Vụ Bà Nguyễn Phương Hằng: "Dẫn Dắt" Người Khác Phạm Tội

Những đồng phạm giúp sức?

Nhóm những cá nhân (chủ kênh YouTube) tham gia phát tán, đăng tải các video ủng hộ bà Hằng, cũng bị ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni đề nghị khởi tố còn có bà Bùi Thanh Quỳnh Như, chủ kênh Lang thang đường phố, Jimmy Huỳnh, chủ kênh YouTube Anh Nông Dân, chủ kênh YouTube Chinh Lê, Long Ngô, ông Võ Minh Điền.

Những tài liệu là các video clip cũng đã được ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni gửi cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để chứng minh đề nghị của mình là có lý do. Theo đó, những người này đã có hành vi giúp sức tích cực cho bà Hằng livestream. Thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... những người này đã nhiều lần chỉ đích danh và có những lời lẽ vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nhiều người, trong đó có ca sĩ Vy Oanh và bà nhà báo Hàn Ni.

Theo đơn tố giác, nhóm êkip hậu trường các buổi livestream của bà Phương Hằng (được tổ chức từ tháng 3-2021 cho đến khi bà Hằng bị bắt), là nhóm người giữ vai trò trợ lý, thư ký xuyên suốt trong quá trình bà Hằng livestream cho đến khi bà Hằng bị bắt. Êkip này đã giúp bà Hằng quản lý khoảng 12 kênh, trang mạng xã hội, lên kịch bản, khách mời trong các buổi livestream của bà Hằng để phát các thông tin trực tiếp với nội dung, ngôn từ sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người.

Trong đó, bà Hà và bà Nhi giữ vai trò là trợ lý, phụ trách thông báo lịch livestream/ngừng livestream, các vấn đề kiện tụng, đăng tải phát ngôn của bà Hằng, chuẩn bị các tài liệu, hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, cập nhật những câu hỏi, bình luận của cộng đồng mạng để bà Hằng trả lời, bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình đối với bà Hằng. Ông Tân giữ vai trò thư ký, làm MC dẫn chương trình, dẫn dắt câu chuyện trong các buổi livestream của bà Hằng. Trong buổi đua ngựa tổ chức tại trường đua Đại Nam, chính ông Tân đã đặt tên cho những con ngựa đua. Chó đua là Vy Oanh, Hàn Ni, Đức Hiển... và bình luận khiếm nhã về các nhân vật được đặt tên.

TS luật, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM với vai trò là "cố vấn pháp lý” cho bị can Nguyễn Phương Hằng. Ảnh từ mạng xã hội

Tiếp nhận đơn tố giác nêu trên, ngày 25-6, Công an TP HCM đã mở rộng điều tra và mời 3 người này lên làm việc. Buổi làm việc kéo dài từ 8 giờ đến hơn 14 giờ 30 cùng ngày. Theo luật sư Phan Minh (Đoàn Luật sư TPHCM), Công an TPHCM đã khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (vừa gia hạn tạm giam thêm 2 tháng) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự, thì nếu tòa án kết luận bà Phương Hằng về tội này, thì những người giúp sức tích cực cho bà Hằng cũng phạm những tội tương tự, trong vai trò đồng phạm.

Cùng nhận định này, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, đối với trợ lý, thư ký, khách mời tham gia với bà Hằng trong các buổi livestream, nếu quá trình điều tra phát hiện có sự bàn bạc, thống nhất giữa bà Hằng và những người này về việc dùng các lời lẽ khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự theo điều 331 Bộ luật hình sự với vai trò đồng phạm. Đối với những người tham gia bình luận trong các buổi livestream hoặc sử dụng các thông tin của bà Hằng đưa ra không đúng sự thật để làm nhục, vu khống sẽ xử lý theo Luật an ninh mạng.

Vai trò của "cố vấn pháp lý”

Ông Đặng Anh Quân được biết đến là một TS luật, đang giảng dạy tại Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM. Trong thời gian dài, ông Quân tham gia các buổi livestream với bà Phương Hằng với tư cách là luật sư, giảng viên của Trường ĐH Luật TP HCM, phụ họa và cổ vũ cho bà Phương Hằng chửi bới, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống người khác. Đó là lý do ông Quân bị ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni tố giác về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ca sĩ Vy Oanh (trái) và bà Phương Hằng

Theo đơn tố giác của ca sĩ Vy Oanh, ông Quân được biết đến với vai trò là cố vấn pháp lý cho bà Hằng tại các buổi livestream. Còn theo đơn tố giác của nhà báo Hàn Ni, việc ông Quân có mặt thường xuyên, liên tục trong các buổi bà Hằng livestream như để củng cố, ủng hộ, với vai trò cố vấn pháp luật và làm tăng độ tin cậy cho bà Hằng.

Trong đơn tố cáo ông Quân, nhà báo Hàn Ni viết: "Việc ông Quân đồng hành trong các buổi livestream của bà Hằng, dù không phát ngôn nhiều, nhưng dựa trên sự có mặt của ông Quân, người được xã hội đánh giá và thừa nhận là có học thức, trình độ đã góp phần làm cho dư luận hiểu những phát ngôn của bà Hằng về tôi là có căn cứ, có cơ sở dẫn đến một bộ phận người nghe đã đánh giá không đúng về tư cách đạo đức, phẩm hạnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bản thân tôi".

Không phải bây giờ, dư luận đã từng đặt câu hỏi, vì sao với tư cách là một TS luật, ông Quân lẽ ra cần chia sẻ về các quan điểm pháp lý nhưng ông đã không làm như vậy, mà phụ họa, cổ vũ với những thông tin chưa được xác thực, kiểm chứng, để bôi nhọ, nói xấu người khác vô căn cứ. Với những gì ông Quân đã làm, từ cuối năm 2021 đã có nhiều cựu sinh viên, sinh viên và dư luận xã hội đã lên án vị giảng viên này, thậm chí có nhiều đơn tố giác về hành vi, nhân cách của TS Quân đến Ban giám hiệu Trường ĐH Luật TPHCM.

Ông Quân cũng xác nhận thông tin này và còn thách thức dư luận, không thấy cái sai của mình. Những người tố cáo cho rằng ông Quân đã vi phạm chuẩn mực về tư cách đạo đức của người thầy theo Luật giáo dục đại học khi livestream chung với bà Hằng về vấn đề mang thai và sinh con của một người phụ nữ. Khi đó, ông Quân nhân danh một TS luật, giải thích pháp luật về hợp đồng đẻ thuê, để công khai chế giễu, moi móc đời tư, xúc phạm danh dự nhân phẩm công dân của người phụ nữ đó và người đàn ông được cho là cha đứa bé, đưa ra nhiều giả định nhằm bôi nhọ, làm nhục người khác.

Ông Đặng Anh Quân đến trụ sở Công an TPHCM sáng 26-6 Ảnh: Hữu Hạnh

Một vị TS luật chẳng lẽ không nhận biết được những lời lẽ chửi bới thô tục, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác mà còn "tung hứng" những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng? Ngày 07-5, tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 - TPHCM tiếp xúc với cử tri, trước kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri Ngô Thanh Loan đề nghị: "Một số luật sư tham gia hỗ trợ, livestream cùng bà Hằng chửi bới, vu khống nhiều cá nhân. Đáng tiếc trong đó có một tiến sĩ luật (TS luật sư Đặng Anh Quân - TS), một người với trình độ nhận thức pháp luật như thế nhưng không ngăn chặn những việc làm vô thiên, vô pháp của bà Hằng. Tôi đề nghị Đoàn luật sư và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM có ý kiến, xem xét xử lý nghiêm minh ông TS luật đã hỗ trợ cho bà Hằng".

GS.TS Trần Hoàng Hải - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM xác nhận nhà trường có nhận được đơn tố cáo về việc giảng viên Đặng Anh Quân. Tuy nhiên phòng thanh tra nhà trường đã xem xét, căn cứ các quy định của pháp luật, nhận thấy rằng nhà trường không có thẩm quyền xử lý vụ này. PGS.TS Trần Hoàng Hải khẳng định: Nếu người có hành vi xúc phạm, vu khống người khác bị tố cáo thì tòa án xét xử, còn nếu người phát ngôn không chuẩn mực, loan tin sai sự thật, chửi tục trên mạng xã hội... thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Thông tin và truyền thông.

Có thể PGS.TS Trần Hoàng Hải nói có thể đúng ở thời điểm đó nhưng từ khi bà Phương Hằng bị bắt, nhà trường đã có động thái nào để xem xét về tư cách của một giảng viên, TS luật như Đặng Anh Quân? Và cho đến hôm nay, khi mà ông Quân bị Công an TPHCM mời lên làm việc vì chính những vấn đề đã nêu, liệu ông Quân có còn xứng đáng đứng trên bục giảng?

Xuân Nhân

Từ khóa » Nguyễn Phương Anh Tiktok Sinh Năm Bao Nhiêu