định bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang.

1.3. Nuôi cấy

Có thể nuôi virus dại đường phố trên chuột nhắt trắng, thỏ, chuột lang, phôi gà và trên tế bào nuôi (tế bào vero, tế bào lưỡng bội).

1.4. Sức đề kháng

Ở nhiệt độ buồng, virus sống được 1 – 2 tuần; Vì vậy đồ dùng dính nước bọt động vật bị dại hoặc nước bọt bệnh nhân được coi như nguy hiểm. Ở tủ lạnh thường (4°C), virus sống được nhiều tháng. Virus có thể tồn tại lâu trong điều kiện đông khô hoặc – 80°C. Ở 60°C, virus chết sau 5 phú; 100°C/ 1 phút. Tia cực tím, formol 0,05%, cloramin 5%, cồn iôt, xà phòng, các chất sát khuẩn bề mặt và các tác nhân oxi hóa.có khả năng làm virus bất hoạt nhanh.

1.5 Kháng nguyên

Chỉ có một typ huyết thanh duy nhất; Nhưng có nhiều chủng khác nhau phân lập từ các loài động vật khác nhau (gấu mèo, cáo, chồn, chó, dơi).

2. Khả năng gây bệnh

2.1. Đường vào của virus

Virus thường từ nước bọt của động vật hoặc người bị bệnh vào động vật và người khác qua vết cắn (99,8%), hiếm gặp qua vết cào xước có dính nước bọt hoặc qua vết liếm của động vật lên vùng da bị xây sát.

2.2. Nguồn lây

Bệnh dại là một bệnh của động vật, bệnh có thể lây sang người. Bệnh hay gặp ở động vật hoang dã. Vectơ chính là 1 loài động vật thường nhạy cảm với các virus này. Ở châu Phi và châu Á, virus dại thường có ở loài chó hoang dã. Ở Canada và Mỹ, bệnh dại hay gặp ở cáo, chồn hoặc gấu mèo Mỹ. Ở mexico, Trung Mỹ và nam Mỹ, bệnh hay gặp ở chuột hoang dã. Ở châu Âu, bệnh cũng hay gặp ở loài cáo.

2.3. Đường đi của virus trong cơ thể

Từ vết cắn, virus theo dây thần kinh lên não (virus không vào máu), gây tổn thương cho tế bào thần kinh ở vùng sừng amông, ở hành tuỷ. Từ thần kinh trung ương, virus dại theo dây thần kinh tới tuyến nước bọt. Virus có trong nước bọt của chó bị nhiễm 10 ngày trước khi chó bị chết vì bệnh dại.

2.4. Biểu hiện của bệnh dại

Biểu hiện đầu tiên là những triệu chứng xuất hiện ở các cơ gần vết thương. Các triệu chứng càng xuất hiện nhanh trong những trường hợp vết thương ở gần thần kinh trung ương và đặc biệt là các vết thương ở vùng dây thần kinh (các vết cắn ở mặt hoặc ở cơ quan sinh dục). Virus dại lan truyền trong não từ tế bào này sang tế bào khác, khu trú chủ yếu ở trung khu điều nhiệt và tuyến hyppotalamus. Sau đó virus sẽ lan truyền gây ô nhiễm nước bọt, giác mạc, dịch não tủy, các tuyến nhày ở mũi và da…

2.5. Đặc điểm lâm sàng ở người

Bệnh dại là 1 viêm não – màng não rất nguy hiểm đối với người. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 – 8 tuần, nhưng đôi khi thời gian ủ bệnh rất dài, có trường hợp thời gian này kéo dài hàng năm. Thời gian này tuỳ thuộc vào vị trí vết cắn và độc lực của chủng virus.

Bệnh biểu hiện đầu tiên bằng 1 hội chứng nhiễm trùng bình thường. Sau đó xuất hiện hội chứng rối loạn cảm giác ở xung quanh vết thương (kể cả vết thương đã lành và chưa lành) và các dấu hiệu tăng cảm ở da. Bệnh nhân có thể biểu hiện hung dữ hoặc lo sợ. Thường có dấu hiệu co thắt các cơ hầu họng với biểu hiện sợ nước, sợ gió. Các triệu chứng sợ nước, sợ ánh sáng là dấu hiệu đặc biệt của bệnh dại. Các dấu hiệu viêm não với biểu hiện tính hung tợn, kích thích thần kinh vận động, ảo giác, co giật, động kinh và hôn mê ngay sau đó, rất hiếm khi các triệu chứng xuất hiện từ từ (khoảng 20% bệnh nhân). Bệnh nhân tử vong trong vòng 3 – 4 ngày do ngừng thở bởi 1 cơn co thắt hoặc liệt cơ hô hấp.

Ở những người bị chó dại cắn, có được tiêm vacxin nhưng tiêm muộn thì triệu chứng dại xuất hiện không đầy đủ và không điển hình. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng sợ nước, sợ gió. Bệnh nhân bị liệt dần dần từ chân liệt lên. Khi liệt tới các cơ hô hấp thì tử vong.

2.6. Đặc điểm bệnh dại động vật

Bệnh dại cổ điển thường gặp ở chó và mèo. Thể liệt thường gặp ở dê, cừu và bò. Thời gian ủ bệnh ở động vật rất nhanh, chỉ có loài chuột hoang dã là có thể mang mầm bệnh không triệu chứng. Tất cả các động vật bị bệnh đều có biểu hiện viêm não. Chó, mèo bị bệnh dại có biểu hiện sớm là bỏ ăn, cắn chủ nhà, sau đó bệnh chuyển sang thời kỳ toàn phát, biểu hiện ở một trong 2 thể: thể cuồng (chạy rông, cắn người, cắn các con vật khác, cào bới đất,) hoặc thể liệt (chó bị liệt nằm một chỗ).

2.7.Miễn dịch

Miễn dịch tự nhiên ở người và động vật chưa được biết rõ. Người và động vật được tiêm vacxin dại sẽ có kháng thể trung hoà trong máu kéo dài khoảng 3 tháng. Ở người đã tiêm đủ liều vacxin, nếu được tiêm nhắc lại lần thứ 2 thì kháng thể trung hoà có thể tồn tại trong nhiều năm.

3. Chẩn đoán

3.1. Bệnh phẩm

Ở bệnh nhân:

– Dịch não tủy: để tìm kháng thể đặc hiệu và kháng nguyên dại.

– Nước bọt và mảnh sinh thiết da: để tìm virus dại và kháng nguyên dại.

– Lấy máu để xác định kháng thể IgM và IgG.

– Bệnh phẩm ở tử thi: có thể là các mảnh tổ chức não.

Các bệnh phẩm phải để trong ống nghiệm vô trùng và bảo quản lạnh, đóng gói và bảo quản cẩn thận để tránh nguy hiểm cho người vận chuyển bệnh phẩm.

3.2. Các phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dại chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và hoàn cảnh bị động vật cắn. Chẩn đoán xét nghiệm ít được dùng. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt (điều tra dịch tễ học và các đặc điểm sinh học của typ gây bệnh), có thể dùng các phương pháp XN sau:

– Phân lập virus dại bằng cách nuôi cấy bệnh phẩm vào não chuột hoặc vào tế bào nuôi có nguồn gốc thần kinh.

– Từ các bệnh phẩm là tổ chức thần kinh hoặc các tế bào ngâm ở axeton, người ta có thể nhuộm tìm tiểu thể Nêgri.

– Phát hiện kháng thể IgG, IgM bằng phản ứng miễn dịch enzym (ELISA) hoặc phản ứng miễn dịch huỳnh quang: Sự xuất hiện kháng thể trung hòa trong huyết thanh người tiêm vacxin dại cho phép đánh giá khả năng miễn dịch và giúp cho việc quyết định có tiêm nhắc lại hay không phải tiêm nhắc lại vacxin dại.

– PCR: mới được ứng dụng gần đây, có giá trị cao trong việc phát hiện ADN đặc hiệu của virus trong DNT, nước bọt, mảnh sinh thiết.

4. Phòng bệnh và điều trị

4.1. Vacxin dại: có nhiều loại

Vacxin cổ điển của Pasteur (1885): là vacxin sống giảm độc lực, làm từ virus dại cố định cấy vào não tuỷ thỏ, bảo quản trong glyxerin và trong điều kiện lạnh (hiện không dùng vacxin này).

Các vacxin thường dùng là vacxin bất hoạt:

– Vacxin bất hoạt bằng phenol (vacxin fermi, vacxin semple): làm từ virus dại cố định tiêm vào não thỏ hoặc cừu. Tiêm dưới da bụng 20 mũi.

– Vacxin fuenzalida: làm từ virus dại cố định tiêm vào não chuột nhắt trắng mới đẻ (vacxin được bất hoạt bằng beta propiolacton). Tiêm trong da 6 mũi, cách nhau 1 ngày, với liều 0,2 ml/1 mũi cho người lớn và 0,1 ml/1 mũi cho trẻ em.

– Vacxin chế từ virus nuôi trên tế bào nuôi lưỡng bội của người, bất hoạt bằng beta propiolacton. Đây là loại vacxin có độ an toàn cao hơn các vacxin khác. Ở Pháp, thường dùng vacxin chế từ virus được nuôi cấy ở in vitro từ các tế bào nguyên bào sợi của phôi người (MRC5) hoặc trên các tế bào vero, vacxin được lọc vô trùng và cô đặc, vacxin không có chống chỉ định. Vacxin gây được đáp ứng miễn dịch tốt sau khi tiêm 6 mũi (N0, N3, N7, N14, N30 và N90). Có thể tiêm theo phác đồ 3 mũi (N0, N21 và N30). Tuy nhiên, với bệnh nhân trên 40 tuổi, việc gây miễn dịch bằng vacxin cần phải được giám sát kiểm tra, nếu tiêm không đủ liều thì phải tiêm nhắc lại.

* Chú ý: tai biến thường gặp khi tiêm vacxin dại là viêm não dị ứng. Đây là tại biến nặng, khó chữa.

Nguyên nhân gây tai biến là do vacxin có lẫn tổ chức não (tế bào thần kinh của động vật), đây chính là dị nguyên gây nên dị ứng.

– Ngoài vacxin dại tiêm cho người còn có vacxin tiêm phòng cho động vật là vacxin flury, là vacxin sống, giảm độc lực. Vacxin điều chế từ chủng virus flury, được cấy truyền nhiều lần qua phôi gà và làm cho virus mất ái tính đối với tế bào thần kinh và không còn khả năng gây bệnh. Tiêm phòng cho chó 3 ml vacxin vào đưới da.

4.2. Xử lý khi bị chó nghi dại cắn

Điều trị tại chỗ vết thương

Garô, nặn máu vết cắn, rửa vết thương ngay bằng xà phòng, sau đó rửa bằng dung dịch sát trùng, bôi cồn iôt hoặc rửa bằng cloramin 5%, cồn tuyệt đối, đắp huyết thanh kháng dại (nếu có).

Điều trị bệnh dại

Việc tiêm vacxin là bắt buộc nếu động vật có biểu hiện của bệnh dại.

Động vật bị mất hoặc bị đánh chết thì xử lý như đối với động vật dại.

Động vật cắn người còn khoẻ thì cần phải nhốt và chăm sóc con vật trong điều kiện tự nhiên trong vòng 12 ngày. Nếu trong thời gian theo dõi, động vật có biểu hiện dần dần xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại thì tiêm vacxin cho bệnh nhân. Việc điều trị sẽ được dừng lại hoặc không dừng lại là tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm từ động vật. Nếu sau 12 ngày động vật vẫn khoẻ mạnh bình thường thì không phải tiêm vacxin.

Trong trường hợp ngoại lệ, có nhiều vết thương nặng, vết cắn ở mặt, cổ hoặc ở cơ quan sinh dục, thì bác sĩ có thể quyết định dùng vacxin kết hợp huyết thanh kháng dại để gây miễn dịch chủ động.

Tiêm huyết thanh kháng dại: liều 0,25 ml/ 1kg thể trọng. Nên tiêm trong trường hợp bị chó cắn gần thần kinh trung ương (cắn vào đầu, mặt, cổ). Chỉ tiêm huyết thanh kháng dại khi mới bị chó cắn (tốt nhất là tiêm trong vòng 48 giờ kể từ khi bị chó dại cắn).

Nguồn: Bệnh viện 103

Từ khóa » Virus Dại Không Thể Nuôi Cấy Trên Môi Trường Nào