Vòng Bánh Xe Trên Phố | Văn Hóa Xã Hội

Cảm giác sống chậm lại

Sáng sớm tháng Chạp huyền ảo. Ngay góc hồ Tây, khu vực đường Thanh Niên từ lâu đã trở thành địa chỉ mà các thành viên của CLB xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay, Câu lạc bộ xe đạp Peugeot Hà Nội, tụ hội tạo được ấn tượng mạnh. Không chỉ bởi các thành viên của hai CLB này đã sở hữu những chiếc xe đạp cổ đắt tiền, sang trọng, mà còn bởi hình ảnh ấy như một nốt nhạc trầm mặc giữa đô thị hiện đại. Tạo một cảm giác nhàn tản và bình dị và như đang có những con người sống chậm lại. Mà sự “chậm lại” ấy lại có tầm quan trọng trong tạo nền nếp văn hóa.

Vòng bánh xe trên phố
Nốt trầm trên phố

Hình thành từ 10 năm trước, đến nay CLB xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay đã có gần 100 thành viên, là một sân chơi để các thành viên chia sẻ niềm đam mê, trao đổi kinh nghiệm sửa chữa, sưu tầm các loại xe đạp cổ. Mỗi chiếc xe là một câu chuyện không thể quên trong ký ức người dân Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.

Có một hình ảnh thật ngộ nghĩnh, là lúc tập đi xe đạp - một phần ký ức tuổi thơ khó quên của nhiều người. Những đứa trẻ nhỏ thó, chân còn ngắn nên không ngồi hẳn lên yên được, mà cứ nhấp nhổm theo những vòng quay của bánh xe. Xe đạp đang bị “lép vế” ở Hà Nội và nhiều đô thị lớn. Một thú chơi trỗi dậy. Với người chơi, những chiếc xe là khối tài sản vô giá, luôn được lau chùi, bảo dưỡng.

Gặp các ông già yêu đời, nói chuyện có duyên, khoáng đạt, tuổi hơn 60 trở lên, dẻo dai, chúng tôi thật sự thán phục. Ông Nguyễn Như Tô chia sẻ: Để có được sức khỏe, yêu đời là nhờ tập luyện đi xe đạp. Nhờ đi xe đạp mà chúng tôi năng động hơn, luyện được sức bền của cơ thể. Lời của ông nhắc cho tôi câu chuyện về những bạn trẻ không biết đi xe đạp, lóng ngóng cả khi dắt xe đi lại, rồi thậm chí xa lạ với xe đạp, thì thấy việc đưa xe đạp vào đời sống của các bậc cao niên thật bổ ích.

Hay như Dự án thí điểm xe đạp công cộng, với mục tiêu đưa xe đạp trở thành phương tiện vận tải công cộng tại một số khu vực ở Hà Nội, nhằm giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần xây dựng xã hội an toàn. Sau 4 năm thí điểm, dịch vụ cho thuê xe đạp rơi vào tình trạng ế ẩm, gây lãng phí lớn, tôi nhận thấy để đưa xe đạp sử dụng nhiều hơn trong cuộc sống cần có những chính sách vận dụng hợp lý hơn.

Vâng. Xe đạp ở Hà Nội giờ hiếm quá. Họa hoằn lắm mới thấy một chiếc xuất hiện, do những bậc trung niên hay những ông già sử dụng. Cũng lác đác thấy các văn nghệ sĩ sử dụng vì muốn rèn luyện sức khỏe hoặc là thói quen ngắm phố. Trong khi đây là phương tiện phổ biến của Hà Nội từ trước năm 1990.

Ông Vũ Thành Công, thành viên sáng lập CLB xe đạp Peugeot Hà Nội hồi tưởng: “Hà Nội của chúng ta ngày xưa chỉ toàn xe đạp, bình yên và thong dong lắm chứ không vội vã, cuống quýt như bây giờ, nên chúng tôi vẫn thường hẹn nhau ở Hồ Tây rồi rong ruổi qua các con phố để tìm lại cảm giác xưa. Thanh niên ngày nay bị đánh mất cái thú này. Có những cái mất đi thật khó lấy lại”.

Trong CLB, ông Vũ Thành Công sở hữu 150 chiếc xe đạp cổ của Pháp như Marila, Sterling, Mercier, Follis, Joang Fonix, Peugeot, Aviac... nhiều người cũng sở hữu 5 đến 6 chiếc, người ít cũng sở hữu đôi chiếc và coi chúng như người bạn. Nổi bật trong số “những người bạn” của ông Công là chiếc hãng Lion của Pháp sản xuất năm 1925. Ông Công cho biết: “Nhờ một người bạn thân mua từ Pháp mang về đó. Nhiều người trả tôi 2.500 USD nhưng tôi không bán. Với tôi, chiếc xe này vô giá. Cả Hà Nội không có chiếc thứ hai”.

Các thành viên cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường ở các nước phát triển, họ có thống kê cho thấy, quốc gia nào có nhiều người dân di chuyển bằng xe đạp càng nhiều thì số người bị tai nạn càng ít. Tại thành phố Copenhagen của Đan Mạch, cơ quan chức năng cho rằng có đến 70% lượng khí CO2 thải ra môi trường đến từ các phương tiện giao thông, trong khi đi xe đạp ở đây giúp giảm đến 90.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm. Ông Vũ Văn Đức (CLB xe đạp Peugeot Hà Nội) bộc bạch: “Đi xe đạp có lợi như vậy, nhưng thanh niên ngày nay lại ngại. Họ sống gấp, cái gì cũng muốn nhanh nên cứ phải ô tô, xe máy”.

Công phu nghề chơi

Ở Hà Nội hiện có CLB xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay, CLB xe đạp Peugeot Hà Nội, CLB xe đạp cổ Sấu Giá (huyện Hoài Đức), hội những người chơi xe đạp cũ ở Hà thành… với số hội viên ngày càng tăng. Mỗi mô hình đều có phong cách riêng, nhưng đặc điểm chung của những người chơi xe cổ là hoài cổ, như lời anh Nguyễn Văn Tuấn, hội những người chơi xe đạp cũ ở Hà thành chia sẻ.

Ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tuấn, biệt danh Tuấn “bánh bao” nổi danh với thú chơi đồ cổ và xe đạp. Anh chia sẻ, ngày xưa nhà đông anh em, lúc nào cũng tất tưởi chuyện áo cơm, nên dù yêu những chiếc xe đạp “xịn” nhưng cũng phải gác lại. Từ đấy, nỗi khát khao sở hữu những chiếc xe đạp cứ lớn dần trong Tuấn. Khi trưởng thành, việc kinh doanh mang lại kinh tế khá giả, anh bắt đầu sưu tầm thỏa khát vọng thuở thơ ấu và sau đó tụ họp những người Hà Nội có chung đam mê.

Lúc đầu chỉ 4 người có xe đạp cũ từ thời Pháp thuộc, rủ nhau tụ họp, trò chuyện về những ký ức, thời hoàng kim của xe đạp. Giờ nhóm của Tuấn đã có đến hơn 30 người và lập hẳn thành một hội chơi. Lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Điền, 86 tuổi ở phố Lê Đại Hành, sau đó là những thành viên tuổi chừng hơn 70.

CLB xe đạp Hà Nội xưa và nay đề ra “lịch cố định”, sáng sớm đạp xe ra Hồ Tây phía đường Thanh Niên gặp nhau, riêng sáng chủ nhật các thành viên cùng ăn sáng, uống cafe và đạp xe quanh phố. Có hôm cả đoàn lại rong ruổi qua cầu Long Biên. Theo nhiều thành viên của CLB xe đạp Hà Nội xưa và nay, chiếc xe cổ nhất là những năm 20 của thế kỷ trước, trị giá 200 triệu đồng. “Mỗi con người có một thú chơi văn hóa. Chơi xe đạp cũng là thú chơi ký ức thật sự bổ ích. Yêu xe, dù luôn phải lau chùi, bảo dưỡng chăm sóc thường xuyên cho xe, nhưng chúng tôi vẫn thấy vui”, một thành viên hồ hởi cho biết.

Những chiếc xe được sử dụng từ những năm 30, năm 40, năm 50 thế kỷ trước đều là những món đồ khó kiếm. Nhiều chiếc được nhập từ nước ngoài về và được trả giá tới 1.000 USD. Thậm chí, có người đã trả giá 3.000 USD cho một chiếc xe từng lưu hành vào cuối thập niên 30 thế kỷ trước mà vẫn không mua được. Ông Đỗ Trung Tá, một “cây cao bóng cả” của giới xe đạp Peugeot Hà Nội cho biết, nếu một chiếc xe vẫn còn đẹp thì giá vài trăm triệu vẫn xứng đáng. Xe Peugeot đời 1990 thì dễ, đời 1970 trở về trước thì khó vô cùng.

Nói về sự đắt đỏ và công phu, anh Nguyễn Như Vinh, thành viên CLB Sấu Giá cho biết: “Peugeot là loại xe đạp cổ đắt nhất hiện nay. Để có một chiếc xe ưng ý, giới sưu tầm có khi phải bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng vì loại xe này không còn nhiều. Đời càng cũ thì càng khó mua”.

Giới chơi ví Peugeot cổ như những “ông hoàng đường phố” mà trước đây không phải gia đình nào cũng có tiền để mua. Nhiều chiếc xe có giá bằng cả một ngôi nhà ở trung tâm thành phố. Ngày cưới, đôi vợ chồng nào được tặng chiếc xe đạp làm của hồi môn thì đã là một sự kiện hạnh phúc lắm lắm. Để định giá một chiếc xe đạp cổ có nhiều tiêu chí, nhưng nhìn chung, khung xe phải đẹp và còn nguyên. Nhất là màu sơn và phụ tùng phải giữ nguyên bản.

Người chơi xe ngoài cầu kỳ trong chuyện bảo dưỡng, chăm sóc xe như chăm sóc người bạn, thì họ cũng luôn muốn giới thiệu về thú chơi ấy cho nhiều người, để góp phần lan tỏa về giá trị của một thời. Nhất là trong không gian đô thị hiện nay. Thậm chí, giới chơi đã lan tỏa về các vùng ngoại thành Hà Nội, khiến nhiều lão nông trở thành những người… yêu xe đạp, mà nhiều năm qua họ quên mất thói quen sử dụng.

Với sự phát triển của công nghệ, các diễn đàn chơi, tụ hội của giới yêu xe đạp cổ đã được mở rộng, việc mua bán, trao đổi dù sao đã trở nên dễ dàng hơn trước. Thật vui mừng vì nhiều lão niên sẵn sàng học tiếng Anh, Internet để có kiến thức tìm kiếm chiếc xe ưng ý cho mình, thỏa mãn niềm đam mê. Nhưng chắc chắn, điều đáng mừng nữa là những thú chơi ký ức, văn hóa vẫn còn “đất sống” trong dòng chảy gấp gáp của thời gian.

Từ khóa » Hội Xe đạp Cổ Hà Nội Xưa Và Nay