Vũ Linh Quang Công Trình Xanh Và Hệ Thống đánh Giá EDGE

Là kiến trúc sư về thiết kế công trình bền vững,  cùng với việc nghiên cứu và giảng dạy về Kiến trúc và Công trình Xanh, KTS. Vũ Linh Quang đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn thông qua nền tảng giáo dục tại Úc – nơi mang đến những kiến thức thực hành công trình Xanh, chứng chỉ công trình Xanh Green Star; và công nghệ Mô hình hóa thông tin BIM tại Đại học Bắc Đan Mạch với vai trò là Nghiên cứu sinh và Quản lý chương trình sau Đại học về BIM.

Ông hiện là thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, thành viên Hội đồng cố vấn EDGE (IFC, World Bank), Phó chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành CLB Mô phỏng Hiệu năng Công trình Xây dựng (IBPSA-Vietnam), và là Giám đốc Điều hành tại Công ty tư vấn xanh ARDOR Green. Ông từng đạt giải thưởng “Kiến trúc sư trẻ của năm 2014” bởi Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam ASHUI và dẫn dắt ARDOR Architects với 3 lần đạt giải thưởng BCI Asia Top Ten Architects vào 2009, 2015 và 2021.

Ông vui lòng cho biết quan điểm về tầm quan trọng của tiêu chuẩn Công trình Xanh tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn Công trình Xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng và định lượng mức độ hiệu quả vận hành của công trình cho các hạng mục như Năng lượng, Nước, Vật liệu, Sức khỏe con người và Sự bền vững với môi trường tự nhiên. Phần lớn các tiêu chuẩn Công trình Xanh đều mang tính tự nguyện, và hướng đến nhóm công trình dẫn đầu thị trường, nên sẽ có những yêu cầu cao hơn về Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế tại mỗi quốc gia và có những yêu cầu mới như việc cắt giảm lượng rác thải, ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sống trong nhà.

Với các tiêu chuẩn đánh giá trên, Công trình Xanh có lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo các sản phẩm khác biệt và giá trị cộng thêm cho khách hàng, người sử dụng. Tiêu chuẩn Công trình Xanh mang đến một nền tảng chung về tính bền vững với sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế (kiến trúc, kết cấu, cơ điện, cảnh quan, âm học, v.v. ), tư vấn xanh, nhà thầu, đơn vị vận hành và chủ đầu tư nhằm cùng xác định các giải pháp xanh hiệu quả nhất cho công trình.

Hiện nay tại Việt Nam có 4 tiêu chuẩn đánh giá Công trình Xanh được Bộ Xây dựng công nhận là LEED (Hội đồng Công trình Xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam), EDGE (Tập đoàn Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới) và Green Mark (Cơ quan Quản lý Xây dựng Singapore). Mỗi tiêu chuẩn Công trình Xanh, ngoài các tiêu chuẩn chung về tính hiệu quả của công trình xây dựng, sẽ có những tiêu chí bền vững về môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiết kế thụ động, môi trường trong nhà, sức khỏe cũng như tiện nghi cho người sử dụng, ứng phó với việc biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều dự án tại Việt Nam đã đạt chứng nhận của hệ thống tiêu chuẩn Công trình Xanh khác như HQE (Pháp), DGNB (Đức) v.v. Các tiêu chuẩn Công trình Xanh luôn được kiểm định bởi các tổ chức độc lập, tại Việt Nam hoặc quốc tế, và chỉ được cấp chứng chỉ chính thức khi công trình đã hoàn công, do vậy có tính minh bạch và khách quan cao.

Các hệ thống chứng chỉ Công trình Xanh hiện nay là những công cụ độc lập có thể giúp đánh giá và so sánh hiệu suất môi trường của các tòa nhà, Ông hãy chia sẻ câu chuyện về sự thành lập Hệ thống Chứng chỉ EDGE (Thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn).

EDGE được phát triển bởi IFC (International Finance Corporation), World Bank Group, được công bố vào 07/2014, nhằm đáp ứng yêu cầu về các giải pháp xanh có thể đo lường, đáng tin cậy để chứng minh cho hiệu quả kinh doanh của Công trình Xanh. Với tên viết tắt từ Excellence in Design for Greater Efficiencies, EDGE là một nền tảng trực tuyến 3 trong 1 bao gồm phần mềm ứng dụng miễn phí, một tiêu chuẩn Công trình Xanh quốc tế và hệ thống chứng nhận Công trình Xanh dành cho hơn 170 quốc gia. Ứng dụng EDGE giúp xác định các giải pháp đầu tư xanh hiệu quả nhất nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho chủ đầu tư và những người sử dụng công trình.

EDGE có thể được áp dụng cho đa dạng nhiều loại hình công trình xây dựng (Nhà ở, Lưu trú, Trường học, Bệnh viện, Công nghiệp nhẹ, Văn phòng, Thương mại), tại nhiều giai đoạn từ công trình xây mới, cải tạo tới công trình đang vận hành. Các công trình xây dựng sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả Năng lượng, Nước, và Năng lượng hàm chứa trong Vật liệu.

EDGE có 3 loại mức chứng nhận khác nhau là Certified (khi đạt tối thiểu 20% hiệu quả tiết kiệm), Advanced (khi đạt mức Certified, và tối thiểu 40% hiệu quả năng lượng), và Zero Carbon (khi đạt mức Advanced, và giảm 100% phát thải carbon). Một số các ưu điểm của EDGE bao gồm công nhận và uy tín quốc tế, phù hợp với thực tiễn xây dựng địa phương, ưu tiên các giải pháp thiết kế, thời gian triển khai, chứng nhận nhanh, và chi phí chứng nhận hợp lý.

Nếu tốc độ, chi phí phù hợp, sự đơn giản là quan trọng, cùng với phần mềm có tích hợp dữ liệu công trình xây dựng, và cơ hội để gắn thương hiệu với tên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, thì EDGE có thể là lựa chọn tốt nhất.

 Chứng chỉ EDGE mang lại những lợi ích gì cho các bên liên quan, bao gồm kiến trúc sư, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, và chủ nhà?

Chứng chỉ EDGE mang đến nhiều lợi ích cho công trình bao gồm việc gia tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí vận hành, thu hút các nguồn đầu tư quốc tế, tiếp cận nguồn tài chính xanh, uy tín và thương hiệu của IFC và World Bank Group, tạo sự khác biệt trên thị trường, minh chứng cho CSR Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp và các yếu tố ESG Môi trường, Xã hội và Quản trị,  nâng cao hình ảnh và thương hiệu của chủ đầu tư.

Công trình Xanh khi được thiết kế tốt từ ban đầu, định lượng theo các tiêu chuẩn xanh, sẽ mang lại giá trị cao hơn cho công trình, giảm chi phí vận hành, và gia tăng khả năng chuyển nhượng công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu và đơn vị cung ứng vật tư ngoài việc chứng minh được năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế quốc tế, còn góp phần mang lại sự bền vững hơn cho môi trường xây dựng, giảm thải lượng khí thải carbon toàn cầu. Các công trình đạt chứng chỉ sẽ được đăng tải trên website toàn cầu, góp phần định vị và gia tăng giá trị của các bên tham gia. Chủ nhà sẽ hưởng được lợi ích nhiều nhất, đặc biệt là lợi ích dài hạn, khi có sức khỏe tốt hơn, giảm bệnh tật, gia tăng năng suất lao động, đồng thời giúp gia tăng giá trị bất động sản cho cả vòng đời sử dụng công trình.

Với phần mềm tính toán EDGE, các đơn vị tư vấn thiết kế khả năng so sánh hiệu quả của các giải pháp thiết kế dựa trên hình khối công trình, thông số lớp cách nhiệt, và các trang thiết bị tiêu thụ điện và nước. Đồng thời, phần mềm tính toán có thể nhanh chóng có câu trả lời cho khái toán và thời gian hoàn vốn cho từng phương án thiết kế. Phần mềm EDGE cũng hoàn toàn miễn phí truy cập và sử dụng, đưa ra các đánh giá định lượng hiệu quả công trình trên một nền tảng hợp tác đồng bộ của nhiều thông số thiết kế.

EDGE mang lại lợi ích gì về năng lượng, năng suất, sức khỏe, và tài chính?

EDGE mang lại các giải pháp để nâng cao hiệu quả năng lượng của công trình, từ những giải pháp lớp vỏ bao che bên ngoài (hướng công trình, tỷ lệ cửa sổ trên tường, lam che nắng, thông số kỹ thuật kính, cách nhiệt tường, cách nhiệt mái, sơn chống nóng v.v.), trang thiết bị sử dụng điện (hệ thống điều hòa không khí, đèn hiệu quả năng lượng, cảm biến tự động, điều khiển hẹn giờ v.v.), và các giải pháp khác (tận dụng ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, quạt trần, pin năng lượng mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời, đồng hồ điện thông minh v.v.). Các giải pháp xanh đều cần được tính toán, mô phỏng cụ thể nhằm chứng minh việc đạt tối thiểu 20% tiết kiệm năng lượng so với các công trình tương đương.

Khi công trình đảm bảo được các điều kiện về tiện nghi nhiệt, ánh sáng tự nhiên, thông thoáng tự nhiên thì năng suất lao động và sức khỏe sẽ được nâng cao. Với các giải pháp tiết kiệm điện và nước, chi phí vận hành công trình sẽ giảm và từ đó mang lại lợi nhuận cho người sử dụng và chủ đầu tư, đặc biệt là các công trình thương mại, văn phòng và khách sạn.

Những thách thức trong quá trình triển khai hệ thống đánh giá này là gì? Có sự khác biệt lớn nào giữa miền Nam và miền Bắc trong quá trình này không?

Việc triển khai Công trình Xanh nói chung luôn gặp nhiều thách thức về việc gia tăng chi phí đầu tư xây dựng. Chi phí này thực tế không hề lãng phí, mà là việc đầu tư cho tương lai vào hệ thống trang thiết bị công trình, cho hiệu quả vận hành của tòa nhà, và các giải pháp này thường có thời gian hoàn vốn trong khoảng 3-5 năm. Tùy theo mức đầu tư và thiết kế ban đầu của công trình, mà việc đáp ứng cho chứng chỉ EDGE sẽ phát sinh khoảng 1-2% tổng mức đầu tư. Các chi phí phát sinh phần lớn là cho việc cải thiện lớp vỏ bao che (tường, cửa sổ, mái), trang thiết bị điều hòa không khí, các hệ thống cảm biến tự động tắt mở và kiểm soát hẹn giờ.

Ngoài ra, EDGE có 2 giai đoạn đánh giá và cấp chứng chỉ: Giai đoạn Thiết kế (sau khi hoàn thành thiết kế thi công) và Giai đoạn Xây dựng (sau khi công trình hoàn công), đơn vị kiểm toán độc lập là SGS Việt Nam sẽ đánh giá chi tiết việc tuân thủ các yêu cầu của EDGE, bao gồm các hồ sơ bản vẽ, thông số kỹ thuật, cho đến việc kiểm tra hóa đơn mua bán chứng từ, và kiểm định, đo đạc thực tế tại công trình.

EDGE được xây dựng dựa trên dữ liệu khác biệt về vị trí địa lý, thông số hiệu quả công trình trung bình của cùng thể loại công trình, do vậy sẽ có những khác biệt về mức độ hiệu quả của cùng một thiết kế khi đặt tại miền Nam và miền Bắc. Tuy nhiên, các dữ liệu này đều được tích hợp vào phần mềm EDGE trên nền tảng internet, nên việc thay đổi vị trí địa lý để tính toán là rất thuận tiện.

Ông nhận định thế nào về Công trình Xanh và hệ thống đánh giá EDGE trong tương lai tại Việt Nam?

Theo thống kê của IFC trong báo cáo “Tổng quan thị trường Công trình Xanh Việt Nam Quý II 2021” thì Việt Nam đã có 188 dự án với tổng cộng 4.387.000 m2 sàn đạt chứng chỉ Công trình Xanh của LEED, LOTUS và EDGE. Chứng chỉ EDGE đang dẫn đầu về diện tích sàn đạt chứng nhận với 2.575.471 m2, chiếm 58% tổng diện tích sàn đạt chứng chỉ Công trình Xanh. Kể từ khi EDGE được giới thiệu tại Việt Nam vào 2015, chỉ có 2 tỉnh/thành phố áp dụng với 2 dự án với tổng diện tích sàn đạt chứng nhận là 12.000 m2. Hiện tại vào Quý 2, 2021 thì EDGE đã có mặt tại 16 tỉnh/thành phố với 50 dự án, và tổng diện tích sàn đã tăng lên hơn 210%.

Mặc dù số lượng dự án đăng ký và đạt chứng chỉ EDGE có giảm xuống trong năm 2020 và 2021, do tình hình đại dịch Covid-19 và khó khăn của thị trường bất động sản, EDGE vẫn có sự tăng trưởng nhanh nhất về tổng diện tích sàn xây dựng xanh. Do vậy, tôi tin rằng khi các tập đoàn đa quốc gia và các công ty lớn hướng đến việc xây dựng bền vững, giảm lượng khí thải carbon, và nâng cao hiệu quả vận hành thì số lượng Công trình Xanh và EDGE sẽ tăng lên, đặc biệt là cho các phân khúc nhà máy nhà xưởng, chung cư và văn phòng.

Với 50 dự án đã đạt trong đó có nhiều công trình lớn như The Ascent (TP.HCM), Aqua Bay Ecopark (Hưng Yên), Forest in the Sky (Vĩnh Phúc), Hue Square (Huế), Cardinal Court (TP.HCM), InterContinental Ha Long Bay (Vịnh Hạ Long) v.v. thì việc áp dụng chứng chỉ EDGE sẽ ngày một phổ biến hơn do giới chuyên môn, chủ đầu tư và cộng đồng xã hội đã dần thấy rõ hơn các lợi ích của Công trình Xanh.

一 Construction+ Online

Từ khóa » Chứng Chỉ Xanh Edge Là Gì