Vợ Có Phải Trả Nợ Khoản Vay Riêng Của Chồng Không ? - THAIHA LAW

MỤC LỤC

  • 1. Vợ có phải trả nợ khoản vay của chồng không ?
  • 2. Vợ có phải trả nợ khoản vay của chồng sau khi đã chia tài sản chung không ?
  • 3. Chồng có phải trả nợ khoản vay riêng của vợ có từ trước khi kết hôn không ?

1. Vợ có phải trả nợ khoản vay của chồng không ?

Câu hỏi : Ông N vốn ham chơi, thỉnh thoảng ông lại đi vài ngày hoặc vài tuần mà không nói rõ đi đâu, với ai. Mới đây, có một nhóm người đến nhà tìm gặp ông N để đòi nợ số tiền 35 triệu đồng, có giấy ghi nhận nợ viết tay của ông N. Do ông N không có nhà, vợ ông N không biết khoản vay này của chồng nên đã nói rằng ai vay thì người đó trả, bà không có nghĩa vụ trả nợ cho chồng. Nhóm đòi nợ đe dọa nếu sau 01 tuần không trả thì sẽ thu giữ đồ đạc trong nhà để trừ nợ. Vợ ông N hoang mang không biết mình có liên đới gì với trách nhiệm trả nợ khoản vay này của chồng không?

Luật sư tư vấn :

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng. Theo đó, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác do đại diện, ủy quyền giữa vợ, chồng. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản gồm:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Đối chiếu các quy định trên với trường hợp của ông N, ông này vay tiền để tiêu dùng cá nhân, không phục vụ các hoạt động chung của gia đình, không thuộc trường hợp nào nêu trên, vợ ông cũng không biết gì về khoản vay này, do đó ông N hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về khoản vay này, ông phải dùng tài sản riêng để trả nợ.

Hành vi của nhóm đòi nợ đe dọa nếu sau 01 tuần không trả thì sẽ thu giữ đồ đạc trong nhà để trừ nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Bà N có quyền đề nghị cơ quan công an can thiệp khi nhóm người này thực hiện hành vi này.

2. Vợ có phải trả nợ khoản vay của chồng sau khi đã chia tài sản chung không ?

Câu hỏi : Thông qua tôi, anh họ tôi có vay của bạn tôi 300 triệu đồng với thời hạn 03 tháng, hai bên có viết giấy vay nợ với nhau. Đến hạn trả nợ, bạn tôi có nhắn qua tôi là bảo anh họ trả tiền. Tôi đã nói với chị dâu (vợ của anh họ) là hai vợ chồng thu xếp tiền để trả, thì chị ấy trả lời là việc anh vay thì anh ấy trả, chị không có trách nhiệm gì, hơn nữa vợ chồng chị cũng đã chia tài sản chung, chị không có trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ của chồng. Xin hỏi việc chia tài sản chung của vợ chồng anh họ tôi có hợp pháp không khi mà hôn nhân của họ vẫn đang tồn tại? Khoản nợ 300 triệu đồng do người chồng chịu trách nhiệm trả hay liên đới cả hai vợ chồng?

Luật sư tư vấn :

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cho phép vợ chồng được thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, Điều 38 của Luật quy định: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình hoặc nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ theo Điều 42 của Luật; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, việc vợ chồng của anh họ bạn thỏa thuận chia tài sản chung khi hôn nhân của họ đang tồn tại là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật công nhận.

Về khoản nợ 300 triệu đồng mà anh họ của bạn đã vay, cần xác định việc trả nợ thuộc nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng hay là nghĩa vụ riêng. Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình quy định: Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Nếu việc vay 300 triệu đồng nhằm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản nêu trên thì vợ chồng có trách nhiệm cùng trả nợ; nếu việc vay 300 triệu đồng của anh họ bạn không nhằm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản nêu trên thì người vợ không chịu trách nhiệm trả nợ (quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình: Thỏa thuận của vợ chồng về chia tài sản chung không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba).

3. Chồng có phải trả nợ khoản vay riêng của vợ có từ trước khi kết hôn không ?

Câu hỏi : Tôi và vợ mới kết hôn được 06 tháng, vừa rồi chị họ bên nhà vợ có sang vợ chồng tôi đòi khoản tiền mà vợ tôi vay chị ấy cách đây 01 năm. Nay vợ tôi đang có bầu, sức khỏe yếu nên nghỉ ở nhà dưỡng thai, vì vợ không có tiền trả nợ nên chị họ của vợ đã yêu cầu tôi phải trả nợ cho cô ấy. Xin hỏi, tôi có trách nhiệm trả khoản nợ này của vợ không?

Luật sư tư vấn :

Để xác định trách nhiệm trả khoản nợ do vợ bạn vay trước khi kết hôn thì cần xác định thuộc nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng hay nghĩa vụ riêng về tài sản.

Căn cứ Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại Khoản 4 Điều 37 của Luật này;

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Như vậy, khoản tiền mà vợ bạn vay của chị họ từ trước khi kết hôn được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ bạn. Cô ấy có trách nhiệm trả khoản nợ này từ tài sản riêng của cô ấy.

Đó là về mặt lý, còn về mặt tình cảm thì nếu bạn có khả năng trả nợ và cảm thông với cô ấy về chuyện nợ nần trong quá khứ thì bạn có thể tự nguyện trả nợ giúp vợ mình.

Xem thêm : Cách chứng minh tài sản riêng của vợ chồng khi ly hôn

Nhấn vào đây để quay về chuyên trang luật sư tư vấn ly hôn hoặc liên hệ luật sư tư vấn thủ tục ly hôn : 0904 902 429 

Từ khóa » Nợ Của Chồng Vợ Có Phải Trả