Vở Ballet Mang điềm Gở: Hồ Thiên Nga Và Biến động Chính Trị Thời ...

Trong gần 11 ngày vào giữa tháng 3 năm 2015, không một ai nhìn thấy Vladimir Putin. Mọi cuộc họp của ông đều bị hủy, Putin biến mất và điện Kremlin từ chối giải thích điều gì đang diễn ra. Người ta đồn đại nhiều giả thuyết: có phải vì nhân tình bí mật của ông đang sinh cho Putin một đứa trẻ? Ông bị tai biến? Hoặc đang làm phẫu thuật thẩm mỹ? Hay đang có đảo chính?

Người Ukraine, lúc này đang chiến đấu với phe ly khai phía đông do Nga hậu thuẫn, đặc biệt thấy hứng thú với khả năng cuối cùng. Andrii Kapranov, một nhân viên web marketing tại Kiev, ngay lập tức mở một website theo dõi sự biến mất của nhà lãnh đạo Nga.

Trên trang web, những con số to in đậm đếm theo thời gian thực ngày, giờ, phút và giây kể từ lần cuối cùng Putin xuất hiện. Ở background, trang web phát lặp đi lặp lại video vở ballet Hồ Thiên Nga (Swan Lake).

Vũ đoàn Bolshoi biểu diễn Swan Lake

Tại sao lại là Hồ Thiên Nga?

Thoạt nhìn có vẻ đây là một lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng với bất cứ ai từng sống dưới thời Liên Xô, chuyện này hoàn toàn hợp lý. Đối với nhiều người Nga, đoạn mở đầu bản nhạc của Tchaikovsky luôn gợi lại những biến động chính trị lớn.

Khi Leonid Brezhnev qua đời vào năm 1982, sau gần 20 năm nắm quyền, các kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát cắt ngang chương trình phát sóng, nhưng họ không đưa tin về cái chết của Brezhnev hay thông báo người sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia mà cho phát liên tục không dừng Hồ Thiên Nga bản đầy đủ gồm 4 màn dài hơn 3 tiếng. Đây là chiến thuật trì hoãn nhằm ngăn người dân biết tin dữ trong khi ban lãnh đạo Xô Viết chọn người kế nhiệm.

Đám tang Leonid Ilyich Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô

Chuyện tương tự xảy ra sau cái chết của Yuri Andropov và Konstantin Chernenko. Hồ Thiên Nga thường xuyên xuất hiện trong các biến động chính trị của Liên Xô đến mức hễ nhìn thấy nó trên TV người dân hiểu ngay rằng Moscow đang có chuyện. Vào tháng 8 năm 1991, khi một nhóm đảng viên Đảng Cộng Sản lật đổ chính quyền của Mikhail Gorbachev, chương trình TV lại bị cắt ngang. Trong nhiều ngày liền, truyền hình nhà nước chỉ phát Hồ Thiên Nga lặp đi lặp lại mà thôi.

Sergei Filatov, một nhân vật trong chính phủ Nga, lúc đó đang đi nghỉ phép. Ông kể lại với tờ Moscow Times “Tôi bật TV và thấy những con thiên nga nhảy múa, năm phút, mười phút rồi một tiếng. Rồi tôi nhận ra có chuyện chẳng lành.”

Ngay lập tức ông bay về Moscow và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành phố khỏi nhóm lật đổ. (Một lãnh đạo của vụ đảo chính, Vasily Starodubtsev, sau đó thú nhận rằng việc cho phát Hồ Thiên Nga là một sai lầm lớn.)

Những lần lên sóng TV thời Xô Viết chỉ là một chương trong lịch sử đan xen kỳ lạ giữa Hồ Thiên Nga và chính trị ở quốc gia này. Kể từ những năm 1920, chính quyền Xô Viết đã góp phần định hình cả hình thức lẫn khán giả của môn ballet.

Công diễn lần đầu tại Moscow năm 1877, Hồ Thiên Nga không gây ra tiếng vang nào đáng kể. Đây là một câu chuyện u ám, ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn huyền ảo của ballet cổ điển. Chuyện kể về một chàng hoàng tử trẻ, Siegfried, và một cô gái tên Odette. Cô bị một phù thủy giam giữ và biến thành thiên nga. Cách duy nhất để Odette có thể thoát khỏi hình hài này là một người đàn ông phải yêu và hứa sẽ chung thủy với cô. Dĩ nhiên Siegfried phải lòng nàng. Lão phù thủy coi đây là mối họa. Hắn lừa Siegfried tỏ tình với một người đàn bà khác, một con thiên nga đen trông giống Odette nhưng lại là phiên bản trái ngược của nàng. Khi Siegfried và Odette nhận ra sự thật, họ cùng nhau tự vẫn; cơ hội duy nhất để họ có được hạnh phúc là khi lên thiên đường. Bản nhạc do Tchaikovsky soạn vừa đẹp vừa u buồn, tính bi kịch ẩn chứa ngay cả trong những giây phút vui tươi nhất.

Nghệ sĩ ballet huyền thoại M. Pliseshkaya

Mặc dù phiên bản đầu tiên được biên đạo lại vào cuối những năm 1890, trong những thập niên đầu tiên, Hồ Thiên Nga chưa đạt được thành công lớn.

Sau cuộc cách mạng 1917, môn ballet của Nga phải đối diện với án tử. Christina Ezrahi, một học giả nghiên cứu vũ đạo thời kỳ Xô Viết cho biết “Opera và ballet thường xuyên bị chỉ trích là không phù hợp với xã hội cách mạng”. Chính quyền muốn “xóa sạch mọi thứ liên quan đến giới quý tộc”. (Có lẽ ballet cuối cùng được cho phép sống tiếp bởi Lenin hiểu loại nghệ thuật này có tiềm năng truyền tải thông tin đến tầng lớp bình dân Nga phần lớn mù chữ).

Đằng sau cánh gà, các đạo diễn, biên đạo và nhà phê bình – những người muốn lưu giữ loại hình nghệ thuật này – bắt đầu tìm cách biến môn ballet vốn khó hiểu và dành cho giới thượng lưu trở nên phù hợp với tinh thần Nga thời hậu cách mạng. Chủ nghĩa xã hội hiện thực, một học thuyết do chính quyền áp đặt cho rằng nghệ thuật phải phản ánh một cái nhìn tích cực về cuộc đấu tranh cộng sản, ngày càng được ưa chuộng. Kho tàng nhạc cổ điển bị ép phải thay đổi cho phù hợp với tư tưởng này. […]

Trong mọi vở ballet cổ điển, Hồ Thiên Nga bị bóp méo nhiều nhất. Vào đầu những năm 1920, Bolshoi, một trong hai vũ đoàn lớn nhất nước Nga, dàn dựng vở bi kịch theo hướng cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, được minh họa rõ rệt bằng thiên nga đen và trắng. Để hình ảnh ẩn dụ được hoàn thiện, câu chuyện không thể kết thúc bằng cái chết của cặp tình nhân. Erzahi nói “Dĩ nhiên một cái kết mới, có hậu, thể hiện chiến thắng của cái thiện trước cái ác, sẽ phù hợp với hệ tư tưởng đấu tranh của chế độ mới. Họ thường xuyên nói về cuộc chiến giữa tư bản và cộng sản theo hướng trắng đen rõ ràng, hoặc chiến thắng hoặc mất tất cả.”

Vì thế, sáu mươi giây cuối cùng của Hồ Thiên Nga, khúc nhạc đau đớn và kịch tính nhất trong lịch sử ballet cổ điển, phải được chỉnh sửa để minh họa cảnh Siegfried đánh bại tên phù thủy và sống hạnh phúc mãi mãi bên Odette, thay vì lao đầu xuống hồ tự vẫn.

Plisetskaya

Vũ đoàn lớn khác của Nga – tên gốc là Mariinsky nhưng được đổi thành Kirov Ballet theo tên một lãnh tụ Bolshevik – ban đầu rất ngập ngừng trong việc chỉnh sửa lại kịch bản Hồ Thiên Nga. Nhưng cuối cùng họ cũng chịu thua trước sức ép và phải loại bỏ phần kết bi kịch. Bắt đầu từ giữa những năm 30, khi Josef Stalin ngày càng can thiệp sâu vào văn hóa Liên Xô, lãnh đạo Đảng Cộng Sản cũng soi mói ballet kỹ hơn. Ross cho hay “Họ kiểm duyệt hết lượt này đến lượt khác”, không chỉ phần lời nhạc kịch (libretto), nhưng còn về mọi khía cạnh dàn dựng và sản xuất. Quan chức chính phủ không ngần ngại “dập” một tác phẩm nếu họ thấy nó không đủ yêu nước hoặc không mang tinh thần quốc gia. Những kẻ dám vượt khỏi khuôn khổ của đảng sẽ bị trừng phạt và đàn áp.

Vì vậy vào lần biểu diễn năm 1945, vũ đoàn Kirov phải biên đạo lại vở Hồ Thiên Nga cho phù hợp. Trước đó họ đã xây dựng câu chuyện theo hình ảnh một hành trình khám phá tâm lý cho đến khi Siegfried hóa điên. Đoạn kết đen tối được thay bằng một kết cục hạnh phúc và vẫn được trình diễn đến tận ngày nay.

Phiên bản tươi đẹp của vũ đoàn Bolshoi và Kirov khiến vở ballet thành công rực rỡ. Ross cho biết ở Nga, ballet có mối liên quan chặt chẽ tới quân đội, và vở Hồ Thiên Nga thời Liên Xô có thể được xem là một phần của truyền thống đó. Trên sân khấu, hàng nối hàng, thiên nga vung tay theo nhịp, tượng trưng cho “một thế hệ công dân có kỷ luật và nghiêm túc” mà chính quyền muốn trưng ra cho thế giới. Trong nhiều thập niên sau đó, Hồ Thiên Nga trở thành biểu tượng của vũ đạo Nga và của nhà nước Soviet.

Stalin xem vở diễn hàng chục lần; cả ông và những người kế nhiệm đều chọn việc xem vở Hồ Thiên Nga là tiết mục giải trí bắt buộc cho bất cứ lãnh đạo quốc gia nào đến thăm Soviet. Một bài báo năm 2007 trên tờ Pravda cho hay Llewellyn E. Thompson, đại sứ Mỹ lâu năm, đã xem vở này tới 132 lần trong vòng 7 năm làm việc tại Liên Xô.

Nikita Khrushchev xem vở ballet thường xuyên đến mức ông nói với diễn viên Maya Plisetskaya của vũ đoàn Bolshoi, người nổi tiếng với vai Odette, rằng nó bắt đầu khiến ông phát bệnh. “Có lần ông ấy phàn nàn với tôi, lúc ấy ông sắp rời vị trí lãnh đạo, rằng ‘nếu tôi nghĩ đến chuyện phải xem Hồ Thiên Nga vào buổi tối, tôi sẽ bắt đầu thấy đau bụng’”, Plisetskaya viết trong hồi ký. Khruschev than thở “Vở ballet thật tuyệt vời, nhưng xem mãi thì ai mà chịu nổi?”

Nikita S. Khrushchev (thứ hai từ trái qua) trên khán đài thưởng thức một vở diễn của vũ đoàn Bolshoi

Bất cứ vũ đoàn nào dám nói về sự nhàm chán của Hồ Thiên Nga đều bị chính quyền bịt miệng. Năm 1969, giám đốc mới của Bolshoi, Yuri Grigorovich, đề xuất loại bỏ cái kết đẹp như truyện cổ tích, thay vào đó là một phiên bản đa nghĩa hơn với cái kết bi thảm. Nhà nước không cho phép điều này, và vở diễn bị cấm. Hồ Thiên Nga phiên bản hạnh phúc được trình diễn trong nhiều năm tiếp theo.

Cùng với sự sụp đổ của Soviet, vũ đoàn Bolshoi cuối cùng đã có thể trình diễn vở ballet của Grigorovich. Nhưng cà sau khi Liên Xô tan rã, mối liên hệ giữa Hồ Thiên Nga với chính trị Nga vẫn không chấm dứt.

Gần đây, vở ballet được dùng để bày tỏ sự chống đối của người Ukraine trước sự can thiệp của Nga vào lãnh thổ nước này. Tháng 4 năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, bốn vũ công hóa trang thành bốn con thiên nga trắng đi ngang qua một dãy xe tăng và vũ khí để tiến lên một sân khấu dựng bên ngoài bảo tàng lịch sử quân sự Odessa. Một chính khách địa phương đã phát biểu trước khi các vũ công biểu diễn: “Đối với hàng triệu người dân Soviet, bản ballet nổi tiếng thế giới Hồ Thiên Nga được phát trên truyền hình luôn báo hiệu sự thay đổi lãnh đạo quốc gia. Vì Vladimir Putin đã phạm một sai lầm chết người khi gây hấn với Ukraine, ngày hôm nay, Odessa sẽ biểu diễn vở ballet mang điềm gở này tặng cho Putin.”

Một bức graffiti Hồ Thiên Nga xuất hiện ở Saint Petersburg sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2018

Mặc dù sự biến mất tạm thời của Putin đã không chấm dứt theo cách mà người Ukraine hy vọng – ông xuất hiện trở lại sau một tuần rưỡi; có lẽ chỉ bị cảm cúm thông thường – Kapranov, người lập ra website theo dõi sự biến mất của nhà lãnh đạo Nga, vẫn giữ trang web tiếp tục chạy. Bộ đếm vẫn đếm tiếp, nhưng được chuyển sang đếm số ngày, giờ, phút và giây mà Putin đã nắm quyền. Những con thiên nga vẫn tiếp tục nhảy trong nhạc nền, một bản nhạc được lặp lại mãi mãi.

Sau khi Liên Xô tan rã, vũ đoàn Mariinsky được lấy lại tên cũ trước thời cách mạng, nhưng họ không hề bỏ đi phiên bản Hồ Thiên Nga thời Soviet. Lãnh đạo của vũ đoàn công khai ủng hộ Putin và những hành động của ông tại Crimea, vẫn chọn biểu diễn vở này với cái kết đẹp. […] Tôi có hỏi Yuri Fateyev, giám đốc hiện tại của vũ đoàn Mariinsky, rằng tại sao họ không quay lại biểu diễn cái kết bi kịch trong bản gốc. Ông trả lời “Tôi nghĩ phần lớn mọi người đã quên cái kết ấy rồi. Anh biết đấy, đa số truyện cổ tích Nga kết thúc có hậu. Người tốt giết kẻ xấu, và mọi người đều hạnh phúc. Tôi nghĩ có lẽ đây là điều họ muốn làm với Hồ Thiên Nga: họ cố gắng tạo ra hạnh phúc cho tất cả mọi người, cho cả khán giả nữa.”

Tuy nhiên, như những tác giả ban đầu của vở ballet và những người biểu tình Ukraine đều biết, truyện cổ tích không có ngoài đời thực. Kết thúc bi thảm gần gũi với chúng ta hơn.

Chiếp dịch từ This Portentous Composition:

Swan Lake’s Place in Soviet Politics – Hazlitt

Từ khóa » Vở Kịch Hồ Thiên Nga