>>>> Bản tin số 252 (pdf) >>>> Vương quốc Bỉ và triết lý tự do nghiên cứu (pdf) Sự bí ẩn quí giá Có nhiều nhận định cho rằng, Bỉ có nhiều bí mật được giữ kín nhất tại châu Âu. Với vẻ bề ngoài, nét đẹp và sự đa dạng của các danh lam thắng cảnh, những toà nhà lịch sử cũng như tâm tính của con người ở đây, Vương quốc Bỉ là một quốc gia thâm trầm mà gần gũi và là một nơi có nhiều nét cuốn hút đặc sắc Vương quốc Bỉ có chung biên giới với Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan với ba vùng địa lý chính là đồng bằng ven biển ở phía tây bắc và cao nguyên trung tâm đều thuộc về Châu thổ Anglo-Belgian; các vùng đất cao Ardennes ở phía đông nam là một phần của vành đai kiến tạo Hercynian. Châu thổ Paris chiếm một phần tư diện tích mũi cực nam nhỏ của Bỉ, Lorraine Bỉ. Nếu có dịp khám phá đất nước tươi đẹp này, chúng ta dễ dàng nhận thấy vùng đồng bằng ven biển chủ yếu gồm các đụn cát và đất lấn biển. Sâu hơn phía trong lục địa là vùng đất cao dần lên được tưới tiêu bởi nhiều kênh rạch, với các thung lũng màu mỡ và đồng bằng cát phía đông bắc của Campine (Kempen). Những quả đồi nhiều cây, các cao nguyên Ardennes gồ ghề và nhiều đá hơn với những hang động và các hẽm núi nhỏ, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật hoang dã. Kéo dài về phía tây tới Pháp, vùng này kết nối ở phía đông với Eifel tại Đức nhờ cao nguyên High Fens, tại đây Signal de Botrange là đỉnh cao nhất nước với 694 mét. Thủ đô của Vương quốc Bỉ là Brussels và cũng là thành phố lớn nhất nước này. Khác với nhiều nước châu Âu khác, Brussels luôn tràn ngập cây xanh. Nhìn từ trên cao, những không gian xanh mướt của Brussels trông như những cánh rừng, cây cối xanh tươi và xum xuê. Rừng nằm giữa thành phố, rừng tràn xuống những con đường đá bằng phẳng. Vương quốc Bỉ được biết đến như một đất nước của văn hóa và nghệ thuật, với những họa sỹ tài năng, truyền thống văn chương, truyện tranh, âm nhạc và kiến trúc xây dựng. Thành phố Brussels nổi tiếng với trường phái Art Nouveau (nghệ thuật mới), là quê hương của hai kiến trúc sư nổi tiếng Victor Horta và Paul Hankar. Đây là tác giả của hai tòa nhà theo phong cách Art Nouveau đầu tiên trên thế giới là khách sạn Tassel của Horta và nhà riêng của Hankar. Hơn 1.000 tòa nhà, từ những ngôi nhà riêng đến trường học, quán cà phê, cửa hàng được xây dựng theo phong cách Art Nouveau tại thành phố này vào những năm đầu thế kỷ 19. Hiện nay, còn khoảng 500 tòa nhà còn nguyên vẹn. Ít được biết đến hơn là những báu vật kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Đời sống văn hóa tinh thần của con người nơi đây luôn đậm đà bản sắc của một vùng giao lưu các dòng chảy văn hóa. Văn hoá dân gian đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá Bỉ. Nước này có số lượng khá lớn các lễ hội và các festival địa phương, luôn đi kèm với một bối cảnh thần thoại hay tôn giáo. Carnival of Binche với Gilles nổi tiếng và “Processional Giants and Dragons” Ath, Brussels, Dendermonde, Mechelen và Mons được UNESCO công nhận là Tuyệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Giáo dục làm nên sự thịnh vượng Nền giáo dục Bỉ có truyền thống lịch sử lâu đời, nổi tiếng khắp Châu Âu và thế giới về chất lượng. Giáo dục trên đất nước này bắt buộc từ sáu tới 16 tuổi đối với công dân Bỉ, nhiều người có thể tiếp tục học tới khi 23 tuổi. Trong số các quốc gia OECD năm 2002, Bỉ có tỷ lệ dân cư trong độ tuổi 18–21 theo học sau cấp hai cao nhất, ở mức 42%. Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế, được điều phối bởi OECD, hiện xếp hạng giáo dục Bỉ đứng hàng 19 thế giới, cao hơn nhiều so với mức độ trung bình của OECD. Hệ thống giáo dục của Bỉ được chia theo 2 cấp: phổ thông và đại học. Chính phủ Bỉ rất chú trọng đến giáo dục và tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính nên học phí ở đây là rất thấp so với một số nước như Anh, Mỹ. Hàng năm, Bỉ dành trên 40% nguồn vốn ODA cho giáo dục và Chính phủ Bỉ cấp trên 75 suất học bổng hợp tác song phương toàn phần du học tại Bỉ các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho sinh viênViệt Nam. Các trường đại học Bỉ đang khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục toàn cầu, thu hút lượng lớn sinh viên khắp thế giới đến theo học. Không chỉ nổi tiếng trong đào tạo, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế, những nhà khoa học đầu ngành trưởng thành tại các trung tâm học thuật danh tiếng của Bỉ. Hướng tới một xã hội tri thức, thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội thông qua phát triển khoa học công nghệ, bởi vậy, các trường đại học ở Bỉ giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống nghiên cứu và chuyển giao những sáng chế cũng như kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống xã hội. Cùng với đó, các trường đại học còn đỡ đầu cho sự ra đời của nhiều công ty công nghệ mới. Điều này thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn sản xuất. Đây có thể nói là cơ sở và cũng là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở đây cũng được xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn đầu tư của cả tư nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Các mô hình hợp tác trường đại học - doanh nghiệp có vai trò chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Doanh nghiệp tư là một đối tác ưu tiên để đại học có thể vừa tiếp tục nghiên cứu, nghiên cứu có ích cho cộng đồng và sản xuất. Các doanh nghiệp đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng sáng chế của các nhà khoa học. Có thể nói, Quĩ nghiên cứu khoa học quốc gia (FNRS) là trợ lực quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu tại Bỉ và hoạt động dựa trên triết lý Tự do nghiên cứu - La liberté de chercher. Một trong những mục tiêu của quĩ là tài trợ cho những tài năng trẻ (thông qua trả lương cho các nhà khoa học, trao các giải thưởng khoa học...). Đồng thời, tạo nên một không gian gặp gỡ cho các giáo sư,nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi những vấn đề nghiên cứu mới. 10 công dân Bỉ đã được trao giải thưởng Nobel, trong đó có 4 giải Nobel Hòa bình. FNRS không giống Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), mà gần với Quĩ Nghiên cứu Quốc gia Mỹ (NRF) hơn vì nó độc lập với các cơ quan nhà nước. |