“Vua Xiếc Cá” Cồn Sơn - Báo Cần Thơ Online

Những ngày gần đây, khách du lịch khi đến tham quan cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đều rất thích thú khi trải nghiệm xem cá “vượt cạn”. Trước đó, cá lóc “bay” hay cá “bú bình” cũng là những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt. Người huấn luyện để cá “làm xiếc” là anh Nguyễn Thành Tâm, 43 tuổi, một nông dân có khoảng 25 năm gắn bó với nghề nuôi cá.

Độc đáo cá “vượt cạn”

Anh Tâm cho cá “vượt cạn”.

Anh Tâm cho cá “vượt cạn”.

Cá “vượt cạn” là sản phẩm du lịch vừa được Du lịch cộng đồng cồn Sơn đưa vào phục vụ du khách sau khi khôi phục các hoạt động trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Một đàn cá trê 700 con, lớn bằng cổ tay người lớn, được nuôi trong vèo lưới, hễ nghe tiếng bước chân của anh Tâm là rào rào trên mặt nước. Trong vèo lưới, anh Tâm để một miếng phao nổi, khi vừa rải thức ăn lên phao thì hàng trăm chú cá thi nhau vượt cạn tìm mồi, tạo nên cảnh tượng rất thú vị. Khi hết thức ăn, phần nhiều cá trườn lại xuống nước, nhưng cũng có chú cá nằm sẵn trên phao nổi, chờ đợt thức ăn kế tiếp. Sự dạn dĩ, háu ăn của đàn cá trê khiến du khách rất hào hứng. Anh Chu Thế Anh, du khách đến từ Hà Nội, nói: “Tôi không ngờ cá trê lại dạn dĩ và đáng yêu đến vậy. Cảnh cá đớp mồi trên cạn cũng rất ấn tượng, tôi mới được thấy lần đầu”.

Cạnh bên, anh Tâm đang rầy một vèo cá trê mới, đang lớn bằng ngón tay cái người lớn. Dù nuôi chưa lâu, nhưng bầy cá trê này cũng đã “vượt cạn” không kém bầy cá “đàn anh” vì được anh Tâm tập dượt, huấn luyện từ khi còn là cá bột. Anh Tâm cho biết: Bầy cá nhỏ này có khoảng 2.000 con nhưng anh phải mua đến 10.000 con giống. Lý do là khi mua giống về, anh sẽ tuyển lựa những chú cá thân hình dài, vây đẹp, khỏe mạnh để huấn luyện cho “vượt cạn”. Ban đầu, anh Tâm cũng gặp khó khăn để huấn luyện cho cá “vượt cạn” vì tập tính của cá trê là ăn tầng đáy. Nhưng vì biết tập tính cá trê là loài háu ăn nên anh quyết theo đuổi loại hình này. “Trong tháng đầu, tôi tập cho chúng hợp lại thành đàn. Dần dần, huấn luyện cho chúng vượt lên mặt nước. Từ 1cm, 2cm… đến nay cá trê đã vượt cạn đến được 7cm, thậm chí cả tấc. Đàn cá trê lớn 700 con này tôi phải mất 4 tháng để huấn luyện thành công”, anh Tâm kể.

Xem cá là “thú cưng”

Trước đó, hai sản phẩm du lịch là cá lóc “bay” và cá “bú bình” của anh Tâm cũng khiến du khách thích thú khám phá, tạo được hiệu ứng tốt cho du lịch cồn Sơn. Đầu tiên là mô hình cá lóc “bay”, anh Tâm huấn luyện cho cá khi ăn sẽ đồng loạt bay lên cao khỏi mặt nước để đớp mồi. Khi những chú cá lóc “biết bay” đó già, nặng ký, “bay” không nổi thì anh Tâm không bán đi mà thả cá ra ao, mương quanh nhà. Sau khi cá đã quen môi trường tự nhiên, anh Tâm sẽ mở cống thoát nước thả cá về sông. Anh Tâm lý giải nhân văn rằng, những chú cá đó cả “thanh xuân” đã gắn bó với anh, giúp anh kiếm tiền, phục vụ du khách, thì không lòng nào anh đem chúng đi bán hoặc làm thịt. Sở dĩ anh phải thả trong mương vườn một thời gian là vì cho cá quen với môi trường tự nhiên, biết săn mồi tốt, khi thả ra sông cá đã thành thục, lanh lợi như cá đồng, cá sông, kỹ năng sinh tồn cao hơn.

Nhưng, có lẽ vì người mến cá nên cá cũng mến người, một số con cá lớn không chịu về sông mà cứ lẩn quẩn trong mương vườn nhà anh Tâm, chỗ anh hay rửa chén. Thấy vậy, anh tự nghĩ, sẽ cho chúng “dưỡng già” bằng cách chăm mớm cho ăn bằng bình sữa chơi. Nếu thành công biết đâu có cái hay để du khách trải nghiệm. Cá “bú bình” ra đời từ đó. Anh Tâm bỏ thức ăn viên cho cá vào bình sữa rồi mang ra sàn nước tạo tiếng động để cá tìm đến “bú bình”. Ban đầu chỉ hơn chục con lại, nhưng dần dà, đàn cá có mặt đông đủ, chen chúc nhau để được “bú bình”. Nhiều con cá đôi khi còn ngậm cả bình sữa để lôi đi. Mương vườn có hệ sinh thái gần giống với môi trường tự nhiên nên cá khá nhát, anh Tâm phải mất rất nhiều thời gian để huấn luyện.

Nhìn lại chặng đường dạy cá làm “xiếc”, anh Tâm quả quyết rằng: Phải nâng niu, xem cá như “thú cưng” thì mới có thể dạy cá làm trò được. Ngoài ra, việc làm này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó học hỏi và nắm được tập tính, thói quen sinh trưởng của mỗi loài cá để có cách huấn luyện phù hợp. Với 25 năm gắn bó với nghề nuôi cá, anh Tâm tự tin để huấn luyện đàn cá làm trò.

* * *

Du lịch cộng đồng cồn Sơn nổi tiếng với hệ sinh thái miệt vườn, sự mộc mạc của người dân xứ cồn và những nét sinh hoạt đời thường dân dã. Con cá, cọng rau trên đất này cũng vì thế mà mang trên mình “tiềm năng” du lịch, một khi được người dân xứ cồn khai thác sẽ thành sản phẩm độc đáo. Câu chuyện “Vua xiếc cá” Nguyễn Thành Tâm là điển hình. Thành công của anh Tâm đến từ sự tâm huyết với nghề nghiệp, sản vật quê nhà và lối sống thuận tự nhiên, trân quý thiên nhiên. Suy nghĩ “thả cá về sông” của anh Tâm cũng là một trong những biểu hiện cho cách làm du lịch bền vững của bà con cồn Sơn.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Từ khóa » Xiếc ăn