Vỏ Xoan Chữa Bỏng? - VnExpress Sức Khỏe

Trả lời:

Cây xoan mà quê bạn trồng nhiều để lấy gỗ là cây xoan ta hay xoan nhà, có tên khoa học là Melia azedarach L., họ xoan Meliaceae. Vỏ thân hay vỏ rễ đã chế biến khô của nó là vị thuốc khổ luyện bì (Cortex Meliae), vị đắng, tính lạnh, có độc, có tác dụng tẩy giun và dùng ngoài da chữa eczema, lở ngứa.

Còn vỏ cây xoan chữa được bỏng là cây xoan nhừ, còn gọi là xoan trà, xoan rừng hay lát xoan, ở Sa Pa gọi là cây nếnh, Lạng Sơn gọi cây mắc miễu, miền Nam gọi là cây xuyên cóc. Về thực vật học, cây xoan nhừ giống hệt cây xoan ta, thân gỗ cao 10-20 m. Quả xoan nhừ không phải là quả hạch mà là quả nang cứng hình trám dài 2-3 cm, vỏ bóng màu vàng, khi còn xanh thì chua, chín thì hơi ngọt và ăn được. Cây mọc hoang ở vùng núi phía Bắc nước ta: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai... Quả được thu hoạch khi chín đem phơi hay sấy khô, có vị chua hơi ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, giải độc, cầm máu, giúp tiêu hóa.

Vỏ thân cây được thu hoạch quanh năm, đem lột thành từng mảng phơi nắng hoặc sấy khô để dùng.

Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ xoan nhừ được dùng để chữa bỏng đem lại kết quả tốt. Bệnh viện 103 - Cục quân y và một số cơ sở khác đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng trên quy mô lớn cho thấy: nước sắc đặc của vỏ cây xoan nhừ khi bôi lên vết bỏng đã tạo ra một màng che phủ mềm mại, bền chắc, không bị rách hoặc nứt, không bị căng và bám chặt hơn so với màng Colodion, Fibrin, người bệnh không đau. Nước sắc này có tác dụng làm khô các vết thương bỏng, không bị nhiễm khuẩn tại chỗ do được cách ly với môi trường bên ngoài, không có mùi hôi thối, làm giảm số lần thay băng, rút ngắn thời gian điều trị. Các vết bỏng rộng thì tự biểu mô hóa dưới lớp màng. Đối với bỏng độ 2: Bỏng trung bì nông thì sau 8-12 ngày màng bắt đầu bong. Đối với các vết thương bỏng trung bì sâu hơn thì sau 10-20 ngày màng mới bong ra.

Hiện nay nước sắc đặc của vỏ xoan nhừ đã được bào chế thành một số chế phẩm dùng để chữa vết thương bỏng.

Bài thuốc chữa bỏng: Vỏ xoan nhừ tươi 6.000 gam, sắc kiệt với nước, cô đặc lại thành cao khoảng 1.000 ml, trung hòa bằng Natricarbonate cho pH = 7 (trung tính) để bôi khỏi xót. Có thể chế thành dạng bột. Rửa sạch vết bỏng, loại bỏ (cắt lọc) các nốt phồng rộp và thượng bì đã hoại tử bong ra, lau cho sạch, thấm khô cho vô khuẩn, rắc bột hoặc bôi cao lên kín vết thương. Không nên dùng cho vết bỏng sâu, vết bỏng đã nhiễm khuẩn xuất tiết nhiều và có mủ.

BS Phạm Hinh, Sức Khỏe & Đời Sống

Từ khóa » Hình ảnh Cây Xoan Nhừ