VỞ KỊCH “BỆNH SĨ” CỦA TÁC GIẢ LƯU QUANG VŨ

Tối ngày 23/5/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn vở kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ phục vụ khán giả. Vở kịch này đã mở màn cho chuỗi chương trình khởi động trở lại của các hoạt động nghệ thuật, sau thời gian bị gián đoạn bởi do dịch Covid-19. Tới dự và xem chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đông đảo khán giả yêu nghệ thuật. Cái “Bệnh sĩ” ở thời kỳ bao cấp khác với “Bệnh sĩ” với hiện tại hôm nay, nhưng tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm thì không bao giờ cũ. Vở kịch đã trở thành một hiện tượng xã hội ngay từ lần đầu tiên được dàn dựng, nó đã phản ánh sâu sắc và lên án gay gắt về sự bi hài của xã hội Việt Nam thời kỳ sau kỳ sau đất nước thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng khán giả xem chương trình

Vở kịch lấy bối cảnh một làng quê ở miền Bắc có tên Cà Hạ, được sự cố vấn và tâng bốc của quân sư Văn Sửu, Chủ tịch xã Cà Hạ là ông Toàn Nha đã quyết định thay tên đổi họ xã Cà Hạ với cái tên rất mĩ miều là xã Hùng Tâm. Bên cạnh đó, ông còn “Phong chức” cho những người nông dân thật thà, chất phác với những cái danh nghe rất oách, nhưng thực chất đây chỉ là cái “Danh hão” như: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Chủ nhiệm Trung tâm Xây dựng, Chủ nhiệm Trung tâm triệt sản gia súc... nhằm quyết tâm thực hiện đạt được mục tiêu “Phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là người dân xã Hùng Tâm”.

Cảnh trong vở kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ được tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện trên sân khấu

Hiện tượng xã Cà Hạ được xem là hình ảnh xã hội Việt Nam thu nhỏ, một xã hội được điều hành bằng những nguyên tắc “Làng xã” và ông Chủ tịch Toàn Nha là hiện thân của lãnh đạo xã thời đó với tính cách ưa đại ngôn, thích hoành tráng. Ông quyết định cho phép một anh hoạn lợn biến thành kỹ sư, mời truyền hình, mời nhà văn cấp quốc gia chứng kiến và đưa tin về những thành quả to lớn của ông và của cả xã Cà Hạ, nhưng ông đâu có ngờ rằng mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, với cái nhìn rất hạn chế. Cái căn “Bệnh sĩ” của ông đã lây lan khắp làng xã, nó đã biến một anh lái tàu chở phân bón trên sông thành anh thuyền trưởng tàu viễn dương cực kỳ oai phong, ông làm nghề hoạn lợn thành kỹ sư… nhưng dù có được gọi bằng cái tên nào đi chăng nữa, thì những con người ấy cũng không thể thay đổi bản chất, họ sống trong ảo tưởng, họ tự lừa người và lừa chính bản thân mình và đây chính là bi kịch, là hệ lụy rất nguy hiểm đối với xã hội của cái căn “Bệnh sĩ”.

Cảnh trong vở kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ được tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện trên sân khấu

Vở kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ đã được tập thể diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam diễn xuất hết sức thành công và đem đến cho công chúng, khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu có được những tiếng cười vui nhộn và sảng khoái./.

Tất Hào

Từ khóa » Vở Kịch Bệnh Sĩ Của Lưu Quang Vũ