Vụ án Đường “Nhuệ”: Vợ Chồng Nguyễn Xuân Đường Phải đối Mặt ...

Liên quan đến các vụ án do băng nhóm của Đường “Nhuệ” tại tỉnh Thái Bình gây ra, PV báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) để làm rõ hành vi vi phạm của từng vụ án và mức hình phạt mà Đường “Nhuệ” phải nhận. Qua trao đổi Luật sư Hoàng phân tích cụ thể cho từng vụ án như sau:

1.Với vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại trụ sở Công ty BĐS Đường Dương: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cần phải nhanh chóng điều tra, kết luận chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp truy tố và  xét xử đối với 6 bị can trong đó có Nguyễn Thị Dương vợ  Đường “Nhuệ”.

Hành vi phạm tội của 6 bị can nói trên được quy định tại điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) trên cơ sở tùy theo tỷ lệ thương tích của bị hại (Nhân viên giao hàng) để có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị can đã gây ra.

Tuy nhiên, trong vụ án này các Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình cần phải làm rõ, kết luận một loạt dấu hiệu các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 1, Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015 để từ đó có hình phạt thích đáng đối với băng nhóm tội phạm này. Cụ thể:

“Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” với dấu hiệu hành vi gọi bị hại đến trụ sở (nhà riêng) để hành hung, dù trước đó bị hại đã thanh minh, giải thích nhưng các bị can vẫn cố tình bức hại.

Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó 1 trong các bị can bị tạm giam phạm tội khi mới được 17 tuổi.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

2. Với vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bắt giam 04 cán bộ Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình ngày 16/04/2020:

Cơ quan Điều tra cần phải điều tra, kết luận với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 với các đối tượng đã bị bắt giam với mức hình phạt cao nhất được quy định tại Khoản 3, 4. Điều này căn cứ giá trị thiệt hại đã xảy ra để có mức án tương xứng đối với người phạm tội, cụ thể  “phải chịu mức án lên tới 15 năm tù, bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Tuy nhiên cần phải xem xét vấn đề còn đang bị “bỏ ngỏ”. Vì, những người khác có trách nhiệm có tham gia hoặc có hay không các hành vi thông đồng, giúp sức, nhận hối lộ... của vợ chồng Đường “Nhuệ” trong việc đấu thầu đất liên quan đến một loạt cán bộ Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường bị bắt? Từ đó có thể khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự thêm những người liên quan này bằng một tội danh khác theo quy định pháp luật.

3.Ngoài ra, diễn biến của vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” cho thấy: Trong vụ án này bị can Đường “Nhuệ” cùng đàn em đã nhẫn tâm ép buộc thu tiền dịch vụ hỏa táng mỗi trường hợp tang gia ở tỉnh Thái Bình 500.000 đồng/ca. Đây là hành động thể hiện sự coi thường pháp luật, chà đạp lên đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “Nghĩa tử là nghĩa tận”.

Đây là hành vi thất đức và rất tàn nhẫn vì nhóm tội phạm này đã dùng vỏ bọc “từ thiện” để che giấu thủ đoạn cưỡng đoạt, cướp bóc tinh vi của mình. Hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để lấy tiền thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. Có thể nói rằng, đây là những hành vi thể hiện thái độ côn đồ, thách thức pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp  quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm tăng thêm gánh nặng cho những gia đình có người tử vong cần phải hỏa táng.

Về thông tin Công ty BĐS Đường Dương nhiều năm liền thường xuyên kê khai không có thu nhập, không nộp thuế cho nhà nước khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Bởi trước khi vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra, thông tin trên báo chí và mạng xã hội rầm rộ cho biết Công ty BĐS Đường Dương là doanh nghiệp  lớn từ hoạt động đấu giá, kinh doanh bất động sản.

Dư luận đang chờ bản án thích đáng, đúng với tội ác mà Đường “Nhuệ” cùng đàn em đã gây ra.

Dư luận đang chờ bản án thích đáng, đúng với tội ác mà Đường “Nhuệ” cùng đàn em đã gây ra.

Bản thân Đường “Nhuệ”  được gắn với biệt danh “đại gia” bất động sản. Đặc biệt, trên trang cá nhân của Đường “Nhuệ” và vợ Nguyễn Thị Dương tràn ngập hình ảnh những tập tiền xếp cao trên bàn, đi siêu xe vài chục tỷ đồng. Và đặc biệt vợ chồng Đường “Nhuệ” luôn cho rằng bản thân luôn có “trái tim bồ tát”, yêu thương người nghèo... Những hình ảnh ấy khiến ai cũng nghĩ đây là một doanh nghiệp bất động sản đầu đàn của tỉnh Thái Bình và đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, không ai có thể nghĩ rằng Công ty BĐS Đường Dương lại có thu nhập 0 đồng(?). Về vấn đề này, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phối hợp với cơ quan thuế tỉnh Thái Bình để xác định hồ sơ kê khai đăng ký thuế và việc nộp thuế của Công ty này trong thời gian qua như thế nào. 

Nếu xác định Công ty BĐS Đường Dương đã trốn các khoản thuế phải nộp theo quy định của nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng mà đã bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người đứng đầu, người quản lý thuế của doanh nghiệp này và đối với cả pháp nhân là doanh nghiệp này theo quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). 

Theo quy định tại Điều 200, Bộ luật hình sự năm 2015, tội trốn thuế có thể áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại khi có thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt về hành vi trốn thuế có thể áp dụng đối với cá nhân lên đến 7 năm tù và áp dụng chế tài phạt tiền đối với pháp nhân và các biện pháp hành chính.

4. Đối với vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra năm 2014 và được khởi tố điều tra ngày 5/1/2015, tuy nhiên sau đó bị tạm đình chỉ điều tra vào ngày 5/7/2015: Để có thể phục hồi điều tra một vụ án được tạm đình chỉ thì CQĐT đã xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội đồng thời chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, căn cứ vào Điều 27 của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì với một vụ án được phục hồi điều tra sau hơn 5 năm kể từ ngày xảy ra hành vi phạm tội thì tội phạm mà các bị can đã thực hiện phải thuộc một trong ba trường hợp đó là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không thể thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. 

Do đó khung hình phạt mà bị can có thể phải nhận cao nhất là trên 3 năm tù. Đối chiếu Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì bị can có thể bị áp dụng khoản 2, 3, 4 hoặc 5, với mức hình phạt từ 2 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đối với việc bỏ trốn sau khi bị khởi tố của Đường "Nhuệ" thì đây là hành vi cản trở hoạt động điều tra. Người vi phạm có thể bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc khi lượng hình. Trái lại, thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hay tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả là các tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

 Khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt phù hợp.

Điều 55 BLHS quy định khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội danh và tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc: Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì hình phạt chung không vượt quá 30 năm; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình; phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác mà các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Từ những hành vi vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ” trong thời gian qua cho thấy, hoạt động của vợ chồng Đường “Nhuệ” và các đối tượng liên quan là phi pháp, các nguồn thu nhập bất hợp pháp từ các hành vi đe dọa, uy hiếp, thao túng thị trường bất động sản, ăn chặn cả tiền của người chết, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, các đối tượng này hoạt động kinh doanh nhưng không giúp ích gì cho nhà nước, cho xã hội mà gây thất thoát tiền sử dụng đất của nhà nước. 

“Với những vụ án phức tạp và nghiêm trọng do vợ chồng Đường “Nhuệ” gây ra, thời gian tới đây, các cơ quan có thẩm quyền cần phải điều tra làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp, nghiêm minh, đủ tính răn đe và phòng ngừa chung. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử sau này, các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của bị can trước khi quyết định hình phạt” , Luật sư Hoàng phân tích.

Đắc Nguyên

Từ khóa » Những Tội ác Của đường Nhuệ