Vụ Tiêu Cực Của Bóng đá Việt Nam Tại SEA Games 23 - Wikipedia

Vụ bê bối dàn xếp tỷ số của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 2005 (còn được biết đến với tên gọi Đại án Bacolod) là vụ việc một số cầu thủ đội tuyển U-23 Việt Nam tham gia cá độ, tổ chức cá độ và dàn xếp tỷ số trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá U-23 quốc gia Việt Nam và Myanmar diễn ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2005, nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23 tổ chức tại Philippines.

Diễn biến vụ việc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trưa ngày 24 tháng 11 năm 2005, sau khi họp kỹ thuật trước trận đấu giữa U-23 Việt Nam và U-23 Myanmar, Lê Quốc Vượng gặp các cầu thủ Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh tại phòng riêng của một khách sạn để bàn bạc rằng nếu Việt Nam thắng cách biệt Myanmar một bàn thì sẽ có người cho tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. [1][2] Vượng gợi ý mỗi cầu thủ cá độ thêm 20 đến 30 triệu đồng, ai có tiền thì đánh, nếu không thì Vượng sẽ nhờ đánh giúp.

Sau bữa trưa, cả nhóm tập trung ở phòng Quốc Vượng. Vượng gọi thêm Châu Lê Phước Vĩnh và Lê Tấn Tài, Văn Trương gọi thêm Phan Văn Tài Em. Khi các cầu thủ có mặt đầy đủ thì Văn Trương "phổ biến" lại vấn đề mà Vượng đã đề cập trước đó. Tài Em từ chối thẳng và bỏ về, Tấn Tài thì nói: "Em giúp các anh đá thắng chứ chuyện tiền nong em không dính vào". Còn lại nhóm cầu thủ trên đều đồng ý với Lê Quốc Vượng về việc dàn xếp thắng Myanmar cách biệt 1 bàn để lấy tiền. Riêng việc cá cược thì chưa ai nhờ Quốc Vượng đánh hộ nhưng cũng không ai từ chối. Sau đó tất cả về phòng riêng nghỉ trưa. Buổi chiều cùng ngày, Tài Em đã báo cáo toàn bộ vụ việc này với hai ông Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường.

Thỏa thuận xong với các đồng phạm, Vượng điện thoại từ Philippines về Việt Nam thông báo với Trương Tấn Hải (cựu tuyển thủ quốc gia và CLB Cảng Sài Gòn), người môi giới để dàn xếp tỷ số và ra kèo cho các đối tượng cá độ ở Việt Nam tham gia, cho biết có 7 - 8 cầu thủ đã đồng ý tham gia dàn xếp tỷ số. Vượng cũng nhờ Hải theo kèo Myanmar với số tiền 250 triệu đồng. Hải tiếp tục trao đổi với đàn anh của mình là Lý Quốc Kỳ về những nội dung trên và được Kỳ đồng ý.

Trong trận đấu này, Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Hải Lâm đều được đá chính. Tuy nhiên, theo lời khai của các cầu thủ này, vì hướng đến kết quả thắng cách biệt 1 bàn nên khi vào sân các cầu thủ rất khó đá do nặng về tâm lý, đá dưới sức so với các trận khác. Sau khi Tài Em mở tỷ số, đội U-23 Việt Nam có thêm rất nhiều cơ hội nhưng không ghi bàn được. Để giữ khoảng cách 1 bàn này, các cầu thủ đã phân phát bóng chậm lại và cố ý giữ bóng bên phần sân của mình. Tỷ số 1-0 đủ để Việt Nam vào bán kết và để các cầu thủ nhận tiền như đã bàn bạc, đồng thời giúp Quốc Vượng thắng độ 250 triệu đồng.

Ngày 26 tháng 11 năm 2005, sau trận đấu 2 ngày, Vượng lại gọi điện nhờ bạn gái mình là Phạm Thị Cẩm Lai đến gặp Trương Tấn Hải để lấy tiền, bao gồm 25.000 USD và 90 triệu đồng, tổng cộng 490 triệu đồng. Trong số này, Kỳ trả công 240 triệu đồng cho 8 cầu thủ (thực ra chỉ có 7) tham gia dàn xếp tỷ số, số còn lại là tiền Vượng thắng độ. Khi về đến TP.HCM, ngày 5 tháng 12, Vượng đã trả công cho Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Anh mỗi người 20 triệu đồng; gửi Quốc Anh cầm hộ Phước Vĩnh 20 triệu đồng và bỏ túi riêng cho mình gần 410 triệu đồng. Quốc Anh còn cầm 20 triệu đồng giúp Châu Lê Phước Vĩnh. Văn Trương, Hải Lâm do hối hận về hành vi của mình nên không nhận tiền từ Vượng.

Phát giác

[sửa | sửa mã nguồn]

Những dấu hiệu nghi vấn bán độ đã được phát hiện từ trước trận U-23 Việt Nam - U-23 Malaysia[cần dẫn nguồn], thông qua một biện pháp nghiệp vụ của Tổng cục An ninh - Bộ Công an. Cơ quan công an đã biết được toàn bộ nội dung trao đổi qua điện thoại của một phóng viên thể thao với nhóm của Văn Quyến, Hải Lâm... Trong đó, người phóng viên này giữ vai trò "môi giới" giúp một số trùm cá độ trong nước. Ngày 2 tháng 12, trước trận bán kết gặp Malaysia, người phụ trách an ninh của đoàn thể thao Việt Nam đã gọi Văn Quyến và Hải Lâm, Văn Trương, Bật Hiếu lên cảnh báo. Có thông tin cho biết khi trở về VN, số cầu thủ trên đã nán lại TP.HCM để tiếp xúc với một số trùm cá độ tại đây để "giải quyết công việc" và điều này không lọt qua tầm quan sát của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, một kênh thông tin khác giúp "bóc trần" sự việc bán độ là từ chính nội bộ U-23 VN. Sau khi báo chí đăng tải những tin tức đầu tiên từ vụ bán độ đến từ lá đơn tố cáo của một số thành viên đội tuyển U-23 gửi cơ quan điều tra, chiều ngày 12 tháng 12, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - đã ký quyết định triệu tập 10 người liên quan, trong đó có tên Văn Quyến, Hải Lâm, Văn Trương và Bật Hiếu, bốn cầu thủ có nhiều biểu hiện nghi vấn nhất.[3]

Cũng trong chiều 12 tháng 12, khi được hỏi về những tin tức mà báo chí đang đăng tải liên quan tới chuyện bán độ, Văn Quyến không nói nhiều, chỉ vẻn vẹn hai câu: "Các anh xem Quyến đá thì biết Quyến có bán độ hay không. Tôi không trả lời nhiều, cái gì đến sẽ đến thôi". Quyến vẫn ra sân tập với Sông Lam Nghệ An với một thái độ hết sức bình thường. Còn Bật Hiếu (khi đó đang được nghỉ phép tại Thanh Hóa) cũng nói ngắn: "Tôi rất sững sờ nhưng tôi không biết nói gì bây giờ cả!". Văn Trương đang tập trung cùng Huế tại Thành Long (TP.HCM), thì cho biết: "Tôi rất bất ngờ khi đọc báo và nghe tin mình bị nghi ngờ bán độ. Tôi khẳng định là mình không dính líu đến tiêu cực". Riêng Hải Lâm, đang nghỉ phép ở nhà tại Bắc Ninh, mọi nỗ lực liên lạc với cầu thủ này đều không thành khi điện thoại cá nhân trong tình trạng "ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy".

Duy chỉ có khán giả là bàn tán rất nhiều. Có người còn lớn tiếng phải nhanh chóng làm sạch bóng đá VN

Diễn tiến điều tra

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 15 tháng 12, Văn Quyến có 4 giờ làm việc cùng cơ quan điều tra trong sự hiếu kỳ và ngóng đợi của người hâm mộ và cơ quan báo chí. Hải Lâm cũng xuất hiện cùng ngày nhưng chỉ viết bản tường trình rồi ra về ngay.[4] Tới ngày 16 tháng 12, sau hai ngày quanh co, Văn Quyến khai đã nhận phong bì tiền từ hai phụ nữ lạ mặt trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.[5] Cùng ngày, Văn Trương là cầu thủ thứ 3 trong "bộ tứ" bị cơ quan điều tra triệu tập. Văn Trương sau đó khai nhận toàn bộ mọi việc, và viết một tờ giấy gửi Văn Quyến (lúc này đang chối quanh co ở một phòng khách tại trụ sở P14) với nội dung: "Quyến à tao đã nói hết rồi. Có gì mày khai hết đi" và ký tên bên dưới. Theo tường trình của Văn Trương thì Văn Quyến là người chủ động gọi điện, phối hợp với đầu mối cá độ của mình ở Nghệ An để tiến hành mọi việc. Lời khai của Văn Trương cũng khá hợp với lời tường trình hôm trước của Hải Lâm là anh bị Văn Quyến đề nghị làm độ. Khi nhận được tờ giấy với nội dung trên, Văn Quyến chỉ cười khẩy và nghĩ rằng đó là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra. Tuy nhiên khi nhìn nét bút của Văn Trương thì Quyến đã cúi đầu nhận tội sau 5 ngày thiếu thành khẩn. Quyến sau đó đã viết bản tường trình của mình trong đó nêu rõ trình tự của sự việc từ lúc bắt đầu cho đến khi nhận "hợp đồng" và tiến hành rủ rê các đồng đội. Những gì mà Quyến thú nhận trong bản tường trình đã khiến nhiều chiến sĩ an ninh bất ngờ, dù họ đã dạn dày với các vụ việc tiêu cực lớn hơn.[6]

Trong ngày 20 tháng 12, cơ quan điều tra tiếp tục gọi hỏi các cầu thủ của đội tuyển U-23. Quốc Anh có mặt từ 10 giờ sáng, làm việc đến khoảng 16 giờ và ra về khá thoải mái. Sau các buổi làm việc, khi ra về cầu thủ này vẫn tươi cười với những ai nhận ra mình. Cũng trong ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "đánh bạc và tổ chức đánh bạc", thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với hai cầu thủ Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng về cùng tội danh trên, đây là lần đầu tiên cái tên Lê Quốc Vượng xuất hiện kể từ sau khi nghi án bán độ bị phát giác. Từ việc phân tích các nguồn tin, sử dụng lời khai của các đối tượng liên quan để chứng minh hành vi mua bán độ của Quyến và đồng phạm, các điều tra viên đã xác định Quyến chỉ là nhân vật tích cực thứ hai trong đường dây mua bán độ này. Người đứng phía sau thật sự và cũng là người ít bị nghi ngờ nhất chính là Quốc Vượng.[7]

Ngày 21 tháng 12, xe chở cán bộ điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã có mặt tại sân CLB Pjico SLNA. Trung tá Doãn Công Huân chỉ đạo khám xét phòng ở của Quyến, Vượng tại CLB; trung tá Nguyễn Phúc Thuận - điều tra viên triển khai khám xét nhà ở của Vượng tại khối 11 phường Đội Cung - TP Vinh. Trước sự chứng kiến của Ban chỉ đạo CLB, Ban huấn luyện và hầu hết các cầu thủ SLNA, buổi khám xét tại CLB kéo dài gần hai giờ. Công an tìm thấy trong tủ quần áo của Quyến có 20 triệu đồng (đúng như lời Quyến khai tại C14). Tại nhà Vượng, các bước khám xét cũng được thực hiện rất tỉ mỉ; công an thu được 5 triệu tiền mặt, 300 USD và hai cuốn sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng.[8] Tại cơ quan điều tra sau khi bị tạm giam, Văn Quyến nói "Em đã lỡ bước vào chuyện dàn xếp tỷ số... Em rất hối hận", còn Quốc Vượng phân trần "Em nghĩ đội mình kiểu gì cũng thắng, nhưng thắng làm sao chỉ cách biệt một bàn..." [9]

Ngày 28/12, trong một diễn tiến bất ngờ, cơ quan điều tra quyết định ra lệnh bắt Quốc Anh và Bật Hiếu. Đây là lần thứ 3 Quốc Anh bị triệu tập lên cơ quan điều tra, và việc Quốc Anh dính líu tới việc bán độ là một cú sốc lớn cho người hâm mộ vì anh đã thi đấu cực kỳ xuất sắc tại SEA Games 23. Báo chí và giới chuyên môn cũng cảm thấy bất ngờ, bởi nhiều ngày trước đó và gần đây anh vẫn được nhiều báo ca ngợi là trong sạch và đá hết mình tại SEA Games. Ở giải đấu tại Philippines, anh đã hai lần đứng trước cầu môn (một ở trận gặp Myanmar) ở những vị trí thuận lợi, nhưng sút và đánh đầu chệch mục tiêu. Khi đó, nhìn cách thi đấu bốc lửa và có hiệu quả ở hành lang trái của cầu thủ này, các nhà báo hầu hết đều cho rằng Quốc Anh đã không có duyên ghi bàn chứ không một chút nghi ngờ anh bán độ. Thậm chí HLV trưởng Alfred Riedl còn phát biểu sau khi biết Văn Quyến và Quốc Vượng bị bắt giam: "Nếu Quốc Anh mà cũng bán độ thì tôi chẳng còn biết tin cầu thủ nào".[10]

Xét xử

[sửa | sửa mã nguồn]

Vụ việc được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25 tháng 1 năm 2007 và phúc thẩm ngày 20 tháng 4 năm 2007. Kết thúc phiên tòa, chỉ có Lê Quốc Vượng bị án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể:

  • Lê Quốc Vượng: 6 năm tù (sau giảm xuống còn 4 năm) vì tội tổ chức đánh bạc (chủ mưu).[11]
  • Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh: 2 năm tù treo và 2 năm thử thách về tội tổ chức đánh bạc.
  • Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh: 2 năm 6 tháng tù treo và 3 năm thử thách vì tội tổ chức đánh bạc.

Trở lại với bóng đá

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi mãn hạn tù và án treo giò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cả bảy cầu thủ đều cố gắng trở lại và xây dựng lại sự nghiệp, nhưng những thành tựu mỗi người đạt được lại khác nhau:

  • Văn Quyến: Khi thời hạn 2 năm án treo kết thúc, Văn Quyến chính thức trở lại ở V-League 2009 trong màu áo Sông Lam Nghệ An (SLNA). Giai đoạn đầu Văn Quyến thi đấu khá tốt, thậm chí được gọi lên đội tuyển quốc gia trong đợt tập trung năm 2010 chuẩn bị cho Cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long [12], tuy vậy chấn thương đã khiến anh lỡ cơ hội trở lại. Cuối năm 2012, Văn Quyến chuyển sang Ninh Bình[13], tại đây anh ghi 3 bàn ở Cúp Quốc gia giúp Ninh Bình vô địch. Năm 2014, phong độ khá ổn định của Quyến đã góp phần vào chiến tích lọt vào đến tứ kết AFC Cup của Vissai Ninh Bình. Anh giải nghệ sau khi câu lạc bộ Ninh Bình giải thể.
  • Quốc Vượng: Sau khi được đặc xá vào năm 2009, Quốc Vượng được phép ra sân thi đấu nhờ nhiều chữ ký bảo lãnh của các lãnh đạo cấp tướng ở Thể Công Viettel và sự ưu ái của VFF. Sau đó Thể Công bị chuyển giao cho Thanh Hóa, Quốc Vượng được bầu Thụy chiêu mộ với bản hợp đồng có giá lên tới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh bị kẹt trong thế không được ra sân mà cũng không thể đi đâu khi bầu Thụy bỏ đội bóng ở Hà Tĩnh, chuyển vào TP.HCM xây dựng CLB mới. Cuối năm 2011, Quốc Vượng về thi đấu cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, mới chỉ chơi được nửa mùa giải 2012, anh bị ông bầu Nguyễn Văn Đệ gạt ra khỏi danh sách thi đấu với lý do "thể lực yếu, đầu có vấn đề". Rời Thanh Hóa, Quốc Vượng được SLNA cưu mang nhờ sự tác động của HLV Hữu Thắng. Tuy nhiên, vào phút chót, anh không thể ký hợp đồng với đội bóng quê hương bởi bầu Đệ đòi nợ 400 triệu tiền lót tay đã ứng trước, kiên quyết không cấp phép để đầu quân cho đội bóng khác. Quốc Vượng đành phải bỏ lỡ cơ hội đầu quân cho SLNA. Trong thế đường cùng, anh về đầu quân cho doanh nghiệp Văn Minh, vừa đá bóng phong trào, vừa bốc vác lấy tiền nuôi gia đình.[14]
  • Quốc Anh: Cuối mùa giải 2008, Quốc Anh trở lại sân bóng trong màu áo SHB Đà Nẵng. Ngay mùa giải sau đó, tiền vệ này đã cùng đội bóng sông Hàn giành chức VĐQG sau gần hai thập niên. Tháng 6 năm 2012, 7 năm sau sự cố dính chàm, tiền vệ người Quảng Nam được HLV Phan Thanh Hùng triệu tập vào ĐTQG để chuẩn bị cho trận giao hữu với Mozambique. Cuối năm 2012, Quốc Anh giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam, phần thưởng cao quý và danh giá đánh dấu cho những nỗ lực miệt mài của tiền vệ người xứ Quảng.[15]
  • Bật Hiếu: Ở V-League 2008, Bật Hiếu được xoá án treo giò, trở lại tập luyện và thi đấu góp công lớn vào chiếc huy chương đồng của đội bóng đất Cảng. Đầu năm 2012, Hải Phòng có nhiều biến đổi, Bật Hiếu phải ra đi dù anh vẫn được đánh giá là trung vệ số một của đội. Thanh Hóa đã giang tay đón đứa con xa quê hương, bầu Đệ còn quyết định giao cho Bật Hiếu tấm băng đội trưởng. Cuối tháng 5 năm 2012, Bật Hiếu đã được HLV Phan Thanh Hùng triệu tập vào ĐTQG để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012. Hết mùa giải 2013, bầu Đệ thay máu hàng thủ, Bật Hiếu không còn được trọng dụng, nhưng anh đã tìm được bến đỗ mới: Than Quảng Ninh, tân binh của V.League 2014. Năm 2016, anh gia nhập Đồng Nai thi đấu tại giải hạng Nhất. Với phong độ cực tốt, anh được FLC Thanh Hoá triệu hồi để thi đấu cho đội bóng xứ Thanh ở giai đoạn 2 mùa giải năm đó.
  • Văn Trương: Sau bê bối SEA Games 23, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cưu mang Văn Trương, ngoài việc chi trả giúp các khoản nợ, đội bóng phố núi còn ưu ái dành cho anh một khoản lương 10 triệu đồng/tháng dù cầu thủ này vẫn đang trong thời gian thụ án. Năm 2009, Văn Trương được VFF xóa án kỷ luật sau 3 năm treo giò. Nhưng 1 năm sau, Văn Trương mới đánh dấu sự trở lại của mình với màn trình diễn ấn tượng tại V-League 2010. Và phần thưởng cho nỗ lực ấy là anh đã được HLV Calisto gọi lên tập trung ĐTQG chuẩn bị cho giải bóng đá mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, sang năm 2013, Văn Trương thi đấu xuống dốc và có nhịp sinh hoạt bất thường khiến ban huấn luyện HAGL không hài lòng. Kết cục, đội bóng phố núi đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng với hậu vệ này.
  • Phước Vĩnh: Sau khi mãn hạn treo giò, Phước Vĩnh tiếp tục thi đấu cho Đà Nẵng và góp công vào 2 chức vô địch V-League của đội bóng sông Hàn. Năm 2010, trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup, anh được gọi trở lại đội tuyển quốc gia lần đầu tiên sau 5 năm.[16]
  • Hải Lâm: Sau khi mãn hạn treo giò năm 2008, Hải Lâm thi đấu cho Đà Nẵng. Anh trở lại đội tuyển quốc gia năm 2013.[17]

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Văn Quyến Quốc Vượng thảm nhất trong nhóm cầu thủ bán độ”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2014.
  2. ^ “Văn Quyến bán độ vì 20 triệu thế nào”.
  3. ^ “Bán độ tại SEA Games 23: Triệu tập 10 người liên quan”.
  4. ^ “Phát hiện được tình tiết quan trọng”.
  5. ^ “Văn Quyến đã nhận tiền từ hai phụ nữ”.
  6. ^ “Bắt tạm giam Văn Quyến, Quốc Vượng”.
  7. ^ “Quốc Vượng chính là chủ mưu bán độ”.
  8. ^ “Tìm thấy 20 triệu trong tủ của Quyến”.
  9. ^ “Quốc Vượng Văn Quyến nói gì trong trại giam”.
  10. ^ “Bắt giữ hai cầu thủ Quốc Anh, Bật Hiếu”.
  11. ^ “Lĩnh 6 năm tù giam, Quốc Vượng đổ sụp”.
  12. ^ “Văn Quyến trở lại đội tuyển Việt Nam”.
  13. ^ Văn Quyến chính thức tuyên bố giải nghệ Lưu trữ 2014-04-19 tại Wayback Machine, Vietnamnet.vn
  14. ^ “Khi Quốc Vượng đi bốc vác để mưu sinh”.
  15. ^ “Quốc Anh 'rũ bùn đứng dậy' giành Quả bóng vàng VN”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2014.
  16. ^ “Nỗi niềm Phước Vĩnh”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2014.
  17. ^ “Hải Lâm và lần trở lại ĐTQG”.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nghi án bán độ SEA Games 23
  • Chuyên trang trên Dantri.com.vn

Từ khóa » đại án Bacolod Wiki