Vụ Binh Nhì Trần Đức Đô Tử Vong: Người Thân, Nhân Chứng Và đồng ...

Kết luận xác minh ngày 10/7 của Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3, Quân khu 1 cho biết: Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của toàn bộ cán bộ, học viên, nhân viên phục vụ đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14 và một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 cùng với quân nhân Trần Đức Đô (trong đó có quân nhân Trần Văn Hiếu, cùng tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ, huấn luyện tân binh cùng đơn vị, là chú họ của quân nhân Đô).

Các lời khai đều khẳng định không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Đa số đều nhận xétquân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỷ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai.

Lấy lời khai của bố, mẹ 5 học viên quê Bắc Ninh, họ đều cho biết từ khi con nhập ngũ, khi gọi điện về không hề phản ánh có hiện tượng tiêu cực, mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Khi nghe thông tin vụ việc trên mạng xã hội, qua gọi điện hỏi thì con họ đều nói là không có việc quân nhân Đô bị đánh chết, thông tin lan truyền trên mạng là sai sự thật.

Theo lời khai của học viên Đào Bá Hải cùng đơn vị với Trần Đức Đô, khoảng 9 giờ sáng ngày 27/6, trong lúc Hải và Đô buộc giá để cuốc xẻng và dây móc chổi, hai người có nói chuyện với nhau.

Khi Hải chia sẻ về sở thích của mình và hỏi Đô về sở thích thì Đô trả lời: “Tôi chỉ thích ở trong phòng tối một mình, tắt điện, đóng cửa”, sau đó Đô hỏi lại Hải: “Ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa?” thì Hải quát Đô: “Ông bị điên à”… Khi Đô hỏi Hải: “Ông có thích làm bạn với tôi không?” thì Hải không trả lời rồi chuyển sang chủ đề khác. Trong suốt cuộc nói chuyện, giọng nói của Đô trầm lặng, nét mặt buồn, không vui vẻ.

Ngày 30/6, ông Trần Đức Hội và bà Trần Thị Đông, là bố mẹ đẻ của quân nhân Trần Đức Đô có giấy yêu cầu luật sư Lưu Quang Hùng (Công ty Luật TNHH Hoàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trần Đức Đô. Căn cứ các Điều 36, 78 và 84 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra đã thông báo về việc đăng ký bào chữa, tham gia tố tụng cho luật sư Lưu Quang Hùng theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành phát phiếu thăm dò đối với học viên của Đại đội 14 (Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 1) và 62 chiến sĩ ở đơn vị cũ của Đô là Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) bằng hình thức bỏ phiếu kín, có lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả, với các nội dung: Trong đơn vị có tình trạng cán bộ, chỉ huy hành hung đồng đội không? Có tình trạng cán bộ, chỉ huy quân phiệt bộ đội không? Quá trình học tập, huấn luyện tại đơn vị có tình trạng chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới không? Có tình trạng cá độ, lô đề cờ bạc không?. Kết quả các ý kiến đều trả lời là không có các tình trạng trên.

Quá trình các quân nhân cắt dây đưaquân nhân Trần Đức Đô xuống để cấp cứu, có hai người dân nhà gần đó nhìn thấy và chứng kiến sự việc. Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của Bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1974) và ông Nguyễn Văn Lương (SN 1978, cùng trú ở xóm Bãi Phẳng, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Bà Chinh khai: Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 28/6, khi đang ngồi chẻ lạt để buộc mạ ở khu Bãi Phẳng thì thấy cách đó khoảng 300m có mấy người bộ đội ở chỗ cây keo (trong khu vực thao trường quân sự) và nhìn thấy có người rơi xuống, nhưng vẫn thấy có một người ở trên cây, bà Chinh tưởng là đi bắt chim bị rơi xuống.

Ông Lương cho biết: Chiều 28/6, trong khi đang ngồi uống nước ở nhà ông Đào Văn Nhuận ở cùng xóm thì vợ gọi điện bảo “ở ngoài kia có bộ đội thắt cổ tự tử chết”. Sau đó, ông Lương và ông Nhuận đến xem thì thấy có một người là bộ đội đang hô hấp ép tim ngoài lồng ngực, một người khác thì bóp tay cho người mặc áo lót màu xanh, quần rằn ri đang nằm ngửa dưới đất.

Sau đó có vài người nữa đến nhưng ông Lương không để ý. Ông Lương có nói: “Chết rồi thì hô hấp làm gì nữa”, người đang thực hiện ép tim nói: “Còn nước còn tát anh ạ”. Sau khi xe cứu thương đến thì ông Lương ra về.

Theo Quân khu 1, ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra cùng với đơn vị đã tiến hành kiểm tra, điểm nghiệm quân tư trang cá nhân của quân nhân Trần Đức Đô và toàn đơn vị. Qua kiểm tra, chỉ có ba lô của quân nhân Đô là không còn dây tăng võng, trong ba lô có 845.000đ. Ngoài quân tư trang cá nhân, trong ba lô phát hiện có 3 lá thư viết cho gia đình nhưng không gửi (nội dung chủ yếu kể về sự nhớ nhà và kể về cuộc sống sinh hoạt và tình yêu thương, đoàn kết đồng chí đồng đội trong đơn vị).

Cơ quan điều tra cũng tiến hành lấy lời khai của bố, mẹ và một số người thân trong gia đình của quân nhânTrần Đức Đô. Bố mẹ của Đô là ông Trần Đức Hội và bà Trần Thị Đông cho biết: Trong những lần Đô gọi điện về, nội dung chỉ là thăm hỏi bình thường, không hề nói bị ai đánh; không biết Đô có người yêu chưa vì Đô không tâm sự gì. Em gái Đô là Trần Thị Uyên cho biết Đô chưa có người yêu.

Chị Trần Thị Nhung (dì ruột của Đô) khai: Từ khi Đô đi học Tiểu đội trưởng thì hai dì cháu hay liên lạc, nhắn tin điện thoại và Facebook với nhau, nội dung thăm hỏi bình thường. Khoảng thời gian trước ngày 25/6/2021, Đô có gọi điện thoại về, khi nói chuyện chị Nhung có hỏi: “Đô à, ở đấy có khỏe không, có bị đánh không?”, Đô vừa cười vừa nói “Cháu chỉ bị chỉ huy đánh thôi nhưng không sao đâu” và bảo chị Nhung đừng nói với bố mẹ. Chị Nhung còn cung cấp cho cơ quan điều tra nội dung tin nhắn qua Facebook giữa hai dì cháu từ ngày 15/6/2021 đến ngày 25/6/2021.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra, cây keo nơi phát hiện quân nhân Trần Đức Đô treo cổ cao khoảng 10m, đường kính phần gốc 25cm, cây nghiêng sang bên phải khoảng 13 độ theo hướng nhìn từ đỉnh đồi xuống. Gốc cây có một cành cụt hướng lên trên, đầu cụt cách mặt đất 80cm; trên thân cây có các nhánh cách mặt đất lần lượt là 2,6m và 3,6m (3,6m là vị trí buộc dây treo cổ).

Lễ tang binh nhì Trần Đức Đô theo nghi thức quân đội
Lễ tang binh nhì Trần Đức Đô theo nghi thức quân đội 01/07/2021
Ảnh: CTV
Diễn tiến vụ binh nhì Trần Đức Đô tử vong 30/06/2021 Thụy Du

Từ khóa » Trần đức đô An Táng Chưa