Vụ Thảm Sát Kwangju ở Hàn Quốc Và Di Sản - VnExpress

Các tù nhân bị một binh sĩ Hàn Quốc tra tấn.

Các tù nhân bị một binh sĩ Hàn Quốc tra tấn.

Năm 1980, làn sóng biểu tình, đặc biệt là của sinh viên, tiếp sau vụ ám sát Park Chung Hee và cuộc đảo chính đưa tướng Chun Doo-hwan lên nắm quyền, diễn ra trên khắp Hàn Quốc. Binh lính dùng dùi cui và lưỡi lê đẩy lùi đám đông, lột quần áo của người biểu tình trên phố tới khi chỉ còn đồ lót che thân, rồi đánh đập họ và bắn bừa bãi.

Sự độc ác này khiến người dân tức giận đến mức tổ chức một phong trào phản kháng quy mô lớn. Binh lính buộc phải rút khỏi Kwangju, thành phố hoàn toàn do dân cư kiểm soát. Quân đội giành lại thành phố ngày 27/5, đàn áp phong trào phản kháng của người dân bằng vũ lực. Các cuộc trả thù những người bị cho là phiến loạn trên toàn quốc diễn ngay tiếp sau đó.

Đến nay, con số người chết cuối cùng vẫn chưa được xác định vì binh lính chôn các thi thể trong những nấm mộ tập thể hoặc bỏ xuống hồ. Con số ước tính được đưa ra là 500-2.000 nạn nhân.

Ôtô bị đốt trên đường phố Kwangju ngày 19/5/1980 trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Ôtô bị đốt trên đường phố Kwangju ngày 19/5/1980 trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Nhà văn nổi tiếng Hàn Quốc Hwang Sok-yong là một thủ lĩnh đối lập trẻ tuổi sống ở Kwangju vào thời điểm cuộc nổi dậy diễn ra. Ông không có mặt tại thành phố khi cuộc bao vây bắt đầu. Hwang phải lẩn trốn khi nhà chức trách tiến hành bắt giữ hàng nghìn người bị tình nghi hoạt động chống đối. "6 tháng sau, tôi trở về nhà ở Kwangju", ông kể lại. "Không còn ai ở đó nữa. Người thì ở trong tù, người đã chết, người thì đang lẩn trốn. Nhiều người bạn của tôi không còn sống nữa".

Những người may mắn thoát khỏi cuộc bố ráp của nhà chức trách hoặc sống sót đến giờ vẫn còn chịu đựng những tổn thương thân thể và tâm lý từ cuộc thảm sát. Họ còn cảm thấy có lỗi vì mình còn sống trong khi bạn bè, người thân phải bỏ mạng.

Các nhà bình luận nhất trí rằng, vụ thảm sát Kwangju đóng vai trò quan trọng dẫn đến quyết định tiến hành cải cách dân chủ của nhà chức trách Hàn Quốc năm 1987. "Những gì bắt đầu vào năm 1980 kết thúc vào năm 1987", ông Hwang nói. "Cuộc nổi dậy Kwangju châm ngòi cho dân chủ vì nó đã huy động những người dân bình thường vào cuộc chiến đấu".

Khi nhắc tới 3 vị tổng thống Hàn Quốc được bầu trong những cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ, người ta đều nhắc đến các phong trào ủng hộ dân chủ, mà Kwangju đã trở thành biểu tượng. Việc Kim Dae Jung đắc cử năm 1998 lại càng mang tính tượng trưng. Tại một thành phố cũng ở tỉnh Cholla như Kwangju, vụ bắt giữ ông Kim với cáo buộc xúi giục nổi loạn tháng 5/1980 là giọt nước làm tràn ly với những người tham gia nổi dậy.

Chun Doo-hwan bị vào tù sau đó được thả bổng về vai trò trong vụ Kwangju.

Chun Doo-hwan bị vào tù, sau đó được tha bổng về vai trò trong vụ Kwangju.

Theo các nhà bình luận, vụ Kwangju cũng kết nối cuộc chiến giành tự do khỏi chế độ độc tài của người Hàn Quốc với nhận thức thoát khỏi quyền kiểm soát của Mỹ. Quân đội Mỹ nắm quyền kiểm soát quân đội Hàn kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Đến nay, 37.000 lính Mỹ vẫn đóng quân tại nước này.

"Washington đã ủng hộ Park Chung Hee kể từ khi ông ta lên nắm quyền năm 1961 và không làm gì khi Chun Doo-hwan giành quyền lực", giáo sư lịch sử ĐH Chicago, chuyên gia về Triều Tiên Bruce Cumings nói. "Vụ Kwangju chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ - Hàn".

Trong khi nhà chức trách Seoul tìm hiểu kỹ lưỡng những tài liệu về vụ thảm sát Kwanju, thì Washington chưa bao giờ tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về vai trò của Nhà Trắng trong thời kỳ này.

Nguyễn Hạnh (theo BBC)

 

Từ khóa » Sự Kiện Thảm Sát Gwangju