VỤ ÁN ĐÈO DYATLOV VÀ GIẢI MÃ - Trải Nghiệm Sống

Vào đầu năm 1959, một nhóm gồm 10 sinh viên của Học viện Công nghệ Ural (Nga), trong đó có 8 nam và 2 nữ đã quyết định bắt đầu chuyến thám hiểm chinh phục dãy núi Otorten. Nhóm gồm 10 người kỳ cựu, đã quá quen thuộc với sự khắc nghiệt của vùng Siberia. Dù như vậy, cuộc hành trình này lại trở thành chuyến đi cuối cùng của họ. Một cuộc điều tra đã được mở ra, có cả những tư liệu và nhật kí hành trình được chia sẻ tuy nhiên vụ án vẫn còn để lại những ẩn số.

NHÓM LEO NÚI.

Vào sáng sớm ngày 23-01-1958, đoàn leo núi và trượt tuyết bắt một chuyến tàu hướng đến dãy Ural. Trưởng nhóm là Igor Dyatlov, cũng là tên của người được dùng để đặt tên cho sự kiện này. Khi cả đoàn chậm rãi tiến sâu vào vùng núi rừng Siberia, đoạn ghi chú cuối cùng được ghi chép vào nhật kí hành trình của đoàn.

“Tôi tự hỏi điều gì sẽ đón chờ chúng tôi trong chuyến đi này. Liệu có điều gì đó mới mẻ sẽ xảy ra?”

Trong vài ngày sau đó, đoàn liên tục chuyển đổi giữa các loại phương tiện. Đầu tiên là xe bus, sau đó là xe tải, rồi đến ngựa và xe trượt, cuối cùng là đi bộ. Vào ngày 28-01, một người trong số họ tên là Yuri Yudin, cảm thấy bản thân không khỏe và quyết định quay trở về trong khi những người còn lại quyết định tiếp tục.

Đoàn tiếp tục băng qua vùng núi hoang vu và thu thập mọi dữ liệu trên đường đi của mình bằng cách ghi chép qua nhật kí cũng như quay phim. Qua những tấm hình và nhật kí, ta có thể khẳng định rằng cuộc thám hiểm đã diễn ra như dự kiến.

Vào ngày 1 tháng 2, đoàn tiến tới chân của một ngọn núi mà người bản xứ Mansi gần đó gọi là Núi Chết Chóc. Họ dành phần lớn thời gian trong ngày để leo lên vùng dốc núi và cuối cùng quyết định dựng trại cách đỉnh núi vài trăm mét. Và câu cuối cùng được ghi chép trong nhật kí là: “Thật khó mà tin được rằng trên đỉnh núi có thể có một cảm giác thoải mái như vậy, đi kèm với tiếng gió hú và cách xa hàng trăm km khỏi nền văn minh”.

CUỘC TÌM KIẾM.

Vài tuần sau, bạn bè và người thân của họ bắt đầu cảm thấy lo lắng vì không ai có tin tức gì về Igor và những người trong nhóm. Sau nhiều giả thuyết và tranh luận được đưa ra, một nhóm người tình nguyện đã bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình.

Vào ngày 26-2, nhóm tìm kiếm đã xác định được địa điểm hạ trại gần với đỉnh núi. Với những dữ kiện ban đầu, rất dễ để nhận ra đã có chuyện không lành xảy ra ở đây. Túp lều nằm ngổn ngang, rách nát và được bao phủ bởi lớp tuyết mỏng. Những thiết bị và vật dụng của đoàn được tìm thấy sắp xếp ngay ngắn trong lều và hoàn toàn không có dấu hiệu hư hại. Nhưng điều đáng nói là túp lều lại bị rạch bằng 1 con dao từ bên trong.

Ngày tiếp theo, 9 đôi dấu chân đã dẫn nhóm tìm kiếm hướng đến khu rừng gần đó. Dựa vào vết lún nhẹ trên tuyết, có thể cho rằng họ tới đây một cách bình tĩnh, không phải chạy trốn trong hoảng loạn. Những dấu chân kéo dài nửa cây số từ căn lều cho đến khi chúng hoàn toàn bị tuyết che phủ. Tiếp tục lần theo hướng của dấu vết, họ tới được bên dưới một cây tuyết tùng to lớn. Tại đây những người tìm kiếm tìm thấy các dấu vết của một bếp lửa nhỏ, cùng với hai thi thể đầu tiên của Krivonischenko và Doroshenko, không mang giày và chỉ mặc đồ lót. Giữa cây tuyết tùng và trại, đội tìm kiếm phát hiện thêm ba xác chếtː Dyatlov, Kolmogorova và Slobodin. Tư thế chết của họ cho thấy rằng họ đã cố gắng để trở về lều. Mỗi thi thể đã được tìm thấy riêng ở khoảng cách lần lượt là 300 m, 480 và 630 mét từ cây thông.

Việc tìm kiếm bốn người còn lại mất hơn hai tháng. Bốn người còn lại cuối cùng đã được tìm thấy vào ngày 4 tháng 5 dưới bốn mét tuyết trong một khe núi sâu 75 mét trong rừng từ cây thông. Ba trong bốn thi thể mặc nhiều quần áo hơn so với những người khác, và có dấu hiệu cho thấy những người đã chết đầu tiên đã chuyển quần áo của mình cho những người còn lại. Dubinina mặc cái quần bị cháy và rách của Krivonishenko, chân trái và cẳng chân của cô được bọc trong một chiếc áo khoác rách. Một cuộc kiểm tra bốn thi thể đã thay đổi suy đoán về những gì đã xảy ra trong vụ việc. Bốn trong số những người trong đoàn bị thương nặng: Thibeaux-Brignolles bị tổn thương sọ nghiêm trọng, và xương ngực Dubinina và Zolotaryov đều bị nứt mạnh. Theo ông Vladimir Vozrozhdenny, lực cần thiết để gây ra thương tích như vậy sẽ cực kỳ lớn, tương đương với lực của một vụ tai nạn xe hơi. Đáng chú ý, các thi thể không có vết thương bên ngoài nào có thể làm gãy xương, như thể chúng phải chịu một áp lực rất lớn.

Cả bốn thi thể được tìm thấy dưới đáy trong dòng nước chảy đều bị tổn thương mô mềm ở đầu và mặt. Ví dụ, Dubinina bị thiếu lưỡi, mắt, một phần môi, mô mặt và một mảnh xương sọ, trong khi Zolotaryov bị mất nhãn cầu, Aleksander Kolevatov mất lông mày.

Và bí ẩn hơn, 3 mảnh quần áo được tìm thấy sau đó có dấu vết nhiễm phóng xạ.

Vào thời điểm tử vong thì nhiệt độ được xác định là ở khoảng -30*C. Cây tuyết tùng có những dấu hiệu gãy cành từ dưới lên trên, cứ như là đã có ai đó leo lên nó. Có thể một người trong số bọn họ đã cố định vị vị trí của khi trại trong màn đêm, hoặc cũng có thể họ đang cố trốn thứ gì đó. Dù vậy, tất cả thi thể đều quay hướng về phía lều trại, cứ như họ đều đang cố gắng vật lộn để quay lại vậy.

Vào ngày 28-5, vụ án đột ngột kết thúc điều tra với một kết luận vô cùng khó hiểu và mơ hồ. Người đứng đầu cuộc điều tra viết trong bản báo cáo cuối cùng như này: “Nguyên nhân cái chết của đoàn leo núi không được xác định, vì các phỏng đoán xung quanh vụ án đều được đánh giá là không có sức thuyết phục”

Dĩ nhiên đây không thể là câu trả lời thỏa đáng cho sự việc này. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể giải mã nhưng chi tiết bí ẩn một cách ít mơ hồ và đáng tin hơn. Đến với bí ẩn đầu tiên

CHIẾC LƯỠI BỊ MẤT.

Sự việc Dubinina bị mất chiếc lưỡi, đã bị đánh giá quá cao cũng như thổi phồng qua mức. Một số cho rằng nó đã bị cắt hoặc xé khi cô ấy vẫn còn sống, số khác nói nó đã bị một con thú ăn mất sau khi chết. Tuy nhiên sau khi xem qua các bản báo cáo và đây là điều được ghi :”Cơ hoành của miệng và lưỡi đã bị mất”. Chỉ có vậy, không hề đề cập tới việc bị cắt hay xé. Có vẻ như người ta đã quá cường điệu hóa và tập trung vào chi tiết này trong khi trên thực tế, nó chỉ là một chi tiết phụ. Ít nhất nhà khám nghiệm đã tin rằng nó chỉ là ‘mẩu bánh vụn’, nếu không ông đã tìm hiểu sâu hơn và có thêm nhiều thông tin hơn về chi tiết này. Tương tự, cùng mục của bản báo cáo đó có đoạn: “Hốc mắt trống rỗng, nhãn cầu bị mất”.

Cũng ngắn gọn như chi tiết chiếc lưỡi, tuy nhiên nhà khám nghiệm đã cung cấp lời giải thích cho cả hai :”Những chấn thương mô mềm ở đầu là bởi những thay đổi sinh lý sau khi chết (thối rữa và phân hủy) ở xác của Dubinina do gần đây đã tiếc xúc với nước trước khi được phát hiện”. Ở đây ông ấy làm rõ ý của mình bằng từ “thối rữa và phân hủy”. Điều này rõ ràng không ngoại lệ với Dubinina vì cả 4 thi thể cuối đều bị ảnh hưởng bởi tuyết tan. Đến với vấn đề tiếp theo, một số người khẳng định rằng lưỡi của nạn nhân bị một tác nhân bên ngoài lấy đi khi còn sống đã chỉ ra rằng cô có khoảng 100g máu trong dạ dày. Tuy nhiên điều này cũng hoàn toàn chính xác. Các phần liên quan của bản giám định pháp y có viết :” Dạ dày nạn nhân có chứa đến 100ml khối chất nhầy màu đỏ tối “. Đó là khoảng 10cl của một thứ gì đó (như thức ăn) trộn với thứ gì đó màu đỏ (như là máu). Như vậy chúng ta không biết được chính xác số lượng máu là bao nhiêu, chỉ biết là có máu trong dạ dày của cô ấy. Điều này không quá lạ vì đã có xác nhận rằng nạn nhân bị chảy máu trong khá nặng.

PHÓNG XẠ.

Một trong số những điểm bí ẩn nhất của vụ án nằm ở 3 mảnh quần áo riêng lẻ, tìm thấy trên người 2 nạn nhân, có nhiễm phóng xạ. Điều này thực sự nghe rất là bí ẩn nhưng bạn phải để ý tới chi tiết hầu hết đều bị nhiễm phóng xạ mức độ nhẹ. Vậy nên chúng ta cần nhiều thông tin hơn để đi tới kết luận rõ ràng. Các nhà nghiên cứu về phóng xạ cho rằng trong điều kiện bình thường, một khu vực 150cm2 không nên vượt quá 5000 dpm (sự phân rã phóng xạ mỗi phút), và đối với 3 mảnh quần áo trên là bằng hoặc vượt ngưỡng ở mức 5000dpm, 5600dpm và 9900dpm. Giải thích duy nhất được ghi nhận trên bản báo cáo là :”…Các mảnh quần áo bị nhiễm phóng xạ do bụi phóng xạ rơi từ bầu khí quyển, hoặc do quần áo đã tiếp xúc với vật chất phóng xạ.” . Và nói cách khác, họ đã không thể xác định được chính xác làm cách nào mà chúng bị nhiễm. Những cũng không phải là hoang đường khi tin rằng nó là kết quả của quá trình tự nhiên. Dãy núi Bắc Ural từng xảy ra tai nạn nổ chất thải hạt nhân – thảm họa Kyshtym (tai nạn rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Liên Xô vào cuối những năm 1950, đây là tai nạn rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử nhân loại, chỉ đứng sau sự cố nhà máy điện Fukushima Icủa Nhật Bản và thảm họa Chernobyl ở Pripyat, Ukraina). Xem xét sự phát tán và rơi của bụi hạt nhân, không thể không gây ra ô nhiễm hạt nhân cho xác chết của các nạn nhân. Có 2 cách giải thích khác ngay dưới đây.

Lý thuyết đầu tiên: Phóng xạ tới từ vật chủ.

Kolevatov đã làm việc cho nhà máy phát triển hạt nhân trước đó và Krivonischenko cũng đã làm việc tại nhà máy sản xuất Plutoni tuyệt mật để chế tạo vũ khí hạt nhân. Và cả 3 mảnh quần áo trên được thuộc về 2 người bọn họ

Lý thuyết thứ hai (Ít khả thi): Phóng xạ tới từ vật dụng.

Theo như mình tìm hiểu, vào những năm 20 cho tới năm 40 thế kỉ trước, một số vật dụng khi đó có sử dụng tới phóng xạ. Vì thời điểm đấy, nhân loại vẫn chưa nhận thức được phóng xạ có hại như thế nào tới sức khỏe con người. Và ở tình huống này thì vật dụng mình đề cập tới sẽ là La bàn và đồng hồ mà những nạn nhân sử dụng. Trở về thời điểm đấy thì họ sẽ dùng phóng xạ cùng 1 số hợp chất khác để chiếu sáng mặt số của la bàn. Không giống như chất phát quang mà ta có hiện nay, những tạp chất trong chiếc la bàn này có thể chiếu sáng từ 20-50 năm.

Tuy nhiên trong các bản báo cáo không hề đề cập tới la bàn hay đồng hồ cá nhân. Vậy nên giả thuyết này chỉ dùng để tham khảo, và video dưới để khẳng định cho giả thuyết này.

((147)  1944 Radium Compass – YouTube)

SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁ THỂ NGOÀI TRÁI ĐẤT?.

Vào thời gian diễn ra vụ mất tích, nhiều nguồn tin khẳng định đã chứng kiến dấu hiệu của UFO trong hình dạng những quả cầu phát sáng di chuyển quanh bầu trời đêm, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Nguồn thông tin tới từ 3 binh sĩ và 2 đoàn leo núi khác nhau. Vấn đề về việc phát hiện những thực thể này thường không thể xác minh được. Chỉ có 1 đoàn leo núi xác nhận rằng họ nhìn thấy vật thể lạ trong đêm xảy ra sự việc. Trong khi những nguồn tin còn lại đều phát hiện trước hoặc sau sự việc. Một trong số những người leo núi đã đưa ra một tấm ảnh được cho là chụp lại vật thể bay này. Một nguồn sáng nào đó được chụp lúc giữa đêm trong bức hình. Tuy nhiên, bức ảnh hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn cũng như không thể miêu tả hay chứng minh việc nhìn thấy vật thể bay. Nó có thể là bức ảnh chụp lại UFO, và cũng có thể là không.

Nhưng, hãy cứ cho là tấm hình này chụp được một thứ gì đó trên trời đêm, vậy khả năng nó là gì? Một vài khả năng có thể xảy ra:

– Một quả tên lửa

– Một mảnh tên lửa

– Mảnh vỡ của tàu vũ trụ

– Một mảnh thiên thạch nhỏ

Không có gì quá ngạc nhiên nếu nhìn vào khoảng thời gian này, Liên Xô đang trong giai đoạn chiến tranh lạnh căng thẳng với Mỹ. Cũng như trong thời gian này cả hai nước đang chạy đua về công nghệ không gian. Vào thời điểm thám hiểm không gian còn mới mẻ, chẳng có gì lạ khi người ta không thể xác định chính xác ánh sáng bí ẩn đó. Ngoài ra cũng không có bằng chứng nào về những vật thể như vậy rơi xuống gần nơi xảy ra vụ việc, và không hề được đề cập trong các bản báo cáo. Như vậy ta có thể nhận ra rằng không có liên kết nào giữa UFO và vụ án của đoàn leo núi.

KẾT LUẬN.

Vậy thì tại sao họ rời bỏ căn lều? Tại sao nó bị rạch từ bên trong, bởi những người đang ở trong nó? Tại sao vài người bị chấn thương nặng trong khi số còn lại chỉ bị cái lạnh đánh gục? Tại sao nhiều người trong số họ lại ăn mặc một cách hở hang? Vụ án để lại rất nhiều mẩu vụn bí ẩn, vậy mục đích của những mẩu vụn bé là gì?

Để dẫn dụ mọi người ra khỏi mẩu vụn lớn. Sau một thời gian lùng sục trên các diễn đàn của người Nga lẫn của các bên báo chí, có rất nhiều giả thuyết được đặt ra như là sự che đậy của KGB, cho đến những vụ giết người, những thực thể không xác định hoặc không tới từ Trái Đất thì sau đây là lời giải thích thực tế nhất.

Đầu tiên, tại sao họ rời bỏ túp lều một cách có phần hoảng loạn?

Đây dường như là mảnh ghép còn thiếu lớn nhất của câu chuyện, cũng là lý do vì sao các giả thuyết ngày một nhiều. Sau những suy xét về các mối hiểm họa có thể xảy ra, ví dụ như nếu có thú dữ hay UFO, thì không lí nào họ lại rời bỏ nơi an toàn nhất để chạy vào địa bàn của chúng, còn về tuyết lở thì có thể giải thích qua những bức ảnh phía dưới. Vì vậy có thể đi đến kết luận rằng, mối đe dọa đến ngay từ bên trong căn lều. Để khẳng định thêm cho giả thuyết này, chúng ta có thể dựa vào thông tin dấu chân để lại của họ cho thấy họ đi tới cánh rừng một cách bình tĩnh.

Vậy là có thứ gì đó đã làm họ hoảng loạn ở ngay trong túp lều nhưng khi đã bước ra ngoài thì họ đã bình tĩnh lại và lựa chọn đi về phía cánh rừng một cách có ý thức. Và khi nhìn vào những bức ảnh tài liệu về túp lều phía dưới, ta có thể nhận ra chiếc ống thoát khí lòi ra khỏi cổng lều là để thoát khói khi họ nấu nướng bên trong. Đây là kiểu bếp lò tự làm vì người trưởng đoàn đã tự làm ra nó. Ngoài ra chúng ta còn biết thêm họ đã sử dụng cái lò ấy trong đêm xảy ra vụ việc do có miếng thịt xông khói và thịt giăm bông ăn dở được tìm thấy trong lều.

Vậy thì sau khi dập lò, tháo ống và đi ngủ, mồi lửa bên trong lò bỗng bùng lên 1 cách tình cờ. Do đã tháo ống khói, nên khói hoàn toàn có thể phủ kín căn lều trong thời gian ngắn. Khi tỉnh dậy vì bị ngạt khói, một số người đã cố rạch vài lỗ ở đỉnh lều để khói tan bớt, khi cách đó không có tác dụng và không khí bên trong càng trở nên khó thở, họ đã rạch lều và chạy thoát khỏi “lò hun” trong hoảng loạn. Điều này cũng chứng minh vì sao một số người trong đoàn ăn mặc mỏng manh và các phụ kiện cũng như thiết bị đều bị bỏ lại trong lều.

Có nhiều hơn một chi tiết để củng cố giả thuyết này. Một vài thành viên có vết bỏng trên thân thể và vết cháy sẹm trên quần áo. Một số họ còn có vết máu quanh miệng, đây có thể là triệu chứng ho ra máu do ngộ độc khói. Và họ đã tìm ra bức ảnh chụp một thành viên cùng chiếc áo cháy đen vào trước ngày xảy ra vụ việc. Có thể tia lửa từ lò nấu đã vô tình làm cháy chiếc áo. Với tình trạng não thiếu oxi, con người thường không thể đưa ra những quyết định logic cho nên sau khi thoát ra ngoài, họ nhanh chóng nhận ra rằng tinh thế hiện tại của họ còn nguy kịch hơn. Vào lúc này, một số người đã quyết định tiến đến chỗ trú gần nhất là cánh rừng. Ngay sau khi thoát ra khỏi lều và vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, nó khiến mọi người tin rằng túp lều đang bị cháy và nó cũng khiến họ tin rằng khoảng cách của mình đến khu rừng gần hơn thực tế. Sau khi tới được khu rừng và nhóm lửa, một số leo lên cây để thám thính xung quanh, trong khi những người ăn mặc kín đáo hơn thì đi sâu hơn vào rừng. Khoảng 75m từ gốc cây, 4 người đã sơ ý gây ra 1 trận lở tuyết nhỏ làm họ bị rơi xuống một hẻm núi. Trong khi đó, 3 trong 5 người còn lại đã quyết định quay về túp lều, và họ cũng đã chịu chung số phận với 2 người còn lại ở dưới gốc cây. Lạnh đến chết.

  • Bài viết được chọn lọc và tổng hợp bởi Lê Tiến Nguyên.
  • Giả thuyết này thuộc về LEMMiNO và thông tin bên lề là của Trí Thức Trẻ.
Post Views: 643

Từ khóa » Giải Mã Vụ An đèo Dyatlov