VUA LÝ CÔNG UẨN SINH RA Ở ĐÂU?

 

 

Mẹ vua là bà Phạm Thị người thôn Dương Lôi (xưa là Diên Uẩn, Cổ Pháp), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hòn đá thiêng “Lý gia linh thạch” ở chùa Tiêu đã chỉ rõ rồi.

Nhưng, vua được sinh ra ở đâu vẫn là vấn đề nghi hoặc. May sao tại thôn Dương Lôi (Đình Sấm) có chùm di tích về cội nguồn vương triều Lý vô cùng đậm đặc và sắc nét. Ở Dương Lôi có chùa Gia Châu (còn gọi là Minh Châu) đến đời Lý đổi thành Cha Lư Tự. Chùa này thờ Phật và thờ bà Phạm Thị Dương Lôi còn có Cầu Đường (Ảnh Đường linh thiêng thờ mảnh đất rồng nở), hiện còn chứng tích bàn đẻ, chậu tắm, liềm cắt rốn...

Lại còn may mắn nữa là trong sách “Thiên Nam ngữ lục” có ghi lại một chi tiết hiếm hoi: Biết bà Phạm Thị có thai, sư trụ trì chùa Ứng Đại (tức Ứng Đại Thiên Tâm, Tràng liêu tức là Thiên tâm, tức Lục Tổ – chùa Tiêu) là Vạn Hạnh đã “đuổi bà” ra khỏi chùa vì sợ mang tiếng, “bà lang thang đi hành khất về đến chùa Kẻ Gia Châu thì sinh ra vua”.

Như vậy ta có đủ lý do để tìm về Dương Lôi...

Mùa xuân năm 974.

Bà Phạm Thị sống ẩn dật trong ngôi lều nhỏ một gian hai chái vốn là quán bán nước của mẹ con bà khi xưa, quán này cách chùa Gia Châu khoảng 80m về phía Bắc.

Hằng ngày có một số bạn bè, bà con họ hàng đi làm đồng qua, thường ghé lại động viên, thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ... bà còn biết đi đâu, về đâu ngoài quê hương thân yêu của mình. Sau bao phen long đong lận đận, bao cơ hàn, tủi cực. Đêm ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, bà Phạm Thị đã trở dạ tại ngôi quán nhỏ. Đêm ấy mưa to, gió lớn, sấm chớp đì đùng, cậu bé mới ra đời khôi ngô tuấn tú, mặt to, tai lớn, tay dài quá đầu gối, hai bàn chân mang mạng đế vương. Sách “Thiên Nam ngữ lục” cho biết việc sinh hạ ấy như sau:

“Qua đường chẳng kẻ đến chùa

Thấy có ba bà đem thuốc dưỡng nuôi

Nàng mừng uống đã một thôi

Sinh ra được một con trai lạ thường”

(Nhà xuất bản Hà Nội 1960, trang 46 - 47)

“Ba bà” ở đây chính là bà con họ hàng, bạn bè thân thiết của bà Phạm Thị đến động viên giúp đỡ bà khi sinh nở. Lệ ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Người phụ nữ ở thôn Dương Lôi mỗi khi ở cữ bà con hàng xóm đến thăm hỏi chật nhà, người biếu viên thuốc quý, chục trứng gà so, người nải chuối, cân đường. Gia đình sản phụ thường nấu hàng nia bánh đúc, hàng thúng xôi chè khoản đãi khách, được vậy mới vui vừng, toại nguyện.

Điều trùng hợp, thú vị nữa là dòng họ Phạm ở Dương Lôi cho đến nay vẫn có nghề thuốc gia truyền, tồn tại đã hàng nghìn năm, vậy “Thiên Nam ngữ lục” ghi “Thấy có ba bà mang thuốc dưỡng nuôi” suy ra càng có lý.

Chính cái quán nước thủa ấy, sau này khi Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, dân làng Diên Uẩn đã xây thành ngôi nhà 3 gian làm nơi thờ cúng, gọi là Cầu Đường - Ảnh Đường thờ mảnh đất linh thiêng nơi rồng nở.

Trở lại với hoàn cảnh bà Phạm Thị sau khi sinh nở nơi quán nhỏ, tất nhiên không tránh khỏi lời qua, tiếng lại, với những lễ giáo phong kiến hà khắc, những hủ tục khắt khe có từ muôn đời. Bà phải chịu trăm đắng nghìn cay, muôn phần tủi cực. Nhưng người dân làng Diên Uẩn luôn có những tấm lòng nhân hậu, cưu mang, rộng mở, đùm bọc bà qua cơn khốn khó. Người phụ nữ quê mùa chân đất ấy vẫn tảo tần nhẫn nhục, nuôi con tới năm lên 3 tuổi.

Cho đến ngày mùng 7 tháng giêng năm 977 (tính theo âm lịch), bà quyết định ẵm con đến nương nhờ cửa Phật tại chùa Cổ Pháp. Đó là ngôi chùa cổ thuộc thôn Đại Đình, cách Diên Uẩn khoảng 1km. Sư trụ trì chùa này là Lý Khánh Văn sẵn lòng tiếp nhận, ông cho đứa trẻ làm con nuôi và đặt tên con là Lý Công Uẩn (phải chăng tất cả chuỗi sự kiện này đều có sự sắp đặt từ trước).

Biết con mình đã được nương thân vào nơi tin tưởng, được trở về với “gia đình” thân yêu... Bà Phạm Thị tạm yên lòng, dứt ruột từ biệt con, dặn dò Khánh Văn mấy lời cuối cùng rồi ra đi. Dân làng Diên Uẩn, Dương Lôi từ ngàn xưa đến nay vẫn lấy ngày mùng 7 tháng giêng làm ngày giỗ bà, nay là ngày hội chùa Cha Lư.

Tại quê hương Dương Lôi, Đại Đình yêu dấu, Lý Công Uẩn đã sống những tháng ngày thơ ấu đẹp đẽ, chứa chan tình làng, nghĩa xóm, tình yêu thương đùm bọc của bà con, họ hàng, tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng giàu tình, nặng nghĩa. Điều đó đã tạo nên nhân cách hiền tài của ông vua sáng lập vương triều Lý sau này.

Năm lên 7 tuổi, Lý Công Uẩn được Khánh Văn gửi lên chùa Tiêu tu học. Chính Nguyễn (Lý) Vạn Hạnh, trụ trì tăng Viện, là người đã đào tạo phật pháp, cũ công, Nho học cho Lý Công Uẩn. Ông là người thầy, người cha nghiêm khắc, khắt khe mà chân thành yêu thương; kiên quyết, cứng rắn mà bao dung, độ lượng. Ông đã mang hết công sức, tâm huyết, tài trí của mình nuôi dạy Lý Công Uẩn nên người.

Dưới cao tăng (kiêm nho sỹ, sấm sỹ, phong thuỷ học) quê hương đã tạo nên nhân cách Lý Công Uẩn có cái tình, cái nghĩa của người dân quê, có đủ trong mình học vấn uyên bác của Phật giáo, thâm thuý của đạo Nho, có trí, có dũng của một bậc minh vương.

Khoảng năm 1002, năm Lý Công Uẩn đã 28 tuổi, cây gạo ở làng Diên Uẩn bị sét đánh gãy cành. Tục truyền rằng phía đông cây gạo lộ ra bài sấm ngữ, chắc bài sấm này của Thiền sư Vạn Hạnh. Ông biết, vào tuổi 28, Lý Công Uẩn đã đến độ trưởng thành, đang làm võ tướng tại triều đình Hoa Lư, lại có nhiều uy tín với quần thần. Nhưng “Dân vi bản”, người dân ở Diên Uẩn, Dương Lôi phải là những người được biết trước “mọi việc”... Cái gốc là đây. Việc họ Lý lên thay nhà Lê là do ý trời đã định.

Mùa đông năm 1009, Lê Long Đĩnh tàn ác, bạo ngược, bị mọi người đều oán giận, đã đột ngột từ trần, đó là ngày 30 tháng 10 năm Kỷ Dậu (19/11/1009). Bá quan văn võ triều đình Hoa Lư bàn bạc trong hai ngày rồi quyết định đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, hôm ấy là ngày mùng 2 tháng 1 năm Kỷ Dậu (tức là ngày 21/11/1009). Sách Đại Việt sử ký toàn thư có lời chua:

“Đó là một ông vua ứng mệnh trời, thuận lòng người nhân thời mở vận”

 

 

 

Từ khóa » Tiểu Sử Về Lý Công Uẩn