Vụ án Buôn Bán Súng đạn Trực Tuyến Từ Mỹ Về Trung Quốc

  • Kẻ buôn vũ khí là đối tượng giết người ở Trung Quốc
  • Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ buôn vũ khí lậu cho các tổ chức khủng bố?
  • Trùm buôn vũ khí Karlheinz Schreiber bị trục xuất về Đức

Tại Trung Quốc, cảnh sát đã bắt được 23 tên tội phạm, thu giữ 93 khẩu súng các loại, hơn 50.000 viên đạn và một số lượng lớn các phụ kiện súng ống. Tại Hoa Kỳ, cảnh sát đã bắt 3 tên tội phạm và thu giữ 12 khẩu súng. Nhờ sự hợp tác xuyên biên giới và sự làm việc tích cực của các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc và Mỹ, một mạng lưới buôn bán vũ khí và đạn dược nhập lậu từ nước ngoài vô cùng lớn đã sụp đổ.

Từ kiện hàng chuyển phát nhanh

Ngày 25 tháng 8 năm 2011, tại sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải, một bưu kiện chuyển phát nhanh từ Mỹ được khai báo là “loa phóng thanh” đã gây sự chú ý của các nhân viên hải quan khi nó vượt qua vòng kiểm tra.

Trước máy X-quang hình ảnh những khẩu súng ngắn và phụ kiện súng ẩn bên trong kiện hàng “loa phóng thanh” hiện ra ấn tượng: 9 khẩu súng ngắn, 9 phụ kiện để lắp ráp súng ngắn và 7 phụ kiện để lắp ráp súng tiểu liên. Ngay lập tức hải quan thu giữ kiện hàng này và đưa đến đội điều tra hình sự thuộc Cục công an Thượng Hải để kiểm tra. Sau khi kiểm tra sơ bộ, các khẩu súng ngắn và các phụ kiện để lắp ráp súng đều là súng tiêu chuẩn và có tính sát thương lớn. Từ phát hiện này, một đường dây buôn lậu vũ khí và đạn dược xuyên quốc gia đã lộ ra.

Tang vật của vụ án.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Cục Công an thành phố Thượng Hải và Cục chống buôn lậu hải quan Thượng Hải đã ngay lập tức báo cáo vụ việc lên Bộ Công an và Tổng cục Hải quan. Bộ Công an đã liệt vụ án này vào danh sách “Vụ việc Bộ Công an giám sát” và yêu cầu các cơ quan công an trên cả nước cùng phối hợp thu thập thông tin và điều tra tội phạm.

Đây là lần đầu tiên số lượng súng và đạn được nhập lậu bị thu giữ tại Thượng Hải. Lô súng đạn từ nước ngoài này đi đâu và đến vào tay ai? Nhất định sẽ có những lô súng đạn nhập lậu khác? Ai dám to gan liều lĩnh như vậy? Trước những nghi vấn này, Cục Công an thành phố Thượng Hải cùng với Cục Hải quan đã nhanh chóng huy động lực lượng tinh nhuệ thành lập một ban chuyên án, đồng thời thực hiện các biện pháp có hiệu quả để tiến hành việc điều tra phá án.

Sau khi liên lạc với Công ty chuyển phát nhanh UPS của Mỹ, Ban chuyên án nhanh chóng phát hiện ra đơn hàng này do Công ty UPS ký gửi, tên khai báo là “Amplifier”, xuất xứ là New York, Mỹ, ngày gửi hàng là 22 tháng 8, địa điểm nhận hàng là Đài Châu, tỉnh Chiết Giang.

Dựa trên những thông tin trên, trinh sát của ban chuyên án đã tiến hành điều tra chi tiết hồ sơ đăng ký các kiện hàng chuyển phát nhanh của UPS từ tháng 1 năm 2010 và phát hiện có 3 kiện hàng chuyển phát nhanh tương tự vào tháng 4, tháng 6 và tháng 7 năm 2011, đây không phải là ngẫu nhiên! Ban chuyên án nhận định rằng những kiện hàng này được chuyển phát nhanh đến Đài Châu có thể đều là vũ khí và Ban chuyên án lập tức báo cáo Bộ Công an và đề nghị cử chuyên gia đến Thượng Hải để chỉ đạo cuộc điều tra.

Một chiến dịch nhằm bao vây, trấn áp và tiêu diệt các băng nhóm buôn bán súng xuyên biên giới đã khởi động.

Truy tìm dấu vết tội phạm

Lúc này, địa chỉ người nhận của kiện hàng chuyển phát nhanh liên quan đến vụ án “Đài Châu Chiết Giang” đã trở thành thông tin trọng điểm, Ban chuyên án lập tức tiến hành điều tra toàn diện thông tin người nhận dựa trên manh mối này. Thông qua điều tra thì người nhận và địa chỉ người nhận đều là hư cấu. Cảnh sát thụ lý vụ án biết được từ nhân viên hải quan rằng người nhận cùng tên lần nào cũng đến địa điểm chuyển phát nhanh để lấy hàng và không để lại thông tin gì. Trong một thời gian, vụ án đi vào bế tắc nhưng thủ đoạn xảo quyệt của những tên tội phạm đã khẳng định tính phức tạp của vụ án nhưng từ một khía cạnh khác nó kích thích tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cảnh sát.

Súng và đạn thu giữ được của bọn tội phạm.

Khó khăn tạm thời không làm nản lòng những người xử lý vụ án. Xét thấy việc người nhận hàng thường hướng dẫn người khác hoặc chính mình đến tận nơi nhận hàng nên Ban chuyên án lập tức triển khai kế hoạch và quyết định dụ rắn “chui ra khỏi hang” và tăng cường chi viện cho nhóm công tác ở Đài Châu, Chiết Giang.

Qua sự sự hỗ trợ tích cực của cảnh sát Đài Châu, lúc 19h ngày 26 tháng 8, lực lượng đặc nhiệm đã quyết định bắt tên Vương Đình, 32 tuổi người Đài Châu, Chiết Giang khi hắn đang ở trong một chiếc ôtô đỗ cạnh trạm giao nhận hàng. Vương Đình đến đây mấy lần và chỉ quan sát tình hình nhưng không vào lấy hàng. Cảnh sát lập tức khám xét nơi ở của Vương Đình và đã thu giữ được 22 khẩu súng các loại cùng hơn 3.000 viên đạn.

Theo sổ lưu của Cục Hải quan, Vương Đình đã nhiều lần nhận hàng và với số súng thu được ở nhà hắn, Ban chuyên án xác định rằng hắn là một nhân vật rất quan trọng, hắn chính là “người trung gian” biết cả trên lẫn dưới; và mắt xích để phá vụ án này là hắn.

Trước sự thực không thể chối cãi, Vương Đình khai rằng vào năm 2010, trên một trang web ở nước ngoài, hắn làm quen với người có biệt danh là “Lão Ngũ” và từ đó hắn trở thành người trung gian buôn lậu vũ khí và đạn dược từ nước ngoài vào trong nước. “Lão Ngũ” thông qua mạng Internet thành lập một nhóm buôn lậu và tàng trữ súng đạn để tìm người mua ở trong nước. “Lão Ngũ” đã chuyển súng và đạn từ New York cho nhiều người “trung gian” như Vương Đình thông qua công ty chuyển phát nhanh UPS. Sau đó người trung gian sử dụng công ty chuyển phát nhanh trong nước để gửi hàng cho người mua. Tất cả thủ tục và giá cả đều thông qua Internet sau đó các giao dịch được chuyển khoản qua ngân hàng và các hình thức khác.

Thông qua điều tra, Ban chuyên án đã thu thập được một lượng lớn chứng cứ và đã biết được “Lão Ngũ” tên thật là Lâm Chí Phú, 25 tuổi, người Mãn Hầu, Phúc Kiến. Lâm Chí Phú xuất cảnh ra nước ngoài tháng 11 năm 2009, và đang sống ở Mỹ. Sau khi nhận vũ khí và đạn dược do Lâm Chí Phú gửi về, Vương Đình thông qua một công ty chuyển phát nhanh gửi chúng đến người nhận ở Trung Quốc và thu tiền từ người nhận.

Tiền thu được Vương Đình chuyển vào một tài khoản ở ngân hàng xây dựng Phúc Kiến và người nhận tiền ở tài khoản này là chính chị gái của Lâm Chí Phú. Sau khi nhận được tiền từ Vương Đình và những người trung gian khác, người chị gái Lâm Chí Phú sẽ chuyển tiền cho Lâm Chí Phú thông qua Western Union.

Hợp tác hành động truy bắt tội phạm

Vụ án này có hai đặc điểm đáng chú ý: Một là đầu mối của toàn bộ chuỗi tội phạm là trong nước nhưng nguồn gốc lại ở ngoài nước nên có phạm vi địa lý rộng; hai là các giao dịch phạm tội dựa vào Internet nên về danh tính, địa chỉ và phương thức liên hệ của những người liên quan đều là hư cấu được che giấu rất kỹ, mặt khác súng đạn liên quan đến vụ án được chuyển qua tầng lớp trung gian làm cho việc điều tra trở nên khó khăn.

Những tên tội phạm bị bắt giữ.

Tuy nhiên, không một con cáo ranh ma nào có thể thoát khỏi con mắt tinh tường của người thợ săn. Theo điều tra sơ bộ, Ban chuyên án đã phân loại ra hơn 20 tên tội phạm. Dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Công an, lực lượng cảnh sát đã khắc phục muôn vàn khó khăn tổ chức nhiều tổ công tác đến 16 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Cát Lâm, Quảng Đông để tiến hành bắt giữ tội phạm.

“Quyết không để bất kỳ tên tội phạm nào trốn thoát!” Đây là niềm tin mà tất cả các sĩ quan cảnh sát luôn phải bám giữ. Các tổ công tác tiền phương đã khắc phục những khó khăn như ăn gió nằm sương, ngày đêm bám trụ, tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương để truy bắt tội phạm. Trong trận chiến kéo dài hơn hai tháng này, lực lượng đặc nhiệm đã bắt được tổng cộng 23 tên tội phạm, thu giữ 93 khẩu súng các loại và hơn 50.000 viên đạn các loại.

Để phá được vụ án và ngăn chặn nguồn gốc buôn bán vũ khí trái phép, Bộ Công an đã ban hành lệnh truy nã Lâm Chí Phú thông qua cảnh sát Interpol, đồng thời thông báo cho Văn phòng Cục thực thi hải quan và nhập cư Bắc Kinh về vụ việc trên yêu cầu phối hợp điều tra để tiêu diệt băng nhóm tội phạm này.

Theo những manh mối do công an cung cấp, Cơ quan thực thi hải quan và nhập cư Hoa Kỳ cùng với Cục kiểm soát thuốc lá, rượu và súng, Sở thuế vụ và Văn phòng kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu tại Hoa Kỳ. Để phối hợp điều tra vụ án vào tháng 1 năm 2012, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp thực thi pháp luật chung tại Thượng Hải và hai bên quyết định một kế hoạch điều tra chung và phía Trung Quốc sẽ cung cấp các bằng chứng và manh mối liên quan cho phía Mỹ.

Theo kế hoạch làm việc mà hai bên đã thống nhất, phía Mỹ nhanh chóng khóa mục tiêu và bắt giữ Lâm Chí Phú cùng đồng bọn là Lý Lực Liên 23 tuổi, quốc tịch Trung Quốc sống tại Mỹ. Ngày 20 tháng 5, phía Mỹ đã tiến hành một chiến dịch hành động ở Bắc Carolina, bắt giữ nhân vật “cầm đầu” của nhóm tội phạm là trung sĩ Joseph Tipose của Lực lượng vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ thu giữ được 12 khẩu súng mà hắn sắp chuyển đến Trung Quốc.

Văn phòng thực thi di trú và hải quan Hoa Kỳ tại Bắc Kinh tuyên bố rằng để điều tra kỹ lưỡng vụ việc, Cơ quan thực thi di trú và hải quan Hoa Kỳ cùng với Bộ Công an Trung Quốc đã tiến hành hợp tác chặt chẽ với nhau bắt giữ các tên tội phạm ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng thời thu giữ một số lượng lớn súng và đạn dược. Sự hợp tác giữa hai bên phản ánh mức độ tốt nhất của các cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời cũng chỉ ra rằng hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.

Từ khóa » Súng Nhập Lậu