Vợ Chồng A Phủ: Vẻ đẹp Của Người Dân Miền Núi Tây Bắc
Có thể bạn quan tâm
Được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1953 và in trong tập truyện ngắn Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ phản ánh cuộc sống bị áp bức cùng quá trình vùng lên đấu tranh của nhân dân các dân tộc miền núi Tây Bắc, mà trong đó Mị và A Phủ là nhân vật trung tâm.
Mục lục ẩn 1 Tác giả Tô Hoài và hành trình trở thành nhà văn của núi rừng Tây Bắc 2 Vợ chồng A Phủ là một thiên truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo 3 Mị là nhân vật tiêu biểu cho hình tượng con người thức tỉnh 4 Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài 5 Vợ chồng A Phủ là nguồn cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật của thế hệ mớiTác giả Tô Hoài và hành trình trở thành nhà văn của núi rừng Tây Bắc
Tô Hoài sinh năm 1920 trong một gia đình thợ thủ công. Tuổi thơ và thời trai trẻ nhiều vất vả, phải lăn lộn kiếm sống bằng đủ nghề đã khiến cách nhìn người, nhìn đời của nhà văn sớm thiên về diễn tả sự thật, nắm bắt những vẻ đẹp mộc mạc của đời sống.
Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Chính vì lẽ đó nên phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của con người hiện lên trên các trang văn của Tô Hoài vô cùng sinh động, hấp dẫn.
Chân dung nhà văn Tô Hoài
Bên cạnh đó, tác phẩm của nhà văn hấp dẫn người đọc bằng lối trần thuật hóm hỉnh, cách miêu tả giàu chất tạo hình cùng ngôn ngữ phong phú và đậm chất khẩu ngữ.
Suốt đời văn của mình, Tô Hoài đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau với đa dạng đề tài. Trước Cách mạng tháng Tám, nguồn cảm hứng của nhà văn phần lớn đến từ loài vật và cuộc sống người nông dân nghèo.
Sau khi hòa bình lập lại, các sáng tác do Tô Hoài chấp bút chủ yếu hướng về đề tài miền núi. Những chuyến đi thực tế lên Tây Bắc, những dịp được ngắm nhìn núi rừng bạt ngàn và tiếp xúc với đồng bào dân tộc đã để lại trong Tô Hoài những cảm xúc dạt dào và khơi gợi nguồn cảm hứng lớn cho nhà văn.
Sự mến thương ông dành cho thiên nhiên và con người Tây Bắc là lý do tập truyện Tây Bắc ra đời và nhờ đó, Vợ chồng A Phủ được sáng tác và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Vợ chồng A Phủ là một thiên truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo
Mị sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ cô phải vay nợ nhà thống lí Pá Tra để lấy nhau nhưng cho đến tận khi mẹ chết, nợ nần vẫn chưa trả xong.
Mị lớn lên xinh đẹp, bị bắt cóc về làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lí. Cô muốn chết nhưng vì thương cha nên không đành lòng tự tử và chấp nhận kiếp sống cực khổ còn hơn con trâu, con ngựa.
Còn A Phủ là một chàng trai mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên phải lao động cật lực để tự nuôi sống bản thân. Dù cuộc sống không mấy đủ đầy nhưng anh vẫn nổi bật tinh thần tự do và lạc quan. Tết đến A Phủ cùng đám trai trong bản đi chơi, đi tìm người yêu và hòa vào không khí nhộn nhịp của mùa xuân ở núi rừng Tây Bắc.
Khi A Sử, con trai thống lí Pá Tra đến phá cuộc chơi của trai gái trong bản, A Phủ đã đánh hắn một trận ra trò. Vì vậy mà anh bị nhà thống lí đánh đập và phạt vạ, anh cũng phải đến làm người ở cho nhà thống lí để trừ nợ.
Do sơ ý để mất một con bò, A Phủ đã bị thống lí trói đứng cho đến chết. Sau ba ngày bị trói đứng, chứng kiến giọt nước mắt đau đớn và tuyệt vọng của anh, tâm hồn vốn đã nguội lạnh của Mị vì cuộc sống tăm tối ở nhà thống lí đã trỗi dậy bao nỗi niềm đồng cảm và thương xót.
Chính vì thế cô đã cắt đứt dây trói A Phủ và cũng tự giải thoát cho chính mình, họ trốn sang Phiềng Sa rồi thành vợ thành chồng.
Tại đây cả hai gặp A Châu, một cán bộ cách mạng, từ sự giúp đỡ đơn thuần ban đầu A Châu và A Phủ trở thành những người bạn thân thiết. Dần dần, anh và Mị được giác ngộ lí tưởng, cả hai đã trở thành du kích, cùng tham gia đánh giặc bảo vệ dân làng.
Chẳng phải tự nhiên mà tác phẩm Vợ chồng A Phủ giành được giải nhất về truyện và kí của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
Thiên truyện ngắn xuất sắc này là bức tranh chân thật về số phận bi thảm, thương đau của người dân nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ phong kiến và thực dân.
Bức tranh ấy được khắc họa thông qua cái nhìn thương xót và trái tim giàu lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
Vợ chồng A Phủ đã phản ánh cuộc sống đau thương, tăm tối của người dân nghèo miền núi Tây Bắc, vạch trần bộ mặt tàn bạo của bọn phong kiến với những tập tục cổ hủ ở vùng cao.
Từ đó, truyện ngắn tố cáo tội ác của bọn thống trị vùng cao chà đạp lên quyền sống con người, bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với số phận cơ cực, tủi nhục của người lao động nghèo Tây Bắc. Đồng thời tác phẩm thể hiện quá trình vùng dậy đấu tranh từ tự phát đến tự giác của người dân Tây Bắc dưới ánh sáng cách mạng.
Khác với Nam Cao hay Ngô Tất Tố, những nhà văn của giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám chịu giới hạn của bối cảnh xã hội tăm tối trước năm 1945 nên không còn cách nào khác, chỉ có thể để nhân vật quằn quại kêu gào rồi tìm đến cái chết, Tô Hoài với ngòi bút đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông nhìn ra con đường sáng cho nhân vật của mình.
Nhà văn đã phát hiện và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt ở họ. Ông thể hiện lòng tin vào khả năng đấu tranh tự giải phóng, thức tỉnh của những người bị áp bức và mở ra cho nhân vật một hướng đi, một lối thoát tìm đến tương lai tươi sáng.
Mị là nhân vật tiêu biểu cho hình tượng con người thức tỉnh
Mị là một cô gái con nhà nghèo nhưng xinh đẹp, có tài hát hay, thổi sáo giỏi và được nhiều trai làng mến mộ.
Thêm vào đó, cô còn có tính cách mạnh mẽ và tự chủ, ở Mị tràn trề lòng yêu đời và lòng ham sống. Người con gái ấy sẵn sàng làm nương ngô để trả nợ thay cha và muốn sống cuộc đời tự do cùng người mình yêu chứ không muốn phải làm con dâu gạt nợ nhà thống lí.
Lẽ ra cuộc đời của Mị phải rất hạnh phúc nhưng sự nghèo khổ cùng những hủ tục lạc hậu đã đẩy Mị vào kiếp đời nô lệ trong nhà thống lí. Quãng đời làm dâu tăm tối ấy dường như đã giết chết hết thảy sinh khí trong Mị.
Mị bị hành hạ về thể xác và bị tra tấn, cầm tù về tinh thần đến độ sức sống tê liệt, không còn mảy may kháng cự hay đòi hỏi bất cứ thứ gì. Bấy giờ, đến cái chết Mị cũng không màng, cô trở thành cái xác vô hồn với những nỗi đau về thể xác và tinh thần của người khác và của chính mình.
Nhân vật Mị được nhà văn xây dựng từ điểm nhìn bên trong với chuỗi diễn biến tâm lí phức tạp. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ có rất nhiều phân đoạn khắc họa xuất sắc nội tâm của nhân vật Mị thông qua những chi tiết chọn lọc. Chẳng hạn như hình ảnh lá ngón, âm thanh tiếng sáo và giọt nước mắt của A Phủ.
Những giằng xé đau đớn trong Mị khi phải sống số kiếp của con dâu gạt nợ nhà thống lí được thể hiện rõ nét qua ba lần chi tiết lá ngón xuất hiện.
Lần thứ nhất là sau khi Mị bị A Sử cướp về làm vợ, cô đã bỏ trốn và trên đường trở về nhà, người con gái bất hạnh ấy đã hái sẵn một nắm lá ngón để có thể chết bất cứ lúc nào.
“Mị chỉ bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa. Mị đành trở lại nhà thống lí.”
– Vợ chồng A Phủ
Ước muốn được chết khi ấy không phải là biểu hiện của sự buông xuôi mà ngược lại đã khắc họa mạnh mẽ lòng ham sống và khát vọng tự do của Mị. Thế nhưng vì lòng hiếu thảo với cha, cô đã không chết mà trở lại làm vợ A Sử.
Lần thứ hai hình ảnh lá ngón xuất hiện là mấy năm sau khi bố Mị chết nhưng lúc này, cô cũng không còn nghĩ đến việc có thể ăn lá ngón tự tử được nữa.
“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.”
-Vợ chồng A Phủ
Cuộc sống tăm tối nhà thống lí đã đập tan hy vọng nơi Mị và khi mà người ta đã chẳng còn thiết chết trước cuộc sống không như mình mong muốn thì mọi nhiệt huyết, khát vọng hướng về sự sống cũng theo đó mà tàn lụi.
Lần cuối cùng hình ảnh lá ngón xuất hiện là trong tâm tưởng của Mị vào đêm tình mùa xuân bị A Sử trói đứng. Dưới tác động của tiếng sáo, của men rượu và của không khí mùa xuân rạo rực, cõi lòng Mị đã trỗi dậy những cảm xúc tươi trẻ và khát vọng tự do.
“Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau ! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra.”
– Vợ chồng A Phủ
Thế nhưng những ký ức tươi đẹp càng ùa về, Mị càng biết rõ mình không thể nào quay trở lại những ngày tháng son trẻ ấy và lần nữa cô nghĩ đến cái chết. Hành động khước từ sự sống này của Mị cũng giống như Chí Phèo lựa chọn một nhát đâm kết liễu cuộc đời mình.
Thực ra chẳng ai muốn chết cả nhưng so với việc Chí không được sống là người lương thiện, so với việc Mị phải tiếp tục cuộc đời lầm lũi như con rùa trong xó cửa những ngày qua thì cái chết có lẽ là lựa chọn tốt nhất để giải thoát những con người bất hạnh khỏi tình cảnh đau thương.
Chọn lựa ấy đã thể hiện lòng phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh khi khát vọng sống được hồi sinh.
Nếu như hình ảnh lá ngón xuất hiện xuyên suốt tác phẩm thì chi tiết tiếng sáo lại tập trung khắc họa diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân. Tiếng sáo vang lên từ xa đến gần, càng lúc càng réo rắt, dìu dặt.
“Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.”
– Vợ chồng A Phủ
Tiếng sáo đã từ hiện tượng ngoại cảnh trở thành tiếng lòng thôi thúc trong nội tâm, từ âm thanh của hiện tại trở thành giai điệu của mùa xuân trước khiến Mị nhớ lại những kỉ niệm thời thiếu nữ và giúp cô vượt ra khỏi tâm trạng thờ ơ, nguội lạnh bấy lâu. Tiếng sáo là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân và lòng khao khát sự sống, tình yêu và tự do nơi Mị.
Cùng với hình ảnh lá ngón và chi tiết tiếng sáo, ta không thể nào không nhắc đến giọt nước mắt của A Phủ trong đêm mùa đông bị phạt trói đứng do để hổ ăn mất bò.
“Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại.”
– Vợ chồng A Phủ
Dòng nước mắt của A Phủ chứa đựng tất cả những cung bậc cảm xúc từ phẫn nộ, bất lực đến đau đớn và tuyệt vọng. Dòng nước mắt chậm chạp “bò xuống” chứ không phải lăn xuống hay chảy xuống đã bộc lộ sâu sắc sự không cam lòng của một chàng trai khỏe mạnh, tự lập và có tâm hồn tự do như A Phủ.
Chứng kiến dòng lệ ấy, có điều gì đó đã trở lại trong Mị, cô nhớ lại hoàn cảnh của mình trước đây cũng từng bị A Sử trói. Tình cảnh ấy thực sự khốn đốn và chật vật vô cùng. Mị thương mình để rồi dần cảm nhận được cảnh ngộ của A Phủ và tiến tới việc cắt dây trói cho A Phủ.
Khi trái tim nhân hậu được hồi sinh thì khát vọng sống cũng được hồi sinh. Khi đã không còn vô cảm với nỗi đau khổ của người khác thì Mị cũng không thể vô cảm với nỗi đau khổ của chính mình. Sau khi cứu A Phủ, Mị đã chạy theo anh để tự giải thoát đời mình khỏi sự đày ải của cường quyền và thần quyền suốt bao nhiêu năm qua.
Qua những chi tiết trên, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện khả năng miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy khi cùng lúc mượn những tác động ngoại cảnh để đánh thức sức sống Mị, đồng thời đi sâu vào những diễn biến phức tạp để nắm bắt được trọn vẹn quá trình tâm lí của Mị khiến những nỗi niềm, những dằn vặt sâu thẳm bên trong nhân vật hiện lên chân thật đến rung động lòng người.
Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài
Tác phẩm được xây dựng bởi ngòi bút đầy tài năng và tâm huyết của Tô Hoài. Nghệ thuật khắc họa nhân vật sinh động, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả, phân tích nội tâm nhân vật tinh tế, đặc sắc ở nhiều đoạn đã giúp nhân vật hiện lên với tính cách phong phú, phát triển hợp lí.
Kết cấu hấp dẫn, dù không theo trình tự thời gian nhưng vẫn mạch lạc bởi các tình huống được xây dựng rất chặt chẽ, hợp lí và giàu kịch tính.
Mạch truyện được dẫn dắt bằng lối kể chuyện, dựng cảnh ấn tượng và đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là cảnh ngày Tết tràn trề sức sống và cảnh xử kiện ngập ngụa trong sự bất nhân.
Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ giản dị mà đầy phong phú, sáng tạo và giàu chất tạo hình, nhà văn còn vận dụng cách nói của người miền núi nhưng đã được nâng cao lên và nhập vào ngôn ngữ văn học có tính chuẩn mực.
Tô Hoài đã vô cùng khéo léo trong việc lựa chọn giọng trần thuật sao cho phù hợp với tư tưởng của truyện và nội dung từng đoạn.
Có khi nó trầm lắng với nhịp kể chậm nhằm thể hiện sự cảm thông, yêu mến đối với hai nhân vật chính, có khi lại nhanh, mạnh và liên hồi để khắc họa cuộc sống đầy bất trắc dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi.
Bên cạnh đó, với sự biến hóa linh hoạt, giọng trần thuật của nhà văn ở nhiều chỗ đã từ điểm nhìn bên ngoài mà hòa vào dòng ý nghĩ và tiếng nói bên trong của Mị. Điều đó vừa giúp bộc lộ trực tiếp đời sống nội tâm nhân vật vừa góp phần khơi dậy sự đồng cảm nơi độc giả.
Một đặc điểm nghệ thuật nữa có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài chính là chất thơ và phong vị miền núi thấm đẫm trong từng trang văn.
Vợ chồng A Phủ là nguồn cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật của thế hệ mới
Chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, bộ phim cùng tên do đạo diễn Mai Lộc chỉ đạo cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả lúc bấy giờ.
Vai diễn A Phủ được thể hiện bởi cố nghệ sĩ nhân dân Trần Phương, đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của diễn viên kiêm đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt Nam.
Trong khi đó, cố nghệ sĩ Đức Hoàn, người vào vai Mị cũng được biết tới với vai trò vừa là diễn viên, đạo diễn vừa là biên kịch của nhiều bộ phim.
Năm 1961, bà được đạo diễn Mai Lộc chọn vào vai nhân vật Mị trong bộ phim Vợ chồng A Phủ, đây là vai diễn đầu tiên cũng là vai diễn xuất sắc nhất của Đức Hoàn.
Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn và cảm động, bộ phim còn lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc, âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và diễn xuất sinh động của dàn diễn viên thực lực.
Tinh thần của tác phẩm Vợ chồng A Phủ nói riêng và tập truyện Tây Bắc nói chung đã phần nào được lột tả chân thật thông qua những thước phim trắng đen được kỳ công sản xuất. Bộ phim do xưởng phim Việt Nam sản xuất và đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.
Sức sống của tác phẩm không chỉ gói gọn trong phạm vi sách giáo khoa, không chỉ dừng lại ở những bài kiểm tra đánh giá môn Ngữ Văn của học sinh ngày nay mà còn khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác nghệ thuật khác.
Trong đó có thể kể đến việc nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh cùng đội ngũ sản xuất xây dựng nên ca khúc Để Mị nói cho mà nghe vào năm 2019 vừa qua. Sản phẩm chất lượng cả về mặt nội dung và hình thức ấy không chỉ làm khuynh đảo thị trường âm nhạc mà còn nhận được sự đánh giá cao của cả khán giả lẫn giới chuyên môn.
Bằng những giá trị nghệ thuật và nhân đạo sâu sắc, tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã thành công chinh phục bao thế hệ độc giả. Thời gian qua đi sẽ làm phai mờ nhiều giá trị hiện có nhưng thiên truyện ngắn đặc sắc này sẽ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam và trong trái tim những người yêu văn chương.
Hạnh Vi
Từ khóa » Hình ảnh Vợ Chồng A Phủ
-
Phân Tích Hình ảnh Người Phụ Nữ Tây Bắc Trong Tác Phẩm Vợ Chồng ...
-
Cổ Động - Hình ảnh Mị ("Vợ Chồng A Phủ" Của Nhà Văn Tô Hoài) Dễ ...
-
Tái Hiện Hình ảnh Nam Nữ Thân Mật Trong Phim "Vợ Chồng A Phủ"
-
TOP 20 Bài Phân Tích Vợ Chồng A Phủ Siêu Hay
-
Phân Tích Nhân Vật A Phủ Siêu Hay (19 Mẫu)
-
Hình ảnh Thật Về Quan Hệ Vợ Chồng A Phủ?
-
'Vợ Chồng A Phủ' - Bộ Phim Từ Tác Phẩm để đời Của Tô Hoài - Zing
-
Hình ảnh Nắm Lá Ngón Trong Vợ Chồng A Phủ - THPT Sóc Trăng
-
Top 14 Bài Phân Tích Nhân Vật Mị Trong Vợ Chồng A Phủ Hay Chọn Lọc
-
Tóm Tắt Vợ Chồng A Phủ
-
Nhiếp ảnh Trẻ Tái Hiện Vợ Chồng A Phủ Cực ấn Tượng
-
Top 5 Bài Cảm Nhận Hình ảnh Giọt Nước Mắt Của A Phủ Trong “vợ ...
-
Top 10 Bài Phân Tích Giá Trị Nhân đạo Trong Tác Phẩm Vợ Chồng A Phủ