"Vua Tôn" Lê Phước Vũ - Chủ Tịch Tập đoàn Hoa Sen Là Ai? - A đầu Tư
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Phước Vũ là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 28/05/1963 tại Quy Nhơn, Bình Định, quê gốc tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông hiện là nhà sáng lập, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen.
Chủ tịch Lê Phước Vũ được mệnh danh là “vua tôn” Việt Nam vì tập đoàn Hoa Sen là công ty sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam, nắm hơn 34% thị phần tôn khắp Việt Nam.
Ông Lê Phước Vũ từng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì vào năm 2012.
Hành trình khởi nghiệp gian nan
Ông Lê Phước Vũ sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Năm 1979, ông học Trung cấp Giao thông vận tải tại trường Trung cấp Giao thông Phú Tài, Bình Định. Sau khi tốt nghiệp, ông đã cùng gia đình khăn gói vào miền Nam để tìm kế mưu sinh với hy vọng đổi đời.
Năm 1983, ông về làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh. Công việc luôn phải xa nhà và chạy những tuyến đường nguy hiểm mà cuộc sống của gia đình ông vẫn không cải thiện, vì thế gia đình ông lại tiếp tục khăn gói lên Buôn Mê Thuột lập nghiệp với mong ước cuộc sống sẽ tốt hơn. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi, vợ chồng ông lại dắt díu nhau quay trở lại Sài Gòn lần hai, thất bại không làm Lê Phước Vũ nản lòng.
Con đường kinh doanh đến với Lê Phước Vũ hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành hiện nay đang có vốn hóa 650 tỷ đồng, đang niêm yết tại HoSE với mã GDT). Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh.
Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay – số tiền gia đình ông tích lũy sau nhiều năm bôn ba, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Ông kể lại vẫn nhớ như in vào ngày 18/5/1994, vợ chồng ông nghẹn ngào, mừng tủi nắm trong tay số tiền lãi 650.000 đồng – số tiền lớn nhất vợ chồng có được tính đến thời điểm đó qua 10 năm vất vả, bôn ba.
Sau 3 năm kinh doanh, ông Vũ nhận thấy rằng cửa hàng hoạt động không còn hiệu quả, đánh liều ông vay mượn khắp nơi mở một xưởng cán tôn. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn vì phải chạy vạy lo tiền thanh toán trả góp máy móc thiết bị, lương nhân viên, áp lực cạnh tranh
Năm 1997, ông Vũ lại lần nữa phải cắn răng tính toán đầu tư máy cán tôn, trong bối cảnh tôn cắt sẵn không còn làm ăn được nữa. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường phải nhập từ Đài Loan, và chiếc máy ông nhắm đến có giá đến 120.000 USD – con số quá lớn so với khả năng của ông. Bằng sự mày mò và quyết tâm, ông đã sử dụng một số phụ tùng ở Đài Loan, tham khảo tìm tòi các bản vẽ thiết kế, còn lại thuê gia công, cóp nhặt linh kiện trong nước, lắp ráp cải tiến hiệu chỉnh dần. Đến nay chiếc máy cán tôn tự chế này vẫn đang hoạt động tốt.
Nhiều lúc tưởng chừng như xưởng của ông ngấp nghé bên bờ vực phá sản nhưng chữ “nhẫn” mà ông học được từ triết lý phật giáo đã giúp ông bình tĩnh giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhất, cũng từ đó công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi hơn. Khi có một lượng khách hàng ổn định, ông Vũ quyết tâm mở rộng thêm nhiều xưởng tôn khác, vừa làm, vừa học để tích lũy kinh nghiệm về công nghệ sản xuất mới cũng như cách thức quản trị kinh doanh.
Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chuyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao… Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả… để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Và ông đã gặt hái được rất nhiều thành công sau những cố gắng không ngừng nghỉ của mình.
Ai cũng có thể biện cho mình một lý do kinh doanh nhưng riêng ông có một quan điểm kinh doanh rất đáng trân trọng: “Khi kinh doanh tôi tuyệt đối không dùng kỹ xảo, thủ đoạn, bởi tôi tin khởi nghiệp xuất phát từ tinh thần đúng sẽ tạo nên phong cách chuẩn mực, tạo được niềm tin nơi người khác”, ông chia sẻ.
Quá trình phát triển thần tốc của Hoa Sen
Ngày 08/08/2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác. …
Với phương châm làm ăn “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng, điều được thị trường ghi nhận như một “độc chiêu” đúng đắn giúp công ty non trẻ của ông đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực này. Doanh thu cuối năm đạt được 3,2 tỷ đồng, tuy chưa có lợi nhuận nhưng bước đầu tạo được thị phần cơ bản trên thương trường.
Tháng 12/2007, CTCP Hoa Sen đổi tên chính thức thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen như hiện nay và tiến hành sáp nhập 3 công ty gồm: CTCP Tôn Hoa Sen, CTCP Vật liệu Hoa Sen, CTCP Cơ khí và Xây dựng Hoa Sen.
Ngày 05/12/2008, cổ phiếu tập đoàn Hoa Sen được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp HCM với mã chứng khoán HSG.
Quyết định táo báo, đưa Hoa Sen “vượt bão” thành công
Ông Vũ nổi tiếng trên thương trường nhờ những quyết định táo bạo, vào năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Hoa Sen đứng trước nguy cơ bị phá sản khi giá thép bất ngờ giảm xuống 2/3 (chỉ trong 6 tháng), giá thép cán nóng sụt khủng khiếp từ gần 1.100 USD/tấn xuống dưới 500 USD/tấn mà chi phí đầu tư sản xuất lại rất lớn. Ông Vũ như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi thì giá càng giảm sâu. Lúc đó, ông đã ra một quyết định táo bạo là bán tháo tất cả hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó.
Nhờ quyết định nhanh chóng và kịp thời đó năm 2008 công ty đã vượt qua khủng hoảng, thậm chí có lãi trên 1.000 tỷ đồng, chính chiến lược này đã giúp Hoa Sen không gục ngã như nhiều “ông lớn” khác trong ngành tôn thép.
Theo ông Vũ yếu tố quan trọng giúp công ty ông vượt qua mọi khó khăn là phải có một tầm nhìn tốt, chiến lược đúng, phát triển bền vững và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Trong hoạt động kinh doanh Hoa Sen luôn chú trọng xây dựng hệ thống phân phối riêng, từ 3 chi nhánh vào năm 2001, hiện tại năm 2021 Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 55 chi nhánh và 471 cửa hàng bán lẻ trực thuộc trải dài khắp cả nước. Đây được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành Tôn – Thép Việt Nam.
Chính nhờ đó, sau cơn suy thoái, khi nhiều doanh nghiệp còn gượng gạo đứng dậy thì ông đã đủ điều kiện đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất hiện có của Hoa Sen vào thời điểm đó là dây chuyền sản xuất tôn dày công nghệ NOF với công suất 450.000 tấn/năm và dây chuyền phủ màu công suất 180.000 tấn/năm.
Dự án được xây dựng nhanh kỷ lục chỉ trong 10 tháng, từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2010, đã hoàn thành dây chuyền đầu tiên để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, tạo doanh thu, góp phần giúp Tập đoàn vượt qua khủng hoảng và đón đầu khi nền kinh tế phục hồi.
Cũng ngay trong giai đoạn khó khăn đó, thị trường vật liệu xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản, ông Vũ đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia. Bước đi đó đã giúp Hoa Sen đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng doanh thu, và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn – thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu xấp xỉ 300 triệu USD trong năm 2014.
Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ dám làm, các quyết định đầu tư và kinh doanh của ông Vũ đều đem lại hiệu quả cao. Chính điều này đã giúp Tập đoàn Hoa Sen thu hút được các nhà đầu tư tài chính quốc tế như Red River Holding, Deutsch Bank, STIC Investments, Dragon Capital, KITMC…
Để có được như ngày hôm nay thì con đường kinh doanh của ông gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Ông phải tự mình học hỏi nhiều, học từ công việc, học trong thực tiễn kinh doanh, học từ thất bại, học phán đoán, dự liệu mọi tình huống và có phương án để đối phó những trường hợp xấu nhất.
Ông sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền thuê các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn cho mình và mọi người các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, để áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của nhà máy (thời điểm đó việc làm này là một hoạt động xa sỉ).
Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới thì ông cho rằng “mạnh dùng lực, yếu dùng thế”. Ông thường ví von rằng các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh họ thì họ sẽ không đánh tới ta được. Nhờ biết cái thế của mình nên Hoa Sen luôn giữ vững và mở rộng thị phần và doanh nghiệp vẫn tăng trưởng cho dù kinh tế khó khăn.
Kết thúc năm 2020, sản lượng tiêu thụ tập đoàn đạt 1.622.682 tấn với doanh thu thuần đạt 27.531 tỷ đồng (1,2 tỷ usd) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.153 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trên thị trường tôn mạ Việt Nam, chiếm 34% thị phần trong nước.
Sự kiện mời Nick Vujicic đến Việt Nam năm 2013
Năm 2013, Tôn Hoa Sen bỏ ra 36 tỷ đồng tổ chức sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đang trở thành đề tài được quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng, vụ đầu tư này lãng phí, sính ngoại. Kinh tế Việt Nam đang khó khăn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt. Không chỉ thế, ở Việt Nam còn rất nhiều người khuyết tật cần giúp đỡ và những tấm gương như Nick cũng không thiếu gì.
“Những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những “cú hích” về tinh thần mà Nick đã mang tới” – chia sẻ trên một trang cá nhân đã khởi đầu cho cuộc tranh luận trái chiều mấy ngày qua.
Chuyện Tôn Hoa Sen cho đội xe hộ tống Nick gây ồn ào các tuyến phố đoàn xe đi qua hôm 22/5 cũng bị cho là phô trương.
Trong buổi giao lưu của Nick Vujicic với cộng đồng doanh nhân khu vực phía Bắc sáng 24/5, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ giãi bày: “Tại sao chúng tôi lại tiếp đón Nick nồng hậu như vậy là vì chúng tôi đồng cảm, yêu thương với Nick. Đất nước chúng ta cũng có quá nhiều người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh và chất độc da cam…”, ông Lê Phước Vũ nói.
Trao đổi cụ thể hơn về vụ đầu tư tiền tỷ cho sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam này, ông Lê Phụng Hào – cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tôn Hoa Sen, cho biết: “Trong hoàn cảnh kinh tế, cuộc sống có nhiều khó, người ta cần nhiều động lực hơn, do đó, chúng tôi đã mời Nick – một tấm gương về nghị lực sống, có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người sang diễn thuyết. Bởi đây là chương trình vì cộng đồng, vé hoàn toàn miễn phí nên chúng tôi không tiếc đầu tư”. Ông Hào cho biết chi phí cho chương trình nay đã lên tới 36 tỷ đồng chứ không còn là 32 tỷ nữa.
Diễn giải cụ thể về những hạng mục cần chi trong con số 36 tỷ này, ông Hào cho biết, riêng tiền bản quyền trả cho First News, Tôn Hoa Sen đã tốn 150.000 USD. Chi phí cho việc thuê 4 địa điểm diễn ra 7 sự kiện lên tới 22 tỷ đồng. Việc đầu tư truyền thông cũng tốn 30% tổng chi phí cho toàn bộ sự kiện.
Trong số 36 tỷ đồng đấy, Tôn Hoa Sen còn chi cho việc giúp đỡ những người khuyết tật, như cấp 40 học bổng trị giá 40 triệu cho những bạn trẻ khuyết tật có ý thức vươn lên trong học tập. 24 trường hợp được vinh danh trong chương trình, mỗi người cũng nhận được 20 triệu. Với những gia đình người khuyết tật từ các tỉnh vào TP HCM tham dự chương trình giao lưu với Nick Vujicic, công ty cũng lo chi phí đi lại, ăn nghỉ.
“Chúng tôi không nghĩ đây là đem tiền cho người khuyết tật mà muốn tạo động lực cho họ thông qua việc giao lưu với Nick Vujicic”, ông Hào nói.
Theo ông, việc đầu tư lớn cho sự kiện cũng là động lực để giúp cộng đồng phát hiện ra nhiều Nick của Việt Nam và giúp đỡ.
Trả lời chuyện hộ tống Nick quá rầm rộ, ông Hào cho đó là điều cần thiết. “Nếu chúng tôi không làm như vậy thì có thể Nick sẽ gặp sự cố. Người bình thường như mình bị xô đẩy còn đau huống chi Nick là người khuyết tật không có khả năng như chúng ta”, ông Hào nói. Ông cũng giải thích phải nhờ sự hỗ trợ của công an và mô tô mở đường để đảm bảo thời gian cho các sự kiện. “Chúng tôi không thể để hàng triệu khán giả phải chờ đợi xem chương trình vì ban tổ chức chậm trễ được”, ông phân trần.
Sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam là một chiến dịch PR, marketing thành công nhất tại Việt Nam của chủ tịch Lê Phước Vũ nói riêng và tập đoàn Hoa Sen nói chung. Sau sự kiện tài sản cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ tăng gần 200 tỷ đồng nhưng đó không phải là mục tiêu của chiến dịch này. Với sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam, logo của Hoa Sen xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia nhiều tiếng đồng hồ.
Điều này có thể được chứng minh bằng việc: Trong 4 phiên giao dịch trùng hợp với sự kiện “Người hùng khuyết tật” Nick Vujicic đến Việt Nam với sự tài trợ của HSG, giá cổ phiếu HSG liên tục tăng từ 45.000 đồng lên tới 49.000 đồng/cổ phiếu tính đến hết buổi sáng ngày 24/5/2013. Tương ứng với việc giá cổ phiếu HSG tăng thì vốn hóa thị trường của HSG đã tăng thêm hơn 400 tỷ đồng.
Khoảng thời gian sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, Hoa Sen đã có những tăng trưởng mạnh về kinh doanh. Ông Lê Phước Vũ cho biết kết thúc năm 2013, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt 634.128 tấn, doanh thu đạt 11.760 tỷ đồng và tăng trường lần lượt 32% và 17% so với niên độ tài chính trước. Đặc biệt lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng mạnh với 581 tỷ đồng, tăng 58% so với niên độ tài chính trước.
Năm 2013 còn là năm đánh dấu mốc xuất khẩu năm 2013 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đạt 280.000 tấn sản phẩm tại 40 quốc gia và cùng lãnh thổ, mang về cho công ty này gần 252 triệu USD, chiếm 45% doanh thu. Với những con số trên, CTCP Tập đoàn Hoa Sen khẳng định là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôn hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Đối với riêng ông Vũ, với việc nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG tức là hơn 44% cổ phần của Hoa Sen thì trong 4 phiên giao dịch của 4 ngày trùng với khoảng thời gian Nick Vujicic đến Việt Nam, tài sản tính theo vốn hóa thị trường của ông Lê Phước Vũ tăng thêm hơn 170 tỷ đồng.
Ngoài ra tài sản của ông Vũ ngày càng có xu hướng mở rộng, năm 2012 ông nắm giữ 823 tỷ đồng và đứng thứ 16 trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán. Sang đến năm 2013, sau sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam số tài sản của ông Lê Phước Vũ là 1.770 tỷ đồng, tăng 947 tỷ đồng so với năm 2012, nhờ đó mà ông đã lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Không dừng lại ở đây, số tài sản hiện có của ông Vũ tiếp tục tăng, hiện nay ông đang có 2.299 tỷ đồng, tăng 459 tỷ đồng so với năm 2013 giữ vững vị trí số 7 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán (năm 2014).
Tuy nhiên đây là một trong những câu chuyện bên lề được truyền thông khai thác, bên cạnh hàng chục câu chuyện khác như bảo vệ Nick, bé gái ở Yên Bái muốn gặp Nick… Thành công của Hoa Sen lúc này là họ để truyền thông hướng mục tiêu về phía chương trình, chứ không phải về mình. Khởi đầu của chiến dịch được đặt ở vị thế rất cao, một chuỗi chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, đây là lần đầu tiên một người nước ngoài có vinh dự như vậy.
Nếu Nick chỉ đến Việt Nam và diễn thuyết trong một buổi, sự quan tâm có lẽ chỉ lan tỏa 2-3 ngày trước buổi nói chuyện. Họ cũng bỏ qua việc tạo khan hiếm vé để đẩy sức nóng lên, vé được phân phối qua nhiều kênh và tiếp cận tương đối dễ dàng. Việc còn lại chỉ là để mạng xã hội và báo chí lan truyền câu chuyện thêm nữa.
Với 36 tỷ đồng (được công bố sau sự kiện), Hoa Sen có thể mời nhiều ngôi sao khác đến Việt Nam. Nick cũng chẳng liên quan gì đến dòng sản phẩm chính của họ là tôn và thép. Nhưng nhờ Nick, thương hiệu và uy tín của Hoa Sen đang lên rất cao.
Và khi chuỗi chương trình kết thúc, hiệu ứng giảm dần, Hoa Sen có thể khéo léo hướng truyền thông về phía mình, như là đơn vị đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người Việt Nam. Họ cũng không cần làm gì nhiều, tự khắc tuyền thông và mọi người sẽ tò mò về ông Vũ, về Hoa Sen và từ đó câu chuyện sẽ tiếp tục được sản xuất.
Nick Vujicic là ai?
Nicholas James “Nick” Vujicic sinh ngày 04/12/1982 tại Brisbane, Úc là nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc gốc Serbia, khi được sinh ra đã không có tứ chi (không có cả tay lẫn chân). Năm 17 tuổi, Nick thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình với tên gọi Life Without Limbs (nghĩa là “Cuộc sống không có tay chân”). Vujicic đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hy vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Nick tốt nghiệp đại học Griffith năm 21 tuổi với tấm bằng kép ngành kế toán và lập kế hoạch tài chính. Sau đó, anh trở thành nhà diễn thuyết truyền động lực, chu du nhiều nước trên thế giới và chủ yếu nói chuyện về những vấn đề của tuổi vị thành niên. Anh đã nói chuyện với hơn 3 triệu người tại hơn 24 quốc gia trên 5 châu lục.
Nick hiện đang định cư ở Los Angeles, California, Mỹ. Ngày 12/02/2012, anh kết hôn với vị hôn thê của mình là Kanae Miyahara. Hiện tại anh có 4 người con gồm 2 trai và 2 gái.
Quy y tam bảo, cơ duyên với Đạo Phật
Cha mẹ ông Vũ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam nhưng ông sinh ra ở Bình Định. Ông kể rằng thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường Phật pháp.
Ông Vũ cho hay: “Nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời”.
Lên núi rồi, người đứng đầu Hoa Sen chia sẻ ngộ nhận một điều rằng: “Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui”.
Ông Vũ cho biết thêm, mặc dù ở xa nhưng bản thân vẫn nắm hết công việc, bởi không thể Chủ tịch hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường,.. đến lúc cũng phải được nghỉ ngơi. Ngày xưa tay chân yếu giờ tay chân khỏe rồi, ông Vũ cho biết chỉ còn dùng cái đầu thôi, như vậy mới là Chủ tịch!
Ông Vũ từng chia sẻ: “Tôi là Phật tử thực sự. ‘Gặp’ Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất. Ông Vũ ngày nay dù vẫn còn phàm phu, nhưng đã thánh thiện hơn nhiều so với ông Vũ trước khi giác ngộ đạo Phật cách đây 20 năm”, ông Vũ nói về mình.
Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở con người ông, mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của Hoa Sen – tập đoàn do ông gây dựng. Logo của Hoa Sen là hình hoa sen cách điệu, 8 cánh hoa biểu trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật. Văn hóa của Hoa Sen dựa trên 10 chữ T: “Trung thực – Trung thành – Tận tụy – Trí tuệ – Thân thiện”. Trong đó, tiêu chí trung thực được ông đặt lên hàng đầu. Điều này lý giải vì sao ông bức xúc đến thế khi một trợ thủ đắc lực của ông, từng được ông tin tưởng giao phó chức vụ quản lý cao cấp trong Tập đoàn đã vi phạm nguyên tắc này và buộc phải ra đi.
Tập đoàn Hoa Sen hoạt động khá tốt, vượt lên đại dịch cho dù ông Lê Phước Vũ đã có thời gian dài khoảng 3 năm lên núi ở ẩn. Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 09/07/2020 ông Lê Phước Vũ đã thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh.
Quy y Tam bảo là nghi lễ của đạo Phật. Đây được coi như điểm khởi đầu của phật tử đi theo giáo lý đạo Phật. Con người trở về, nương nhờ cửa Phật.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Vũ cho biết, hơn 3 năm qua sau vụ thất bại ở Cà Ná ông ít lên công ty. Trong những năm trước đó, ông ở trên núi và thỉnh thoảng thăm vợ con bên Úc. Hai tháng chỉ đến công ty 1 ngày, mà đến cũng chỉ 1 tiếng đồng hồ. Chủ yếu là trao đổi qua điện thoại, nếu thời gian ổn định có khi ông Vũ chỉ gọi về doanh nghiệp 2-3 lần/tháng. Ông Vũ cũng khẳng định nếu ông có bị sao thì cổ đông cũng không sao, vì tập đoàn Hoa Sen hiện giờ không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ.
Sẽ xuất gia sau năm 2026, tu ở Bảo Lộc
Ngày 21/01/2021, Trả lời câu hỏi của cổ đông về những đồn đoán xung quanh việc ông sẽ xuất gia và không còn điều hành doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen cho biết thông tin này là đúng. Ông sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn.
“Những việc tôi làm hôm nay, như chuyển hướng doanh nghiệp sang vật liệu xây dựng, là một trong những chuẩn bị, bởi dù tôi xuất gia nhưng Hoa Sen vẫn có đủ điều kiện trở thành tập đoàn lớn mạnh” – ông Vũ trấn an nhà đầu tư, đồng thời khẳng định: “Tôi sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải ra đi với một mớ tiền. Dù ở trên núi nhưng tôi vẫn chỉ đạo hoạt động”.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cũng cho hay sẽ bán hết cổ phiếu trước khi rút khỏi doanh nghiệp và nếu làm đúng những mục tiêu đề ra, doanh thu của Hoa Sen có thể đạt 5 tỉ USD trong vòng 5 năm tới, nếu điều hành tốt.
“Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia. Đây là ước mong từ năm 30 tuổi. Tôi và ban tổng giám đốc sẽ chọn người kế nhiệm” – ông Vũ chia sẻ với cổ đông, đồng thời cho biết ông đã mua đất từ năm 1996 và xây chùa ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.
Rút khỏi siêu dự án 10 tỷ USD Cà Ná Ninh Thuận
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, CTCP Tập đoàn Hoa Sen của chủ tịch Lê Phước Vũ đã chính thức rút khỏi siêu dự án thép Cà Ná có quy mô lên tới 10 tỷ USD.
Theo đó, Hoa Sen Group chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Đây là 2 doanh nghiêp do Hoa Sen sở hữu 100% vốn và giao vai trò chủ đầu tư của dự án cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai dự án này.
Tổ hợp dự án thép Cà Ná được biết đến là một siêu dự án mà ông Lê Phước Vũ từng cho biết có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD với kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Dự án ban đầu được đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035. Tuy nhiên, sau đó dự án đã bị loại bỏ ra khỏi quy hoạch và Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.
Hoa Sen giải thích lý do rút khỏi dự án là do “sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi tập đoàn xúc tiến đầu tư.
Sơ lược siêu dự án thép Cà Ná Ninh Thuận
Ngày 26/08/2016, Chủ tịch Lê Phước Vũ cam kết về dự án thép ở Cà Ná (Ninh Thuận): “Nếu xảy ra sự cố môi trường, tôi giao hết tài sản cho Nhà nước”.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận được tổ chức sáng 27/08/2016 ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná (công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm) và một số dự án khác lên đến hơn 10 tỉ USD.
Sau sự cố Formosa – sự cố cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu từ ngày 06/04/2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này. Chính phủ Việt Nam cho rằng chất thải mà nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân
Do lo sợ nhiều vấn đề liên quan ảnh hưởng đến môi trường, liệu Sự cố Formosa của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa… liệu có lặp lại tại Ninh Thuận. Đầu 04/2017, chính phủ đã có phản hồi chính thức về dự án, theo đó sẽ tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề. Ngày 21/07/2020, tập đoàn Hoa Sen của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã chính thức rút lui của siêu dự án 10 tỷ usd này.
Trước đó tại Đại hội cổ đông bất thường tập đoàn Hoa Sen sáng 06/09/2016 tại TP.HCM nhằm lấy ý kiến cổ đông về dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận đang là tâm bão của dư luận trong thời gian qua, với khán phòng không còn một chỗ trống. Chủ tịch Lê Phước Vũ đã tuyên bố một phát ngôn kinh điển gây rúng động dư luận thời điểm đó, ngay lập tức trở thành đề tài nóng trong cộng đồng:
“Hòa Phát quý vừa rồi lãi đến 2,000 tỷ đồng từ thép thì ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”
Và trong buổi chia sẻ sau đại hội diễn ra vào sáng ngày 07/09/2016, ông Lê Phước Vũ đã nhấn mạnh: “Đó chỉ là câu nói đùa trong nội bộ cổ đông tại buổi họp đại hội chứ không phải phát ngôn chính thức trước công luận”.
Tài sản của đại gia Lê Phước Vũ
Câu hỏi tài sản của đại gia Lê Phước Vũ là bao nhiêu hay chủ tịch Lê Phước Vũ giàu cỡ nào?… được rất nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu rõ.
Ông Lê Phước Vũ là nhà sáng lập, chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Hiện tại cá nhân ông đang sở hữu trực tiếp 16,72% cổ phần Hoa Sen và sở hữu gián tiếp 9,7% cổ phần Hoa Sen thông qua Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen. Tính theo giá tham chiếu là 26.000 đồng/cổ phiếu (ngày 21/01/2020) thì:
- Số cổ phiếu sở hữu trực tiếp 16,72% cổ phần có giá trị: 1.900 tỷ đồng
- Số cổ phiếu sở hữu gián tiếp 9,7% cổ phần có giá trị: 1.100 tỷ đồng
Tính ra ông Lê Phước Vũ đang sở hữu khối tài sản hơn 3.000 tỷ đồng, với khối tài sản khủng như thế này ông Lê Phước Vũ nằm trong Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2021. Thực ra tài sản thực sự của ông nhiều hơn con số 3.000 tỷ đồng kể trên vì trước đó khi cổ phiếu Hoa Sen tăng giá Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch liên tục bán ra thu lại số tiền cả nghìn tỷ đồng. Ông Vũ từng là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2014.
Vợ ông Lê Phước Vũ là ai?
Bà Hoàng Thị Xuân Hương sinh ngày 19/03/1965 là em gái của ông Hoàng Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Hoa Sen và là vợ cũ của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ là bà Hoàng Thị Xuân Hương có với nhau 3 người con gồm 1 trai và 2 gái là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm, Lê Hoàng Diệu Thiện.
Theo một số thông tin không chính thức thì 2 người ly hôn vào năm 2013, nhưng theo báo cáo tình hình quản trị công ty của tập đoàn Hoa Sen từ ngày 01/10/2014 đến 31/09/2015 công bố ngày 19/10/2015 thì bà Hoàng Thị Xuân Hương lúc đó vẫn còn vợ của ông Lê Phước Vũ và đang sở hữu 4,46% cổ phần tập đoàn Hoa Sen.
Tại báo cáo tình hình quản trị công ty của tập đoàn Hoa Sen từ ngày 01/10/2015 đến 31/03/2016 công bố ngày 25/04/2016 thì bà Hoàng Thị Xuân Hương không còn là người liên quan đến ông Vũ, có lẽ hai người chính thức ly hôn trong thời gian này.
Sau khi ly hôn, ông Vũ và bà Hương chia tài sản bằng cách thành lập 2 pháp nhân riêng biệt và chuyển cổ phiếu sang cho 2 công ty này. Theo đó, số cổ phần trong Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm là của bà Hương và số cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tam Hỷ là của ông Lê Phước Vũ.
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Xuân Hương đã bán toàn bộ 357.500 cổ phiếu HSG vào ngày 03/09/2020 qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Hiện nay bà Hương không còn là cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen.
Hồi cuối tháng 5/2020, bà Hoàng Thị Xuân Hương đã thoái sạch vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen khi bán hết 7,15 triệu cổ phiếu HSG tương đương 1,5% cổ phần, ước tính thu về khoảng 70 tỉ đồng.
Tuy nhiên bà Hương bán sau ngày Hoa Sen chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 5% nên sau đó bà Hương vẫn được nhận cổ tức là 357.500 cổ phiếu HSG. Đây cũng chính là số cổ phiếu mà bà Hương vừa bán ngày 03/09/2020.
Tiểu sử ông Lê Phước Vũ:
- Họ tên: Lê Phước Vũ
- Sinh ngày: 28/05/1963
- Nơi sinh: Quy Nhơn, Bình Định
- Quê quán: Điện Bàn, Quảng Nam
- Số CMND: 023327821
- Trình độ chuyên môn: Trung học chuyên nghiệp
- Địa chỉ: 19 Giang Văn Minh, phường An Phú, quận 2, Tp.HCM
- Gia đình:
- Bố: Lê Hoàng
- Mẹ: Trần Thị Nga
- Con: Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm, Lê Hoàng Diệu Thiện
Từ khóa » Vợ Của Chủ Tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen
-
Công Ty Của Vợ Chủ Tịch HĐQT Tôn Hoa Sen đã 'trao Tay' Cổ Phiếu ...
-
Vợ Cũ Của Chủ Tịch Lê Phước Vũ Chính Thức 'dứt Duyên' Với Tập ...
-
Dứt Tình Với Công Ty Cùng Chồng Lập Nghiệp Thuở Hàn Vi, Vợ Cũ Của ...
-
Vợ Cũ đại Gia Lê Phước Vũ Chi Hàng Chục Tỷ Gom Lại Cổ Phiếu Hoa Sen
-
Bí ẩn Vợ Cũ đại Gia Lê Phước Vũ Bán Sạch Cổ Phần TĐ Hoa Sen
-
Lê Phước Vũ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vợ Cũ ông Lê Phước Vũ Muốn Bán Toàn Bộ Cổ Phần ở Hoa Sen
-
Vợ Cũ Chủ Tịch Lê Phước Vũ đã Bán Sạch Hơn 7 Triệu Cổ Phiếu HSG ...
-
Tiểu Sử Lê Phước Vũ - Từ Lái Xe đến Chủ Tịch Tập đoàn Hoa Sen
-
Vợ Cũ Chủ Tịch Tôn Hoa Sen Vừa Mua Vào Thành Công 5 Triệu Cổ ...
-
Vợ Cũ ông Lê Phước Vũ 'lướt Sóng' Cổ Phiếu Hoa Sen
-
Vợ ông Lê Phước Vũ Rút Vốn Khỏi Hoa Sen - Tiền Phong
-
Vì Sao Công Ty Vợ đại Gia Lê Phước Vũ Bán Vội Cổ Phiếu Của Tập ...