Vui Buồn Xiếc Khỉ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Mong manh một gánh xiếc rong…
  • Gala xiếc quốc tế chào Xuân 2016
  • Hai biên đạo Việt bắt tay cùng "Gánh xiếc Mặt trời"

1. So với một số con vật khác trên sân khấu xiếc, khỉ được ví như những nghệ sĩ - chú hề nhí, mang lại tiếng cười, sự sảng khoái đặc biệt với các bạn nhỏ bởi những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu, hài hước, láu cá mà ít con vật nào có được. Để thêm hiểu về công việc của những thầy và trò đặc biệt này, chúng tôi đã tới gặp nghệ sĩ Nguyễn Chí Quang - người thường được anh em gọi bằng cái tên Quang "khỉ" sau hơn 20 năm gắn bó với công việc huấn luyện và biểu diễn xiếc khỉ tại Liên đoàn xiếc Việt Nam. Để cùng anh trải lòng với đầy đủ buồn vui khi theo đuổi nghề nghiệp đặc biệt này.

Nghệ sĩ Chí Quang tâm sự, tốt nghiệp trường Xiếc Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từng có thời gian biểu diễn xiếc ngựa, xiếc voi nhưng những chú khỉ láu lỉnh, tinh nghịch đã trở thành người bạn của anh từ hơn 20 năm qua. Bao năm làm việc, chơi đùa cùng khỉ, với anh, khỉ như những đứa trẻ nhỏ, thông minh, hiếu động nhưng hay mất tập trung.

Bù lại, khỉ bắt chước khá nhanh cũng như tay chân khéo léo, có khả năng cầm nắm nên so với các loại thú khác, khỉ được huấn luyện nhiều động tác nhất. Tuy nhiên, lựa chọn khỉ để huấn luyện xiếc cũng công phu và chủ yếu phụ thuộc vào con mắt nhà nghề của những huấn luyện viên. Ưu tiên hàng đầu là những chú khỉ có thân hình hài hòa, cân đối, mặt đẹp, tay chân đẹp. Sau đó, chỉ cần quan sát các con khỉ chơi với nhau, các huấn luyện viên sẽ tìm ngay ra được những con khỉ có tố chất tập xiếc. Đó là những con khỉ nhanh nhẹn, láu lỉnh, nhiều trò. "Việc chọn khỉ giống như sơ tuyển diễn viên ấy. Những con nghịch ngợm thường là những con thông minh" - nghệ sĩ Chí Quang chia sẻ.

Nghệ sĩ Chí Quang cùng các chú khỉ đang luyện tập tiết mục khỉ đi xe đạp.

Trong nhiều loài khỉ thì khỉ lông vàng luôn được các huấn luyện viên ưu tiên chọn vì đó là loài khỉ nhanh nhẹn, có khả năng bắt chước động tác nhanh. Theo kinh nghiệm của nghệ sĩ Chí Quang thì con khỉ đực phù hợp với luyện tập xiếc hơn con cái bởi tố chất mạnh khỏe như những người đàn ông. Khỉ cái hiền lành, đáng yêu nhưng cũng thường yếu ớt hơn.

Con khỉ được 2 năm tuổi cũng là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu công việc huấn luyện bởi sự phát triển tương đối về hình thể và nhận thức. Tuổi đời của khỉ khi ấy nếu so sánh với con người thì tương đương như một cậu bé 6 - 7 tuổi. Anh Quang cho biết, không phải con nào cũng có khả năng tập luyện các tiết mục như nhau. Có con giỏi về thăng bằng, có con khéo tay thuận lợi với động tác tung hứng, có con khỏe chân lại phù hợp với động tác đạp xe... nên các huấn luyện viên phải hiểu rõ từng con một để sắp xếp động tác phù hợp.

2. Để có được một tiết mục xiếc thú biểu diễn vài phút dưới ánh đèn sân khấu là rất nhiều tháng ngày tập luyện vất vả của cả thầy và trò nhỏ đặc biệt. Nghệ sĩ Chí Quang tâm sự: "Bạn cứ tưởng tượng chỉ một động tác như khỉ đi xe đạp thôi nhưng chúng tôi cũng phải tập luyện với nhau mấy tháng trời. Đầu tiên, để những chú khỉ quen với bàn đạp, huấn luyện viên cho khỉ ngồi lên yên xe rồi dùng tay quay. Cứ ngồi quay như vậy ròng rã mấy tháng trời cho đến khi chân của khỉ quen và biết giữ pê - đan. Rồi cũng từng ấy thời gian tập cho những chú khỉ biết tự đạp, biết giữ thăng bằng.

Thuần thục động tác thì lại tập cho khỉ quen với tiếng nhạc, quen với sân khấu ngập tràn ánh sáng và náo nhiệt. Động tác nào cũng phải luyện tập từng bước một, không thể đốt cháy giai đoạn. Chưa kể, với những động tác xiếc tập thể thì lại càng công phu trong quá trình tập luyện. Nhưng thực ra, trong xiếc khỉ, không phải những động tác trơn tru mới hấp dẫn khán giả nhí. Mà nhiều khi chính những hành động như đổ xe, ngã kềnh càng của những chú khỉ lại khiến khán giả cười nghiêng ngả".

Chính vì vậy kiên trì, nhẫn nại và yêu thú, đó là những phẩm chất không thể thiếu của người huấn luyện xiếc thú. Chỉ có tình yêu, sự đam mê công việc mới khiến con người ta ngồi thực hiện những động tác quen thuộc đơn điệu trong những phòng tập quay quanh năm hôi hám dù có được vệ sinh thường xuyên đến mấy. Nghề huấn luyện xiếc thú cũng chẳng có bất kỳ một loại giáo trình nào, chỉ là những kinh nghiệm truyền miệng và sự mày mò tự học. Chính vì thế, những nghệ sĩ có tuổi, nhiều kinh nghiệm thường thành công hơn so với những nghệ sĩ trẻ.

Anh Quang bảo, vì khỉ khá thông minh, nhanh nhẹn nên huấn luyện viên cũng phải nghiêm khắc ngay từ đầu vì nếu không "nắm được thóp" là các học trò nhí "nhờn" ngay, không dạy được. Nhưng chỉ thiết quân luật khi tập luyện, còn bình thường thầy - trò lại thoải mái vui đùa cùng nhau. Từ kinh nghiệm cho thấy, tính cách của người dạy ảnh hưởng rất lớn đến tính cách con vật. Nếu người dạy thú cục cằn, thô lỗ rất dễ khiến con vật nóng tính. Ngược lại, người huấn luyện biết tùy lúc cương - nhu sẽ khiến các chú khỉ học và hứng thú với động tác.

Mất không ít thời gian, nghệ sĩ Chí Quang cùng các “bạn diễn” của mình mới thành thạo tiết mục “đế vòng khỉ”.

"Nhiều khi tập gần xong một động tác, tôi cho nghỉ rồi ngồi vuốt lưng khỉ nhắn nhủ: "Hôm nay tập thế thôi, về nhà suy nghĩ đi nhé! Mai tập tiếp" thì hôm sau, các "bạn" ấy thuộc bài rất tốt. Cảm giác khi thầy và trò thực hiện được một động tác sung sướng, hạnh phúc vô cùng" - anh Quang bộc bạch.

3. Công việc huấn luyện xiếc khỉ vất vả và không phải không có những nguy hiểm. Nghệ sĩ Chí Quang cho tôi xem vết khâu dài như một chiếc vòng ở quanh cổ tay anh. Đó là vết tích của một lần bị khỉ cắn. "Trên người tôi nhiều sẹo lắm. Có lần khỉ cắn đúng vào gân tay, máu phun thành dòng. Bực mình chút chút thôi nhưng chẳng ghét chúng được. Vì mình hiểu chúng cũng như mình, không tránh khỏi những lúc cáu giận. Nhất là, ngay sau khi cắn xong, chúng lại cụp mắt xuống, cun cút như người biết lỗi.

Khi cáu giận loài khỉ thường trợn mắt và kêu nhưng những tai nạn nghề nghiệp kiểu này diễn ra như cơm bữa. Gần trọn một đời gắn bó với xiếc khỉ, với nghệ sĩ Chí Quang là vô vàn kỷ niệm thú vị. Có khi đang biểu diễn giữa sân khấu thì một chú khỉ vô tư ị ra khiến diễn viên ngay lập tức nhặt đút vào... túi áo mình. Có khi vừa biểu diễn xong, cả thầy và trò cùng cúi chào khán giả thì chú khỉ chạy ù đi mất.

Hay có lần đi biểu diễn ở Tuần Châu, một chú khỉ sổng chuồng khiến cả đoàn nháo nhác đi tìm nhưng không thấy. Sáng hôm sau lại thấy chú quay lại, ngồi thu lu trong chuồng. Hóa ra vừa nhớ bạn, vừa không quen môi trường mới, chú lại quay về với đoàn.

Đã từ lâu, những chú khỉ đã trở thành người bạn thân thiết tới mức nhiều hôm dù không có lịch tập luyện, anh Quang vẫn ghé qua như thăm những người bạn của mình. Mười chú khỉ trong đội được đặt bằng những cái tên rất đáng yêu như Rơi, Giác, Nâu, Hung, Nu... Khi đã quen thuộc, trong lúc tập luyện, chỉ cần gọi tên là các chú sẵn sàng vào vị trí của mình. Có chú khỉ đã gắn bó với anh mấy chục năm trời.

Gần đây, có một chú khỉ già ốm bệnh mất. Anh cảm thấy hụt hẫng như vắng đi một người bạn của mình. "Tôi hay ngồi quan sát và thấy khỉ già có nhiều đặc điểm giống như con người ấy. Cũng thường ngồi một mình lẩn thẩn đưa tay quờ quạng, nhặt nhạnh cái gì đó. Mà thực ra không có gì cả". Như một cơ chế tự nhiên, bao giờ trong đoàn cũng có một chú khỉ đầu đàn. Khi tập luyện thì cả đoàn khỉ nghe theo hiệu lệnh của người hướng dẫn. Nhưng khi về chuồng thì chúng lại nhất nhất nghe theo sự phân công của trưởng đàn ấy.

Với những nghệ sĩ biểu diễn xiếc thú như Chí Quang, niềm vui của anh chính là sự yêu quý của khán giả. Nhưng phía sau hạnh phúc ấy lại là trăn trở của một người say nghề, tâm huyết với nghề: "Cùng lớp học xiếc thú với tôi ngày ấy là 30 người nhưng giờ chỉ có duy nhất một mình tôi theo nghề. Công việc vất vả, đãi ngộ lại không phù hợp nên rất ít người trụ lại với nghề. Ngay tại Liên đoàn giờ cũng chỉ có 3 người theo xiếc khỉ. Hiện nay, rất ít bạn trẻ muốn theo học nghề này. Nếu chúng ta không có sự thay đổi trong cơ chế thì dễ khiến nghề bị mai một".

Từ khóa » Hình ảnh Khỉ Diễn Xiếc