Vụ Logo Xe Vua: Vẫn Không Truy được Người Nhận Hối Lộ - PLO

Ngày 20-5, sau một ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân (cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bảy năm tù về tội môi giới hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Văn Thới bị tuyên phạt 13 năm tù, Trần Quốc Thái chín năm tù, Lê Thị Cẩm Vân ba năm sáu tháng tù và năm bị cáo khác nhận mức án từ một năm tám tháng 25 ngày tù đến ba năm tù, cùng về tội đưa hối lộ.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 20-5. Ảnh: HOÀNG YẾN

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 20-5. Ảnh: HOÀNG YẾN

HĐXX triệu tập 83 người liên quan, trong đó chủ yếu là các CSGT và thanh tra giao thông (TTGT). Tuy nhiên, phiên tòa chỉ có ba người liên quan có mặt.

Bị cáo đối chất với CSGT, TTGT tại tòa

Khi xét hỏi, HĐXX cho hai người liên quan là CSGT và TTGT có mặt đối chất với các bị cáo. Cả hai đều khai không quen biết và không nhận tiền của Vân và Thới. Khi mở khẩu trang, hai bị cáo Vân và Thới cũng khai không quen biết và đưa tiền cho họ.

Đồng thời, chủ tọa cũng thông báo về lời khai của 83 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có khoảng 70 người khai không biết các bị cáo là ai, không có quan hệ nhận tiền, 10 người còn lại khai nhận có biết Thới và Vân trong quá trình làm việc nhưng không nhận tiền của các bị cáo.

Hồ sơ thể hiện từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Thới và Vân cùng các đồng phạm đã câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM góp tiền đưa hối lộ cho CSGT, TTGT để không bị xử phạt.

Đường dây Thới, Thái bán được 15.000 lượt xe, thu hơn 22,7 tỉ đồng. Thới đã 31 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng; mỗi lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 110 triệu đồng. Trong đó, Thới có 13 lần đưa cho Chân hơn 1,2 tỉ đồng, 48 lần đưa cho Thái 2,7 tỉ đồng để đưa hối lộ.

Đồng thời, đường dây này sử dụng hơn 16,5 tỉ đồng để nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị xử phạt và trả tiền thuê người đi canh tổ công tác đặc biệt báo cho tài xế và chủ xe. Ngoài ra, Chân lấy tiền của Thới đi môi giới hối lộ gần 1 tỉ đồng, còn lại giữ tiêu xài cá nhân.

Tương tự, đường dây của Vân bán logo thu được gần 8 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 1,5 tỉ đồng. Vân đã đưa cho đàn em 477 triệu đồng để hối lộ.

Vẫn không có căn cứ xem xét tội nhận hối lộ

Qua nhiều lần điều tra, các cán bộ CSGT, TTGT đều không thừa nhận đã nhận hối lộ của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Tuy có lời khai của các bị cáo và sổ sách ghi chép nhưng đó chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất, không có tài liệu khác chứng minh.

Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ.

Kết luận điều tra về lời khai của CSGT thể hiện có hai cán bộ Đội CSGT Chợ Lớn 1 là cựu đội trưởng đã về hưu. Họ xác nhận có quen Thới và Vân nhưng không nhận tiền giúp bảo kê xe. Bốn cán bộ CSGT thuộc các đội quận 8, Nam Sài Gòn, Củ Chi, Tân Túc thừa nhận quen biết Thới.

Đáng chú ý, có lời khai liên quan tới ông Nguyễn Duy Khánh (khi đó đang là cán bộ CSGT Trạm CSGT Tân Túc). Ông Khánh thừa nhận có quen biết với Thới và có lần giúp Thới bỏ qua lỗi ô tô vi phạm. Trước khi Thới bị bắt, ông Khánh gọi điện thoại cho bị cáo này yêu cầu xóa tin nhắn qua lại giữa hai người để tránh bị liên lụy.

Vụ án còn có lời khai của một cán bộ là phó đội trưởng Đội CSGT số 1 Đồng Nai thừa nhận quen Vân. Tuy nhiên, cũng như những người ở trên, cán bộ này không thừa nhận nhận tiền bảo kê xe cho Vân và Thới. 53 cán bộ còn lại đều cùng lời khai không quen biết.

Đối với lực lượng TTGT, có hai cán bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Bình Dương và TP.HCM khai có quen biết Thái và Vân. Một vài lần được nhờ can thiệp để bỏ qua lỗi quá tải. Tuy nhiên, cả hai đều khẳng định không nhận tiền để bảo kê cho hai đường dây này; 16 người còn lại cùng lời khai không quen biết, không quan hệ và không nhận tiền để bảo kê xe quá tải.

Trước đó, xử sơ thẩm lần một, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Chân tám năm tù về tội môi giới hối lộ; Thới 14 năm tù, Thái 10 năm tù và Vân chín năm tù, cùng về tội đưa hối lộ. Các bị cáo còn lại có mức án 1-4 năm tù về tội đưa hối lộ.

Sau đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với 80 cán bộ CSGT, TTGT.

Nhiều vụ không truy được người nhận hối lộ

Nhắc đến việc có người đưa hối lộ nhưng lại không truy được người nhận hối lộ thì không chỉ riêng vụ logo xe vua lần này mà còn có nhiều vụ án khác.

Còn nhớ trong vụ đánh bạc ngàn tỉ đồng liên quan đến hai cựu tướng công an và 90 đồng phạm mà Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố cũng có nghịch lý tương tự. Tại tòa, chủ tọa công bố lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Dương thể hiện đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa.

Tuy nhiên, kết quả điều tra đã kết luận việc Dương khai hối lộ cho ông Vĩnh và ông Hóa là có cơ sở nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi nhận hối hộ. Vì vậy, vẫn không có ai bị truy cứu, xét xử về tội nhận hối lộ.

Tương tự, trong vụ án liên quan đến việc mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Công ty cổ phần VN Pharma, một cán bộ của VKSND Tối cao mà theo lời khai của các bị cáo đã được giao nhận tiền hối lộ thì do người này không thừa nhận, cơ quan điều tra không khởi tố, hai cấp tòa không kiến nghị xử lý gì nên đã không có ai bị xét xử tội nhận hối lộ.

Vậy vì sao các cơ quan tố tụng đã quy kết được là có người đưa hối lộ nhưng lại không buộc được tội nhận hối lộ, trong khi theo lẽ thường có đưa mới có nhận và có nhận ắt phải có đưa?

Về pháp lý, cần lưu ý là tuy có mối quan hệ với nhau ở những tình tiết trong vụ án nhưng tội nhận hối lộ, đưa hối lộ là những tội độc lập trong Bộ luật Hình sự. Các cơ quan tố tụng không bị bắt buộc khi truy cứu tội này thì nhất thiết phải truy cứu được tội kia.

Thêm một nguyên tắc quan trọng nữa, để truy cứu trách nhiệm hình sự một cá nhân nào đó, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nếu không chứng minh được thì không thể kết tội người đó.

HOÀNG YẾN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Xe Vua ở đồng Nai