Vụ “8 Năm Chưa Nạo Vét Xong Hồ Khe Sanh”

Trước đó, ngày 12/7/2022, Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết “Dự án nạo vét hồ Khe Sanh tại Nghi Sơn (Thanh Hóa): Hơn 8 năm chưa hoàn thành”. Phản ánh dù Dự án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh tại phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn đã thực hiện được 8 năm, nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành, thậm chí tính hiệu quả không mấy khả quan.

Trong văn bản số 9636/UBND-NN của UBND tỉnh vào ngày 05/7/2021 về việc gia hạn lần 2 thời gian thực hiện Dự án trên đến ngày 31/12/2022 nêu rõ: Công ty Miền Tây Xanh tổ chức thi công khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện phương án; tổ chức nạo vét phần lòng hồ phía tả, đào bạt, tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định và có biện pháp lắng, lọc phù hợp để hạn chế bùn, sét chảy vào hồ; hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, môi trường trong quá trình thi công theo quy định.

Khi có trong tay giấy phép gia hạn, ngày 9/7/2021, Công ty Miền Tây Xanh đã ký hợp đồng ủy quyền thi công cho Công ty cổ phần ĐTXD và tư vấn Bắc Nam (Công ty Bắc Nam), thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, quá trình thi công Dự án đã bị cơ quan chức năng “chỉ điểm” nhiều sai phạm.

anh-1.jpg
Nhiều sai phạm được chỉ ra tại Dự án nạo vét hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn

Cụ thể, theo báo cáo số 936/BC-UBND của UBND phường Trúc Lâm vào ngày 24/11/2021 về tình hình thực hiện Dự án nạo vét hồ Khe Sanh cho thấy: Qua kiểm tra có 02 bãi tập kết mới do Công ty Bắc Nam thực hiện, tuy nhiên đơn vị thi công không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, không có bể lắng lọc theo quy định, đã đến nước trong hồ đục; một số mốc giới đã bị mất chưa được khôi phục; phao ranh giới mặt nước cách bờ đê 100 m không còn.

Ngoài ra, ngày 28/01/2022, Sở NN&PTNT có văn bản số 397/SNN&PTNT-TL về việc báo cáo tình hình thực hiện một số phương án nạo vét lòng hồ chứa trên địa bàn tỉnh (có Dự án nạo vét hồ Khe Sanh) với nội dung: Qua kiểm tra có 01 tàu đang hoạt động nạo vét; khối lượng thực hiện đến thời điểm báo cáo (ngày 05/12/2021) khoảng 1,052 triệu m³, tăng thêm khoảng 2.000 m³ so với thời điểm được gia hạn; có 02 bãi không có trong phương án thiết kế (do chủ đầu tư tự thỏa thuận, thuê đất của dân để sử dụng).

anh-2.jpg
Nhiều vị trí vẫn chưa tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét

Bên cạnh đó, các bể lắng, lọc tại các bãi thải hiện bị hư hỏng, không đảm bảo lắng, lọc nước trước khi về hồ; bờ hồ phía thượng lưu bên hữu, một số vị trí có mái dốc gần như thẳng đứng và có dấu hiệu sạt, trượt; kiểm tra các mốc, phao tiêu giới hạn phạm vi nạo vét lòng hồ và bảo vệ đập, hiện các mốc phao tiêu phạm vi bảo vệ đập cơ bản đầy đủ, mốc vùng lòng hồ có 05 mốc bị mất. Chưa kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng khoáng sản thu hồi theo quy định.

Cần xem xét chấm dứt Dự án

Trước tình trạng trên, ngày 25/01/2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã có văn bản số 342/UBND-TNMT về việc kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện phương án thi công, nạo vét và tận thu khoáng sản hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm, với nội dung: Đến nay, Công ty không những không khắc phục các tồn tại mà vẫn tiếp tục bơm hút cát lên các vị trí vi phạm đã được yêu cầu phải giải tỏa.

Sở NN&PTNT yêu cầu Công ty Miền Tây Xanh thực hiện các nội dung: Khẩn trương giải tỏa hết khối lượng đất, cát tại 2 bãi tập kết vi phạm để hoàn trả mặt bằng nguyên trạng trước khi vi phạm. Thực hiện xong trước ngày 28/02/2022; tổ chức thi công đúng vị trí, ranh giới được chấp thuận; tăng cường thêm phao tiêu, biển báo công trường và các mốc gửi thi công để thuận tiện cho quá trình theo dõi, kiểm tra; chấp hành nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…

anh-3.jpg
Đơn vị thi công chỉ tập trung khai thác tài nguyên khoáng sản

UBND thị xã Nghi Sơn cũng cho rằng, việc thực hiện thi công, nạo vét hiện nay không còn là mục tiêu cho nhu cầu phục vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương mà có chiều hướng phát sinh nhiều vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn phường Trúc Lâm.

Nếu Công ty không chấp hành việc khắc phục các vi phạm đã được chỉ ra kịp thời và thực hiện nghiêm các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chấm dứt việc chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ và tận thu phế liệu đất, cát từ hoạt động nạo vét lòng hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm đảm bảo kịp thời.

Tuy nhiên, hiện nay đã hơn 8 năm trôi qua, nhưng đơn vị thi công chưa thực hiện xong các yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa. Những ngày đầu tháng 7/2022, theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thi công vẫn chưa tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định chưa đảm bảo, nước trong hồ Khe Sanh vẫn có màu đục. Đáng chú ý, đang trong mùa mưa lũ, nhưng đơn vị vẫn chưa thanh thải các bãi tập kết cát, đất mà không có trong phương án, thay vào đó chỉ tập trung khai thác khoáng sản.

anh-4.jpg
UBND thị xã Nghi Sơn cũng cho rằng, việc thực hiện thi công, nạo vét hện nay không còn là mục tiêu cho nhu cầu phục vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương mà có chiều hướng phát sinh nhiều vi phạm về đất đai…

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Hiện nay, phục vụ nước tưới tiêu cho người dân cơ bản đã được đảm bảo, nên tính cần thiết của Dự án nạo vét hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm không còn nhiều hiệu quả. Quan điểm của thị xã là cần sớm dừng Dự án để tránh việc gây khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Thị xã cũng đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét chấm dứt Dự án.

Vậy vì sao Dự án nạo vét hồ Khe Sanh dính các sai phạm, chưa đảm bảo được mục tiêu nhưng vẫn được gia hạn tới 2 lần?. Để tránh việc lợi dụng để khai thác khoáng sản, gây ảnh hưởng đến môi trường, rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở NN&PTNT và các ngành chức năng sớm xem xét lại tính hiệu quả, khả thi của Dự án.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Từ khóa » Trúc Lâm Nghi Sơn Thanh Hóa