Vợ Lớn Hơn Chồng 41 Tuổi Là Bình Thường, Ai Kì Thị, Xúc Phạm Họ Sẽ ...

PV: Thưa luật sư, pháp luật có cấm việc kết hôn chênh lệch tuổi như trên hay không?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Hiện hành, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào cấm việc kết hôn do chênh lệch tuổi. Đồng thời, căn cứ vào điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thỏa mãn các điều kiện sau đây thì được kết hôn:

1. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.

2. Không bị mất năng lực hành vi dân sự.

3. Việc kết hôn không thuộc trường hợp: Kết hôn giả tạo; cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Vợ lớn hơn chồng 41 tuổi: Luật pháp không cấm kết hôn lệch tuổi; ai kì thị, xúc phạm họ sẽ gánh lấy hậu quả pháp lý - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi, ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai và anh Aziz Ur Ehman, 24 tuổi, quốc tịch Pakistan.

Do đó, việc vợ lớn hơn chồng 41 tuổi như trên là bình thường (miễn họ yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau…) và được nhà nước bảo vệ quan hệ hôn nhân theo đúng quy định pháp luật.

PV: Về mặt pháp luật là vậy, tuy nhiên trong đời sống thực tế vẫn có những trường hợp kì thị, xúc phạm, ngăn cản các trường hợp kết hôn lệch tuổi như trên; vậy họ có gánh lấy chế tài gì không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Như tôi đã nói ở trên, nhà nước sẽ bảo vệ quan hệ hôn nhân của họ theo đúng quy định pháp luật. Do đó ai kì thị, xúc phạm, ngăn cản họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ sẽ tùy vào mức độ vi phạm mà gánh lấy hậu quả pháp lý tương ứng (bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời, người bị xúc phạm có thể kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015).

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thông qua đây, tôi cũng mong mọi người nên có cách nhìn tiến bộ hơn, bình đẳng trong tình yêu và hôn nhân. Xưa nay, việc người chồng lớn hơn người vợ vài chục tuổi được mọi người coi là điều bình thường thì không có lý do gì cho rằng việc người vợ lớn hơn người chồng vài chục tuổi là bất thường.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư.

Từ khóa » Vợ Hơn Chồng 41 Tuổi