Vui Tết Cổ Truyền Của Cộng đồng Dân Tộc Hà Nhì ở Cực Tây Tổ Quốc

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Vui Tết cổ truyền của cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc ảnh 1Thiếu nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Tại tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Hà Nhì (thuộc hai nhóm là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ) sinh sống tại 4 xã vùng biên gồm Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Là chủ thể của vùng đất cực Tây Tổ quốc, qua quá trình định cư, sinh sống, xây dựng bản làng, người Hà Nhì đã bảo tồn, trao truyền được nền tảng văn hóa phong phú, đậm sắc thái và mang tính văn hóa đặc trưng.

Về cực Tây vào thời điểm này, du khách sẽ được dự Tết Khụ Sự Chà - Tết cổ truyền của cộng đồng người Hà Nhì, cảm nhận được văn hóa trọng tình, mến khách, khám phá không gian văn hóa bản làng, trải nghiệm nhịp sống, nét sinh hoạt và hòa mình trong những nghi lễ Tết cổ truyền của người dân nơi đây.

Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết Khụ Sự Chà từ ngày 10/12. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn tụ, con cháu báo hiếu tiên tổ, bậc sinh thành, mọi người thăm hỏi, cầu chúc cho nhau những điều may mắn, tình đoàn kết bản làng càng thêm bền chặt hơn.

Chị Pờ Lụ Xì Mé, người Hà Nhì, ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cho biết theo nghĩa phiên âm tiếng Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Lạ Mí), "Khụ" là năm, "Sự" là mới, "Chà" là ăn Tết, Khụ Sự Chà là ăn Tết năm mới.

Tết Khụ Sự Chà còn được người Hà Nhì nhóm Hà Nhì Cồ Chồ gọi là Tết Hồ Sự Chà, "hồ" là cơm. Hồ Sự Chà là ăn Tết cơm mới. Vì thời điểm diễn ra Tết là lúc khép lại một năm lao động sản xuất, mùa màng, cây lúa trên nương, ngoài ruộng đã thu hoạch xong.

Tết năm nay kéo dài trong 3 ngày chính. Để chuẩn bị đón Tết, các gia đình đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp, thêu thùa khăn, trang phục mới cho các thành viên trong gia đình từ nhiều ngày trước.

[Vui Tết Mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Điện Biên]

Sín Thầu (huyện Mường Nhé) nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 300km. Toàn xã hiện có hơn 320 hộ với gần 1.400 nhân khẩu sinh sống ở 6 bản, trong đó người Hà Nhì chiếm 96% dân số xã.

Nói Sín Thầu là mảnh đất "một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe" bởi trên đỉnh Khoan La San (cao gần 1.900 mét so với mực nước biển) thuộc dãy Pu Đen Đinh nơi miền biên viên Sín Thầu có mốc 0 - mốc giao điểm 3 đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc-Lào, phân định ranh giới, cương thổ của ba nước.

Sáng sớm của ngày đầu tiên trong Tết Khụ Sự Chà, lúc núi rừng, bản làng còn đang chìm trong sương đêm và hơi lạnh, màu đêm vẫn chưa sáng tỏ mặt người, âm thanh dòng chảy của suối Mo Phí vẫn còn vọng đều qua bản làng thì người Hà Nhì ở các bản Tả Kố Khừ, Tá Miếu, Lỳ Mà Tá… (xã Sín Thầu) đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ…

Trong bếp, bên ánh lửa bập bùng, các mẹ, các chị, em gái Hà Nhì đang chăm chỉ, hối hả làm bánh trôi ("chà lẹ") để làm lễ cúng bái tổ tiên. Mọi thành viên khác trong gia đình cũng tất bật với các công việc chuẩn bị cho lễ cúng đầu tiên của năm mới.

Bản làng nhanh chóng rộn ràng bởi tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe máy của người đi đường nối tiếp nhau, vang vọng từ các bản làng.

Trong gian bếp bên hiên nhà, bà Sừng Kim Thu đang chăm chỉ, đều tay nặn bánh trôi và thả bánh vào nồi nước sôi trên bếp. Phụ giúp với bà còn có người con dâu. Theo bàc Thu và mọi người trong gia đình, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình trong dịp Tết Khụ Sự Chà.

Lễ cúng này nhằm thông báo, gọi mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, cùng bản làng. Đây là sự thể hiện tấm lòng thành kính, sự tri ân, hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ. Trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh trôi là món ăn đầu tiên của tổ tiên khi về dự Tết.

Bánh trôi làm từ nguyên liệu bột nếp nương, được mỗi gia đình lựa chọn, chuẩn bị kỹ từ nhiều ngày trước. Sau khi được nhào nước, bột nếp được nặn thành từng viên nhỏ, đều rồi thả vào nồi nước sôi, đun đến khi bánh nổi lên là vớt ra.

Vui Tết cổ truyền của cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc ảnh 2Một phụ nữ Hà Nhì làm bánh trôi. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Ngoài ra, chủ nhà sẽ nặn và nấu ba chiếc bánh trôi có kích thước khá to, dáng hình tròn, đẹp. Khi bánh chín, gia chủ sẽ xếp bánh trên một chiếc lá chuối non, rắc thêm hạt vừng (mè) đã rang chín lên bề mặt rồi đem ba chiếc bánh này vào cúng tổ tiên. Bên mâm cúng với lễ thức là bánh trôi, gia chủ -người có vai vế trong gia đình - sẽ làm lễ. Khi thực hiện xong lễ thức cúng tổ tiên, mọi người trong gia đình sẽ ngồi quây quần bên nhau cùng ăn bánh trôi trong niềm vui đầu Xuân mới.

Công việc quan trọng, náo nhiệt và cần đến nhiều người trong gia đình tham gia nhất là mổ lợn. Trước khi mổ lợn, gia chủ sẽ cho lợn ăn một chút gạo, muối, uống chút rượu, nước... được đựng trong những chiếc bát nhỏ. Trong dịp Tết, người Hà Nhì chỉ mổ lợn trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba.

Người Hà Nhì quan niệm ngày đầu tiên ăn Tết là ngày Thìn (Rồng), ngày thứ hai là ngày Tỵ (Rắn)-xung khắc với Hợi (Lợn), nếu mổ lợn vào ngày xung khắc, sau này chăn nuôi sẽ không thuận. Việc mổ lợn có trình tự, cách thức rất riêng, từ vị trí mổ, các bộ phận mổ trước, mổ sau trên cơ thể lợn được gia chủ và các thành viên trong gia đình thực hiện bài bản theo quy định.

Điều độc đáo trong ngày Tết Khụ Sự Chà là người Hà Nhì có tục bói gan, mật lợn. Khi mổ lợn, bộ phận gan, mật của lợn được lấy ra trước tiên, rửa bằng nước sạch, bỏ trên chiếc đĩa to, tròn và đặt ở nơi trang trọng.

Khi việc mổ lợn kết thúc, gia chủ sẽ tiến hành lễ thức bói gan, mật lợn. Người thực hiện công việc này là chủ nhà, có vai trò trụ cột trong gia đình, có tầm ảnh hưởng trong gia đình, dòng họ, bản làng.

Nếu gan lợn lành lặn, sắc màu tươi, mật lợn căng đầy thì đó là điều viên mãn, tốt đẹp, hứa hẹn sang năm mới kinh tế, mùa màng, chăn nuôi của gia đình gặp thuận lợi, gia đình, dòng họ luôn thuận hòa, đoàn kết.

Thịt lợn mổ xong, các bộ phận sẽ được gia chủ lấy một ít đem đi luộc chín để bày biện lên mâm cỗ cúng bái tổ tiên. Số thịt lợn còn lại chế biến thành các món ăn để tiếp khách và bảo quản, sử dụng dần những ngày trong và sau Tết.

Nghi thức cúng gia tiên diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm, các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình hồi cố, tri ân công ơn của các thế hệ đi trước đã có công tạo lập và xây dựng bản làng. Mọi người mong cầu tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu sang năm mới có sức khỏe dồi dào, đạt được tâm nguyện cho bản thân, gia đình, ước mong mọi nhà đều đầm ấm, hòa thuận, mùa màng no đủ, bản làng đoàn kết.

Trưa của ngày đầu tiên trong dịp Tết, không khí bản làng thật rộn ràng khi mọi người, mọi nhà tổ chức đi thăm thân, chúc phúc cho nhau. Đây là lúc văn hóa trọng tình, mến khách, tâm hồn khoáng đạt và tính cách cởi mở của người Hà Nhì nơi miền biên viễn Sín Thầu thể hiện rõ nhất, dễ cảm nhận nhất.

Theo ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu, những năm qua, ngoài những mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên cương, Đảng bộ, Chính quyền địa phương quan tâm xây dựng các quy ước, hương ước mới tiến bộ để xây dựng nền "thiết chế" bản làng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc của người Hà Nhì nơi miền biên cương cực Tây Tổ quốc.

Sáng sớm ngày thứ hai của Tết Khự Sự Chà, hoạt động giã bánh dày ("gạ bạ") tại từng gia đình lại tiếp tục diễn ra, âm thanh giã bánh dày lại vang vọng khắp bản làng, sôi động cả một vùng biên. Một chiếc bánh dày to, tròn đều, hình dáng đẹp nhất được gia chủ đắp nặn trong mẻ giã đầu đế cúng mời tổ tiên. Sau nghi thức cúng, mọi người lại tiếp tục đi thăm hỏi, chúc Tết nhau trong niềm vui ấm áp, giao hòa tình thân và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của cộng đồng người Hà Nhì như bập bênh ("à chu chì"), chơi đu ("a gừ chì"), ném còn ("lê po á sì pè")...

Trên con đường liên bản tìm đến các nhà để chúc Tết, những thiếu nữ Hà Nhì trong những bộ trang phục truyền thống đa sắc, tinh tế trong sự phối màu sẽ thể hiện những điệu múa, điệu hát... Tiếng nói, tiếng cười cứ vọng đều trên những con đường lên bản, cả trên thảo nguyên Tá Miếu.

Chị Pờ Lụ Xì Mé, người Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, cho biết Tết Khụ Sự Chà năm nay, để phòng, chống dịch, hạn chế tụ tập đông người nên phần hội không tổ chức tập trung, quy mô như các năm trước. Người dân tự chơi các trò chơi dân gian trên những bãi đất trống trong bản, hoặc bên hiên nhà.

Nền tảng cốt lõi, giá trị văn hóa tiêu biểu của Tết Khụ Sự Chà phản ánh nét đẹp truyền thống được biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận, biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành.

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp đến Tết Khụ Sự Chà, du khách thập phương lại mong muốn được đặt chân đến Sín Thầu để hòa mình vào không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì nơi biên cương Tổ quốc./.

Một góc bản làng Tả Cố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Để đón Tết cổ truyền, trước đó nhiều ngày, cộng đồng dân bản đã dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bản làng thêm sạch đẹp, khang trang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Một góc bản làng Tả Cố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Để đón Tết cổ truyền, trước đó nhiều ngày, cộng đồng dân bản đã dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bản làng thêm sạch đẹp, khang trang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Nghi thức cúng tổ tiên với món bánh trôi là sự thể hiện tấm lòng thành kính, sự tri ân, hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Nghi thức cúng tổ tiên với món bánh trôi là sự thể hiện tấm lòng thành kính, sự tri ân, hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình, bởi đó là món ăn đầu tiên mời tổ tiên khi về dự Tết cùng gia đình. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình, bởi đó là món ăn đầu tiên mời tổ tiên khi về dự Tết cùng gia đình. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Phụ nữ Hà Nhì giã bánh dày chế biến từ nguyên liệu nếp nương có đặc tính thơm, dẻo để sử dụng trong dịp Tết và làm quà biếu khách chúc Tết gia đình. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Phụ nữ Hà Nhì giã bánh dày chế biến từ nguyên liệu nếp nương có đặc tính thơm, dẻo để sử dụng trong dịp Tết và làm quà biếu khách chúc Tết gia đình. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Sau khi kết thúc bữa ăn sáng với món bánh trôi, các gia đình sẽ tiến hành mổ lợn để lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện các nghi thức cúng lễ và tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình, chế biến thành các món ăn tiếp đãi khách trong những ngày Tết. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Sau khi kết thúc bữa ăn sáng với món bánh trôi, các gia đình sẽ tiến hành mổ lợn để lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện các nghi thức cúng lễ và tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình, chế biến thành các món ăn tiếp đãi khách trong những ngày Tết. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Giống như như người Kinh có tục bói chân gà trong dịp tết, tập tục bói gan, mật lợn đã được người Hà Nhì bảo lưu, trao truyền từ bao đời nay trong quá trình thiên di rồi định cư, lập bản ở vùng đất cực Tây của Tổ quốc và trở thành nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hà Nhì. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Giống như như người Kinh có tục bói chân gà trong dịp tết, tập tục bói gan, mật lợn đã được người Hà Nhì bảo lưu, trao truyền từ bao đời nay trong quá trình thiên di rồi định cư, lập bản ở vùng đất cực Tây của Tổ quốc và trở thành nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hà Nhì. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thầy cúng thực hiện nghi thức dâng lễ vật cúng tế trong ngôi miếu trên địa bàn bản Tá Miếu (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Hoạt động này diễn thường niên mỗi khi bản làng Tá Miếu chuẩn bị bước vào Tết Cổ truyền Hồ Sự Chà.(Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thầy cúng thực hiện nghi thức dâng lễ vật cúng tế trong ngôi miếu trên địa bàn bản Tá Miếu (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Hoạt động này diễn thường niên mỗi khi bản làng Tá Miếu chuẩn bị bước vào Tết Cổ truyền Hồ Sự Chà.(Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hai thiếu nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống của dân tộc đang đi chúc Tết, chơi hội xuân ở bản Tá Miếu. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Hai thiếu nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống của dân tộc đang đi chúc Tết, chơi hội xuân ở bản Tá Miếu. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Dịp Tết cổ truyền Hồ Sự Chà, các thiếu nữ lựa chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất để mặc đi chúc tết, tham dự lễ hội. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Dịp Tết cổ truyền Hồ Sự Chà, các thiếu nữ lựa chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất để mặc đi chúc tết, tham dự lễ hội. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thiếu nữ người Hà Nhì trong trang phục truyền thống khi đi chơi lễ trong dịp Tết cổ truyền Hồ Sự Chà. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thiếu nữ người Hà Nhì trong trang phục truyền thống khi đi chơi lễ trong dịp Tết cổ truyền Hồ Sự Chà. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Các thiếu nữ Hà Nhì chơi đu quay. Đây là một trò chơi dân gian, mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng người Hà Nhì. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Các thiếu nữ Hà Nhì chơi đu quay. Đây là một trò chơi dân gian, mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng người Hà Nhì. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thiếu nữ Hà Nhì tham dự hội xuân, chơi trò chơi ném còn trên thảo nguyên bản Tá Miếu. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Thiếu nữ Hà Nhì tham dự hội xuân, chơi trò chơi ném còn trên thảo nguyên bản Tá Miếu. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Dân Tộc Hà Nhì điện Biên