Vượt Qua “nỗi Sợ Kính Ngữ”! Hãy Nhớ Kính Ngữ Như Thế Này!

 【Collaboration blog】

Nếu được hỏi “Khi học tiếng Nhật thì cái gì khó nhất?”, có lẽ đa phần người nước ngoài sẽ trả lời là: “Kính ngữ!”. Mình cũng vậy. Kính ngữ vừa nhiều vừa phức tạp nhỉ. Hơn nữa, chúng mình thường dùng kính ngữ với “người trên” nên mình luôn phải “căng não” suy nghĩ xem kính ngữ mà mình dùng có đúng hay không. Nếu các bạn muốn “vượt qua nỗi sợ kính ngữ” thì hãy tham khảo bài viết này để học cách ghi nhớ và sử dụng kính ngữ chính xác nhé!

Các loại kính ngữ

Vậy bản chất kính ngữ là gì? Kính ngữ thực ra chỉ là những cách nói được dùng để bày tỏ “thái độ tôn trọng đối phương”. Kính ngữ gồm 3 loại chính sau đây.

Tôn kính ngữ (Sonkeigo)
Được dùng để mô tả hành động của đối phương, nhằm mục đích tôn cao vị thế của họ. Chủ ngữ thường là người trên.
Khiêm nhường ngữ (Kenjogo)
Được dùng để mô tả hành động của bản thân, nhằm mục đích hạ thấp mình và nâng cao vị thế đối phương. Chủ ngữ thường là bản thân hoặc người cùng nhóm người với mình.
Từ ngữ lịch sự (Teineigo)
Là cách nói lịch sự để thể hiện sự tôn trọng đối phương. So với tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, từ ngữ lịch sự chỉ thể hiện một chút thái độ tôn trọng.

Chú ý tới người thực hiện hành động (誰が) và đối tượng mà hành động hướng tới (誰に)

Kể cả có thuộc lòng các loại kính ngữ thì chúng ta cũng tốn kha khá thời gian để có thể phân biệt và sử dụng thành thạo. Vì vậy, khi dùng kính ngữ, đầu tiên, bạn hãy xác định ai là người thực hiện hành động và đối tượng mà hành động hướng tới. Nói cách khác, hãy trả lời hai câu hỏi:「だれが?」(Chủ ngữ là ai?) và「だれに?」(Hành động hướng tới ai?). Chúng ta cùng xem các ví dụ cụ thể nhé.

【Ví dụ】

✕ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」と言いました。 ◎ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」とおっしゃいました。

→→ Chủ ngữ của「言いました」(=だれが)là giám đốc (người trên). Vì vậy, chúng ta sẽ chuyển「言いました」sang tôn kính ngữ.

・ Kính ngữ của「言う」:「おっしゃる」 ・ Dạng quá khứ của「おっしゃる」:「おっしゃった」 ・ Cách nói lịch sự của「おっしゃった」:「おっしゃいました」

【Ví dụ】

✕ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と言いました。 ◎ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と申し上げました。

→→ Chủ ngữ của「言いました」là “tôi” (người nói) và đối tượng hướng đến là giám đốc. Nói cách khác,「言いました」là hành động của người nói, hướng tới đối tượng là người trên nên「言いました」cần được chuyển sang tôn kính ngữ.

・ Tôn kính ngữ của「言う」:「申し上げる」 ・ Dạng quá khứ của「申し上げる」:「申し上げた」 ・ Cách nói lịch sự của「申し上げた」:「申し上げました」

Các cách nói「おっしゃいました」,「申し上げました」và「言いました」tưởng giống mà lại khác nhau hoàn toàn nhỉ! Chúng ta phải nhớ từng cách sử dụng riêng, khó ghê!

Các lỗi kính ngữ mà người nước ngoài thường mắc phải

Ở phần này, mình sẽ giới thiệu những lỗi kính ngữ mà người nước ngoài chúng mình hay mắc phải. Các bạn có thấy các câu trả lời ở dưới có điểm chưa hợp lý không? Cùng suy nghĩ nhé!

【Tìm lỗi sai】

Đối phương: あなたの弟さんはどこに住んでいますか?Mình: 私の弟さんは名古屋に住んでいます。

(Câu đúng) 私の弟は名古屋に住んでいます。

(Giải thích) Đối phương dùng cách gọi「弟さん」để thể hiện sự tôn trọng với người nghe (tôi) và em trai của người nghe. Tuy nhiên, “mình” không được thêm「さん」 vào sau cách gọi những người thân của mình. Đây chính là một trong những lỗi mà người nước ngoài hay gặp nhất!

【Tìm lỗi sai】

Một đối tác đã đến công ty của mình và hỏi như sau.

Đối phương: こんにちは。社長さんはいらっしゃいますか?Mình: いらっしゃいません。あいにく、社長さんは外出しておられます。

(Câu đúng) おりません。あいにく、社長は外出しております。

(Giải thích) 「外出しておられます」là tôn kính ngữ của「外出しています」. Do chủ ngữ là giám đốc – người trên, nên chắc sẽ có nhiều bạn nghĩ mình nên sử dụng tôn kính ngữ để mô tả hành động「外出する」. Tuy nhiên, trong trường hợp trả lời người không thuộc công ty của mình, cách suy nghĩ này là sai. Lí do là vì người ở ngoài công ty cần được đưa lên vị thế cao hơn mình và những người thuộc công ty mình. Bên cạnh đó, việc dùng cách gọi「さん」cho giám đốc (người trong công ty) cũng là không chính xác.

【Tìm lỗi sai】

Một vị khách đã tới cửa hàng mình làm việc và hỏi “Chủ cửa hàng có ở đây không?”. Mình đã mời vị khách đó ngồi và đi thông báo cho chủ cửa hàng biết.

Mình: お客様が参りました。(お客様は)あちらでお待ちしています。

(Câu đúng) お客様がいらっしゃいました。(お客様は)あちらでお待ちになっています。

(Giải thích) Vì chủ ngữ của「来ました」là「お客様」nên chúng ta cần chuyển「来ました」thành「いらっしゃいました」.「参りました」là khiêm nhường ngữ của「来ました」. Khiêm nhường ngữ chỉ được dùng trong trường hợp chủ ngữ là người thân hoặc thuộc cùng một nhóm người với mình. Nếu sử dụng khiêm nhường ngữ để mô tả hành động của khách thì sẽ bị cho là thất lễ đó!

【Tìm lỗi sai】

Mình đến thăm khách hàng/đối tác và được mời ăn bánh ngọt. Sau đó, mình kể lại việc đó cho sếp khi đã quay trở lại công ty.

Mình: 私はケーキを召し上がりました。とてもおいしかったです。

(Câu đúng) 私はケーキをいただきました。とてもおいしかったです。

(Giải thích) Ở đây, chủ ngữ của hành động ăn bánh chính là “mình”. Do chủ ngữ là “mình” nên「食べました」cần được chuyển thành khiêm nhường ngữ「いただきました」. 「召し上がる」là tôn kính ngữ của「食べる」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé!

【Tìm lỗi sai】

Đối tác: 私がお渡しした資料の動画をご覧になりましたか? Mình: はい、いただいた資料の動画をご覧になりました。

(Câu đúng) はい、いただいた資料の動画を拝見しました。

(Giải thích) Do chủ ngữ của「見ました」là “mình” nên chúng ta cần sử dụng khiêm nhường ngữ của 「見ました」là「拝見しました」. 「ご覧になりました」là tôn kính ngữ của「見ました」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé!

3 bí quyết để dùng kính ngữ chính xác

Vậy thì, để tránh sai kính ngữ, chúng ta cần lưu ý những điểm gì? 3 bí quyết sau đây sẽ giúp bạn dùng kính ngữ một cách thuần thục.

① Luôn xác định chủ ngữ

Nguyên nhân lớn nhất của việc dùng sai kính ngữ là do người nói không xác định chính xác chủ ngữ của câu. Chỉ cần trả lời câu hỏi “Người thực hiện hành động đó là ai?”, các bạn sẽ biết ngay chủ ngữ của câu đó thôi. Sau khi xác định được chủ ngữ rồi, hãy áp dụng các quy tắc sau để giảm lỗi sai kính ngữ nhé!

・ Khi chủ ngữ là đối phương hoặc người khác (đa phần là người trên) → Dùng tôn kính ngữ ・ Khi chủ ngữ là bản thân hoặc những người thân, cùng nhóm với mình →Dùng khiêm nhường ngữ

② Ghi nhớ các loại kính ngữ thường sử dụng

Việc lặp lại và ghi nhớ các câu kính ngữ hay dùng cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chú ý nghe cách sử dụng kính ngữ của những người xung quanh (như ở nơi làm việc chẳng hạn). Việc này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cách dùng kính ngữ mình đã học đó!

Tôn kính ngữ Khiêm nhường ngữ
Cách nói đề cao đối phương một cách trực tiếp Cách nói đề cao đối phương bằng việc hạ thấp mình
Chủ ngữ Đa phần là người trên Bản thân mình hoặc những người xung quanh mình (gia đình, đồng nghiệp, v.v.)
する なさる、される いたす、させていただく
言う おっしゃる、言われる 申す、申し上げる
行く 行かれる うかがう、参る
来る いらっしゃる、来られる、お越しになる 参る、うかがう
食べる 召し上がる、お食べになる いただく
見る ご覧になる 拝見する
読む お読みになる 拝読する
聞く お聞きになる 拝聴する、うかがう
会う お会いになる、会われる お目にかかる
帰る お帰りになる、帰られる おいとまする
会社 貴社、御社(おんしゃ) 弊社(へいしゃ)

③ “Tuyệt chiêu” tìm kiếm với Google

Có một phương pháp giúp bạn tra cứu cách dùng kính ngữ chính xác trên Google, bạn đã biết chưa? Ví dụ, bạn muốn kiểm tra câu「ご時間をいただきますでしょうか」có đúng hay không. Khi đó, hãy thêm dấu ngoặc kép “ ” ở đầu và cuối câu rồi thử tìm kiếm “お時間をいただきますでしょうか” trên Google xem sao nhé!

Ngay lập tức, câu “お時間をいただけますでしょうか” sẽ xuất hiện đằng sau chữ “Có phải bạn muốn tìm” (tiếng Nhật là「もしかして」). Thông thường, đề xuất này của Google sẽ là cách nói đúng.

Tổng kết

Nguyên tắc khi sử dụng kính ngữ là xác định người thực hiện hành động (chủ ngữ là ai?). Nếu chủ ngữ là người trên thì dùng tôn kính ngữ, nếu chủ ngữ là mình hoặc người thân – cùng nhóm với mình thì dùng khiêm nhường ngữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi sử dụng kính ngữ là “Đối phương có cảm nhận được thái độ tôn trọng của mình không?”. Ví dụ, các câu như 「お召し上がりになってください」 và 「お伺いいたします」 đang mắc phải một lỗi sai được gọi là “lỗi lặp kính ngữ” (二重敬語). Tuy nhiên, cách nói này lại giúp thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn so với cách dùng kính ngữ chính xác (「召し上がってください」và「伺います」) nên lỗi lặp kính ngữ vẫn “được” rất nhiều người Nhật sử dụng.

Ngoài ra, những lúc không thể “bật ra” ngay câu sử dụng kính ngữ, các bạn cũng đừng nên suy nghĩ quá nhiều mà hãy sử dụng dạng「〜です」,「〜ます」quen thuộc nhé! Chúng ta nên ưu tiên hiệu quả của việc giao tiếp, còn cách dùng kính ngữ thì chúng ta có thể tra cứu sau và ghi nhớ dần dần mà!

Từ khóa » Khiêm Nhường Ngữ Nhóm 3