Vùng đất Hưng Yên Với Những Biến đổi Về địa Giới Hành Chính
Có thể bạn quan tâm
Bản đồ tỉnh Hưng Yên |
Lịch sử vùng Hưng Yên từ thời Hùng Vương và qua suốt thời kỳ Bắc thuộc là đất Giao Chỉ. Đến thời Ngô, Đinh gọi là Đằng Châu; thời Tiền Lê đổi đất Đằng Châu thành phủ Thái Bình; thời Lý đổi lại thành Châu Đằng, Châu Khoái. Đến thời Trần đổi châu thành lộ, tên gọi Khoái Lộ; thời thuộc Minh nhập vào phủ Kiến Xương; thời Lê đổi thành đạo Thiên Trường; sau lại đặt ra thừa tuyên Sơn Nam. Thời Hậu Lê đổi thành trấn Sơn Nam, xong chia làm hai trấn (Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ). Đến tháng 10/1831, thời Nguyễn, bỏ các trấn lập ra tỉnh, thành lập tỉnh Hưng Yên.
Dấu ấn đặc biệt của vùng đất Hưng Yên được nổi danh từ thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh với tên gọi Phố Hiến, là thương cảng quan trọng bậc nhất ở Đàng Ngoài. Thuyền bè ngược sông Hồng vào Kinh thành Thăng Long đều dừng ở đây. Thời kỳ đó, Kinh thành Thăng Long có 36 phường, thì Phố Hiến có trên 20 phường và Phố Hiến thực sự được coi là một “Tiểu Tràng An”. Do vậy, dân gian đã có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Theo sách sử Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại khi thành lập tỉnh Hưng Yên: “năm (Minh Mệnh) thứ 12, chia tỉnh hạt, tách 5 huyện (Đông An, Kim Động, Thiên Thi, Phù Dung, Tiên Lữ) thuộc phủ Khoái Châu trấn Sơn Nam và 3 huyện (Hưng Nhân, Thần Khê, Duyên Hà) thuộc phủ Tiên Hưng trấn Nam Định đặt làm tỉnh Hưng Yên”(1).
Những thay đổi, điều chỉnh rất đáng chú ý trong quá trình phát triển tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ
Thời kỳ trước năm 1831
Từ thời Hùng Vương, qua thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Hưng Yên tên gọi Tượng Quận cho đến thời Triệu, nhà Hán đổi tên thành quận Giao Chỉ. Năm 607, thời Tùy chia đất Giao Châu thành các quận, vùng Hưng Yên vẫn thuộc quận Giao Chỉ. Năm 679, thời Đường đã chia đất Giao Châu ra thành các huyện, vùng Hưng Yên thuộc huyện Vũ Bình. Năm 938, thời Ngô, vùng Hưng Yên thuộc đất Đằng Châu. Năm 974, thời Đinh chia trong nước ra các đạo, vùng Hưng Yên thuộc Đằng Đạo. Năm 1002, thời Tiền Lê đã đổi đạo thành ra lộ, phủ và châu, vùng Hưng Yên thuộc về Đằng Châu. Năm 1005, đã đổi Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Năm 1010 – 1222, thời Lý chia cả nước ra thành các lộ, Hưng Yên thuộc Lộ Khoái. Năm 1242, thời Trần, chia các lộ trong nước và Hưng Yên thuộc Khoái Lộ. Năm 1407, thời Minh đổi An Nam thành Giao Chỉ, vùng Hưng Yên thuộc Phủ Kiến Xương. Năm 1426 – 1428, thời Lê, vùng Hưng Yên thuộc Nam Đạo. Năm 1466, đã chia ra các đạo thừa tuyên, Hưng Yên thuộc Thừa tuyên Thiên Trường. Năm 1469, Hưng Yên thuộc Thừa tuyên Thiên Trường đổi thành Sơn Nam. Năm 1490, vùng đất Hưng Yên thuộc xứ Sơn Nam. Năm 1527, thời Mạc, vùng Hưng Yên thuộc vào Hải Dương. Năm 1741, thời Hậu Lê, chia Sơn Nam thành Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ. Năm 1778, thời Tây Sơn đã đổi lại như cũ, vùng Hưng Yên thuộc trấn Sơn Nam. Năm 1802, đặt lại các trấn, phủ, huyện, Trấn Sơn Nam Thượng thuộc Bắc Thành. Năm 1822, Trấn Sơn Nam Thượng đổi thành Trấn Sơn Nam. Năm 1831, tên tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên xuất hiện.
Từ năm 1831 đến năm 1945
Tháng 10/1831 (Minh Mệnh thứ 12), triều đình nhà Nguyễn ở Huế thực hiện cải cách hành chính xóa bỏ tổng, trấn và chia đặt địa hạt các tỉnh. Tỉnh Hưng Yên được thành lập gồm 02 phủ, 08 huyện; phủ Khoái Châu có 05 huyện: Đông An, Kim Động, Thiên Thi, Phù Dung, Tiên Lữ của trấn Sơn Nam và phủ Tiên Hưng có 03 huyện: Hưng Nhân, Thần Khê, Duyên Hà. Năm 1832, chia tách hai huyện (Phù Cừ và Tiên Lữ) lập phủ Khoái Châu. Năm 1842, đổi tên huyện Phù Dung thành huyện Phù Cừ. Năm 1851, đặt huyện Phù Cừ vào phủ Khoái Châu, huyện Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu chuyển về phủ Tiên Hưng. Năm 1862, đổi huyện Thiên Thi thành huyện Ân Thi. Năm 1885, đổi tên huyện Đường Hào thành huyện Mỹ Hào.
Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương thành lập đạo Bãi Sậy, gồm 04 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm từ một số tổng thuộc Đông Yên, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên, một số tổng huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương, một số tổng của huyện Văn Giang, Gia Lâm và Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh. Năm 1890, đã cắt huyện Thần Khê thuộc tỉnh Hưng Yên sáp nhập vào tỉnh Thái Bình; huyện Tiên Lữ thuộc phủ Tiên Hưng chuyển trở về phủ Khoái Châu. Năm 1891, bãi bỏ đạo Bãi Sậy, đưa các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Năm 1894, cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thuộc phủ Tiên Hưng của tỉnh Hưng Yên chuyển về tỉnh Thái Bình. Năm 1898, thành lập một số trung tâm hành chính ở Bắc Kỳ, trung tâm hành chính của tỉnh Hưng Yên đặt ở Bần Yên Nhân.
Từ năm 1945 đến năm 1968
Năm 1946, Ủy ban Hành chính Bắc Bộ thành lập thị xã Hưng Yên gồm hai khu phố là Đẩu Lĩnh và Đằng Giang; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Văn Giang và huyện Văn Lâm (Nghị định số 79-NV-QP/NĐ ngày 06/6/1946 của Liên bộ Nội vụ và Quốc phòng về phương diện kháng chiến và hành chính). Năm 1948, sáp nhập huyện Gia Lâm vào tỉnh Hưng Yên (Sắc lệnh số 263-SL ngày 28/11/1948 của Chủ tịch Chính phủ). Năm 1949, chia huyện Gia Lâm về tỉnh Bắc Ninh (Sắc lệnh số 131-SL ngày 07/11/1949 của Chủ tịch Chính phủ). Năm 1950, Chính quyền thực dân thành lập quận Văn Giang – Khoái Châu, Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ; quận Phù Cừ, điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Hưng Yên và thành lập quận Phố hiến, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi.
Năm 1951, tách quận Văn Giang – Khoái Châu thành 02 quận, cắt Văn Giang về Gia Lâm; cắt 03 xã của quận Bình Giang tỉnh Hải Dương về Ân Thi; sáp nhập 04 thôn thuộc xã Yên Từ của quận Duy Tiên vào Kim Động. Năm 1952, sáp nhập hai quận Bình Giang và Thanh Miện vào tỉnh Hưng Yên; cắt hai quận Mỹ Hào và Văn Lâm về Gia Lâm. Năm 1955, đổi tên các phố ở thị xã Hưng Yên; cắt 03 thôn xã Hiến Nam về huyện Tiên Lữ và cắt 02 thôn xã Hiến Nam về huyện Kim Động (Quyết định số 51/TCCB ngày 13/02/1955 của Ủy ban Hành chính tỉnh); điều chỉnh địa giới một số huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Ân Thi (Quyết nghị số 33-QN, ngày 14/9/1955 của Ủy ban Hành chính tỉnh). Năm 1956, cắt xã Nghĩa Hưng của huyện Văn Lâm về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1957, đổi tên 03 xã của huyện Phù Cừ (Quyết nghị số 203/TCCB ngày 17/01/1957 của Ủy ban Hành chính tỉnh); chia hai xã thành ra 04 xã của huyện Phù Cừ (Quyết nghị số 1460/TCCB ngày 25/4/1957 của Ủy ban Hành chính tỉnh).
Từ năm 1968 đến năm 1996
Năm 1968, hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (Nghị quyết số 504-NQ/TVQH, ngày 26/01/1968 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Năm 1974, đổi tên xã ở các huyện Ân Thi (11 xã), Khoái Châu (5 xã), Kim Động (4 xã), Tiên Lữ (7 xã), Yên Mỹ (6 xã), Mỹ Hào (5 xã), Văn Lâm (4 xã). Năm 1975, thị xã Hưng Yên gồm 02 phường Lê Lợi, Minh Khai và xã Hồng Châu. Năm 1977, hợp nhất 02 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên; hợp nhất 02 huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; hợp nhất 02 huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ (Quyết định số 58/CP ngày 11/3/1977 của Hội đồng Chính phủ). Năm 1979, hợp nhất hai huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; hợp nhất huyện Văn Mỹ và một phần huyện Văn Yên thành huyện Mỹ Văn; hợp nhất phần còn lại của huyện Văn Yên và huyện Khoái Châu thành huyện Châu Giang (Quyết định số 70/CP, ngày 24/02/1979 của Hội đồng Chính phủ).
Năm 1982, mở rộng thị xã Hưng Yên, sáp nhập các xã Lam Sơn, Hiến Nam của huyện Kim Thi, thôn Phương Độ xã Hồng Nam, các thôn Nam Tiến, Mậu Dương xã Quảng Châu của huyện Phù Tiên (Quyết định số 02/HĐBT ngày 04/01/1982 của Hội đồng Bộ trưởng). Năm 1989, thành lập thị trấn Bần Yên Nhân thuộc huyện Mỹ Văn. Năm 1994, thành lập thị trấn Yên Mỹ thuộc huyện Mỹ Văn. Năm 1995, thành lập thị trấn Vương thuộc huyện Phù Tiên trên cơ sở một phần xã Ngô Quyền và xã Dị Chế (Nghị định số 57/NĐ-CP, ngày 07/10/1995 của Chính phủ). Năm 1996, điều chỉnh địa giới hành chính huyện, chia huyện Kim Thi thành hai huyện như cũ, thành lập thị trấn Ân Thi thuộc huyện Ân Thi trên cơ sở toàn bộ xã Thổ Hoàng và một phần xã Đăng Lễ, Hoàng Hoa Thám, Quảng Lãng (Nghị định số 05/CP ngày 27/01/1996 của Chính phủ). Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, phê chuẩn việc tách và thành lập lại các tỉnh, tỉnh Hải Hưng chia thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (Chỉ thị số 857/TTg ngày 15/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc chia tách tỉnh).
Từ năm 1997 đến nay
Năm 1997, điều chỉnh địa giới hành chính huyện, chia huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ; thành lập phường Quang Trung từ một phần phường Lê Lợi; chuyển các xã Hồng Châu, Lam Sơn, Hiến Nam thành các phường thuộc thị xã Hưng Yên (Nghị định số 17/CP ngày 24/02/1997 của Chính phủ); Thành lập thị trấn Khoái Châu trên cơ sở xã Kim Ngưu và một phần của xã An Vĩ (Nghị định số 102/CP ngày 14/9/1997 của Chính phủ). Năm 1999, thành lập thị trấn Văn Giang trên cơ sở xã Văn Phúc (Nghị định số 35/1999/NĐ-CP ngày 14/5/1999 của Chính phủ); điều chỉnh địa giới hành chính và chia các huyện Châu Giang thành 02 huyện Khoái Châu và Văn Giang; chia huyện Mỹ Văn thành 03 huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ (Nghị định số 60/1999/NĐ-CP, ngày 24/7/1999 của Chính phủ). Năm 2000, thành lập thị trấn Trần Cao thuộc huyện Phù Cừ trên cơ sở toàn bộ xã Trần Cao (Nghị định số 50/2000/NĐ-CP ngày 22/9/2000 của Chính phủ). Năm 2002, thành lập thị trấn Lương Bằng thuộc huyện Kim Động trên cơ sở toàn bộ xã Lương Bằng. Năm 2003, điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã, thành lập phường thuộc thị xã Hưng Yên; sáp nhập xã Bảo Khê của huyện Kim Động và các xã: Hồng Nam, Liên Phương, Quảng Châu, Trung Nghĩa của huyện Tiên Lữ vào thị xã Hưng Yên; thành lập phường An Tảo thuộc thị xã Hưng Yên; thành lập phường An Tảo từ một phần phường Hiến Nam (Nghị định số 108/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ).
Năm 2009, thành lập thành phố Hưng Yên, thuộc tỉnh Hưng Yên (Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 19/01/2009 của Chính phủ). Năm 2013, điều chỉnh địa giới hành chính huyện và mở rộng thành phố Hưng Yên; sáp nhập 02 xã Hùng Cường, Phú Cường của huyện Kim Động và 03 xã Hoàng Hanh, Phương Chiểu, Tân Hưng của huyện Tiên Lữ vào thành phố Hưng Yên (Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ). Năm 2019, thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và 07 phường thuộc thị xã Mỹ Hào (Nghị quyết số 656/NQ-UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); sáp nhập và đổi tên thôn thuộc các huyện, sáp nhập 10 thôn để thành lập 05 thôn thuộc xã Đức Hợp, 06 thôn để thành lập 03 thôn thuộc xã Thọ Vinh và đổi tên 05 thôn thuộc xã Đức Hợp của huyện Kim Động; sáp nhập 02 thôn để thành lập 01 thôn thuộc xã Phụng Công, 04 thôn để thành lập 02 thôn thuộc xã Xuân Quan và đổi tên 04 thôn thuộc xã Xuân Quan của huyện Văn Giang; sáp nhập 12 thôn để thành lập 6 thôn thuộc xã Lương Tài của huyện Văn Lâm (Nghị quyết số 246/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh).
Hưng Yên – vùng đất văn hiến và phát triển
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Bao gồm 161 xã, phường, thị trấn với diện tích 930,2 km2, dân số 1.280.575 người, mật độ dân số trung bình 1.377 người/km2.
Với vị trí địa thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giữa các tuyến giao thông quan trọng, đặc biệt giai đoạn từ năm 1997 đến nay, Hưng Yên nhanh chóng đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có đóng góp cho ngân sách trung ương; đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chính trị xã hội ổn định. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khu đô thị mới quy hoạch và xây dựng hiện đại, văn minh như: Khu đô thị Ecopark, V-Green City Phố Nối, Khu đô thị New City Phố Nối, Khu đô thị đại học Phố Hiến…
Quá trình chia, tách, sáp nhập đơn vị hành chính trong từng giai đoạn đã đạt được kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, có nhiều đơn vị hành chính các cấp không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nên khi triển khai thực hiện chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính có thể gây ra những khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến không gian phát triển, phân tán các nguồn lực, gây xáo trộn đến đời sống nhân dân, không gian văn hóa thay đổi ở một số địa phương. Do vậy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm sự kế thừa, ổn định phát triển, không nhất thiết phải sắp xếp cơ học máy móc; nên xem xét duy trì những địa danh, địa giới hành chính truyền thống, có lịch sử hình thành từ trước năm 1945 đến nay.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tỉnh Hưng Yên đặt ra những ưu tiên cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội như: tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1507/QĐ-UBND ngày 07/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên), trong đó đã đề ra mục tiêu: giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến 2030, phát triển đô thị toàn tỉnh đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 55 – 56% với 32 đô thị (gồm 01 đô thị loại II; 02 đô thị loại III; 03 đô thị loại III và 26 đô thị loại V). Việc xác định và thực hiện phát triển đô thị toàn tỉnh sẽ sớm đưa tỉnh Hưng Yên trở thành một trong những địa phương công nghiệp giàu mạnh…
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (1831 - 2021) và 25 năm tái lập tỉnh (01/01/1997 - 01/01/2022), tỉnh Hưng Yên tiếp tục phấn đấu để trong tương lai không xa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh và phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa trung tâm đồng bằng sông Hồng, xứng đáng là vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
-----------------------------------
Ghi chú:
(1) Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển XV, tập 3, tr.332. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam Thực Lục. Nxb Giáo dục, năm 2002, năm 2007.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.
3. Số liệu Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên, tháng 12/2021.
TS Quách Ngọc Dũng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên
Theo: quanlynhanuoc.vn
Từ khóa » Tỉnh Hưng Yên được Thành Lập Năm Nào
-
Lịch Sử Hưng Yên - - Hung Yen
-
Quá Trình Thành Lập Tỉnh Hưng Yên
-
Lịch Sử Hành Chính Hưng Yên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hưng Yên – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quá Trình Thành Lập Tỉnh Hưng Yên
-
Kỷ Niệm 190 Năm Thành Lập Tỉnh
-
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 185 NĂM THÀNH LẬP ...
-
TỈNH HƯNG YÊN 190 NĂM LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN
-
Kỷ Niệm Trọng Thể 180 Năm Thành Lập Tỉnh Hưng Yên
-
Đảng Bộ Tỉnh Hưng Yên - 75 Năm Thành Lập Và Phát Triển
-
Mít Tinh Trọng Thể Kỷ Niệm 180 Năm Thành Lập Tỉnh Hưng Yên
-
Tổng Bí Thư: Xây Dựng Hưng Yên Ngày Càng “Hưng” Và Ngày Càng ...
-
Thành Lập Thành Phố Hưng Yên Thuộc Tỉnh - Báo Hưng Yên điện Tử