Vmap: Bản đồ Số Của Người Việt Chính Thức đi Vào Hoạt động

Sáng 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt nền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao. Đây là 2 sản phẩm trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”. 

Được chính thức triển khai từ năm năm 2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu phát triển nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Đến nay, Đề án đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực. Trong đó, Bản đồ số Việt Nam và Hệ thống thông tin nhân đạo là hai dự án tiên phong của Đề án và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong giai đoạn một.

Vmap – Bản đồ số dành cho người Việt

Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.

{keywords}
Giao diện Vmap – Bản đồ số dành cho người Việt.

Bưu điện Việt Nam được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” - Vmap. 

Hiện Vmap hiện có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Bên cạnh các tính năng cơ bản như: tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ đi theo một hướng đi khác biệt, đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin.

Các dữ liệu gồm địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…) đều được ghi lại. Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Vmap.

{keywords}
Người dùng có thể sử dụng bản đồ Vmap bằng cách truy nhập vào địa chỉ Vmap.vn

Vmap không chỉ xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…), cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng mà còn bao gồm cả các ứng dụng đi kèm bản đồ. 

Điển hình là Bản đồ địa chỉ nhân đạo điện tử nhằm hỗ trợ việc triển khai các hoạt động nhân đạo. Theo đó, trên hệ thống https://nhandao.itrithuc.vn sẽ hiển thị các thông tin về địa chỉ nhân đạo do cộng đồng người dùng cả nước đề xuất như người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Trong thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật các dữ liệu, thông tin lên Vmap. Đặc biệt, đội ngũ bưu tá mỗi lần đi phát hàng hóa, thư báo cũng liên tục cập nhật thêm các thông tin cần thiết lên bản đồ trực tuyến. Ngoài ra, Vmap cũng sẽ được bổ sung thêm các ứng dụng sử dụng đi kèm để hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện.

iNhandao – Kết nối thông tin nhân đạo

Bên cạnh Vmap, iNhandao - một dự án khác thuộc đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” cũng đã chính thức đi vào hoạt động. 

Dự án iNhandao được phát triển nhằm tạo kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện, góp phần tự động hóa quy trình triển khai hoạt động thiện nguyện của Hội chữ thập đỏ Việt Nam. 

{keywords}
Lễ ký kết thoả thuận tham gia xây dựng nền tảng nhân đạo số (iNhandao). Ảnh: Trọng Đạt

Các dữ liệu về các địa chỉ nhân đạo tại Việt Nam được đưa lên bản đồ dữ liệu quốc gia và được cập nhật thường xuyên. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Mặc dù đề án Hệ tri thức Việt số hoá mới chỉ trải qua giai đoạn 1, thế nhưng nó đã được cộng đồng đón nhận và bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sau giai đoạn một của đề án Hệ tri thức Việt số hoá, các dự án như bản đồ Vmap và iNhandao đã được sự cam kết đồng hành của nhiều doanh nghiệp. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao thành quả giai đoạn 1 của đề án Hệ tri thức Việt số hoá. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ về iNhandao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu tiên khi mà hệ thống có thể đưa được ra những địa chỉ cần tiếp nhận nhân đạo. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở bước tiếp theo, iNhandao phải làm sao để những ai có nhu cầu trợ giúp về vật chất, thời gian, kiến thức đều có thể được kết nối tới những người có tấm lòng muốn hỗ trợ. Điều này sẽ giúp kết nối tất cả những tấm lòng nhân ái với nhau để lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội. 

Trọng Đạt

Từ khóa » Bản đồ Vmap Của Việt Nam