Vùng Sinh Thái Phân Bố Thực Vật Gò - đụn Cát, đầm Phá, Biển Ven Bờ

Vùng sinh thái phân bố thực vật gò  -  đụn cát, đầm phá, biển ven bờ chiếm phần phía Đông kéo dài từ ranh giới với tỉnh Quảng Trị ở phía Bắc đến tận cùng chân đèo Hải Vân về phía Nam. Về phương diện địa hình ở đây, ngoài biển ven bờ có đầm phá rộng 23.100 ha, còn các gò, trảng cát nội đồng cao 5 - 10m gặp ở Phong Điền cho đến Phú Lộc. Ở phía ngoài đầm phá là cồn đụn cát chắn bờ với chiều cao từ 2 - 3m (Thuận An -  Hòa Duân) đến 20 - 30m (Hải Dương), phổ biến nhất là 5 - 10m. Tổng diện tích gò - đụn cát nội đồng và cồn đụn cát chắn bờ vào khoảng 42.620 ha. Đối với vùng gò - đụn cát và đầm phá này hợp lý nhất là phân chia thành hai tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật: tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật gò đụn cát và tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật đầm phá và biển ven bờ.

* Tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật gò - đụn cát

Tiểu vùng gò đụn cát (gọi tắt) bao gồm gò, trảng cát nội đồng Phong, Quảng và Phú Vang và cồn đụn cát chắn bờ. Hệ thực vật ở đây rất nghèo nàn. Thực vật thân gỗ nguyên sinh còn rất thưa thớt và phần lớn thoái hoá thành dạng cây bụi. Một số do người dân khai thác trắng nay chỉ còn dạng tái sinh chồi, tạo thành những khoảnh rú thứ sinh. Những cây thân bụi mọc thành truông như ở vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị đó là các loài ô rô, găng, cát đằng. Ngoài thực vật tự nhiên, trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp triển khai các dự án trồng nhiều loài cây gỗ phòng hộ khá thành công chống cát bay, cây trôi như keo lưỡi liềm, keo tai tượng, keo lá tràm,... ở hai bên bờ đầm phá chân các gò, trảng cát nội đồng nhân dân một số xã như Điền Hà, Điền Hải (Phong Điền) Vinh Thanh (Phú Vang), Vinh Hiền (Phú Lộc) thường trồng khoai lang, ớt, mía, thuốc lá (thuốc Mỹ Lợi). Trên các trảng cát nội đồng, người dân địa phương bố trí cây trồng khá đa dạng nhưng diện tích manh mún. Một vài nơi đã định hình chuyên canh ớt, lạc, khoai lang và cả lúa nước.

* Tiểu vùng sinh thái phân bố thực vật đầm phá và biển ven bờ

Như đã biết, tiểu vùng đầm phá Tam Giang  -  Cầu Hai chịu sự tương tác giữa sông và biển và là đầm phá nước lợ có độ mặn dao động theo mùa và theo khoảng cách xa gần các cửa biển. Điều kiện thủy lý, thủy hóa nhất là độ mặn đó là yếu tố quyết định thành phần thực vật đầm phá và sự biến động các chủng loài thực vật theo thời gian lẫn không gian tồn tại của chúng. Theo kết quả điều tra gần đây, thành phần thực vật tiểu vùng đầm phá và biển ven bờ rất đa dạng, bao gồm: thực vật phù du, cỏ thủy sinh, thực vật rừng ngập mặn.

+ Thực vật phù du: có 416 loài thuộc 4 ngành chủ yếu là tảo silic (Bacillariophyta), tảo giáp (Dinophyta), tảo lục (Chlorophyta) và tảo lam (Cyanophyta). Ở biển ven bờ còn gặp tảo nâu (Phaeophyta) và tảo đỏ (Rhodophyta).

+ Tảo nhỏ sống ở bùn đáy: đã xác định được 61 loài tảo nhỏ (Mcrophytobenthos) sống ở bùn đáy.

+ Cỏ thủy sinh: đây là thực vật thủy sinh bám đáy. Cỏ thủy sinh ở đầm phá gồm ít nhất là 16 loài thuộc lớp một lá mầm (hành  -  Liliopsida), ít hơn là lớp hai lá mầm (ngọc lan  -  Magnoliopsida) và ở biển ven bờ có 7 loài. Rong mái chèo, rong đuôi chó, rong khía, cỏ lá hẹ... là nơi cư trú cho động vật đầm phá, đồng thời cũng là nguồn thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ cho khoai lang, ớt vùng ven đầm phá (người dân địa phương khai thác khoảng 150.000 tấn rong cỏ/năm).

+ Thực vật ngập mặn: Thực vật ngập mặn tập trung ở vùng cửa sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang, đầm Sam, đầm Lập An (phía Đông) và Cảnh Dương. Ở đây thực vật ngập mặn có 31 loài với nhiều loài đặc trưng như sú, vẹt, đước, mắm, bần, giá...

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Cồn Cát Ven Biển