Vùng đất Lâm Đồng Trồng Thứ Na Thái Lan Ra Trái Khổng Lồ

Trên mảnh vườn đồi của ông Trần Ngọc Huần, thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), trên 100 cây na đang bước vào cuối vụ thu hoạch. 

Ông Trần Ngọc Huần chia sẻ, đây là những cây na (mãng cầu) giống Thái Lan ông mới trồng từ năm 2018. Khác hẳn với cây na truyền thống, cây na Thái ra hoa ngay sau 12 tháng trồng. 

Cây na Thái còn khá nhỏ, chỉ cao ngang ngực người lớn đã bắt đầu ra hoa kết trái. Vụ năm 2019, vườn na Thái ra hoa nhưng ông Huần cắt bỏ hết để dưỡng cây, chỉ để lại vài trái để đánh giá chất lượng. 

Vụ 2020, vườn na Thái cho hoa, trái rất sai. Tới tháng 8/2020, ông đã thu được trên 1 tạ trái na Thái ngọt.

{keywords}
Thu hoạch na Thái Lan ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Ông Huần cho biết, mảnh đất trồng na Thái là đất đồi, vốn chuyên canh tác cà phê. Đất dốc nên cà phê năng suất cũng không cao. Vì vậy, sau khi tìm hiểu xung quanh, ông Huần quyết tâm trục hết cà phê, xuống giống na Thái. 

Đây là giống na cho năng suất rất cao, trái nặng trung bình 500-600 gr, có trái tới gần 1 kg. Na Thái trái to, thịt dai, ngọt và ít hạt so với na truyền thống. Từ khi kết trái tới khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng. 

Na Thái ra hoa vào tháng Ba và chính vụ thu hoạch là tháng Bảy. Sau khi thấy na “mở mắt”, các mắt na nở đều là na già, có thể cắt được. 

Na Thái cắt phải đảm bảo trái già nhưng chưa chín, vận chuyển đi xa dễ dàng và khó dập nát. Hiện vườn na Thái nhà ông Huần được thương lái thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg, có trái nào mua hết trái đó. Chỉ với gần 2 sào đất và trồng 100 gốc na, ông Huần thu được trên 50 triệu đồng.

Cây na Thái Lan, dưới bàn tay chăm sóc của ông Trần Ngọc Huần, đã chứng tỏ rất phù hợp với vùng đất bazan như Đông Thanh. Ông Huần cho biết, cây lớn khá nhanh, ít sâu bệnh. Cây na Thái yêu cầu đất ẩm nhưng không ngập úng, thoát nước tốt. Khi trồng cây phải bón lót bằng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai và khi vào mùa cần bón bằng phân NPK loại tốt. 

Cây na sợ nấm bệnh và côn trùng ăn lá, cần chú ý nấm bệnh nhất là vào mùa mưa. Khi kết trái, yêu cầu bắt buộc phải bọc trái bằng túi làm từ vải không dệt màu trắng. Túi vải giúp trái an toàn khỏi ruồi vàng đục trái và các sâu bệnh hại. 

Cây na hai năm tuổi ra hoa và kết trái non rất nhiều nhưng ông Huần tỉa bớt, chỉ để lại 5-6 trái/cây. Ông chia sẻ, tỉa bớt trái vì cây còn nhỏ, ít trái sẽ giúp trái to đều và cây bền sức. Theo ông tìm hiểu, tới khi cây 5-6 tuổi, năng suất sẽ đạt 30-40 kg trái/cây. 

Để đảm bảo cây phát triển tốt, thông thoáng, cần trồng mật độ thưa, tầm 50-60 cây/sào. So với cây trồng truyền thống như cà phê, cây na chăm nhàn hơn và cho thu nhập tốt hơn nhiều lần. Hiện ông Huần đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng na Thái Lan thay cho vườn cà phê năng suất thấp.

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, ông Trần Ngọc Huần là hộ nông dân sản xuất giỏi, chịu khó tìm tòi, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Ông là người đầu tiên mạnh dạn xuống giống cây na Thái Lan và đã có thu hoạch. 

Từ vườn na của ông Huần, nông dân trong xã Đông Thanh học theo và hiện có 4 hộ đã bắt đầu xuống giống na Thái Lan với diện tích lớn. Đây cũng là niềm trông đợi của ông Huần.

Ông cho biết: “Một mình nhà tôi trồng thì năng suất không đủ để cung cấp theo hợp đồng, chỉ bán lẻ khá bấp bênh. Tôi đang chờ diện tích na trong xã mở rộng, chúng tôi tập hợp lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tìm đầu ra ổn định, cung cấp cho thị trường trái na mang thương hiệu na Đông Thanh”.

(Theo Báo Lâm Đồng / Dân Việt)

Từ khóa » Trồng Cây Na Thái Lan