'Vùng Xanh' - Lá Chắn Phòng, Chống Dịch

Để có thể ứng phó với diễn biến của đại dịch ngày càng phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, bên cạnh việc thu hẹp “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch) thì việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” (vùng bình thường mới, vùng không có dịch bệnh, vùng an toàn), không để dịch COVID-19 lây nhiễm vào các khu vực này được xem là mô hình hay, đang được nhân rộng tại nhiều nơi. Đây được xem “lá chắn” vững chắc trong phòng, chống dịch.

Tại điểm nóng về dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố cũng đã thay đổi chiến lược chống dịch, không phong tỏa khu vực lớn mà siết chặt, khoanh vùng khu vực nhỏ theo nguyên tắc là "chặt trong lẫn ngoài". Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố xác định giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương để tiến tới “xanh hóa” bản đồ COVID-19 của toàn thành phố, tức là giảm mức nguy cơ từ rất cao trở về mức bình thường mới.

Lực lượng chức năng kiểm tra trên tuyến đường nối phường An Phú với phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, để dập dịch, xây dựng vùng xanh - vùng an toàn, các phường của thành phố xác định vùng nguy cơ cao, sau đó khoanh vùng và xét nghiệm tìm các trường hợp F0 liên quan để điều trị. Bên cạnh đó, thành phố triển khai tiêm chủng vaccine cho người dân, thiết lập vùng an toàn, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố Thủ Đức chọn 9 phường được coi là “điểm nóng” với số ca mắc COVID-19 cao và hiện còn có nhiều khu phong tỏa, khu cách ly y tế để thực hiện trước tiên. Điển hình như phường Trường Thạnh, tính đến thời điểm ngày 8/8 đã ghi nhận trên 250 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 105 trường hợp đã được xuất viện. Để xây dựng, từng bước mở rộng “vùng xanh”, phường Trường Thạnh thiết lập 21 “vùng xanh” là khu vực, tuyến hẻm, cụm dân cư, tổ dân phố an toàn, không còn COVID-19 để bảo vệ an toàn người dân.

Theo ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Các địa bàn không còn ca F0 hoặc đã qua 7 ngày trở lên không xuất hiện ca mắc mới sẽ triển khai thiết lập “vùng xanh”, bảo đảm giám sát người dân tuân thủ đúng các quy định của Chỉ thị 16, kiểm tra chặt người ra - vào khu vực. Người dân trên địa bàn ra ngoài để mua thức ăn theo lịch phân bổ trong tuần và đi tiêm chủng thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp giãn cách.

Người dân thực hiện 5K tại điểm bán hàng hóa thiết yếu bình ổn của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) ở thành phố Biên Hòa.

Tại Đồng Nai, người dân ở nhiều địa phương cũng đã chủ động lập các chốt chặn tại khu vực sinh sống, bảo vệ “vùng xanh” không để dịch COVID-19 xâm nhập. Ghi nhận của phóng viên tại một số phường trên địa bàn thành phố Biên Hòa như Hòa Bình, Thanh Bình, Hóa An, Tân Phong, Bình Đa… ở những khu vực chưa có dịch COVID-19, người dân tự căng dây, lập chốt, có bảng nội quy ra vào và có người canh chốt.

Bảng nội quy yêu cầu người ngoài xóm, khu phố không được tự ý vào khu vực; khuyến khích giao hàng bên ngoài. Người dân trong "vùng xanh" khi ra, vào phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo bà Trần Thị Phượng, ngụ khu phố 2, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chốt “vùng xanh” tại khu phố bà đang sinh sống được lập ra trên tinh thần tự nguyện của người dân, mỗi ngày các hộ gia đình trong hẻm tự phân công nhau trực chốt.

Các địa phương thiết lập “vùng xanh” tạo lá chắn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ở Hà Nội, đầu tháng 8, những “vùng xanh” đầu tiên đã được thiết lập ở 14 phường của quận Hoàng Mai. Đây là những khu dân cư, ngõ phố không có dịch, mọi người các cấp chính quyền tự đứng ra lập chốt kiểm soát, bảo vệ sự an toàn cho nơi mình ở, nhằm chống lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào.

Tại các "vùng xanh" này, các lối ra vào được rào lại, chỉ để một đến hai lối đi có chốt kiểm soát. Người không thường trú trên địa bàn khi đi vào đều phài khai báo y tế, thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Người vận chuyển hàng hóa chỉ được giao tại bàn trực chốt, không trực tiếp đưa vào các hộ gia đình.

Từ hiệu quả mô hình vùng xanh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã triển khai “vùng xanh” trên khắp các quận, huyện. Việc dựng các chốt để bảo vệ "vùng xanh" đã nhận được sự ủng hộ của người dân, vì hơn ai hết, người dân đều hiểu đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vê sự an toàn ở những vùng chưa có dịch hoặc không còn dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nơi họ đang sinh sống; cũng là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình trong đại dịch.

Tuy nhiên, khi đã lập “vùng xanh” rồi, thì điều quan trọng là làm thế nào có thể giữ vững vùng xanh, không để dịch bệnh xâm nhập. Lúc này, hơn bao giờ hết cần huy động sức mạnh từ tất cả mọi người, trong đó đặc biệt là vai trò của Tổ COVID cộng đồng, đội ngũ tình nguyện viên và người dân của chính khu dân cư, tổ dân phố, mỗi xã, phường của “vùng xanh” đó. Bởi hơn ai hết, chính họ sẽ là hạt nhân giữ cho “vùng xanh” bền vững.

Chốt kiểm soát tại ngã tư Tô Ký - Nguyễn Văn Quá trên tuyến đường nối huyện Hóc Môn, Quận 12 với trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Theo anh Hồ Đại Thành, thành viên một Tổ COVID cộng đồng ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), khi lập chốt bảo vệ “vùng xanh” ở từng khu dân cư, hẻm phố, sự đồng thuận của người dân rất quan trọng. Mỗi người có ý thức chấp hành tốt, cảnh giác trước các nguy cơ lây bệnh sẽ tạo thuận lợi cho các thành viên tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được thông suốt, thuận lợi. Người dân kịp thời thông tin đến các thành viên của tổ về các biểu hiện bất thường về sức khỏe hay các trường hợp ra - vào không khai báo y tế hay không chấp hành việc giao nhận hàng hóa ngay trước khu vực chốt hoặc không thực hiện khử khuẩn hàng hóa trước khi nhận. Ngoài ra, nhiều hộ ở các hẻm, chung cư còn tự nguyện sắp xếp để giảm số lần ra ngoài đi mua thực phẩm trong thời gian giãn cách từ 2 lần/tuần xuống còn 1 lần/tuần.

Thiết lập "vùng xanh" an toàn tại tổ dân phố thuộc khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Anh Phạm Minh An ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết: Hai vợ chồng anh đều làm công nhân, thuê căn nhà trọ tại phường Bình Chuẩn đã lâu. Dù công ty đang tạm thời cho nghỉ ở nhà, nhận lương tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song vợ chồng anh không về quê Nghệ An mà ở lại và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, hy vọng sớm được đi làm trở lại.

Theo anh An, xây dựng “vùng xanh” để công nhân sớm được đi làm trở lại, khu nhà trọ được an toàn dịch bệnh là điều ai cũng mong muốn. Vì vậy, các gia đình công nhân trong khu nhà trọ đều tự giác thực hiện cách ly giữa hộ gia đình với hộ gia đình, không sang nhà nhau giao lưu, không tụ tập tiếp xúc ở khu vực hành lang dãy nhà. Từng hộ tích cực giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở, đi mua thực phẩm theo đúng lịch ghi trên phiếu phát của tổ dân phố.

Ông Phạm Minh Khương, Phó trưởng ban Phòng, chống COVID-19 khu phố 11, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, chốt bảo vệ "vùng xanh" là cách làm hay nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người. Chốt do người dân trong khu phố tự lập ra nên lực lượng thường trực chốt do nhân dân tự quản cùng với sự hỗ trợ của khu phố. Tại khu phố 11, người dân đã lựa chọn hẻm 5 để thực hiện thí điểm chốt "vùng xanh". Chốt được lập và hoạt động từ sáng 6/8. Người dân trong hẻm rất đồng tình với cách làm này. Để đảm bảo công tác trực chốt được hiệu quả, người dân trong hẻm đã đăng ký thời gian trực chốt, ủng hộ các vật dụng cần thiết như: cồn y tế, Cloramin B để khử khuẩn hàng hóa, sát khuẩn tay nhanh…

Hà Nội nhân rộng, mở rộng “vùng xanh” trong phòng chống dịch COVID-19.

Tại Hà Nội, cùng với chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tuổi trẻ Thủ đô đã và đang triển khai nhiều mô hình, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả, để bảo vệ vùng xanh. Trong đó, tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã thiết lập 470 chốt bảo vệ “vùng xanh” tại các khu dân cư trên địa bàn 14 phường trong quận. Quận đoàn Hoàng Mai đã chỉ đạo Đoàn thanh niên các phường trên phối hợp cùng các đoàn thể chính trị xã hội, Tổ phòng, chống COVID-19, cộng đồng khu dân cư thiết lập và tham gia vào các chốt bảo vệ “vùng xanh”; hỗ trợ giám sát các khu vực này để hạn chế tối đa người lạ ra vào, tránh lây nhiễm; bố trí lực lượng hỗ trợ người dân trong khu vực mua bán nhu yếu phẩm cần thiết.

Đặc biệt, Quận đoàn Hoàng Mai còn tổ chức kết nối giữa những địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các chốt "vùng xanh" để người dân được mua thực phẩm hàng ngày. Hoạt động này cũng hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong tiêu thụ nông sản, đảm bảo đời sống cho người nông dân.

Đường phố Hà Nội "tĩnh lặng" trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Như thế, có thể thấy, trong vùng xanh, với sự nỗ lực của người dân, với ý thức tự bảo vệ mình và cũng là bảo vệ những người xung quanh, mô hình vùng xanh đã và đang phát huy hiệu quả. Mô hình này cũng nhân lên tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; người dân cũng chung sức cùng với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể giữ vững vùng xanh cũng chính là góp sức mình trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Với những tin hiệu đáng mừng như vậy nên tích cực mở rộng “vùng xanh”, dần thu hẹp lại “vùng đỏ” là cách thức nhiều địa phương đang thực hiện trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Không chỉ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như Hà Nội, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng… đều quyết tâm mở rộng vùng xanh.

Kiểm tra giấy tờ khu vực "vùng xanh" tại điểm chốt khu dân cư Xuân Đán 3 ở Đà Nẵng để hạn chế người lạ ra vào nhằm phòng, chống dịch.

Ông Cao Đình Huy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, đến ngày 15/8, tỉnh Phú Yên sẽ nỗ lực bóc tách F0 khỏi cộng đồng để mở rộng “vùng xanh” và quyết tâm không phải gia hạn thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những “vùng xanh” hiện có phải quyết tâm giữ vững, không để ca bệnh COVID-19 xâm nhập.

Còn tại Bình Dương, nơi đang là “điểm nóng” về ca bệnh, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, theo Kế hoạch xây dựng và bảo vệ "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cũng đã đặt mục tiêu bao vây, thu hẹp "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh", tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong.

Theo đó, bốn địa phương ở phía Bắc tỉnh gồm huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng đặt quyết tâm giữ vững và bảo vệ bằng được "vùng xanh" để sớm ổn định tình hình, đồng thời làm cứ địa, vùng đệm vững chắc cho các địa phương phía Nam. Riêng 4 địa phương ở phía Nam đang còn ở “vùng đỏ” gồm thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm, thu hẹp phạm vi có dịch, phấn đầu có 100% các phường của 3 thành phố và 1 thị xã sẽ kiểm soát được tình hình và thực hiện "xanh hóa" trên toàn địa bàn sau 30/8/2021.

Mở rộng vùng xanh đang là hướng đi đúng của các địa phương, không chỉ được người dân mà cả các cấp chính quyền, lãnh đạo ban ngành đồng tình, ủng hộ. Ngày 10/8, khi trao đổi với báo chí về một số vấn đề đáng chú ý trong việc triển khai “chiến lược vùng” tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng đã bày tỏ sự vui mừng bởi gần đây, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”. “Đáng chú ý, cùng với sự lãnh đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã rất sáng tạo, phát động nhân dân tự đứng lên đăng ký, tổ chức để giữ cho ấp, cụm, tổ dân phố, xã hình thành “vùng xanh”. Đây là kinh nghiệm rất quý, không chỉ với chính các địa phương này mà cần nhân rộng trên cả nước. Nơi nào còn xanh, chúng ta phải giữ cho chắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chiến lược chung của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) là phải mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp và khoanh nhiều lớp “vùng đỏ”, để bên ngoài dần quay lại cuộc sống bình thường mới sớm nhất. Để có thể dập được “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” thật vững chắc.

Ngày 11/8/2021, Thành phố Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 “vùng xanh” - vùng chưa có ca mắc COVID-19, cho các đối tượng có nguy cơ cao, tiếp xúc với nhiều người.

Trước đó, chiều 9/8, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thượng tướng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, cũng đã nhấn mạnh đến trọng tâm cấp bách của các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian tới là triển khai xây dựng kế hoạch, quyết tâm mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Các tỉnh, thành phố phía Nam; từng khu vực; Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và một số tỉnh Đông Nam Bộ đang ở trong "vùng xanh" cần chủ động nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình của địa phương, xây dựng kế hoạch, biện pháp quyết tâm bảo vệ, mở rộng “vùng xanh”.

Như vậy, cùng với việc thu hẹp “vùng đỏ” với hàng loạt các biện pháp như khoanh vùng, truy vết, đặc biệt là tích cực điều trị cho các bênh nhân mắc COVID, đẩy mạnh tiêm vaccine… thì việc thiết lập và mở rộng "vùng xanh" chính là một trong nhữnng giải pháp hữu hiệu trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19. Đặc biệt, việc bảo vệ vùng xanh cũng chính là bảo vệ thành quả trong công tác phòng chống dịch mà cả hệ thống chính trị và toàn dân đã đang nỗ lực thực hiện.

Bảo vệ “vùng xanh” an toàn:

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ. Tải về: video/mp4

Bài: Phóng viên TTXVN tại các địa phương Tổng hợp, biên tập: Hoàng Linh Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews Trình bày: Hà Nguyễn

14/08/2021 05:30

Từ khóa » Bản đồ Thiết Lập Vùng Xanh Biên Hòa