Vùng Tiếp Giáp Lãnh Hải, Phạm Vi Và Chế độ Pháp Lý Của Nó - Trang Chủ

Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã quy định rằng: Một vùng biển ở ngoài và tiếp liền với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, vùng tiếp giáp lãnh hải theo định nghĩa của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 có chiều rộng tối đa là 12 hải lý.

Cảnh sát Biển Việt Nam, lực lượng thực thi chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam.

Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tài phán trong việc ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình, có quyền tài phán trong việc trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên, xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình. Ngoài ra, điều 303 của Công ước còn mở rộng quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ, theo đó, việc lấy các hiện vật từ đáy biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển, sẽ được coi là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình. Điều 13 Luật Biển Việt Nam quy định: "Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải". Điều 14 quy định chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam như sau: 1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh hải. 2. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Từ khóa » Tiếp Giáp Việt Nam