Vua Hêrôđê Và Các đạo Sĩ – Một Thử Thách Trong Mùa Giáng Sinh

Mùa Giáng Sinh 2012

Câu chuyện Giáng Sinh chắc chắn là một trong những câu chuyện ý nghĩa nhất từng được kể. Nó ghi lại một biến cố hạ sinh được dùng để làm mốc thời gian nhân loại. Hơn nữa, cách thuật chuyện của nó đã thổi bùng lên biết bao tưởng tượng mơ mộng trong suốt 2000 năm qua. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng tốt. Ngoài việc gợi nên những tưởng tượng theo kiểu huyền thoại, câu chuyện Giáng Sinh, trong trí tưởng tượng Kitô giáo, thường đóng một vai trò tâm điểm trong Tin Mừng, vốn thực sự không phải của nó. Nhưng khi nhìn vào sự phong phú của câu chuyện Giáng Sinh thì như thế cũng chẳng có gì là lạ.

Trong những tường thuật đầy ý nghĩa, câu chuyện Giáng sinh còn có nhiều tiểu tường thuật phức tạp đan xen lẫn nhau, và mỗi một trong số đó đều chứa đầy những biểu tượng hình mẫu nguyên tính của riêng chúng. Một trong số những tiểu tường thuật này, vốn đầy hình tượng nguyên mẫu, chính là câu chuyện về vua Hêrôđê và các đạo sĩ.

Trong Tin Mừng theo thánh Matêô, chúng ta thấy cách phản ứng của nhiều người khác nhau khi đón nhận tin Chúa Giêsu hạ sinh. Thánh sử đã tạo nên được một sự tương phản mang tính hình mẫu mạnh mẽ, giữa chúc phúc và nguyền rủa, giữa hành động của những đạo sĩ khi mang lễ vật đến đặt dưới chân vị quân vương mới là Hài Đồng, và hành động của vua Hêrôđê khi muốn tìm giết Ngài.

Hết thảy chúng ta đều đã quen thuộc với câu chuyện này bởi nó đã được họa lại trong nhiều bài hát, biểu tượng, và những dẫn giải khác. Chúa Giêsu được sinh ra trong truyền thống tôn giáo là Do Thái giáo, và việc hạ sinh của Ngài được loan báo đến cộng đồng đức tin Do Thái giáo theo những cách phù hợp với đức tin vốn có của họ, cụ thể là với các thiên thần và những mặc khải siêu nhiên. Nhưng trong truyền thống tôn giáo này, để cho người ta nhận thấy sự hạ sinh của Ngài này, còn cần thêm những dấu chỉ bên ngoài khác nữa, đó là qua tự nhiên, chiêm tinh thuật và những ngôi sao. Các đạo sĩ đã thấy một vì sao lạ xuất hiện trên bầu trời và bắt đầu theo dấu nó, nhưng họ không biết chính xác vì sao lạ này sẽ dẫn họ đến đâu.Trong khi theo dấu ngôi sao, họ đã gặp vua Hêrôđê, người ngay khi được người ta báo cho biết là một vị vua vừa được hạ sinh, đã nảy sinh ngay ác tâm trong lòng. Ông nhờ các đạo sĩ tìm Hài Nhi và báo cho ông biết, để ông cũng có thể đến và triều bái Người. Và chúng ta đều biết toàn bộ câu chuyện là thế này:

Các đạo sĩ theo dấu ngôi sao, tìm thấy vị vua mới là Chúa Hài Đồng, và đặt lễ vật dưới chân Ngài ngay khi mới gặp thấy. Rồi tiếp theo họ làm gì? Chúng ta có đủ ngụy tác khác nhau về chuyến trở về của họ, nhưng chúng, dù hay nhưng không hữu ích. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra với họ về sau, và đó chính xác là điểm mấu chốt ở đây. Việc họ biến đi như những người vô danh chính là phần cốt yếu trong lễ vật của họ. Chúng ta có thể hiểu họ tan biến đi vì bây giờ họ, có thể, tan biến đi được rồi. Họ đã đặt lễ vật dưới chân của Tân vương và giờ có thể giao phó mọi thứ an toàn trong tay Ngài. Ngôi sao của Ngài đã chiếm trọn các ngôi sao của họ. Họ không còn đấu tranh cho vị thế cũ của mình nữa, mà giờ đây họ hạnh phúc giao chúng trong tay Ngài. Cũng như ông già Simêon, họ đã có thể hạnh phúc lên đường mà hát vang: Giờ đây, lạy Chúa, xin để tôi tớ Ngài ra đi! Chúng con có thể nhắm mắt! Chúng con đang được ở trong đôi bàn tay yên bình!

Còn Hêrôđê, ông ta mới trái ngược làm sao! Tin báo về vị vua mới hạ sinh đã khiến ông ta kinh hãi rụng rời bởi chính ông ta là một vị vua. Vinh quang và hào quang giờ đây sẽ chiếu rọi trên vị vua mới và rời bỏ ông ta mãi mãi. Vậy, ông ta đã phản ứng thế nào? Không những không đặt những gì mình có dưới chân vị vua mới như lễ vật, mà ông còn rắp tâm giết Ngài. Hơn nữa, để chắc chắn, ông còn hạ lệnh giết tất cả bé trai trong toàn vùng. Hành động này đáng để viết ra cả một quyển sách nhân học. Hành động thú tính của ông ta cho thấy không phải chỉ loài cá mới ăn thịt con của mình! Nhưng điểm thiết thực trong hành động này chính là sự tương phản giữa các đạo sĩ với Hêrôđê: Các đạo sĩ nhìn thấy sinh mệnh mới đó như một lời hứa và chúc phúc, còn

Đây là một câu chuyện phong phú cho chúng ta một thử thách mạnh mẽ, đó là: Tôi phản ứng thế nào trước một sinh mệnh mới, đặc biệt là một sinh mệnh đe dọa tôi, sẽ lấy đi những gì là vẻ vang, hào quang, và tâng bốc của tôi? Liệu tôi có thể làm giống như các đạo sĩ, đặt lễ vật của tôi dưới chân Ngài và ra đi vào hư không, thậm chí là chết, hài lòng rằng thế giới này giờ được trao phó trong bàn tay tốt lành, dù đó không phải là bàn tay của tôi? Hay tôi sẽ làm như Hêrôđêe, cảm thấy sinh mệnh đó là mối đe dọa và cố gắng thủ tiêu, vì sợ vận mệnh người đó sẽ phủ lấp đi ánh hào quang số mệnh của tôi?

Chúc phúc cho một ai đó là cho đi một sự gì đó trong sinh mệnh riêng của mình, để cho hành trình tương lai người khác có thể được phong phú hơn, và đó chính là hành động của các bậc cha mẹ tốt lành dành cho con cái họ, của các thầy giáo tốt dành cho học sinh của họ, của các người bảo hộ tốt cho người được trao phó cho họ, của những cha xứ tốt lành dành cho giáo dân của họ, của những chính trị gia tốt dành cho quê hương họ, và của những bậc huynh trưởng tốt dành cho những người trẻ. Họ cho đi một sự gì đó trong sinh mệnh riêng mình để củng cố cho người khác. Đó chính là những gì mà các đạo sĩ đã làm cho Chúa Giêsu.

Vậy chúng ta sẽ hành động ra sao khi một ngôi sao mới xuất hiện bắt đầu phủ lấp đi ánh sáng của chúng ta?

Related

Từ khóa » Hê Rô đê