Vũ 'nhôm' được Cấp 3 CMND Và Dùng 2 Bí Danh để Hoạt động Tình Báo

Ngày 10/6, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội phúc thẩm xét xử Vũ “nhôm” cùng các cựu lãnh đạo Bộ Công an trong vụ thâu tóm 7 dự án “đất vàng” tại Đà Nẵng và TP.HCM, gây thiệt hại hơn 1.159 tỉ đồng.

Trong ngày đầu phiên xử, tòa chủ yếu tập trung làm rõ vai trò của Phan Văn Anh Vũ trong các công ty bình phong của Bộ Công an. Ai là người chấp thuận cho Vũ lấy danh nghĩa công ty bình phong để thực hiện các phi vụ thâu tóm nhà, đất công sản?

Các bị cáo tại phiên tòa.

Năm 2009, Vũ “nhôm” được tuyển dụng làm tình báo viên hoạt động theo phương thức bí mật, sử dụng các bí danh Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ để hoạt động trong các trường hợp khi thi hành nhiệm vụ.

Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo (Tổng cục 5, Bộ Công an) là người đã tuyển dụng Vũ “nhôm” làm tình báo viên. Mọi hoạt động nghiệp vụ của Phan Văn Anh Vũ là đơn tuyến, do Nguyễn Hữu Bách, cựu đại tá, cựu Phó Cục trưởng thuộc Tổng cục tình báo tiến hành gặp gỡ và giao nhiệm vụ.

Tổng cục 5 đã sử dụng 2 công ty do Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị, gồm Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Mục đích là để Vũ phát triển kinh tế, có tiềm lực lớn mạnh để phục vụ cho hoạt động của Bộ Công an.

Bị cáo Phan Hữu Tuấn cũng cho biết bản thân có tham gia góp vốn vào 2 doanh nghiệp này, trong đó, góp vốn 20% vào Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và 5% vào Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 với tên gọi khác.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo góp vốn vào các doanh nghiệp này căn cứ vào quy định pháp luật nào khi bị cáo là sĩ quan công an?”. Cựu trung tướng không trả lời được câu hỏi này mà chỉ nói loanh quanh “lĩnh vực tình báo rất phong phú đa dạng”. Ngay lập tức, câu trả lời của bị cáo đã bị chủ tọa cắt ngang với khẳng định mọi hoạt động tình báo đều phải phù hợp với pháp luật Việt Nam. “Có đặc thù đặc biệt gì cũng không được trèo lên pháp luật”.

Bị cáo Phan Hữu Tuấn thừa nhận các tổ chức bình phong được thành lập, hoạt động không đúng với quy định pháp luật, kể cả quy định về tình báo cũng như Luật Doanh nghiệp. Bộ Công an có các văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện để mua nhưng sau đó Vũ “nhôm” chuyển các tài sản này sang cá nhân là đã lợi dụng danh nghĩa công an để trục lợi.

Khai trước tòa, Vũ “nhôm” khẳng định Phan Hữu Tuấn là người thông báo cho Vũ biết Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được công nhận, sử dụng là tổ chức bình phong. “Bị cáo được cấp thêm 2 Chứng minh nhân dân, được cùng lúc sử dụng 3 tên, nhưng vẫn là một người”, Vũ khai.

Ban đầu doanh nghiệp này có ba cổ đông gồm: Vũ, Thân, Ngọc. Trong đó, theo Vũ, Thân chính là Phan Hữu Tuấn, Ngọc là Nguyễn Ngọc Hùng (tình báo ở Đà Nẵng). Sau đó Vũ dùng thêm tên Lê Văn Sáu góp vốn. Năm 2017, Vũ và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cùng một đại diện của Công ty Bắc Nam 79 là cổ đông. Trả lời tòa về việc dùng tên Hoàng Hữu Thân để góp 20% vốn, bị cáo Phan Hữu Tuấn khai do tên Tuấn không hợp phong thủy nên phải đổi thế.

Đối với Công ty cổ phần Nova 79, Vũ khai thành lập vào năm 2014. Khi thành lập công ty này được công nhận là tổ chức bình phong. Ngoài việc góp vốn vào Công ty Bắc Nam 79, ông Phan Hữu Tuấn còn góp 5% vốn vào Công ty Nova Bắc Nam 79. Nhưng việc góp vốn chỉ của công an chỉ trên danh nghĩa, thực tế, Vũ “nhôm” liên tục chuyển nhượng cổ phần từ tên thật sang bí danh và ngược lại.

Như vậy, cả Phan Văn Anh Vũ và Phan Hữu Tuấn đều thừa nhận đã vi phạm vào điểm C khoản 2 điều 13 năm 2015 về việc cá nhân không được thành lập, quản lý doanh nghiệp khi đang giữ chức vụ là sĩ quan Công an.

Vũ “nhôm” còn thừa nhận hành vi vi phạm luật khi xây dựng và thông qua điều lệ doanh nghiệp mà chỉ có 2/3 chữ ký của cổ đông. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã có hành vi sử dụng tên giả được cấp theo quy định khi tham gia vào hoạt động tình báo mật để trược tiếp mua bán lại chính cổ phần của mình với mục đích chuyển đổi thành tài sản cá nhân tại 2 công ty Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79.

Từ khóa » Tổng Cục 5 Bộ Công An Tuyển Dụng