VƯỜN ĐỊA ĐÀNG - Dòng Xitô Thiên Phước

Mai Thương

Thánh Tôma Aquinô, khi bàn về Vườn địa đàng, nơi Chúa đặt để con người vào đó sau khi tạo dựng, đã đặt ra những vấn nạn: phải chăng Vườn địa đàng là một nơi có thật trên trái đất này? Nơi đây có xứng hợp cho con người ở không? Con người được đặt vào nơi đây để làm gì? Dựa trên Kinh Thánh (St 2) và thế giá của thánh Augustino[1], ngài xác định rằng Vườn địa đàng là nơi có thật, hiểu theo nghĩa từ chương của Kinh Thánh, và như là sự diễn tả lịch sử, dầu cho người ta có thể giải thích nó theo nghĩa thiêng liêng và thần bí[2].

Sở dĩ người ta đặt ra vấn nạn này, vì không có nơi nào trên thế giới có những điều kiện đúng với những gì Kinh Thánh đã nêu ra. Còn thánh Tôma Aquinô cho rằng vì điều kiện địa lý khó khăn hiểm trở, nên các nhà địa lý không tìm ra và không xác định được vị trí của nó.

Vườn địa đàng là nơi hoàn toàn thích hợp cho con người sinh sống với tư cách là những thụ tạo có hồn thiêng và thân xác, còn thiên đàng là nơi thích hợp cho các thiên thần với bản tính thiêng liêng[3].

Con người làm gì nơi Vườn địa đàng? Thánh Tôma Aquinô dựa theo Kinh Thánh để trả lời: “Canh tác và canh giữ đất đai” (St 2,15). Nhưng ngài xác định thêm: Nguyên Tổ làm việc mà không khó nhọc vất vả, nhưng là một điều vui thích, khi ngày ngày khám phá ra tính màu mỡ và phì nhiêu của thiên nhiên. Họ canh giữ đất đai không phải vì sợ ai cướp phá, nhưng là giữ gìn Vườn địa đàng cho chính mình để khỏi đánh mất đi vì phạm vào lỗi lầm[4].

Trong phạm vi của bài này, chúng tôi chỉ lướt qua ý nghĩa của từ ngữ và chú ý về ý nghĩa thiêng liêng: Vườn địa đàng là nơi Thiên Chúa đặt để con người vào đó để sinh sống (môi sinh). Nhưng Vườn địa đàng chính yếu là sự kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố: thiên – địa – nhân. Hiểu theo nghĩa thiêng liêng, Vườn địa đàng không phải là một nơi chốn, nhưng tuỳ thuộc vào tâm hồn con người và đời sống thiêng liêng của họ[5]. Thiên nhiên là yếu tố trung gian cho sự kết hợp này. Nó là yếu tố không kém quan trọng giữa 3 yếu tố trên, vì nó là sự biểu lộ ra quyền năng và sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa. Qua tính cách quản trị và giữ gìn thiên nhiên mà con người trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa như thế nào? Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và con người theo cách thức nào? Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa như thế nào? Tương quan giữa Thiên Chúa, con người và thiên nhiên phải hài hoà theo cách thức làm sao? Cả đến vấn đề tội lỗi và hậu quả theo sau đó cũng là điều cần bàn tới vì tội lỗi là bóng mờ tương phản với những nét tươi sáng trong bức tranh của Vườn địa đàng.

1. Vườn địa đàng

Vườn địa đàng, tiếng Hy Bá là Ēden, bắt nguồn từ tiếng Ác-cát (Akkad) là Edinu, có nghĩa là cánh đồng, hay thảo nguyên hoang sơ chưa được canh tác. Sau khi tạo dựng con người trong hoang mạc (St 2,4b-7), Thiên Chúa trồng một vườn cây trong vùng Ēden và đặt con người vào đó (St 2,8). Như thế cụm từ “vườn cây ở Ēden” gợi ra ý tưởng một ốc đảo tọa lạc trong một cánh đồng. Khởi thuỷ Ēden là một địa danh, sau đó cùng với thời gian, nó được chuyển thành tên của vườn: Vườn Ēden (St 2,15; 3,23.24)[6]. Ngoài ra, còn có một vài bản văn dựa vào nguyên gốc của từ Ēden là “đen” (dn), chỉ sự dồi dào, sung túc và đầy vui thú nên chuyển dịch “Vườn Ēden” thành “Vườn vui thú”, vì nơi đây có nguồn nước dồi dào do bốn con sông lớn cung cấp, thảo mộc xanh tươi, thú vật mơn mởn, sự sống phát triển một cách kỳ diệu. Một khu vườn như thế xứng đáng được nhà tiên tri gọi là Vườn thượng uyển (Ed 28,13; Is 51,3) hay Vườn địa đàng (Paradise). Tại trung tâm của vườn có cây Trường sinh và cây Biết lành biết dữ, vì theo lời của một tác giả vô danh, nếu không có sự hiểu biết thì không có sự sống. Và nếu không có sự sống chân thật sẽ không có sự hiểu biết, bởi vậy mà hai cây được đặt bên cạnh nhau[7].

Bởi vì Vườn địa đàng bị cấm lai vãng do bởi Tội Tổ Tông, và trên trái đất này không ai tìm thấy nó, nên người ta để cho mình tưởng tưởng và phóng tác ra tuỳ theo ý riêng của họ. Chẳng hạn như tác giả của Regula Magistri gợi lên Vườn địa đàng là phần thưởng dành cho đan sĩ nào đã trải qua được mười hai bậc khiêm nhường: “Nơi đây có những cảnh vườn đầy hoa hồng đỏ thắm không bao giờ tàn héo. Nơi đây có những lùm cây trổ bông mang màu sắc của mùa Xuân tươi thắm. Những đồng cỏ trong vườn được tưới đẫm bằng mật ong. Những bông hoa nhỏ của cây tỏi tây (safrant) toả ra hương thơm ngan ngát… Nơi đây những làn hơi mang sự sống trường sinh làm dễ chịu cho khứu giác. Nơi đây ánh sáng luôn luôn chiếu sáng, bầu trời không gợn chút mây đen và cặp mắt vui hưởng ngày trường cửu không hề bị che phủ bởi bóng đêm… Nơi đây không có gì làm cho niềm vui bị xáo trộn, không phải buồn phiền âu lo, tuyệt đối không, không có gì xảy đến làm xáo trộn sự an bình”[8].

Văn sĩ Papias còn đẩy sự diễn tả của ông đến mức huyền hoặc (fantasmagorie):“‘Vườn địa đàng’ có những cây nho sẽ mang mười ngàn gốc, mỗi gốc có mười ngàn nhánh, mỗi nhánh sinh ra mười ngàn chùm và mỗi chùm gồm mười ngàn trái” (Les vigne porteront dix mille ceps, chaque cep dix mille branches, chaque branche dix mille grappes, chaque grappe dix mille grains de raisin)[9].

Cũng có câu chuyện đan tu kể lại một đan sĩ đi lạc vào cõi thần tiên. Ông nghe tiếng chim hót thánh thót mà thưởng thức lắng nghe cách say mê quên cả thời gian. Khi về lại đan viện người ta không nhận ra ông là ai, và chỉ nói rằng cách đây mấy chục năm có một đan sĩ tên gọi như thế đi lạc trong rừng và không thấy trở về nữa. Thế ra, Vườn địa đàng hạ giới vui thú tốt đẹp làm cho người ta quên cả thời gian và vượt ra ngoài vòng sinh tử.

2. Thiên Chúa tạo dựng

2.1. Hai trình thuật tạo dựng

Ba chương đầu của sách Sáng thế ký có hai trình thuật về sự tạo thành. Trình thuật thứ nhất gợi lên Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong sáu ngày (St 1,1 – 2,4a). Trình thuật thứ hai kể lại sự xuất hiện của người nam và người nữ. Sự bất tuân của họ đã làm cho họ bị đuổi ra khỏi Vườn địa đàng (St 2,4b – 3,24)[10].

Chắc chắn trình thuật về tạo dựng không dựa trên nhãn quan của các nhà khoa học, nhưng đúng hơn có tính suy tư triết lý. Đây chính là sự suy tư cơ bản về vũ trụ và con người trong mối tương quan với nhau và với Thiên Chúa. Sự suy tư này được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm lịch sử của dân Israel: sự giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập giúp họ khám phá ra Ngài là Đấng ban sự sống và tự do. Kinh nghiệm về Giao ước gợi lên ý tưởng Ngài muốn liên lạc với họ để thông chia hạnh phúc của Ngài. Còn việc Chúa ban Đất hứa rõ ràng nói lên Ngài trung tín với lời đã hứa. Sự khám phá ra những ưu phẩm của Thiên Chúa qua kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Israel được phóng chiếu lên chiều kích toàn thể của vũ trụ và con người trong hai trình thuật sáng tạo[11].

2.2. Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa

Trong chương một, sách Sáng thế ký trình thuật tạo dựng đạt đến tột đỉnh của nó với biến cố Thiên Chúa tạo dựng nên con người và đặt nó làm chủ công trình của Ngài. Thánh vịnh 8 dâng lời chúc tụng:

“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân.”

Trong sách Sáng Thế ký, chương hai, vai trò của con người có hơi khác: trước tiên được tạo dựng con người trong hoang mạc, sau đó Thiên Chúa dựng thêm các điều khác nữa: Vườn địa đàng, thảo mộc, thú vật và người đàn bà. Trong trình thuật này, vai trò con người được đặt vào vị trí trung tâm.

Căn cứ vào hai bản văn trên, người ta có thể nói rằng con người được dựng nên theo giống hình ảnh của Thiên Chúa qua sự làm chủ thế giới.

3. Thiên Chúa cai quản thế giới

Nhưng Thiên Chúa cai trị thế giới như thế nào? Theo cách thức làm sao? Để theo đó con người cai quản thế giới theo đúng ý muốn của Ngài. Hành động tuỳ theo chủ thể. Thiên Chúa vốn được định nghĩa là tình yêu (1Ga 4,7), nên Ngài quản trị tạo vật một cách yêu thương.

Chúng ta trở lại với hình ảnh của Chúa được diễn tả trong trình thuật tạo dựng để biết rõ Ngài hơn. Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,1-2). Trái đất được bao phủ bởi bóng tối hỗn mang, chưa có sự sống. Nhưng Thiên Chúa bắt đầu chế ngự khối hỗn độn chưa có sự sống, khi đặt cho chúng một giới hạn để tạo ra những điều kiện mang lại sự sống: Ngài phân rẽ ánh sáng và bóng tối (St 1,4), phân rẽ khối lộn xộn của nước thành nước phía trên và phía dưới vòm trời (St 1,6-7). Nước dưới vòm trời dồn lại một chỗ thành biển cả và mặt đất lộ ra. Như thế những yếu tố tiêu cực không bị phá huỷ, nhưng được làm chủ bởi sức mạnh dịu dàng của Lời Chúa[12]. Đối với Đấng Tạo Hóa, trật tự hài hoà là dấu chỉ của sự làm chủ dịu dàng của Ngài trên thế giới hỗn mang.

Cuối cùng, sau khi tạo dựng vũ trụ, Chúa nghỉ ngơi. Đây là điều đáng chú ý. Sự dừng tay của Người là dấu chỉ nói lên Người làm chủ sức mạnh của mình để mở ra cho tạo vật, nhất là cho con người, một không gian để sinh sống. Khi làm chủ sức mạnh, Thiên Chúa mặc khải sự dịu dàng đích thực của Ngài và đề ra một con đường sống, để con người theo đó mà làm chủ trái đất. Đó là sự làm chủ một cách hoà bình và dịu dàng. Một câu châm ngôn của người Do Thái: “Dưới cặp mắt của Đấng Tạo Hóa sự bình an thì quan trọng như sự hiện hữu của vũ trụ”[13]. Sau này Đức Giêsu sẽ nói lên: “Phúc thay ai hiền lành thì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Sự hiền lành và bình an chính là đặc điểm của Vườn địa đàng.

4. Chế độ dinh dưỡng của người trong Vườn địa đàng

Sau lệnh truyền con người làm chủ cá biển chim trời và mọi thú vật trên mặt đất, Thiên Chúa đề ra thức ăn cho con người: các loại hạt và trái cây. Thức ăn của họ hoàn toàn là thực vật, không hề có chút gì là động vật. Đây là một mệnh lệnh, nên có tầm quan trọng đặc biệt và nhất là có liên quan đến vấn đề làm chủ của con người trên trái đất. Quả thật, nếu Thiên Chúa ban cho con người một bản thực đơn hoàn toàn là thảo mộc (végétarien) sau khi truyền cho họ làm chủ thú vật, điều này nói lên con người có thể khuất phục mà không cần phải giết hại và bạo hành đối với chúng (Sans lui fare violence).

Vấn đề không ăn thịt động vật hàm chứa một ẩn ngữ (énigme): con người hãy noi theo Đấng Tạo Hóa để làm chủ sức mạnh của mình và biết tự giới hạn. Một sự làm chủ như thế mang tính hiền hoà khi dành cho các loài vật một không gian để sống. Chắc chắn thực đơn “chay kiêng” này đặt nặng trên giá trị biểu tượng: nó nói lên mối tương quan hoà hợp và hoà bình với thiên nhiên. Đằng sau dấu chỉ này, còn nói lên một khát vọng về một thế giới hoà bình, một sự sống chung trong yêu thương, và con người có thể nhường nhịn nhau để tạo nên một không gian sống và từ bỏ ảo vọng toàn trị toàn năng của mình để đi vào trong giao ước với người khác, với thiên nhiên và với Thiên Chúa. Một khi hành động như thế, con người thực hiện hình ảnh của một Thiên Chúa hiền lành và yêu thương một cách đích thực ở nơi mình[14].

5. Xấu hổ và không xấu hổ

Thánh vịnh 1 nói về con người hạnh phúc và thành công vì họ đang đi trên con đường dẫn đến sự sống. Đây là con đường đi theo lề luật và huấn điều của Thiên Chúa. Lề luật đầu tiên: “Trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Bản Kinh Thánh Giêrusalem, chú thích: Sự hiểu biết là một độc quyền mà Thiên Chúa dành riêng cho Ngài, và do tội lỗi con người đã chiếm đoạt nó. Sự hiểu biết nói ở đây là khả năng tự mình quyết định điều gì là tốt, điều gì là xấu và hành động theo sự quyết định đó. Nói một cách chính xác, đây là sự tự do quyết định về mặt luân lý (l’autonomie morale): Con người muốn ăn trái cây biết điều thiện điều ác nghĩa là muốn độc lập về phương diện luân lý. Hành động bất tuân và kiêu căng này làm cho họ phải chịu hình phạt đã được cảnh báo trước: bị đuổi ra Vườn địa đàng, xa cây sự sống và sẽ phải chết sau khi trải qua cuộc đời lao nhọc. Nói tóm lại, Đấng Tạo Hóa giữ chìa khóa của điều thiện điều ác, và con người nếu muốn sống (trong Vườn địa đàng) thì phải vâng phục Ngài. 

Khi nghĩ đến Tội Nguyên Tổ, người ta thường qui gán nguyên nhân cho con rắn quỷ quyệt cám dỗ ông bà Nguyên Tổ phạm tội. Chính y đã gợi lên rằng: Thiên Chúa cao hơn con người do bởi sự nhận biết điều thiện điều ác, Ngài không muốn cho con người được giống như Ngài… Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói như thế, chỉ có con rắn làm cho con người tin rằng sự nhận biết này là độc quyền của Thiên Chúa và Ngài lấy cái chết hù doạ con người, để họ luôn luôn phải ở dưới quyền của Ngài. Con rắn mưu mô, một cách nào đó đã xuyên tạc Lời Chúa. Ngài chỉ nói: “Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn, nhưng cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi phải chết” (St 2,16-17). Lệnh truyền này gồm hai điều: ban hồng ân và đặt một giới hạn. Con rắn thì đảo lộn thứ tự, bắt đầu bằng giới hạn và phớt lờ đi hồng ân: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn phải không?”. Để nhận ra ý đồ đen tối của con rắn, chúng ta khởi đi từ hồng ân mà Chúa ban cho con người: hồng ân Vườn địa đàng với tất cả mọi thứ cây mang trái để ăn, ngay cả cây trường sinh. Nói cách khác, đó là hồng ân của sự sống. Cùng với hồng ân này Thiên Chúa đưa ra một giới hạn: không được ăn trái cây biết lành biết dữ. Thông thường người ta coi giới hạn này như là một lệnh cấm và nếu vi phạm, con người sẽ phải chết. Đó là cái nhìn tiêu cực về lệnh truyền của Chúa. Còn có một cái nhìn tích cực về nó. Thiết tưởng cái nhìn tích cực này làm rõ nét bản chất yêu thương của Chúa: vì yêu thương và với tư cách là người Cha, Ngài cảnh báo con cái để bảo vệ nó khỏi cái chết, và đừng nên tham lam thái quá muốn chiếm đoạt mọi thứ cho riêng mình. Nếu làm như thế là tự khép kín tâm hồn và do đó giết chết mối tương quan. Thế mà sự tương quan, trong Kinh Thánh cũng như trong đời thường là yếu tố đem lại sự sống. Sự giới hạn, cũng như ân ban, là hướng tới sự sống và mở ra cho sự liên lạc. Sự giới hạn này không phải là sự thất vọng, nhưng là khả năng để có thể nhận biết và vui vẻ đón nhận sự khác biệt của người khác, và chấp nhận giới hạn của riêng bản thân mình. Đây là chìa khoá mở ra cho sự tương giao giữa Thiên Chúa với con người và thiên nhiên.

Khi tin vào lời phỉnh gạt của con rắn, con người vượt giới hạn và không muốn chấp nhận giới hạn của mình theo như lời Chúa đã khuyên bảo. Khi hái “trái cấm” mà ăn là họ khép lại cánh cửa mở ra cho sự sống. Lúc đó mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng. Khi chưa phạm tội, họ trần truồng mà không thấy xấu hổ. Nhưng sau khi đã phạm tội, họ thấy mình trần truồng và đương nhiên kèm theo sự xấu hổ.

Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích về sự xấu hổ: “Bao lâu tội và sự bất tuân chưa xảy ra, Nguyên Tổ được bao phủ bởi vinh quang bởi Trời Cao, bởi vậy, chưa có căn cớ để làm cho họ xấu hổ. Nhưng sau khi lỗi phạm lệnh cấm liền xảy đến cả hai sự: thấy mình trần truồng và xấu hổ”[15].

6. Bảo vệ sự thánh thiện của Vườn địa đàng

Như đã nói trong phần nhập đề, canh giữ Vườn địa đàng là gìn giữ, bảo vệ để đừng đánh mất nó vì tội lỗi. Đây là khía cạnh tiêu cực. Khía cạnh tích cực là gìn giữ nó trong sự thánh thiện: sự thánh thiện của nơi Thiên Chúa làm ngai ngự trị[16]. Trong Cựu Ước, ý niệm thánh thiện có tương quan với ý niệm tách biệt, dành riêng. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất, vì Người là Đấng tách biệt hoàn toàn ra khỏi mọi thụ tạo. Người là Đấng Toàn Năng sáng tạo vạn vật từ hư không. Không có thụ tạo nào có khả năng này. Việc tạo dựng là dành riêng cho Thiên Chúa. Thụ tạo chỉ là thánh khi tham dự vào tính chất thánh thiêng của Thiên Chúa, hay có sự hiện diện của Người. Chẳng hạn như đất mà ông Môse đặt chân đến, đất là thánh thiện vì có sự thần hiện của Thiên Chúa.

Theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể nói thế giới tạo thành là thánh thiêng. Bởi vì, nó nói lên quyền năng của Thiên Chúa. Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Giáo hoàng Phanxicô trích lại lời của Hội đồng Giám mục Brazin: “Thiên nhiên như là một tổng thể không những bày tỏ về Thiên Chúa mà còn là một ngai toà cho sự hiện diện của Ngài”[17]. Đức Giáo hoàng cũng trưng lời của thánh Tôma Aquinô nói về sự thánh thiêng của Thiên Chúa biểu lộ ra qua sự đa dạng của tạo vật, để “điều gì nơi một thụ tạo còn thiếu để bày tỏ sự thánh thiêng thì sẽ được bổ sung bởi một thụ tạo khác”[18]. Còn Linh mục Linh Xuân Vũ nêu lên sự “thánh thiêng”, tức là quyền năng của Thiên Chúa: “Vũ trụ này thật mênh mông đến chóng mặt, vì các nhà khoa học đã bình luận rằng: trong không gian có nhiều tinh tú hơn là tổng số những hạt cát của tất cả các bãi biển trên mặt địa cầu. Để đi đến ngôi sao gần chúng ta nhất, phải đi mất 4 năm và 80 ngày ánh sáng”[19]. Có những ngôi sao cách chúng ta hàng tỷ và có khi hàng chục tỷ năm ánh sáng. Còn “mỗi vật trong thiên nhiên đều là một tác phẩm của nghệ thuật thượng đẳng. Bạn có thể nói rằng mỗi vật ấy là một phép lạ. Quả đúng vậy, những văn sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ đã từng cố gắng diễn đạt lại vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng những công trình nghệ thuật của họ so với ‘bản gốc’ chỉ như công việc thô tháp, vụng về của các em bé vườn trẻ khi đem so sánh với các công trình của bậc đại sư nghệ thuật”[20].

Thánh Bênađô, một nhà chiêm niệm cho rằng ngài học được nơi thiên nhiên nhiều hơn là nơi sách vở. Thomas Merton đã viết: “Thế giới thiên nhiên đã được ban cho loài người như là khung cửa sổ trong suốt, qua đó ánh quang của Thiên Chúa chiếu dọi vào trong linh hồn con người. Mặt trời và mặt trăng, ngày và đêm, mưa rơi, biển cả, mùa màng, cây lá trổ bông, tất cả những vật này đều trong suốt. Chúng nói với con người không phải về bản thân chúng nhưng là về Đấng đã sáng tạo nên chúng”[21].

Cũng trong Thông điệp Laudato Si’, việc gìn giữ sự thánh thiêng của thiên nhiên, không có gì khác hơn là tôn trọng mối tương quan giữa con người với môi trường, giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa[22]. Con người hãy khiêm tốn trở về với vai trò của mình như là người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, và không bao giờ đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, để kích động một cuộc nổi loạn của thiên nhiên[23].

Kết luận

Vườn địa đàng nguyên thuỷ đã bị đánh mất do tội lỗi của con người khi họ “ăn” trái cấm, có nghĩa là muốn chiếm lấy tất cả mọi sự để làm của riêng mình (St 3,6). Khi muốn có tất cả, họ đã đánh mất các mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên. Từ đó những mối tương quan này mang tính chất bạo lực. Khi muốn có tất cả, con người mở cửa cho bạo lực, làm xói mòn sự hiệp nhất và hoà bình, vì đó là những yếu tố của Vườn địa đàng đích thực.

Khi chép lại câu chuyện này, chắc hẳn thánh ký không muốn làm cho con người thất vọng khi đánh mất Vườn địa đàng, nhưng chỉ muốn vạch mặt chỉ tên con đường dẫn đến sự chết và giới thiệu một con đường đưa đến sự sống. Con đường ấy là con đường hoán cải. Hoán cải là trở về với Thiên Chúa, hoà giải với thiên nhiên: “Hoà bình, công lý và sự bảo tồn tạo thành, là ba chủ đề tuyệt đối liên hệ với nhau… Nếu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay là dấu hiệu bên ngoài của cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hoá và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể giả vờ chữa lành mối tương quan với thiên nhiên và môi trường mà không chữa lành tất cả các mối tương quan nhân loại nền tảng”, hay nói khác đi: “Mối tương quan của chúng ta với môi trường không thể bị cô lập khỏi mối tương quan của chúng ta với những người khác và với Thiên Chúa”[24].

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong bài giảng khai mạc sứ vụ thánh Phêrô, ngày 24.4.2005, đã nói: “Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la”. Nói khác đi, con người ngày càng vô tâm với Thiên Chúa, tha nhân và thiên nhiên, nên càng ngày càng làm tổn hại cho Vườn địa đàng.

Ngôn sứ Isaia loan báo Thiên Chúa sẽ cứu độ trần gian bởi Hoàng Tử bình an. Vị Hoàng Tử ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Khi Ngài trải qua sự chết, sống lại và được tôn vinh bên hữu Chúa Cha là lúc Thiên đàng bắt đầu mở cửa cho con người được vào, vì Đầu ở đâu thì các Chi thể ở đó[25].

Không riêng gì con người, toàn thể tạo vật cũng đang rên siết mong chờ ngày được giải thoát khỏi cảnh hư nát, mà cũng được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,20-22).

Ngôn sứ Isaia diễn tả cảnh thái hoà thời cánh chung với những hình ảnh đầy thi vị:

“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò[26]. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,6-9).

Đây chính là ước vọng tìm lại khung cảnh an hòa của Vườn địa đàng nguyên thuỷ. Nhưng Hoàng Tử bình an muốn dạy con người đến thẳng Thiên đàng để họ hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong sự kết hợp với Thiên Chúa và hoà bình với tha nhân.

[1] Super Gen. Ad lit., VIII.

[2] Tổng luận Thần học, I, Q.102.

[3] Id. a. 2.

[4] x. Tổng luận Thần học, I, Q.102. A.III

[5] x. Thomas Merton, Zen and the Bird of appetite, p.116, cit. in The Paradise Man according to Thomas Merton by Linh Xuan Vu, Bản dịch tiếng Việt 2017, tr 16.

[6] Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, Eden.

[7] x. Letter to Diognetus 12.2, Ancient Christian Commentary on Scripture, T.1, Old Testamant, p.55.

[8] Règle du maitre 10, 94-101; ed. Et trad. A. de Vogüé, SC 105, 1964, p.440-441.

[9] Irinée, Adversus haereses, V.33,3-4 ; SC 153, 1969, p.414-416.

[10] Hai đoạn văn này được viết lên trong các thời điểm khác nhau. Bản văn thứ nhất được gọi là bản E (vì gọi Thiên Chúa là Elohim) xuất hiện vào khoảng Thế kỷ VI TCN. Bản văn thứ hai có trước bản thứ nhất vài thế kỷ (M. Vervenne, “genesis 1,1 – 2,4. The compositional Texture of the Priesly Overture to the Pentateuch”, p.55.64)

[11] André Wénin, l’homme biblique, éd. Du cerf, Paris, 2004, p.36

[12] Ils sont maîtrisés par la douce puissance de la Parole divine, André Wénin, op. cit. P.43.

[13] Midrash Sifré sur Nb 7, 26, cit. in André Ménin, op. cit, p.44.

[14] P. Beauchamp, “Création et fondation de la loi”, p.140-149, cit. in André Wénin, op. cit. p.43.

[15] Ancient Christian Commentary on Scripture, T.1, Old Testamant, p.72.

[16] Nouveau Commentaire Biblique, éd. Emmaus, 1978, p.88.

[17] Thông điệp Laudato Si’, số 88.

[18] Tổng luận Thần học, I, q.47. art.1.

[19] 1 giây ánh sáng = 300.000 km; 1 năm ánh sáng = 300.000 x 60 x 60 x 24 x 365 = 9,460,800,000,000 km.

[20] Linh Xuân Vũ, Người Cõi Địa Đàng, Bản dịch của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước, 2017, tr 73-76.

[21] Thomas Merton, Bread in The Wildeness, p.50, cit. in Linh Xuan Vu, op. P.82.

[22] Thông điệp Laudato Si’, số 119.

[23] x. Thông điệp Laudato Si’, số 117.

[24] Thông điệp Laudato Si’, số 119.

[25] Jesus le Christ, Paris, 1976, p.228.

[26] Theo Isaia, trong thời cánh chung những con thú độc ác ăn thịt (carnivore) sẽ ăn rơm cỏ như những có thú hiền lành ăn thảo mộc (végétarien), để không giết hại lẫn nhau và sống chung hoà bình. Những con thú có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng là những con người hiền lành (chiên, dê, bò cái) hay những con người độc ác (rắn hổ mang, sư tử, gấu) (x. Tv 22,13.14.17)

Từ khóa » Chốn địa đàng Là Gì