Vùng Mu Bị Ngứa Là Tại Sao Và Khắc Phục Bằng Cách Nào?

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất có thể khiến vùng mu bị ngứa ngáy và cách điều trị, khắc phục

Các nguyên nhân gây ngứa vùng mu

Cạo lông

Nếu vừa mới cạo lông mu thì bỏng do dao cạo có thể là nguyên nhân gây ngứa. Vết bỏng do dao cạo thường có biểu hiện là mẩn đỏ, da nhạy cảm, kèm theo các nốt nhỏ, đau khi chạm. Bỏng do dao cạo có thể xảy ra khi:

  • Cạo trên da khô, không sử dụng bọt hay gel cạo
  • Cạo quá nhanh
  • Cạo quá thường xuyên
  • Dùng dao cạo cũ hoặc lưỡi dao bị kẹt

Rận mu

Rận mu là một loài côn trùng có kích thước rất nhỏ sống ký sinh ở vùng lông quanh bộ phận sinh dục. Rận mu khác với chấy và rận trên thân mình, thường lây lan từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Một người cũng có thể bị lây rận mu khi mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm hoặc nằm cùng giường với người bệnh.

Những côn trùng ký sinh nhỏ bé này gây ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm và có thể lây lan sang các bộ phận khác cũng có lông trên cơ thể, chẳng hạn như chân và nách.

Viêm da tiếp xúc

Nếu gần đây đang sử dụng một sản phẩm mới ở vùng kín và bị ngứa thì nguyên nhân có thể là do viêm da tiếp xúc - một dạng kích ứng da. Xà phòng, sữa tắm, các sản phẩm vệ sinh vùng kín hay bột giặt dính trên quần áo đều có thể gây viêm da tiếp xúc.

Ngoài ngứa, viêm da tiếp xúc còn gây ra:

  • Mẩn đỏ
  • Da khô, bong tróc
  • Nóng rát

Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng xảy ra khi da có phản ứng dị ứng với một chất nào đó. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra khi tiếp xúc với hóa chất và hương liệu trong xà phòng hoặc các sản phẩm dùng cho vùng kín như băng vệ sinh, dung dịch thụt rửa…

Các triệu chứng của viêm da dị ứng gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Mẩn đỏ
  • Nóng rát
  • Nổi mụn nước
  • Đau

Ghẻ

Ghẻ là một bệnh ngoài ra rất dễ lây lan cũng do một loài côn trùng sống ký sinh có kích thước cực nhỏ gây ra, có tên là Sarcoptes scabiei hay được gọi là cái ghẻ. Cái ghẻ chui vào trong lớp thượng bì của da và đào hang, đẻ trứng. Sau một vài ngày, trứng nở ra ấu trùng và ấu trùng trở thành cái ghẻ trưởng thành. Chúng chui ra khỏi hang lên trên da và lại tiếp tục đào hang mới rồi đẻ trứng. Dấu hiệu điển hình của bệnh ghẻ là nổi mụn nước nhỏ và những đường gờ mảnh nổi trên da do đường hầm mà cái ghẻ đào.

Ghẻ gây ngứa ngáy dữ dội, nặng hơn vào ban đêm và thường xảy ra ở các khu vực có nếp gấp da ví dụ như kẽ ngón tay, nách, bên dưới vú, xung quanh bộ phận sinh dục, mông và đầu gối.

Bệnh ghẻ lây lan qua sự tiếp xúc cơ thể trực tiếp, bao gồm cả quan hệ tình dục và qua sự tiếp xúc với các vật dụng mà người bị ghẻ sử dụng như quần áo, khăn, chăn đệm. Do đó mà bệnh ghẻ xảy ra phổ biến ở những nơi có đông người sống chung như trường bán trú, nhà tù, doanh trại quân đội và viện dưỡng lão.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn mãn tính, ảnh hưởng đến da, không lây với biểu hiện thường gặp là các mảng da dày, cứng màu đỏ và bề mặt màu trắng bạc. Các mảng da này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường là ở trên khuỷu tay và đầu gối. Bệnh vảy nến gây ngứa ngáy dữ dội và đau, da còn bị nứt nẻ và chảy máu.

Có nhiều loại bệnh vảy nến khác nhau. Mặc dù vảy nến thể mảng là loại phổ biến nhất nhưng vảy nến thể nghich đảo mới là loại chủ yếu xảy ra ở vùng quanh bộ phận sinh dục, gồm có cả vùng mu. Loại vảy nến này có biểu hiện là các vùng da căng bóng, bề mặt nhẵn mịn màu hồng đỏ ở các nếp gấp xung quanh bộ phận sinh dục và bẹn.

Hắc lào

Hắc lào là một bệnh nhiễm trùng do nấm, xảy ra ở các nếp gấp da quanh bộ phận sinh dục. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới vì hơi ẩm hay bị tích tụ ở giữa bìu và đùi, tạo ra môi trường lý tưởng cho sự sinh sôi của nấm.

Hắc lào có biểu hiện là hình thành các mảng da rất ngứa, hình tròn hoặc bầu dục với viền màu hồng sẫm hoặc đỏ và có mụn nước nhỏ li ti. Bệnh này cũng có thể gây đau đớn.

Nguy cơ bị hắc lào sẽ tăng cao khi:

  • thời tiết ấm
  • thường xuyên mặc quần áo chật hoặc ẩm ướt
  • thường xuyên không lau khô vùng kín sau khi đi vệ sinh và sau khi tắm
  • béo phì
  • bị nấm da chân hoặc nấm móng

Bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay bệnh chàm (eczema) là một bệnh về da khá phổ biến. Biểu hiện đặc trưng là những mảng da ửng đỏ, bong tróc và ngoài ra còn bị nổi mụn nước, chảy dịch khi bị trầy xước. Viêm da cơ địa thường xảy ra ở khu vực có các nếp gấp da như khuỷu tay hoặc đầu gối nhưng cũng có thể gây triệu chứng ở cả bộ phận sinh dục nam và nữ.

Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa xảy ra thành từng đợt và thường là do các tác nhân kích hoạt như:

  • Thời tiết quá nóng hoặc lạnh
  • Hóa chất trong xà phòng và các sản phẩm tiếp xúc với da
  • Khí hậu khô hanh
  • Stress

Nhiễm trùng nấm men

Nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm candida xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm candida - một loại nấm men vốn tồn tại tự nhiên trên cơ thể. Nấm candida phát triển mạnh ở môi trường ấm và ẩm, đó là lý do tại sao nhiễm trùng nấm men thường xảy ra ở các nếp gấp da và vùng sinh dục. Thường xuyên mặc quần chật, thói quen vệ sinh kém và không lau khô sau khi tắm là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị vấn đề này.

Các dấu hiệu của nhiễm trùng nấm men gồm có:

  • Da mẩn đỏ, có thể còn có mụn nước
  • Đau rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục (nhiễm nấm âm đạo hoặc nhiễm nấm dương vật)
  • Ngứa ngáy dữ dội
  • Dịch tiết âm đạo hoặc dương vật bất thường

Viêm nang lông

Viêm nang lông là một vấn đề về da phổ biến, xảy ra do nang lông bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều nang cùng lúc và gây hình thành các sẩn nhỏ li ti, màu đỏ, đôi khi có đầu màu trắng và gây ngứa.

Vùng mu cũng có thể bị viêm nang lông do cạo lông, hơi ẩm và sự ma sát với quần bó.

Hăm da

Hăm da là một vấn đề thường xảy ra ở các nếp gấp da, nơi mà hai bề mặt da da cọ xát với nhau hoặc bị tích tụ hơi ẩm, chẳng hạn như bên dưới bụng ở những người béo phì, nách, đùi trong hoặc bẹn. Vấn đề này do vi khuẩn hoặc nấm gây ra và phổ biến ở những người thừa cân, béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường. Hăm da khiến cho da ửng đỏ, ngứa rát và có mùi hôi. Nếu tình trạng tiếp diễn lâu ngày thì còn có thể dẫn đến loét da.

Bệnh Paget ngoài vú

Paget ngoài vú (extramammary Paget disease) là một dạng ung thư hiếm gặp có liên quan đến bệnh Paget ở vú với dấu hiệu đặc trưng là mẩn đỏ da mãn tính xung quanh bộ phận sinh dục. Bệnh này có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ nhưng chủ yếu là ở phụ nữ từ 50 đến 60 tuổi.

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Paget ngoài vú gồm có:

  • Ngứa ngáy xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn
  • Những mảng da dày, đỏ và bề mặt có vảy cứng
  • Chảy dịch
  • Đau và chảy máu sau khi gãi

Biện pháp tự khắc phục ngứa vùng mu

Nếu vùng mu bị ngứa là do bị kích ứng hay dị ứng nhẹ thì sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày. Dưới đây là một số biện pháp tự khắc phục tình trạng này tại nhà.

Mặc đồ lót sạch sẽ

Hơi ẩm và vi khuẩn có thể gây kích ứng và nhiễm trùng. Nên mặc quần lót sạch hàng ngày và thay ngay sau khi ra nhiều mồ hôi. Không mặc đồ lót quá chật và nên chọn loại bằng chất liệu tự nhiên, mềm mại (cotton) để giảm ma sát, thoáng khí và thấm hút mồ hôi, từ đó ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm.

Không gãi

Gãi sẽ làm cho da bị trầy xước, chảy máu và nhiễm trùng. Nếu vùng mu bị ngứa do nhiễm nấm thì gãi còn làm lây nhiễm bệnh sang các bộ phận khác trên cơ thể.

Tránh xa chất kích ứng

Tránh xa các sản phẩm có chứa hương liệu quá nồng và các hóa chất khác có thể gây kích ứng vùng mu hoặc gây phản ứng dị ứng.

Cạo lông đúng cách

Nếu cạo lông mu thì nên áp dụng những mẹo sau để tránh bị kích ứng, tổn thương da và lông mọc ngược:

  • Dùng kéo sắc để tỉa bớt những sợi lông dài trước khi cạo
  • Dùng dao cạo sắc
  • Thay lưỡi dao cạo thường xuyên
  • Chườm ấm hoặc ngâm vùng kín trong nước ấm trước để làm mềm lông
  • Sử dụng bọt cạo râu để giảm ma sát
  • Cạo xuôi theo chiều lông mọc
  • Liên tục rửa dao cạo trong khi cạo râu để tránh bị kẹt.
  • Sau khi cạo xong thì rửa sạch lại bằng nước ấm và dùng giấy thấm khô, không chà xát.
  • Bôi kem dưỡng ẩm

Giữ cho vùng kín luôn khô ráo

Vi khuẩn và nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt. Do đó, phải luôn thấm khô da sau khi tắm. Những người béo phì hoặc hay ra nhiều mồ hôi nên dùng chất khử mùi hoặc phấn chống hăm lên các nếp gấp da. Không mặc quần ẩm và thay ngay sau khi ra nhiều mồ hôi.

Bôi hydrocortisone

Kem bôi hydrocortisone có tác dụng trị ngứa và kích ứng nhẹ. Cần dùng kem theo chỉ dẫn đi kèm. Không sử dụng lên vết thương hở, chảy máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.

Các loại thuốc trị rận không kê đơn

Có thể dùng các loại dầu gội, sữa tắm và thuốc trị rận không kê đơn để trị rận mu.

Thuốc kháng histamine

Thuốc kháng histamine cũng có tác dụng làm giảm ngứa, đặc biệt là ngứa do phản ứng dị ứng.

Điều trị bằng thuốc kê đơn

Nếu đã thử những biện pháp tự khắc phục kể trên mà vẫn không hết ngứa thì nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ngứa và có biện pháp điều trị.

Thuốc trị rận kê đơn

Bác sĩ sẽ kê thuốc trị rận để tiêu diệt rận mu nếu đã dùng các loại thuốc trị rận không kê đơn mà không hiệu quả. Các loại thuốc này thường là thuốc bôi ngoài da nhưng cũng có cả thuốc uống, chẳng hạn như Ivermectin (Stromectol). Ivermectin cũng có thể sử dụng được cho bệnh ghẻ.

Thuốc trị nấm

Nếu vùng mu bị ngứa do nhiễm nấm, ví dụ như nhiễm nấm candida hoặc hắc lào thì bác sĩ sẽ kê thuốc trị nấm dạng bôi hoặc thuốc uống để tiêu diệt loại nấm gây ra vấn đề.

Thuốc kháng sinh

Các trường hợp viêm nang lông hoặc các bệnh nhiễm trùng da nghiêm trọng có thể sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ ngay nếu vùng mu bị ngứa dai dẳng mà không đỡ trong nhiều ngày liên tục hoặc còn đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt và đau nhức. Nếu nghi ngờ bị ghẻ hoặc bất kỳ bệnh nào khác cần dùng thuốc theo đơn thì cũng cần đi khám ngay.

Tóm tắt bài viết

Ngứa ở vùng mu có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Đôi khi, nếu bị ngứa nhẹ và không đi kèm theo các triệu chứng khác thì chỉ cần thực hiện các biện pháp tự khắc phục là đủ để giảm ngứa. Nhưng nếu tình trạng kéo dài dai dẳng thì phải đi khám để bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc.

Từ khóa » Phần Mu Bị Ngứa