Vô Tửu Bất Thành Lễ... - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

1.Đối với người Việt, không có tài liệu nào nói đích xác người Việt làm ra rượu từ bao giờ, song tôi chắc chắn một điều rằng, rượu đã có mặt từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt và được đại đa số các tầng lớp nhân dân ưa chuộng. Chẳng thế mà đi từ Bắc vào Nam có thể kể tên rất nhiều làng nghề nấu rượu, rất nhiều loại rượu mang tính chất đặc sản - đặc hữu - bản sắc của mỗi vùng miền như: rượu Bàu Đá, đế Gò Đen, rượu Kim Long, rượu Kim Sơn, rượu Bó Nặm, rượu Hồng Đào, rượu làng Vân, rượu Lộc Thủy, rượu Mẫu Sơn, rượu Phú Lễ, rượu San Lùng…

Người Việt có thể nói có những am hiểu khá kỹ về rượu, biết dùng nhiều loại men khác nhau trong công nghệ nấu rượu. Chẳng hạn dùng men lá để ủ nên rượu cần, từ men ngô để có đặc sản rượu ngô Bản Phố, dùng men sắn để nấu thành rượu sắn. Dòng rượu men gạo truyền thống cũng chia thành nhiều loại: rượu gạo, rượu nếp, rượu nếp cẩm, rượu nếp cái hoa vàng…

Rượu còn được ngâm với nhiều loại động - thực vật khác nhau để tạo nên một bức tranh đa sắc, vô cùng phong phú sinh động với muôn hình vạn trạng: rượu thuốc, rượu tắc kè, rượu bìm bịp, rượu chuối hột, rượu táo mèo, rượu trứng, rượu rắn, rượu mơ, rượu ba kích, rượu cá ngựa… Cái tình của người Việt với rượu như vừa kể sơ sơ ở trên xem ra cũng rất phù hợp với những đặc điểm tính cách dân tộc được Đào Duy Anh nêu ra từ năm 1938 trong tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương.

Theo đó, một trong những nét tính cách của người Việt là tương đối thích "chơi bời", tính nghệ sĩ nổi trội bởi "giàu trí nghệ thuật hơn là trí khoa học", đất nước lại có vô vàn những dịp lễ hội trải suốt trong năm… Tất cả những yếu tố trên càng "tạo điều kiện" cho rượu được sử dụng, được ưa chuộng như một yếu tố không thể thiếu.

Uống rượu là một thú ẩm thực không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt (Ảnh có tính minh họa)

Nhưng có một điều quan trọng cần được nhấn mạnh, đó là việc sử dụng rượu trong đời sống của người Việt đã được nâng lên thành một nghi lễ, cấp thêm cho ly rượu những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh thiêng liêng. Những ngày giỗ, Tết, lễ hội, rượu xuất hiện với tư cách "vô tửu bất thành lễ". Khi những chén rượu trắng được rót ra cung kính đặt lên ban thờ, bên cạnh nước trắng, hương hoa, cỗ bàn…, người Việt tin rằng sự thành tâm của mình đã được bề trên chứng nhận và những sợi dây tâm linh bắt đầu được thiết lập qua những nghi lễ như thế.

Người Việt bên cạnh việc thưởng thức rượu theo sự đa dạng phong phú về chủng loại còn có những quan điểm rất riêng về việc uống rượu khi nào và uống với ai. Không phải mùa nào cũng đáng để uống rượu như một sự thưởng thức. Chẳng hạn đối với mùa hè, gần như không có một áng văn chương nào ca ngợi hay bàn tới việc uống rượu vào thời điểm này. Nhưng những mùa khác thì ắt hẳn là có, với những màu sắc khác nhau, riêng biệt cho từng mùa.

2.Với mùa xuân, chén rượu của mùa này là chén rượu chúc mừng năm mới, chúc mừng sự sinh sôi nảy nở, cây cối thì đâm chồi nảy lộc, lòng người cũng hân hoan phơi phới lạc quan. Tản Đà đã viết bài "Ngày xuân thơ rượu" nổi tiếng: "Trời đất sinh ra rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa/ Còn thơ còn rượu còn xuân mãi/ Còn mãi xuân còn rượu với thơ".

Với mùa thu, đây là mùa thường được coi là mang lại cảm hứng nhiều hơn cả cho những tâm hồn nghệ sĩ. Một chút men rượu làm lâng lâng lòng người nhất định sẽ hòa hợp tuyệt đẹp cùng những khoảnh khắc bâng khuâng của đất trời, của gió heo may, của lá vàng ngập lối, của mặt nước long lanh với bờ xa sương khói… Nguyễn Khuyến trong chùm thơ thu ắt hẳn vì thế mà phải dành riêng một bài với nhan đề "Thu ẩm" (nghĩa là Uống rượu mùa thu) với hai câu kết nổi tiếng: "Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy/ Độ dăm ba chén đã say nhè".

Với mùa đông, chén rượu sẽ làm lòng người ấm áp hơn, góp phần chống lại cái lạnh giá khắc nghiệt của thời tiết, chén rượu trong những cuộc sum vầy mùa đông cũng khiến lòng người thấy gần nhau hơn. Một tác phẩm cổ văn Trung Hoa nổi tiếng là "U mộng ảnh" (Trương Trào) có đoạn: "Mưa mùa xuân nên đọc sách, mưa mùa hè nên đánh cờ, mưa mùa thu nên lục đồ trong hòm rương cũ ra xem, mưa mùa đông nên uống rượu".

Trong văn học Việt Nam, thi phẩm uống rượu mùa đông nổi tiếng nhất có lẽ chính là bài "Uống rượu với Tản Đà" của thi sĩ Trần Huyền Trân: "Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…".

Như vậy, sau việc nên uống rượu vào thời điểm nào, người Việt cũng ý thức rất sâu sắc về việc uống rượu với ai. Rượu cần phải uống với người tri âm tri kỷ, người hiểu mình và ngược lại mình cũng hiểu bạn. Chẳng thế mà khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã viết: "Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua". Người tri âm đã không còn, chén rượu nâng một mình thấy lòng lẻ loi đắng đót.

Trong một trường hợp khác, khi bĩ cực phẫn chí mà phải mượn rượu quên sầu hoặc nói lên cái chí khí hoài bão của mình, người uống rượu cũng muốn hướng tâm tình về một tri kỷ. Nói như thế để thấy việc uống rượu trong sự sẻ chia với một tha nhân là điều vô cùng quan trọng. Đó chính là trường hơp Nguyễn Vỹ với kiệt tác "Gửi Trương Tửu": "Cho nên tôi buồn không biết mấy/ Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy/ Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa/ Bậc chí thành say mấy cũng vừa".

Các bậc danh sĩ đất Việt, những thi nhân nổi tiếng từ xưa đến nay, hầu như ít nhiều đều bàn đến rượu trong thơ, nhờ rượu mà bày tỏ tâm sự hoặc một phần cốt cách của mình. Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập" có không ít những câu về rượu, bộc lộ một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết: "Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/ Ngày vắng xem hoa bợ cây".

Đại thi hào Nguyễn Du cũng có nhiều câu thơ chữ Hán tuyệt hay về rượu: "Phù thế kỷ kinh tang lỗ biến/ Sàng đầu y cựu tửu doanh tôn" (Trăm năm thay đổi cuộc đời/ Chỉ mong chai rượu không vơi đầu giường), "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi" (Sống không cạn chén trên đời/ Chết rồi xuống mộ ai người tưới cho).

Một nhân vật khác là Nguyễn Công Trứ có sở thích du sơn ngoạn thủy với bầu rượu túi thơ, đi chơi có bao giờ thiếu rượu bên mình: "Khi ca khi tửu khi cắc khi tùng/ Không Phật không Tiên không vướng tục". Và rượu không chỉ là đặc quyền của các nam nhân văn sĩ bởi bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng đã viết: "Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn".

Sang đến thể kỷ XX, danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có không ít những câu thơ về rượu. Khi thì rượu xuất hiện trong một sự phủ định: "Trong tù không rượu cũng không hoa" (Ngắm trăng). Khi thì rượu xuất hiện trong một sự tràn đầy khoáng đạt hào sảng mênh mang: "Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say" (Cảnh rừng Việt Bắc).

Trong những nhà thơ của phong trào Thơ Mới, Nguyễn Bính có lẽ là người đưa rượu vào thơ nhiều nhất. Trong 272 bài thơ viết trước 1945 của ông, chúng tôi thống kê được tới 51 lần chữ "rượu" xuất hiện và 45 lần chữ "say" xuất hiện. Đại đa số những lần xuất hiện của rượu trong thơ Nguyễn Bính đều gắn với những nỗi buồn của thân phận, của tình yêu, của sự trôi dạt giang hồ.

Nói như thế nghĩa là, rượu đối với Nguyễn Bính như một người bạn của sự chia sẻ: "Chị ơi Tết đến em mua rượu/ Em uống cho say đến não nùng/ Uống say cười vỡ ba gian gác/ Ném cái chung tình xuống đáy sông" (Xuân tha hương), "Sầu nghiêng mái lá mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay" (Giời mưa ở Huế)…

3. Tóm lại, đối với người Việt, rượu có thể gắn với một nghi lễ (giỗ, Tết, lễ hội), rượu có thể gắn với sự sẻ chia tâm tình của tri âm tri kỷ (Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, Trương Tửu và Nguyễn Vỹ), rượu có thể bộc lộ một nhân sinh quan hoặc chí khí hào khí hùng khí (Nguyễn Công Trứ với "Bài ca ngất ngưởng", Nguyễn Bá Trác với "Hồ trường"), rượu có thể bộc bạch tâm sự nỗi niềm thời thế (Trần Huyền Trân), rượu có thể sẻ chia những vui buồn của kiếp người (Nguyễn Bính), rượu lại cũng có thể là sự hưởng thụ mang tính cá nhân (Tản Đà với Ngày xuân thơ rượu)… Có thể thấy trong muôn vàn các trường hợp, rượu luôn là thứ sẽ giúp được người ta thăng hoa theo một ý nghĩa nào đó…

Nhưng điều đặc biệt nhất trong những câu chuyện văn chương và rượu của người Việt mà tôi thấy được là câu chuyện uống rượu với vợ. Tri âm tri kỷ khi ấy không phải là những văn nhân nam sĩ với nhau mà người tri kỷ chính là bạn đời nâng khăn sửa túi với mình.

Ở văn xuôi, đó chính là những trang túy bút cảm động lòng người trong "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng khi viết về những kỷ niệm với người vợ Nguyễn Thị Quỳ nay không còn nữa: "Bây giờ, đâu còn những cốc rượu, những đêm rút bất say sưa như thế nữa? Đâu còn những chén hạt mít vợ mời chồng nhấp men tình?...". Với thơ, đó là bài "Uống rượu với chồng" của Nguyễn Lam Điền: "Thì mình cứ rót em say/ Tựa vào hơi ấm mà bay một lần/ Đất xa tạt xuống trời gần/ Chung chiêng cả mấy mươi lần thế gian"…

Tôi tin rằng mỗi người Việt, có lẽ sẽ đều tự chọn lấy một cách uống rượu thật đẹp cho riêng mình…

Từ khóa » Phi Tửu Bất Thành Lễ