Vụ Tràn Dầu Biến Thế Tại Vĩnh Phúc: Chất Thải Cực độc Với Con Người

Đơn vị quản lý chậm báo cáo vụ việc, phương án xử lý

Sau khi sự cố tràn hàng nghìn lít dầu biến thế tại Trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên ra hơn 02 héc ta ruộng của người dân tại Thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), đơn vị quản lý đã huy động lực lượng thu gom, xử lý chất thải. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn cảm thấy bất an trước thông tin về loại dầu thải nguy hại khó bị phân hủy và có khả năng gây ung thư này.

Bác N.T, một người dân tại đây cho biết, sau khi xảy ra vụ việc dầu tràn ra ruộng của một số hộ dân, phía Công ty truyền tải điện 1 cũng đã tiến hành đền bù thiệt hại cho phần diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khu vực này vẫn xuất hiện nhiều váng dầu và bốc mùi hắc, khi hít phải có cảm giác buồn nôn, khó thở nên nhiều người không dám đến gần.

Hàng nghìn lít dầu biến thế độc hại tràn từ máy biến áp tại Trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên.

Bác T. khẳng định, chưa nhận được thông báo của cơ quan chức năng địa phương cũng như tỉnh Vĩnh Phúc để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của sự cố trên hay khuyến cáo người dân đến gần khu vực xảy ra tràn dầu.

Một số người dân cũng tỏ ra hết sức lo lắng trước thông tin đây là chất thải cực kỳ nguy hại, khó có khả năng phân hủy, và hiện tại đã bị ngấm vào đất, nước nên có thể sau nhiều năm vẫn chưa thể canh tác. Nguy hiểm hơn, các chất độc này tích tụ trong đất, nước và không bị phân hủy nên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ em trong nhiều năm tiếp theo.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay khu vực xảy ra sự cố tràn dầu nguy hại ra môi trường đã được dọn dẹp và một số vị trí đang tiếp tục được quây bạt nhằm tránh chất độc lan ra vùng nước xung quanh. Tại một số vị trí vẫn xuất hiện lớp váng dầu, có mùi hắc giống mùi dầu bốc lên; các sinh vật dưới nước trên diện tích hơn 02 héc ta gồm cua, cá, ốc… đều chết hết, thậm chí cây cỏ xung quanh bờ ruộng cũng chết khô, mục rữa, bốc mùi khó chịu.

Được biết, sau sự cố tràn dầu biến áp, Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã vào cuộc tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của số dầu biến thế bị tràn.

Cây cỏ và nhiều loài sinh vật dưới nước không sống được.

Thông tin tới Doanh nghiệp Việt Nam, Công ty truyền tải điện 1 cho biết, vào khoảng thời gian từ 3h30 đến 4h00 ngày 30/7/2016 do ảnh hưởng của cơn bão số 1, khu vực Trạm đang thi công có mưa to, giông và gió lớn làm hở đường ống dẫn dầu từ máy lọc dầu bơm dầu vào máy biến thế 250 MVA, làm chảy loang khoảng 1,5 tấn dầu máy biến thế ra khu vực Đầm Cả, giáp với ruộng Cửa Ngòi, phía trước cửa Trạm biến áp với diện tích khoảng 02 héc ta, thuộc địa bàn thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công ty Truyền tải điện 1 đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, tiến hành lập kế hoạch, huy động lực lượng và triển khai thực hiện khắc phục việc chảy dầu, không để dầu lan rộng ra môi trường, đồng thời báo cáo ngay bằng điện thoại cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (Sở TN&MT) Vĩnh Phúc, sau đó đã báo cáo bằng văn bản cho chính quyền địa phương biết sự việc.

Chất thải cực độc, có khả năng gây ung thư cao

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sau khi huy động hàng trăm người, cùng các trang thiết bị, máy móc tiến hành đắp bờ ngăn dầu lan, thu gom và chuyển đi nơi khác xử lý thì công ty này mới báo cáo tới chính quyền địa phương và Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 02/8/2016 (tức là 04 ngày sau khi xảy ra sự cố tràn dầu độc hại) Sở TN&MT Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lập biên bản vụ việc, trong đó chỉ rõ việc đơn vị này không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về sự cố, cũng như phương hướng xử lý theo quy định.

Dù đã được vớt dầu để xử lý, nhưng hơn 2 héc ta ruộng vẫn đang nổi váng, bốc mùi dầu hắc khiến người dân lo ngại chất độc đã phát tán trong nước, không khí.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị điện cho biết, dầu máy biến áp (MBA) có 2 loại: loại có PCB và loại không có PCB, tuy nhiên cả hai loại này đều là chất thải nguy hại, thuộc hàng cực độc với con người và môi trường.

PCBs (viết tắt của Polychlorinated Biphenyls) - một chất hữu cơ rất khó phân hủy, được sử dụng nhiều trong các máy biến thế và tụ điện trong các hệ thống điện. Khi phát tán ra môi trường, PCB tiềm ẩn nguy hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái vì nó là chất cực độc, rất bền nhưng lại rất dễ phát tán trong nước và không khí.

Chất độc này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tích lũy trong các mô mỡ, làm biến đổi gen và có nguy cơ gây ung thư cao. PCBs được xếp vào một trong 12 chất ô nhiễm khó phân hủy và trong danh mục đặc biệt cần xử lý.

Chuyên gia này cũng cho biết, hiện tại Việt Nam chưa chủ động được công nghệ xử lý dầu thải có chứa PCBs. Vì thế nên hướng giải quyết tối ưu hiện tại vẫn là lưu trữ an toàn hoặc thuê nước ngoài xử lý, nhưng phương án này không khả thi vì chi phí thuê rất đắt đỏ.

“Tất cả PCBs đều là nhân tạo và có cấu trúc cơ bản tượng tự nhau (được cấu tạo bởi các nguyên tử cacbon, hidro và clo). Các nguyên tử này có khả năng tạo các liên kết khác nhau nên chúng có thể tạo ra 209 loại phân tử PCBs với mức độ độc hại của chúng khác nhau. Thông thường, PCBs rất bền vững, tồn tại trong môi trường rất lâu. Ở nhiệt độ cao, PCBs có thể cháy và tạo ra các sản phẩm phụ nguy hiểm gần giống như các chất độc dioxin. Đặc biệt là PCBs không có khuynh hướng bay hơi hay hoà tan trong nước”, chuyên gia này phân tích.

Về phương hướng xử lý dứt điểm tình trạng dầu ngấm vào đất, nước, chuyên gia này cho biết: “Có thể phải hút hết nước và xúc lớp đất bề mặt nhiễm dầu mang đi lưu trữ hoặc xử lý thì mới có thể xử lý triệt để được”.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Phong Copy link Link bài gốc Lấy link Nam Phong

Từ khóa » Dầu Máy Biến áp Có độc Không