Vớ Phải ông Hà Tiện! | Báo Dân Trí

Đã 35 tuổi, ngoài vẻ đẹp nam tính, Hưng còn là tay kiếm tiền khá nhưng vẫn độc thân. Bà mẹ gần 70 thúc giục: “Tôi lạy ông, ông lấy vợ cho tôi nhìn cháu nội rồi nhắm mắt cho an lòng”. Hưng gắt: “Mẹ tưởng lấy vợ dễ lắm à? Không lựa chọn kỹ lấy phải đứa ăn tàn phá hại thì tiêu đời...".

Nói vậy thôi chứ lúc đầu chính Hưng cũng không hiểu tại mình “đen” thế. Tính sơ sơ cũng yêu đến mười mấy cô nhưng không hiểu tại sao sau vài lần gặp là các cô lại “chạy mất dép”.

Cho đến khi Hồng, một kế toán xinh xắn cười ha hả và nói vào mặt anh sau một tháng tìm hiểu: “Tôi vốn rất chi li nhưng ở bên loại đàn ông “rán sành ra mỡ” như anh tôi vẫn thấy mình quá hoang phí”. Câu chuyện về “thần giữ của” Hưng đã trở thành đề tài “nóng” một thời gian dài.

Theo Hồng, lần đầu hai đứa đi uống cà phê, cô thấy mặt bạn trai có phần biến sắc khi mình gọi ly cam đá 30 nghìn đồng, còn Hưng khiêm tốn “cho xin ly nước lọc” vì đau bụng.

Lần khác, Hưng nhất định không cho cô gọi nước cam vì “cam đểu đấy, em uống lipton đi”. Hồng còn chua chát: “Hắn nghiện thuốc lá nhưng có hôm vào quán thấy bàn trước còn để lại 2 điếu, hắn cầm luôn và thản nhiên nói “may quá, có lộc”. “Giọt nước tràn ly” khi trong một cuộc nhậu mừng lên lương của Hồng, Hưng chủ động nhận “chủ chi”.

Dự kiến của Hồng là chỉ mời vài người bạn thân nhưng bị “vượt định mức” vì người này rủ người kia. Biết tính Hưng nên Hồng chỉ chọn quán vịt Vân Đình. Nhìn những người bạn Hồng nâng cốc mà tai Hưng ù đi vì nhẩm tính số tiền sẽ lên tới triệu bạc.

Thấy người yêu gườm gườm nhìn mấy người bạn với nụ cười méo xệch mà Hồng ngượng cháy mặt. Gần tàn cuộc nhậu, một người bạn Hồng gọi thêm mấy chai bia, cô phục vụ nói: “Em hết bia rồi”. Một lát sau, bạn Hồng phát hiện chính cô này mang bia sang bàn bên cạnh cho khách.

Cậu bạn gọi cô phục vụ ra chất vấn, cô này nói úp mở khiến những cái đầu đã tây tây, cay cú tuyên bố: “Mày sợ chúng tao không tiền à? Tao đập tan quán bây giờ”. Cô phục vụ sợ quá chạy mất. Chủ quán buộc phải chỉ vào Hưng phân trần: “Đây, cậu này yêu cầu tôi bảo hết bia vì cậu ấy bảo sẽ không thanh toán nếu mang ra tiếp”. Hồng chết lặng. Một người bạn ném 100 đô la Mỹ xuống bàn: “Yếu thì đừng ra gió, gặp bão đấy”.

Sáng nào cũng vậy, Thi bao giờ cũng là người đầu tiên đến cơ quan. Mọi người có hỏi thì anh trả lời thủng thẳng: “Đi sớm cho đỡ tắc đường”. Sau này mấy cô cùng phòng cứ nhìn thấy Thi là cười khúc khích và thì thầm to nhỏ nghe có vẻ bí mật lắm.

Rồi lời giải vì sao Thi phải đi làm sớm cũng được sáng tỏ khi một buổi trưa chính anh làm ầm cơ quan vì mất đâu mấy củ su hào để dưới nhà xe.

Thì ra sáng nào Thi cũng đi sớm vì phải tạt qua chợ Ngã Tư Sở mua rau buổi sáng cho rẻ. Một trong những “thủ phạm” giấu su hào nói móc: “Khiếp, anh Thi trông như tài tử điện ảnh mà đi chợ mua rau đến khéo, su hào non ơi là non”. Thi chỉ ầm ừ không nói nhưng từ đó ghét cô này ra mặt.

Thật ra chuyện Thi thuộc típ đàn ông “vắt cổ chày ra nước” từ lâu đã là đề tài để “buôn” cho cánh phụ nữ. Thi vào loại kiếm được nhiều tiền vì có nhiều mánh lới. Vậy mà mỗi khi đi uống chén nước chè 1.000 đồng cũng phải kéo ai đó đi để trả hộ.

Bà bán nước và cánh xe ôm biết chuyện nên cứ thấy là nói bóng gió: “Anh Thi đến kìa, chuẩn bị ghế đẹp cho anh ngồi”. Thi biết họ xỏ xiên nhưng phớt lờ. Một lần cao hứng Thi nói: “Tiết kiệm cũng là một cách tận hưởng. Như tao đây, ra quán bà Sết ngồi, có lúc còn 500 đồng bà ấy không có tiền trả lại, tao bắt bà ấy trả bằng nửa chén nước trà uống hết cho khỏi quên, tội gì”.

Theo “điều tra” của mấy cô cùng cơ quan thì Thi không bao giờ cho vợ đi chợ, anh tự đi vì vợ “mua cái gì cũng đắt”. Bữa cơm nhà anh muôn đời chỉ có thịt lợn ba chỉ rang mặn và rau.

Vợ Thi tâm sự với bạn gái: “Lúc yêu thấy lão tiết kiệm, tao mừng thầm vì không vớ phải thằng ăn hoang phá hoại. Lấy rồi mới biết khổ, lão không cho quan hệ với ai vì sợ giao lưu tốn kém. Cứ 22h là phải tắt đèn đi ngủ cho đỡ tốn điện. Đợt 20/10, cơ quan tặng chị em mỗi người một bộ áo dài mà lão cứ chửi suốt vì tội “giấu tiền riêng để ăn chơi đua đòi”. Mỗi lần có khách quê lên là lại bị một phen ngượng chín người, toàn đãi khách món bánh mì chấm sữa ông Thọ rồi bao biện: “Ăn món này vừa ngon, vừa bổ, vừa an toàn, vừa tiện”.

Thắng là dân học ở Đức về đúng vào thời điểm “trận mưa vàng” năm 1991, đang công tác ở một công ty liên doanh, lương cỡ nghìn đô một tháng. Thắng đi làm với xe SH, cặp da Gucci nên không bao giờ la cà quán xá, rất ít giao du với ai, hết giờ làm là về nhà.

Trung (em trai Thắng) dường như không ưa ông anh, đã có lúc nói: “Trông oách vậy thôi nhưng ngoài cái xe, bộ quần áo và phòng khách căn nhà để làm mẽ thì bao nhiêu tiền lão cho vào “lọ” hết. Lão cố tạo ra vẻ hoành tráng thế nhưng vợ con và bản thân khổ khác gì chị Dậu, anh Pha. Ngày nào lão cũng xui các con: Nhà bà ngoại hôm nay cơm ngon lắm”.

Vợ Thắng cũng ấm ức nói: “Cưới xong mỗi sáng ông ấy đưa đủ tiền ăn sáng rồi tính chi li từng lạng thịt, mớ rau. Cầm mà ứa nước mắt, giờ thì quen rồi. Như sáng nay đây, ba mẹ con 8 nghìn tiền xôi, 25 nghìn thịt, 4 nghìn rau cho cả ngày. Nước mắm, mì chính thì tính theo tháng”.

Bà hàng nước đầu phố kể câu chuyện “cười ra nước mắt” về tính bần tiện của Thắng. Cách đây chừng 3 tháng, vợ Thắng đi đón con bằng xe máy về đến đầu phố thì va nhẹ với một ông già nên cả hai cùng bị ngã. Đứa con gái bò dậy khóc, còn chị vợ thì bị chiếc xe của chính mình đè lên chân.

Nghe hàng xóm mách, Thắng chạy ra mắng vợ: “Giời ơi, nứt xi nhan rồi. Ngã thế này thì còn gì xe nữa”. Tiếp theo là việc mặc cả tiền “bồi thường” ầm ĩ cả khu phố.

Về nhà, Thắng bảo: “Sao cô không nằm ườn ra đường giả ngất, dậy làm gì. Không ngờ lão già trông thế mà toàn tờ 500 nghìn, biết thế đòi nhiều hơn, tiếc đứt ruột”.

Hạnh, một trong những đệ tử của Lão hà tiện lập luận: “Các cụ đã có câu, buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Mình là hậu bối thì cứ theo đấy mà làm. Mà tôi thấy lạ lắm, mỗi lần mệt mỏi cứ mở két nhìn một lúc hết bệnh liền mới hay chứ”.

Và việc “mê tiền” quá mức đã khiến cho chính Hạnh bị trả giá. Nhà anh ở tầng 1 khu tập thể 5 tầng nên kiếm thêm bằng nghề trông xe đạp, xe máy. Thành lệ, cứ đêm đến là Hạnh lại dậy lần mò tháo xăng xe của khách. Anh nói với vợ: “Mỗi xe một cốc, ai biết. Vất vả một chút nhưng bù lại cả nhà mình không bao giờ mất tiền mua xăng, thỉnh thoảng còn bán được một can cho ông chữa xe đầu phố đấy. Tiết kiệm bằng tiền của người khác mới giỏi chứ”.

Một đêm nọ, do bị chập điện nên phát cháy chính từ chỗ can xăng “tăng gia được”. Phải mất gần một giờ đám cháy mới được dập tắt, cả nhà Hạnh may mắn bỏng nhẹ nhưng gần 20 chiếc xe máy bị cháy hỏng. Trước sức ép của các chủ xe, nghĩ đến số tiền phải đền cả trăm triệu, Hạnh đã quẫn trí dùng đến gần 50 viên thuốc ngủ để “xù” khoản đền bù.

Số Thắng cũng không may mắn hơn Hạnh. Vừa rồi con gái anh bị sốt xuất huyết. Thắng nói: “Cứ ra hiệu thuốc, vừa đỡ tiền khám, vừa rẻ hơn trong viện”. Rồi Thắng chợt nhớ số thuốc giảm sốt của con lần trước dùng chưa hết nên lấy cho con uống. Khoảng hai giờ sau con gái Thắng lên cơn co giật. Mặc cho người vợ gào thét, sau khi đắp khăn lạnh lên trán con gần một giờ không hạ nhiệt Thắng mới cuống cuồng đưa con vào viện chỉ chậm chút nữa là phải ân hận suốt đời.

Thạc sĩ tâm lý Bùi Tuệ nói: “Tiết kiệm khác với hà tiện. Tiết kiệm là biết chi tiêu một cách hợp lý, một việc làm cần thiết để tích luỹ cho tương lai nhưng phải đảm bảo những yêu cầu cần thiết như ăn, uống, giải trí... Không những thế, người ta còn phải biết đầu tư cho các mối quan hệ để cuộc sống thêm phong phú. Tiền chỉ là phương tiện để làm cho cuộc sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, đừng đặt nó lên trên tất cả.

Có một số người đã “yêu” tiền hơn những người thân, thậm chí hơn cả bản thân mình, như vậy dễ sinh tiêu cực, dễ bị cô lập... Họ không bao giờ có hạnh phúc vì hạnh phúc là biết sống vì người khác.

Theo Đời Sống và Pháp Luật

Từ khóa » đàn ông Hà Tiện