Vua Tiếng Việt - Wikipedia
Có thể bạn quan tâm
Vua tiếng Việt | |
---|---|
Thể loại | Trò chơi truyền hình |
Định dạng | Chương trình truyền hình |
Phát triển | Khuất Ly Na Nguyễn Hoàng Anh |
Kịch bản | Khuất Ly Na |
Đạo diễn | Nguyễn Quốc Hưng (hình ảnh) Nguyễn Tuấn Anh (ánh sáng) |
Dẫn chương trình | Xuân Bắc |
Giám khảo | Xem Ban cố vấn |
Dẫn chuyện | Nguyễn Hoàng Anh |
Nhạc dạo | "Vua tiếng Việt" (sáng tác: Lưu Hà An) |
Quốc gia | Việt Nam |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Số mùa | 3 |
Số tập | 94 (tính đến 22 tháng 11 năm 2024) |
Sản xuất | |
Nhà sản xuất | Tạ Bích Loan |
Biên tập | Khuất Ly Na Nguyễn Hoàng Anh Huyền Nhung Đỗ Bạch Dương Nhung Hà Thu Hương Đỗ Quang Đức |
Địa điểm | Trường quay S14, Đài Truyền hình Việt Nam, Hà Nội |
Bố trí camera | Bố trí nhiều máy quay |
Thời lượng | 45-60 phút (bao gồm quảng cáo) |
Đơn vị sản xuất | Đài Truyền hình Việt Nam |
Trình chiếu | |
Kênh trình chiếu | VTV3 |
Định dạng hình ảnh | 1080i (HDTV) 576i (SDTV) |
Phát sóng | 10 tháng 9 năm 2021 | – nay
Vua tiếng Việt là chương trình trò chơi truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Đây là chương trình nhằm tìm hiểu và khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao,... trong đời sống, đồng thời hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt thông qua các vòng thi hấp dẫn, kịch tính.[1][2][3][4][5][6] Chương trình được phát sóng vào lúc 20:30 tối thứ 6 hàng tuần từ ngày 10 tháng 9 năm 2021 trên kênh VTV3. Nghệ sĩ Xuân Bắc là người đảm nhận vị trí dẫn dắt chương trình trong suốt thời gian phát sóng.[7][8][9][10]
Mùa 3 của chương trình được phát sóng từ ngày 1 tháng 3 năm 2024.[11]
Thành phần tham dự
[sửa | sửa mã nguồn]Thí sinh thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có khả năng tham gia chương trình này, không phân biệt quốc tịch, lứa tuổi và địa vị xã hội.[2] Thông thường, để trở thành người chơi của Vua tiếng Việt, người tham dự cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu bản đăng ký được chương trình cung cấp.[1]
Luật chơi
[sửa | sửa mã nguồn]Trong mỗi tập, 4 thí sinh tham gia chương trình sẽ phải trải qua 4 vòng thi để giành được phần thắng chung cuộc; sau mỗi vòng, thí sinh có số điểm thấp nhất sẽ bị loại. Điểm số không được cộng dồn qua các vòng mà được đặt lại về 0 khi bắt đầu mỗi vòng mới.
Kể từ tập 2 mùa 1 (17 tháng 9 năm 2021), mỗi tập có một chủ đề chính. Các câu hỏi của chương trình trong tập sẽ chủ yếu xoay quanh chủ đề của tập đó.
Qua mỗi mùa phát sóng, Vua tiếng Việt đã có những thay đổi về luật chơi cũng như cơ cấu giải thưởng. Dưới đây là luật chơi của chương trình được áp dụng trong mùa thứ ba.
Vòng 1: Phản xạ
[sửa | sửa mã nguồn]Thí sinh có 90 giây để trả lời một bộ câu hỏi gồm 14 câu với các yêu cầu khác nhau (chọn từ đúng chính tả; ghép các chữ cái thành một từ/cụm từ hoàn chỉnh; đếm số danh từ/động từ/tính từ, đếm số lỗi sai chính tả; viết từ đúng; điền từ trong câu ca dao/tục ngữ; điền một chữ vào từ; xác định chữ cái;...). Mỗi câu trả lời đúng sẽ được cộng 1 điểm. Thí sinh có quyền trả lời nhiều lần, nhưng nếu bỏ qua sẽ không được quay lại; nếu đã hết 14 câu hỏi và còn thời gian, MC sẽ công bố đáp án câu cuối cùng khi hết giờ.[a] Phần chơi của người đó sẽ kết thúc khi hết giờ hoặc khi trả lời xong tất cả 14 câu.
Mỗi một lượt, sau hiệu lệnh của MC, ánh sáng sân khấu sẽ chạy quanh ngẫu nhiên để chọn 1 thí sinh.
Trong trường hợp có nhiều bằng điểm nhau và thấp điểm nhất, họ sẽ phải tham gia phần Câu hỏi phụ (theo cách thức chơi của vòng Phản xạ, không tính thời gian, không tính điểm) để xác định những người được đi tiếp. Thí sinh bấm chuông để trả lời, nếu đúng sẽ được vào vòng 2. Việc này sẽ lặp lại cho đến khi chỉ còn 1 người, và thí sinh đó sẽ bị loại. Số câu hỏi phụ bằng số người phải tham gia trừ đi 1.
Vòng 2: Giải nghĩa
[sửa | sửa mã nguồn]Ba thí sinh vượt qua vòng 1 sẽ thay phiên nhau thực hiện các vai trò sau: một người miêu tả một từ do MC chọn trong từ điển,[b] hai người còn lại đoán. Người miêu tả sẽ có 10 giây để xem trước từ được chỉ định trong từ điển, sau đó sẽ có 60 giây để mô tả từ đó (không được dùng ngôn ngữ cơ thể). Chỉ khán giả truyền hình, MC và người miêu tả mới biết từ cần đoán. Hai thí sinh còn lại bấm chuông để giành quyền trả lời (không giới hạn lượt bấm). Nếu trả lời sai, người miêu tả vẫn tiếp tục diễn tả từ được yêu cầu cho đến khi hết giờ hoặc có người trả lời đúng, khi đó cả người miêu tả và thí sinh trả lời đúng sẽ được cộng một số điểm tương ứng như sau:
- Trong 15 giây đầu tiên: 4 điểm
- Từ giây thứ 16 đến 30: 3 điểm
- Từ giây thứ 31 đến 45: 2 điểm
- Từ giây thứ 46 đến 60: 1 điểm
- Sau giây thứ 60: 0 điểm
Người miêu tả sẽ bị coi là phạm luật nếu nói ra bất cứ phần tiếng nào có trong đáp án, sử dụng từ của tiếng nước ngoài hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể. Khi đó, từ đang được diễn tả sẽ được bỏ qua và thí sinh phải miêu tả một từ khác.
Mỗi thí sinh có 2 lượt miêu tả, cứ sau mỗi 2 từ thì phần miêu tả sẽ được chuyển cho người chơi kế tiếp (theo thứ tự chữ cái trong tên). Sau 6 từ (không bao gồm những từ phạm quy), người có điểm số thấp nhất trong vòng thi này sẽ bị loại.
Trong trường hợp có hai thí sinh bằng điểm nhau và thấp điểm nhất, họ sẽ phải đoán một từ phụ theo luật gốc do người còn lại miêu tả (không tính thời gian và tính điểm) để xác định người được đi tiếp. Nếu cả ba người có điểm số bằng nhau, họ sẽ phải tham gia một vòng phụ, trong đó số điểm sẽ được đặt lại và mỗi người sẽ chỉ diễn tả một từ duy nhất. Sau vòng phụ, người có điểm số thấp nhất sẽ bị loại.
Vòng 3: Xâu chuỗi
[sửa | sửa mã nguồn]Có tất cả 9 câu hỏi, mỗi câu có 30 giây để trả lời. Hai thí sinh sẽ sắp xếp các từ đã được đảo thứ tự trước đó để tạo thành một câu đúng và có nghĩa, so với đáp án của chương trình. Thí sinh bấm chuông để giành quyền trả lời (không giới hạn số lượt trả lời), trả lời đúng sẽ được 1 điểm. Phần thi này sẽ kết thúc theo một trong bốn trường hợp sau:
- Một thí sinh đạt 5 điểm trước tiên, người đó sẽ thắng ngay lập tức;
- Không ai đạt 5 điểm sau 9 câu, khi đó người đạt nhiều điểm hơn (ví dụ: 3 - 2, 4 - 3,...) sẽ thắng;
- Hai thí sinh bằng điểm nhau sau 9 câu hỏi chính, người trả lời đúng câu hỏi phụ (cũng là một dãy từ; không tính thời gian và không tính điểm) trước sẽ thắng.
Sau cùng, thí sinh chiến thắng vòng này sẽ lọt vào vòng đặc biệt, người còn lại sẽ bị loại.
Vòng đặc biệt: Soán ngôi
[sửa | sửa mã nguồn]Có 3 bảng gồm 3 ô chữ với các kích thước khác nhau (4x4, 5x5 và 6x6). Ở mỗi ô chữ, thí sinh trả lời lần lượt các từ hàng ngang để tìm ra một từ hàng dọc (được đánh dấu bằng ký hiệu hình vương miện); số lượng từ hàng ngang cần phải giải cũng tương ứng với kích thước của từng bảng (4, 5 hoặc 6 từ).
Trong mỗi ô chữ, thí sinh có 60 giây cho ô chữ đầu tiên, sau đó sẽ tăng lên 15 giây cho các ô chữ sau. Cứ mỗi 15 giây, người dẫn chương trình cung cấp một dữ kiện liên quan đến từng từ hàng ngang; dựa vào đó, thí sinh sẽ viết vào bảng từ hàng ngang tương ứng.[c] . Thí sinh phải hoàn thành tất cả các từ hàng ngang của ô chữ trước để trả lời ô chữ tiếp theo. Chỉ cần giải sai một từ ở bất kỳ ô chữ nào sẽ khiến phần chơi kết thúc ngay lập tức.
Nếu thí sinh tìm đúng từ hàng dọc trước khi tìm đúng hết các từ hàng ngang thì sẽ ra về với giải thưởng khuyến khích 5 triệu đồng. Vượt qua ô chữ cuối cùng, thí sinh sẽ trở thành "Vua tiếng Việt" của tuần và nhận tiền thưởng 40 triệu đồng. Thí sinh sau đó sẽ có quyền lựa chọn: dừng cuộc chơi và ra về với số tiền tương ứng với mức thưởng (theo cơ cấu tiền thưởng ở bên dưới), hoặc đi tiếp bằng việc đeo chiếc nhẫn xanh của chương trình và ngồi lên "ngai vua" để thách đấu những người chơi khác ở tuần tiếp theo và có cơ hội tăng số tiền thưởng.[12]
Khi có người đang tại vị trên "ngai vua", cả người thách đấu và người tại vị sẽ cùng thi đấu (người đang tại vị từ tập trước sẽ chỉ tham gia thi đấu ở vòng này trong tập tiếp theo, còn người thách đấu sẽ là thí sinh còn sót lại trong số 4 thí sinh mới của tập). Trong các ô chữ, đáp án của người thách đấu được kiểm tra trước.
Nếu người tại vị thất bại, họ phải trả lại nhẫn cho chương trình và ra về với số tiền tương ứng (theo cơ cấu tiền thưởng ở bên dưới). Lúc này, người thách đấu vẫn sẽ phải tiếp tục giải quyết những ô chữ còn lại để giành vị trí "Vua tiếng Việt". Nếu thành công, người thách đấu sẽ nhận được 40 triệu đồng và đứng trước 1 trong 2 lựa chọn như trên.
Nếu người thách đấu thất bại, người tại vị sẽ thắng ngay lập tức và được tăng gấp đôi số giải thưởng. Lúc này, người tại vị cũng sẽ có quyền lựa chọn 1 trong 2 như trên, ngoại trừ trường hợp giữ ngôi trong 4 tuần liên tiếp (khi đó mặc định họ nhận được giải đặc biệt mà không cần quyết định). Nhận được giải thưởng cao nhất của chương trình, thí sinh cũng sẽ sở hữu nhẫn thách đấu vĩnh viễn.
Cơ cấu tiền thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Tuần | Mùa 1 | Mùa 2–nay | ||
---|---|---|---|---|
Chiến thắng | Dừng chơi | Thua cuộc | ||
1 | 30.000.000 đồng | 40.000.000 đồng | 30.000.000 đồng | 0 đồng (5.000.000 đồng ở mùa 3 nếu tìm đúng từ hàng dọc) |
2 | 60.000.000 đồng | 80.000.000 đồng | 60.000.000 đồng | 10.000.000 đồng |
3 | 90.000.000 đồng | 160.000.000 đồng | 120.000.000 đồng | 20.000.000 đồng |
4 | 180.000.000 đồng | 320.000.000 đồng | 40.000.000 đồng |
Giải thưởng của thí sinh bắt đầu ở mức thấp nhất và sẽ tăng dần theo từng trận thắng. Nếu người soán ngôi chiến thắng vòng đặc biệt chọn tiếp tục thi đấu thì sẽ phải nhận lời thách đấu của tuần tiếp theo để tăng số tiền hiện có, và cứ tiếp tục như vậy cho đến tuần 4 với giải đặc biệt.
Trong mùa 2, tùy vào việc thí sinh đã chiến thắng, thất bại hoặc dừng cuộc chơi sau vòng đặc biệt, họ sẽ được nhận mức giải thưởng tương ứng khác nhau. Mỗi lần thắng, số tiền của người tại vị sẽ tăng gấp đôi; nếu dừng chơi, thí sinh sẽ ra về với 75% số tiền hiện có, còn nếu thua sẽ được nhận 25% số tiền (trừ việc thua ở tuần 1).
Nếu giành chiến thắng tuyệt đối trong chương trình, thí sinh cũng sẽ sở hữu nhẫn thách đấu vĩnh viễn.
Ban cố vấn
[sửa | sửa mã nguồn]Mỗi tập phát sóng có sự xuất hiện của 3 thành viên trong ban cố vấn (2 thành viên ở mùa 2), vị trí này có thể thay đổi theo từng tập. Ngoài nhiệm vụ chấm điểm cho các câu hỏi vòng thi đặc biệt, họ còn thường xuyên đưa ra các lời giải thích cho một số nội dung (từ ngữ, thơ...) xuất hiện trong chương trình. Tất cả những người đã từng tham gia vào vị trí ban cố vấn gồm có:
- Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Tình – Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên cán bộ Viện Ngôn ngữ học
- Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương
- Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú
- Nhà báo Nguyễn Như Mai
- Nhà văn Di Ly (Diệu Linh)
- Thạc sĩ Văn học, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang
- Tiến sĩ Ngữ Văn Đỗ Thị Thanh Nga, công tác tại Viện Văn học
- Nhà báo Phan Đăng
- Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ – công tác tại VOV, nguyên cán bộ Viện Ngôn ngữ học
- Nhà văn Trương Quý
- Nhà thơ Lữ Mai
- Nhà thơ Trần Hữu Việt
- Dịch giả Xuân Hồng
- Tiến sĩ Văn học Tạ Anh Thư
- Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu
Những người chơi đạt ngôi vua
[sửa | sửa mã nguồn]Bảng dưới đây liệt kê những người chơi đã từng giành chiến thắng trong chương trình.
Màu sắc sử dụng trong bảng | ||
---|---|---|
Tên | Tiền thưởng | Thí sinh chiến thắng tuyệt đối trong chương trình |
Tên | Tiền thưởng | Thí sinh bị soán ngôi khi đang tại vị |
Tên | Tiền thưởng | Thí sinh soán ngôi thành công nhưng quyết định dừng cuộc chơi sau đó |
Tên | Tiền thưởng | Thí sinh thắng vòng 4 lần đầu tiên hoặc người tại vị bảo vệ ngôi vua thành công và quyết định dừng cuộc chơi sau đó |
Tên | Tiền thưởng | Thí sinh đấu tiếp trong chương trình |
Mùa | Tập | Ngày | Tên thí sinh | Tiền thưởng | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|
1 | 2 | 17 tháng 9, 2021 | Phạm Thư Hiền | 30.000.000 đồng | Thí sinh đầu tiên giành được tiền thưởng của chương trình |
7 | 22 tháng 10, 2021 | Phùng Khắc Bắc Linh[13] | 180.000.000 đồng | Thí sinh đầu tiên vô địch trong chương trình. | |
11 | 19 tháng 11, 2021 | Phạm Sơn Tùng | 30.000.000 đồng | Bị soán ngôi trong tập 12. | |
12 | 26 tháng 11, 2021 | Ngô Trung Kiên | 30.000.000 đồng | Soán ngôi thành công | |
15 | 17 tháng 12, 2021 | Nguyễn Đức Mạnh (Mạnh Melody) | 30.000.000 đồng | Người nổi tiếng đầu tiên chiến thắng chương trình | |
16 | 24 tháng 12, 2021 | Bùi Ngọc Công | 30.000.000 đồng | Bị soán ngôi trong tập 17 | |
17 | 31 tháng 12, 2021 | Đào Thị Mây | 30.000.000 đồng | Soán ngôi thành công | |
18 | 7 tháng 1, 2022 | Nguyễn Anh Tuấn | 35.000.000 đồng | Thí sinh đầu tiên giành chiến thắng vòng 4 và quay vào ô 5.000.000 đồng ở vòng Soán ngôi. | |
19 | 14 tháng 1, 2022 | Nguyễn Thị Mỹ Linh | 30.000.000 đồng | ||
24 - Số cuối cùng của mùa 1 | 4 tháng 3, 2022 | Nguyễn Thúy Hường | 180.000.000 đồng | Thí sinh nữ duy nhất ở mùa 1 quyết định nhận lời thách đấu, đồng thời là người tại vị duy nhất làm nhiều hơn 1 bài thơ trong suốt quá trình tham gia chương trình (5 bài từ tập 21-24) và là thí sinh vô địch thứ hai trong chương trình. Đây cũng là thí sinh nữ đầu tiên đoạt ngôi "Vua tiếng Việt" và cũng là nhà vô địch cuối cùng của mùa 1. | |
2 | 17 | 13 tháng 1, 2023 | Phạm Hữu Quỳnh | 30.000.000 đồng | Thí sinh đầu tiên chiến thắng ở mùa 2, cắt đứt mạch 16 tập liên tiếp không ai thắng ở vòng đặc biệt.[14] |
22 | 3 tháng 3, 2023 | Nguyễn Quang Minh | 320.000.000 đồng | Thí sinh đầu tiên của mùa 2, cũng là người nổi tiếng đầu tiên trong chương trình chấp nhận thách đấu[15][16] và trở thành nhà vô địch. Đây cũng là người thứ 3 giành chiến thắng tuyệt đối trong lịch sử chương trình.[17] | |
24 | 17 tháng 3, 2023 | Phan Thị Thảo Ngân | 30.000.000 đồng | ||
27 | 7 tháng 4, 2023 | Hà Việt Hoàng | |||
31 | 5 tháng 5, 2023 | Nguyễn Thanh Hương | 320.000.000 đồng | Nhà vô địch cuối cùng của mùa 2, là người thứ 4 trúng giải đặc biệt trong chương trình. | |
3 | 9 | 26 tháng 4, 2024 | Đỗ Viết Hưng | Thí sinh dưới 18 tuổi đầu tiên và là thí sinh đầu tiên của mùa 3 chiến thắng chương trình. Đây là người thứ 5 và là người chơi trẻ nhất từng đăng quang trong chương trình. | |
36 | 8 tháng 11, 2024 | Vũ Lê Khánh | 30.000.000 đồng |
Đón nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Nhờ nội dung mới lạ về ngôn ngữ, cùng với sự kết hợp giữa giải trí và kiến thức tiếng Việt, Vua tiếng Việt đã tạo nên sức hút đối với khán giả. Trong chương trình, người chơi phải vượt qua các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp, từ ngữ tiếng Việt, đồng thời được thử thách khả năng phản xạ nhanh. Nhiều đề bài trong chương trình, nhất là ghép chữ thành từ, được nhiều cư dân mạng chia sẻ rộng rãi và hưởng ứng nhiệt tình. Không ít bình luận của khán giả cho biết sự phong phú và đa dạng của tiếng Việt đã khiến họ phải vò đầu bứt tai giải đố.[18]
Theo số liệu thống kê của Kantar Media dựa trên tỷ suất lượt xem đo được tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, chương trình có mặt trong danh sách 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất tháng 9 năm 2021,[19] tháng 10 năm 2021, tháng 11 năm 2021, tháng 12 năm 2021.[20] Nhiều khán giả cũng đã đăng ký tham gia chương trình để thử sức với tiếng Việt, điều này chứng tỏ sức hút lớn của chương trình đối với khán giả truyền hình.[21]
Bước sang mùa 2, sức cuốn hút của Vua tiếng Việt tăng lên khi chương trình xuất hiện người chiến thắng ở vòng đặc biệt, trở thành "vua" và chờ đón các đối thủ khác đến thách đấu. Theo Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - giám khảo Vua tiếng Việt, các chủ đề của chương trình vừa có tính sinh hoạt đời thường vừa có tính văn hóa, lịch sử. "Ban thư ký của chương trình đã khai thác chủ đề theo cách đa dạng để ai cũng cảm thấy được sự gần gũi và có sự am hiểu nhất định ở từng chủ đề, không bị quá xa lạ, có thể bắt nhịp được chủ đề và tham dự cuộc chơi một cách hào hứng, hết mình" - ông đánh giá. Cũng trong mùa 2, có nhiều người chơi là người nước ngoài cũng bị thu hút với những chủ đề của chương trình. Nhà văn Lữ Mai - một trong những giám khảo của chương trình - cho rằng những chủ đề đó giúp cho vốn tiếng Việt được phát huy một cách phong phú, đa dạng. "Những chủ đề này không chỉ khai phá được kho tàng của tiếng Việt mà còn đánh thức cách thức sử dụng tiếng Việt trong đời sống hiện đại" - bà chia sẻ. Với sự tham gia của người chơi là người Việt Nam và người nước ngoài ở các độ tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chương trình Vua tiếng Việt tiếp tục tạo sức cuốn hút, lan tỏa tinh thần tự hào và tình yêu tiếng Việt.[22]
Tỷ suất lượt xem
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn: Kantar Media, theo số liệu về 10 chương trình truyền hình có rating cao nhất trong tháng, thống kê tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ).
Năm | Tháng | Tỷ suất lượt xem | Vị trí (trong Top 10) | Nguồn |
---|---|---|---|---|
2021 | 9 | 3,5% | 9 | [19] |
10 | 3,2% | 10 | ||
11 | 4,1% | 4 | [20] | |
12 | 3,5% | 5 | ||
2022 | 1 | 3,8% | 7 |
Sự cố và tranh cãi
[sửa | sửa mã nguồn]Tên gọi của chương trình
[sửa | sửa mã nguồn]Tên gọi "Vua tiếng Việt" được đặt cho chương trình đã nói lên tầm quan trọng của tiếng Việt, chủ thể trung tâm trong một chương trình mang tính giáo dục về ngôn ngữ.[23] Tuy nhiên, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc đặt tên chương trình như vậy là không ổn, nhất là khi chỉ qua vài vòng chơi đã có thể dễ dàng xưng danh "Vua tiếng Việt".[23] Một trong những người đầu tiên phản đối tên chương trình đã lập luận rằng không ai có khả năng hiểu biết tiếng Việt đến mức có thể xưng "vua".[24][25] Nhiều người cũng đã đề xuất đổi tên chương trình để đảm bảo sự khiêm tốn cần thiết, tránh đao to búa lớn[26]. Báo Lao Động trong một bài viết đã dùng từ "rất kinh" để nhận xét về cái tên của chương trình.[27] PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt từ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói với Dân Trí rằng, đặt tên chương trình là "Vua tiếng Việt" hoàn toàn không phù hợp bởi tên gọi này kích thích lòng kiêu ngạo vô lối, đặc biệt là với giới trẻ.
"Gọi "Vua tiếng Việt" thực ra là một kiểu câu view nhưng trong trường hợp này rất không nên vì gây phản cảm về mặt văn hóa. Ngay từ lần đầu nghe thấy tên gọi này tôi đã cảm thấy không phù hợp, không đảm bảo chất văn hóa của một chương trình truyền hình [...]. Theo tôi, chương trình nên đổi thành những cái tên dung dị, khiêm nhường hơn như "Thi tiếng Việt", "Tiếng Việt tinh hoa"... Những tên gọi này nhã nhặn, phù hợp với nội dung chương trình".[28]
Liên quan đến từ vựng
[sửa | sửa mã nguồn]Dù là chương trình tôn vinh tiếng Việt, "Vua tiếng Việt" đã không ít lần mắc lỗi về từ ngữ, đặc biệt là chính tả[23][29]. Bên cạnh đó, việc giải thích cho một vài từ, như "càn rỡ" là "tính từ bổ ngữ cho động từ" cũng đã gây ra nhiều luồng tranh luận trong thời gian dài.[30]
Các mùa phát sóng
[sửa | sửa mã nguồn]- Mùa 1 (10 tháng 9 năm 2021 - 4 tháng 3 năm 2022)
- Mùa 2 (23 tháng 9 năm 2022 - 12 tháng 5 năm 2023)
- Mùa 3 (1 tháng 3 năm 2024 - nay)
Phát sóng
[sửa | sửa mã nguồn]Vua tiếng Việt được phát sóng vào lúc 20:30 thứ sáu hàng tuần trên VTV3 và được phát lại trên các kênh khác của VTV (bao gồm VTV4, VTV5) vào một số khung giờ trong tuần. Mùa đầu tiên của chương trình lên sóng từ ngày 10 tháng 9 năm 2021 đến ngày 4 tháng 3 năm 2022, mùa thứ hai lên sóng từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 đến ngày 12 tháng 5 năm 2023 và mùa 3 khởi chiếu từ ngày 1 tháng 3 năm 2024. Các tập đã phát sóng trên truyền hình đều có thể được tìm thấy trên các nền tảng số của VTV, bao gồm VTV Go và VTV Giải Trí.
Chương trình cũng đã có một số lần phải tạm ngừng phát sóng theo kế hoạch, phần lớn là do trùng vào thời điểm diễn ra các sự kiện đặc biệt. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2023, một tập của mùa 2 đã được dời sang hai tuần tiếp theo để dành thời lượng phát sóng các chương trình trước và trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão. Lần gần nhất vào ngày 26 tháng 7 năm 2024, một tập của mùa 3 dự kiến phát sóng vào hôm đó được dời lại một tuần do trùng với thời điểm diễn ra quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giải thưởng và đề cử
[sửa | sửa mã nguồn]Năm | Giải thưởng | Hạng mục | Đề cử | Kết quả |
---|---|---|---|---|
2022 | VTV Awards - Ấn tượng 2022[31] | Chương trình giải trí ấn tượng | Vua Tiếng Việt: "Vua Tiếng Việt đầu tiên lên ngai vàng!" | Đề cử |
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Danh sách chương trình phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam
- Tiếng Việt
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Luật chơi này không phải lúc nào cũng được áp dụng đúng - đã có một số trường hợp MC cho phép thí sinh trả lời lại một câu đã trả lời sai, hoặc công bố ngay đáp án của một câu đã bỏ qua.
- ^ Cuốn Từ điển tiếng Việt 36.000 từ của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ được sử dụng trong phần thi này.
- ^ Thí sinh cũng có thể viết nhiều hơn một từ ở mỗi hàng ngang (miễn là phù hợp với kích thước của ô chữ và với các chữ cái cho sẵn trong bảng), nhưng chỉ có một đáp án duy nhất do thí sinh lựa chọn sẽ được sử dụng để so sánh kết quả. Có thể có nhiều hơn một đáp án được chấp nhận cho một từ hàng ngang, nếu các từ này đều có cùng độ dài ký tự, cùng nghĩa trong từ điển và không ảnh hưởng tới từ hàng dọc.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b VTV, BAO DIEN TU (17 tháng 8 năm 2021). “Chương trình mới toanh 'Vua tiếng Việt' tuyển người chơi”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b núi, Báo ảnh dân tộc và miền (10 tháng 9 năm 2021). “Vua Tiếng Việt - chương trình trò chơi truyền hình mới sẽ ra mắt khán giả VTV3 tối 10/9 | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi”. dantocmiennui.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021.
- ^ “Vua tiếng Việt: Cuộc đua của những người chơi 'ngang tài ngang sức' | TTVH Online”. thethaovanhoa.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021.
- ^ “Chương trình truyền hình thích ứng linh hoạt”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. 24 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021.
- ^ “Chinh phục phong ba bão táp trong Vua Tiếng Việt”. baotintuc.vn.
- ^ “Vua Tiếng Việt lên sóng VTV3 - Yêu và gìn giữ tài sản vô giá tiếng Việt”. Thương hiệu và Pháp luật.
- ^ “MC Xuân Bắc gây "sốt" khi dẫn chương trình "Vua tiếng Việt"”. Báo Công lý. 10 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.
- ^ News, VietNamNet. “NSƯT Xuân Bắc làm MC 'Vua Tiếng Việt' trên sóng VTV”. VietNamNet. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2021.
- ^ NLD.COM.VN (20 tháng 9 năm 2021). “Truyền hình nhân văn”. https://nld.com.vn. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
- ^ “NSƯT Xuân Bắc cầm trịch chương trình Vua tiếng Việt”. nguoiduatin.vn.
- ^ VTV, BAO DIEN TU (27 tháng 2 năm 2024). “Vua Tiếng Việt mùa 3: Luật chơi mới lạ, giải thưởng 320 triệu đồng”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2024.
- ^ VTV, BAO DIEN TU (27 tháng 2 năm 2024). “Vua Tiếng Việt mùa 3: Luật chơi mới lạ, giải thưởng 320 triệu đồng”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2024.
- ^ “Người chơi mới soán ngôi 'Vua Tiếng Việt' của MC Thư Hiền”. VietNamNet. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2021.
- ^ Linh Anh (28 tháng 1 năm 2023). “"Xông đất' Vua Tiếng Việt dịp Tết Quý Mão xem có điều gì đặc biệt?”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.
- ^ HOÀNG LÊ (15 tháng 2 năm 2023). “Quang Minh Oplus: Nghệ sĩ đầu tiên giữ ngai 'vua tiếng Việt'”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.
- ^ PV (18 tháng 2 năm 2023). “Bảo vệ thành công ngôi Vua, Quang Minh Oplus xứng danh 'chiến thần tiếng Việt'”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.
- ^ HOÀNG LÊ (4 tháng 3 năm 2023). “Vua tiếng Việt - ca sĩ Quang Minh Oplus nhận thưởng 320 triệu đồng”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2023.
- ^ Hà Trang (18 tháng 10 năm 2021). “Cư dân mạng thích thú với loạt thử thách 'xoắn não' trong Vua tiếng Việt”. Báo điện tử Tiền Phong. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2021.
- ^ a b Văn Tuấn (31 tháng 10 năm 2021). “Yêu tiếng Việt qua từng thử thách”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
- ^ a b “Hoán đổi vị trí”. Sài Gòn Giải Phóng Online. 17 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Không dễ tìm... 'Vua tiếng Việt'”. Tuổi Trẻ Online. 1 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2021.
- ^ VTV Kết nối (16 tháng 2 năm 2023). “Sức cuốn hút của Vua tiếng Việt mùa 2”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.
- ^ a b c ONLINE, TUOI TRE (24 tháng 4 năm 2023). “Chương trình Vua tiếng Việt sai chính tả: Tên gọi 'Vua tiếng Việt' cũng cần xem lại”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (27 tháng 4 năm 2023). “Ai là 'Vua tiếng Việt'?”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2023.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (26 tháng 4 năm 2023). “'Không ai có khả năng hiểu biết tiếng Việt đến mức có thể xưng vua'”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2024.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (23 tháng 4 năm 2023). “Chương trình Vua tiếng Việt sai chính tả”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- ^ Lê Thanh Phong (24 tháng 4 năm 2023). “Xuân Bắc "chậm chễ", "Vua Tiếng Việt" nên kỹ lưỡng tiếng Việt hơn!”. Lao Động. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- ^ Trí, Dân. “Tên gọi chương trình "Vua tiếng Việt" quá kiêu ngạo, gây phản cảm?”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2023.
- ^ “'Vua tiếng Việt' bị chê nhiều sạn”. Báo điện tử Tiền Phong. 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Phú Yên Online - Chương trình Vua tiếng Việt: Góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Phú Yên Online. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2021.
- ^ Trí, Dân. “Minh Huyền và "Thương ngày nắng về" "ẵm" giải VTV Awards 2022”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2023.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Vua tiếng Việt trên Facebook
- Vua tiếng Việt trên TikTok
Từ khóa » Trò Chơi Vua Tiếng Việt
-
Game Vua Tiếng Việt
-
Thử Thách Trò Chơi "VUA TIẾNG VIỆT" - Tam Hợp #72 - YouTube
-
Vua Tiếng Việt - Một “sân Chơi” Hấp Dẫn
-
Chơi Vua Tiếng Việt : Ghép Từ Trên PC Cùng NoxPlayer
-
Cách Chơi Gameshow Vua Tiếng Việt Trên IPhone Và Android - Việt Báo
-
Vua Tiếng Việt - PvP On The App Store
-
Chương Trình Minigame: Vua Tiếng Việt - InfoQ
-
Vua Tiếng Việt | Tập 19 | Chủ đề 'Đất' - VTV Go
-
Vua Tiếng Việt | Tập 16 | Chủ đề 'đặc Sản' - VTV Go
-
Không Dễ Tìm... 'Vua Tiếng Việt' - Tuổi Trẻ Online
-
Xin Mời Các "Vua Tiếng Việt" Vào đây Trổ Tài đoán Hit Vpop Xem Có ...
-
Vua Tiếng Việt: Người Chơi "khóc Thét" Trong Phần Thi Sắp Xếp Thành ...